backup og meta

NCCEP

NCCEP

Tên hoạt chất: Cefpodoxim

Tên biệt dược: NCCEP

Tác dụng của thuốc NCCEP

Tác dụng của thuốc NCCEP là gì?

Thuốc NCCEP với hoạt chất chính là kháng sinh cefpodoxim được dùng dưới dạng uống để điều trị các bệnh từ nhẹ đến trung bình ở đường hô hấp dưới, kể cả viêm phổi cấp tính mắc phải ở cộng đồng, đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn.

Ngoài ra, thuốc NCCEP còn điều trị các nhiễm khuẩn nhẹ và vừa ở đường hô hấp trên (ví dụ như đau họng, viêm amidan). Cefpodoxim không phải là dược chất được lựa chọn ưu tiên mà đúng hơn là thuốc thay thế cho các thuốc điều trị chủ yếu (như penicillin). Cefpodoxim cũng đóng vai trò trong điều trị bệnh viêm tai giữa cấp.

Thuốc còn được dùng điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu thể nhẹ và vừa, chưa có biến chứng (viêm bàng quang) do các chủng nhạy cảm như E.coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis hay Staphylococcus saprophyticus.

Liều duy nhất với 200mg cefpodoxim được dùng để điều trị bệnh lậu cấp, chưa biến chứng, ở nội mạc tử cung hoặc hậu môn, bệnh lậu ở niệu đạo ở phụ nữ và nam giới.

Cefpodoxim cũng dùng để điều trị nhiễm khuẩn thể nhẹ đến vừa, chưa biến chứng ở da và các tổ chức da do Staphylococcus aureus có tạo ra hay không tạo ra penicillase và các chủng nhạy cảm của Staphylococcus pyogenes.

Liều dùng thuốc NCCEP

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc NCCEP cho người lớn như thế nào?

Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi:

  • Điều trị đợt kịch phát cấp tính của viêm phế quản mạn hoặc viêm phổi cấp tính thể nhẹ đến vừa mắc phải của cộng đồng: liều thường dùng là 200mg/lần, cứ mỗi 12 giờ uống một lần, trong 10 hoặc 14 ngày tương ứng.
  • Viêm họng và/hoặc viêm amidan thể nhẹ đến vừa hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu thể nhẹ/vừa chưa biến chứng: uống 100mg mỗi 12 giờ, trong 5–10 ngày hoặc 7 ngày tương ứng.
  • Đối với các nhiễm khuẩn da và các tổ chức da thể nhẹ và vừa chưa biến chứng: liều thường dùng là 400mg mỗi 12 giờ, trong 7–14 ngày.
  • Điều trị bệnh lậu niệu đạo chưa biến chứng ở nam, nữ và các bệnh lậu hậu môn – trực tràng và nội mạc cổ tử cung ở phụ nữ: dùng 1 liều duy nhất 200mg cefpodoxim, tiếp theo điều trị bằng doxycyclin uống để đề phòng có cả nhiễm Chlamydia.

Người suy thận:

  • Cần giảm liều tùy theo mức độ suy thận.
  • Người bệnh có độ thanh thải creatinin ít hơn 30ml/phút và không thẩm tách máu: uống liều thường dùng, cách nhau 24 giờ/lần.
  • Người bệnh đang thẩm tách máu: uống liều thường dùng 3 lần/tuần.

Liều dùng thuốc NCCEP cho trẻ em như thế nào?

Trẻ em 5 tháng – 12 tuổi:

  • Điều trị viêm tai giữa cấp: dùng liều 5mg/kg (tối đa 200mg) trong mỗi 12 giờ hoặc 10mg/kg (tối đa 400mg) mỗi ngày, dùng trong 10 ngày.
  • Điều trị viêm phế quản/viêm amidan thể nhẹ và vừa: liều thường dùng là 5mg/kg (tối đa 100mg) mỗi 12 giờ, trong 5–10 ngày.

Điều trị các bệnh nhiễm khuẩn khác:

  • Trẻ dưới 15 ngày tuổi: không nên dùng thuốc này;
  • Từ 15 ngày – 6 tháng tuổi: 8mg/kg/ngày, chia làm 2 lần;
  • Từ 6 tháng – 2 tuổi: 40mg/lần, ngày 2 lần;
  • Từ 3–8 tuổi: 80mg/lần, ngày 2 lần;
  • Trên 9 tuổi: 100mg/lần, ngày 2 lần.

Cách dùng thuốc NCCEP

Bạn nên dùng thuốc NCCEP như thế nào?

Bạn nên uống cả viên thuốc, không nhai, nghiền hay bẻ viên thuốc. Thuốc NCCEP chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, bạn không được tự ý sử dụng và phải dùng đủ liều đã được kê đơn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Bạn nên làm gì nếu quên một liều?

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Tác dụng phụ của thuốc NCCEP

Bạn có thể gặp phải tác dụng phụ nào khi dùng thuốc NCCEP?

Thường gặp:

  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng
  • Chung: đau đầu
  • Phản ứng dị ứng: phát ban, nổi mề đay, ngứa

Ít gặp:

  • Phản ứng dị ứng: phản ứng như bệnh huyết thanh với phát ban, sốt và đau khớp, phản ứng phản vệ
  • Da: ban đỏ đa dạng
  • Gan: rối loạn enzyme gan, viêm gan và vàng da ứ mật tạm thời

Hiếm gặp:

  • Máu: tăng bạch cầu ưa eosin, rối loạn về máu
  • Thận: viêm thận kẽ có hồi phục
  • Thần kinh trung ương: tăng hoạt động, bị kích động, khó ngủ, lú lẫn, tăng trương lực và chóng mặt hoa mắt

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi sử dụng thuốc, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo khi dùng thuốc NCCEP

Trước khi dùng thuốc NCCEP, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi điều trị bằng cefpodoxim, bạn cần được điều tra kỹ về tiền sử dị ứng với cephalosporin, penicillin hoặc các thuốc khác. Bạn cũng cần thận trọng khi sử dụng cho những người mẫn cảm với penicillin, thiểu năng thận và phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Lưu ý, không dùng thuốc NCCEP cho người bị dị ứng với cephalosporin và người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc NCCEP trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Chưa có tài liệu nào đề cập đến việc sử dụng cefpodoxim cho phụ nữ mang thai. Nếu muốn sử dụng, bạn cần hỏi ý kiến từ bác sĩ. Cefpodoxim có thể được tiết qua sữa mẹ với nồng độ thấp và thường gây ra 3 vấn đề với trẻ bú mẹ:

  • Rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột
  • Tác dụng trực tiếp đến cơ thể trẻ
  • Kết quả nuôi cấy vi khuẩn sẽ sai nếu phải làm kháng sinh đồ khi bị sốt

Vì vậy, bạn cần thận trọng khi muốn sử dụng thuốc NCCEP khi đang mang thai hoặc cho con bú.

Tương tác với thuốc NCCEP

Thuốc NCCEP có thể tương tác với những thuốc nào?

Thuốc NCCEP có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Quá trình hấp thu cefpodoxim giảm khi có chất chống axit, vì vậy bạn tránh dùng thuốc này cùng với các thuốc kháng axit.

Thuốc NCCEP có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc NCCEP?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc NCCEP

Bạn nên bảo quản thuốc NCCEP như thế nào?

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ dưới 30ºC, tránh ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay trẻ em.

Dạng bào chế của thuốc NCCEP

Thuốc NCCEP có dạng và hàm lượng như thế nào?

Thuốc NCCEP được sản xuất dưới dạng viên nén dài bao phim. Mỗi viên có chứa 200mg cefpodoxim.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cefpodoxime Tablets. https://www.drugs.com/cdi/cefpodoxime-tablets.html. Ngày truy cập 08/4/2019.

Cefpodoxime Proxetil. https://www.webmd.com/drugs/2/drug-8749/cefpodoxime-oral/details. Ngày truy cập 08/4/2019.

Cefpodoxime. https://www.everydayhealth.com/drugs/cefpodoxime. Ngày truy cập 08/4/2019.

Phiên bản hiện tại

31/12/2019

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Trẻ uống thuốc hạ sốt, sau 30 phút nhưng nhiệt độ vẫn chưa giảm thì phải làm gì?

HỎI ĐỂ KHỎE HƠN - Lưu ý khi sử dụng thuốc | Hello Bacsi x SANOFI


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 31/12/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo