backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Insulin

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 26/03/2021

Insulin

Tên gốc: Insulin

Phân nhóm: Hormone điều trị đái tháo đường

Tác dụng

Tác dụng của thuốc insulin là gì?

Insulin tự nhiên là một dạng hormone được các tế bào beta trong tuyến tụy tiết ra. Sau mỗi bữa ăn, các tế bào beta giải phóng insulin để giúp cơ thể sử dụng hoặc dự trữ lượng đường (glucose) đã dung nạp. Nếu lượng đường trong máu tăng cao hơn mức bình thường, insulin sẽ giúp cơ thể dự trữ đường ở tế bào gan dưới dạng glycogen. Do đó, insulin giúp cân bằng lượng đường trong máu sau các bữa ăn.

Có 4 loại thuốc tiêm insulin được dùng trong điều trị đái tháo đường, bao gồm:

  • Insulin tác dụng nhanh: Loại insulin này bắt đầu hoạt động khoảng 15 phút sau khi tiêm, đạt đỉnh sau khoảng 1 giờ và kéo dài tác dụng trong 2 – 4 giờ. Bạn nên tiêm insulin tác dụng nhanh trước bữa ăn và trước khi tiêm insulin tác dụng kéo dài. Những loại insulin tác dụng nhanh gồm: insulin glulisine, insulin lispro và insulin aspart.
  • Insulin tác dụng ngắn: Loại insulin này bắt đầu có tác dụng khoảng 30 phút sau khi tiêm, đạt đỉnh sau khoảng 2 – 3 giờ và có tác dụng kéo dài trong 3 – 6 giờ. Bạn nên tiêm insulin tác dụng ngắn trước bữa ăn và trước khi tiêm insulin tác dụng kéo dài.
  • Insulin tác dụng trung bình: Loại insulin này thường bắt đầu có tác dụng khoảng 2 – 4 giờ sau khi tiêm và đạt đỉnh khoảng 4 – 12 giờ sau đó. Tác dụng của dạng insulin này có thể kéo dài trong 12 – 18 giờ. Bạn nên sử dụng loại insulin này 2 lần một ngày kèm với insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn.
  • Insulin tác dụng kéo dài: Loại insulin này bắt đầu có tác dụng nhiều tiếng sau khi tiêm và đạt đỉnh sau khoảng 24 giờ. Nếu cần thiết, bạn nên sử dụng loại insulin này phối hợp với insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn. Những loại insulin tác dụng kéo dài gồm: Insulin detemir và insulin glargine.

Các tác dụng cụ thể của thuốc tiêm insulin gồm:

  • Điều trị bệnh tiểu đường có kèm theo một bệnh cấp tính khác, như nhiễm trùng nặng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
  • Điều trị cho người bệnh đái tháo đường suy thận nhưng không được dùng thuốc viên hạ glucose máu, người bị tổn thương gan
  • Phụ nữ mắc tiểu đường nhưng mang thai hoặc bị tiểu đường thai kỳ
  • Người điều trị không hiệu quả bằng các thuốc viên hạ glucose máu hoặc dị ứng với các thuốc này…

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Thuốc insulin có những dạng và hàm lượng nào?

Nhìn chung, insulin có thể được bào chế với dạng:

  • Ống tiêm
  • Bút tiêm
  • Bơm insulin
  • Ống hít insulin
  • Dạng phun.

Insulin dạng tiêm được sử dụng nhiều nhất. Trong khi đó, đường hít kém hiệu quả hơn đường tiêm.

Dạng dùng của thuốc insulin

Liều dùng thuốc tiêm tiểu đường insulin cho người lớn như thế nào?

Liều dùng dạng insulin tác dụng nhanh (insulin glulisine): 

Giới hạn tiêm cho phép là từ 0,5-1 IU/kg mỗi ngày.

Liều dùng dạng insulin tác dụng ngắn:

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Bạn tiêm liều khởi đầu 0,2-0,4 IU/kg mỗi ngày.
  • Bạn tiêm liều duy trì 0,5-1 IU/kg mỗi ngày. Đối với bệnh nhân đề kháng insulin (có thể do béo phì), liều cao hơn bình thường được khuyến cáo.

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 2, bạn nên tiêm liều khởi đầu 10 IU mỗi ngày (hoặc 0,1-0,2 IU/kg mỗi ngày).

Liều dùng dạng insulin tác dụng trung bình:

Nếu bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Giới hạn liều duy trì thông thường từ 0,5-1 IU/kg mỗi ngày.
  • Những người không béo phì thường dùng khoảng liều từ 0,4-0,6 IU/kg mỗi ngày.
  • Người béo phì dùng khoảng liều cao hơn từ 0,8-1,2 IU/kg mỗi ngày.

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 2, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Liều khởi đầu được khuyến cáo là 0,2 IU/kg mỗi ngày.
  • Buổi sáng bạn tiêm 2/3 tổng liều insulin, tỷ lệ insulin thường và insulin NPH là 1:2.
  • Buổi tối bạn tiêm 1/3 tổng liều insulin, tỷ lệ giữa insulin thường và insulin NPH là 1:1.

Liều dùng dạng insulin tác dụng kéo dài:

Nếu bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Bạn dùng liều khởi đầu bằng 1/3 tổng liều insulin, insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn hoặc insulin tiêm trước ăn nên được dùng để đáp ứng yêu cầu còn lại của lượng insulin mỗi ngày.
  • Giới hạn liều duy trì từ 0,5-1 IU/kg mỗi ngày chia thành nhiều liều; người không béo phì thường dùng từ 0,4-0,6 IU/kg mỗi ngày và người béo phì có thể dùng từ 0,6-1.2 IU/kg mỗi ngày.

Nếu bạn bị đái tháo đường tuýp 2, không kiểm soát được bằng các thuốc trị tiểu đường đường uống, bạn dùng liều 10 IU mỗi ngày (tương đương 0,1 -0,2 IU/kg mỗi ngày).

Liều dùng thuốc tiêm insulin cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng dạng insulin tác dụng nhanh:

  • An toàn và hiệu quả của insulin chưa được thiết lập ở trẻ dưới 4 tuổi.
  • Đối với trẻ từ 4 đến 17 tuổi, bạn cho trẻ dùng liều 0,8-1,2 IU/kg mỗi ngày.

Liều dùng dạng insulin tác dụng ngắn:

Nếu trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Bạn cho trẻ dùng liều khởi đầu 0,2-0,4 IU/kg mỗi ngày.
  • Bạn cho trẻ dùng liều duy trì 0,5-1 IU/kg mỗi ngày. Ở những bệnh nhi đề kháng insulin (ví dụ bệnh nhân bị béo phì), bạn cho trẻ dùng liều cao hơn.
  • Thanh thiếu niên có thể phải dùng liều cao hơn tới 1,5 mg/kg mỗi ngày trong giai đoạn dậy thì.
  • Tổng liều insulin thông thường mỗi ngày đối với trẻ chưa dậy thì thường dao động từ 0,7-1 IU/kg mỗi ngày nhưng không được thấp hơn nhiều.

Liều dùng dạng insulin tác dụng trung bình:

Nếu trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Đối với trẻ dưới 12 tuổi: an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được thiết lập.
  • Đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên, liều khuyến nghị cho trẻ là 0,5-1 IU/kg mỗi ngày; giới hạn liều duy trì thông thường đối với thanh thiếu niên trong giai đoạn tăng trưởng thường không quá 1,2 IU/kg mỗi ngày.

Liều dùng dạng insulin tác dụng kéo dài:

Nếu trẻ bị đái tháo đường tuýp 1, bạn nên chú ý những điều sau:

  • An toàn và hiệu quả của thuốc chưa được thiết lập đối với trẻ dưới 2 tuổi.
  • Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, bạn cho trẻ dùng liều khởi đầu bằng 1/3 tổng liều insulin, insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn hoặc insulin tiêm trước ăn nên được dùng để đáp ứng yêu cầu còn lại của lượng insulin mỗi ngày.
  • Giới hạn liều duy trì thông thường đối với thanh thiếu niên trong giai đoạn tăng trưởng thường không quá 1.2 IU/kg mỗi ngày.

Cách dùng

Bạn nên sử dụng thuốc tiêm insulin như thế nào?

Insulin có thể được sử dụng tại nhà, đa số là dưới dạng bút tiêm. Nếu bạn mới sử dụng bút lần đầu, hãy hỏi rõ bác sĩ về yêu cầu cũng như cách tiêm thuốc hiệu quả. Dưới đây là hướng dẫn chung về cách sử dụng bút tiêm insulin:

  • Nếu dùng bút mới, hãy lấy bút ra khỏi tủ lạnh 30 phút trước khi sử dụng. Sau đó, bạn kiểm tra ngày hết hạn cũng như nồng độ thuốc cần dùng.
  • Tiếp theo, bạn thay ống thuốc vào bút sử dụng nhiều lần. Bạn trộn đều thuốc bằng cách lăn nhẹ bút giữa hai lòng bàn tay. Đưa bút lên xuống cho đến khi ống insulin trong và mịn.
  • Sau khi đã chuẩn bị xong bút tiêm, rửa tay thật sạch
  • Tháo nắp bút và lau sạch phần đầu bằng cồn, sau đó gắn kim mới vào bút thật chắc chắn. Bạn tháo nắp kim và giữ lại phần nắp bên ngoài.
  • Xoay số trên bút đến đúng liều cần sử dụng và kiểm tra lại liều kỹ lưỡng trước khi tiêm
  • Làm sạch vùng cần tiêm bằng cồn và để khô tự nhiên. Lưu ý không nên tiêm vào các khu vực có vết thương hoặc bầm tím. Bạn hãy thường xuyên thay đổi vị trí tiêm để tránh bị sưng tấy hoặc nổi hạch.
  • Giữ bút tại vị trí cần tiêm, hãy đảm bảo làm theo đúng hướng dẫn trên bao bì.
  • Bạn nhấn nút trên bút, chờ 10 giây trước khi rút kim ra khỏi da. Dùng một miếng bông gòn ấn lên vết tiêm từ 5-10 giây, lưu ý không nên đè mạnh hoặc chà sát lên da.
  • Tháo kim tiêm khỏi bút và xử lý kim một cách an toàn. Đậy nắp bút tiêm lại để sử dụng ở những lần tiếp theo.

Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Một người bị quá liều insulin cần thực hiện một số biện pháp xử lý nhất định tùy thuộc vào mức độ sử dụng quá liều.

Quá liều loại nhẹ

Quá liều loại nhẹ thường xảy ra do bệnh nhân dùng sai liều (chênh lệch ít) hoặc quên ăn sau khi dùng thuốc. Ngay khi phát hiện mình dùng quá liều nhẹ, hãy thực hiện ngay các bước xử lý sau:

  • Kiểm tra lượng đường huyết: Nếu đường huyết dưới 70mg/dl, bạn đang bị hạ đường huyết. Lúc này, hãy dùng các loại thực phẩm giải phóng đường nhanh như nước hoa quả, nước ngọt, kẹo, đường viên hoặc nho khô.
  • Ăn: Nếu quá liều insulin xảy ra do bỏ bữa, bạn hãy ăn gì đó sau khi đã sử dụng các loại thực phẩm cung cấp đường nêu trên. Điều này sẽ giúp lượng đường trong máu của bạn ổn định trở lại.
  • Nghỉ ngơi: Các triệu chứng quá liều insulin nhẹ có thể khiến bạn bị choáng. Vì vậy, bạn nên nghỉ ngơi để giúp cơ thể phục hồi.
  • Kiểm tra lại đường huyết: Sau khi ăn đồ ngọt 15 phút, bạn hãy kiểm tra lại lượng đường huyết để xem biện pháp khắc phục này có hiệu quả hay không. Nếu đường huyết vẫn không trở lại bình thường, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Quá liều loại nặng

Người bị quá liều insulin nặng cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc insulin?

Tác dụng phụ của insulin

Hạ đường huyết là một trong các tác dụng phụ thường gặp nếu bạn sử dụng quá liều insulin, luyện tập thể thao quá mức hoặc ăn uống không đều độ trong quá trình điều trị. Một số người sử dụng insulin đôi khi có phản ứng với loại thuốc này. Dấu hiệu của phản ứng với thuốc tiêm insulin và hạ đường huyết bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Ngáp thường xuyên
  • Không thể nói hoặc suy nghĩ rõ ràng
  • Mất khả năng phối hợp cơ
  • Ra mồ hôi nhiều
  • Co giật
  • Động kinh
  • Đột nhiên cảm thấy muốn đi vệ sinh
  • Trở nên nhợt nhạt, xanh xám
  • Mất nhận thức.

Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Lưu ý, thận trọng

Trước khi dùng thuốc insulin, bạn nên biết những gì?

Trước khi dùng thuốc insulin, bạn nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn bị dị ứng với insulin hoặc bất kì thành phần nào hoặc thuốc nào.
  • Những loại thuốc bạn đang sử dụng bao gồm thuốc kê toa và không kê toa, thực phẩm chức năng và những loại thảo dược.
  • Bạn bị tổn thương nghiêm trọng do đái tháo đường hoặc bất kỳ tình trạng y khoa nào, bao gồm bệnh gan và thận.
  • Bạn đang mang thai, dự định có thai hoặc cho con bú.
  • Bạn đang phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa.
  • Bạn đang bị ốm, bị căng thẳng hoặc thay đổi mức độ tập luyện và vận động.

Insulin chống chỉ định cho trường hợp dị ứng với insulin bò, insulin lợn hoặc với một trong các thành phần của chế phẩm (metacresol, protamin, methyl – parahydroxybenzoat).

Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú?

Insulin có thể được chỉ định để điều trị đái tháo đường ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, bạn cần làm theo hướng dẫn và chỉ định của bác sỹ. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định, đặc biệt trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

Tương tác thuốc

Thuốc tiêm insulin có thể tương tác với thuốc nào?

Dùng insulin với bia rượu làm hạ đường huyết

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, dược liệu và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Bạn không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số thuốc có thể làm hạ đường huyết nghiêm trọng khi dùng kèm với insulin và gây các triệu chứng như choáng váng, đói hoặc ra mồ hôi nhiều, bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACEi) như lisinopril, quinadril, captopril, enalapril
  • Disopyramide
  • Thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrat
  • Kháng sinh nhóm sulfonamide như sulfadiazine, sulfamethoxazol, sulfasalazin
  • Thuốc chẹn thụ thể beta như metoprolol, bisoprolol, propranolol
  • Thuốc ức chế MAO như isocarboxazid, phenelzin
  • Một số thuốc khác như octreotide, thuốc trị tiểu đường dạng uống, propoxyphene, reserpine.

Thức ăn và rượu bia có ảnh hưởng đến thuốc insulin không?

Dùng insulin cùng với các thức uống có cồn có thể làm hạ đường huyết nghiêm trọng. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc isulin?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản

Bạn nên bảo quản thuốc tiêm insulin như thế nào?

Bạn nên bảo quản thuốc insulin chính xác theo những bước sau để đảm bảo hiệu quả của thuốc:

  • Bạn nên bảo quản insulin ở những nơi không có ánh sáng và nhiệt. Nếu bạn không bảo quản insulin trong tủ lạnh thì hãy giữ ở mức độ lạnh vừa đủ (nhiệt độ từ 13,33-26,670C).
  • Bạn không được để insulin đông lạnh. Nếu insulin bị đông, bạn không được dùng, kể cả khi nó được rã đông.
  • Bạn hãy bảo quản lọ insulin không sử dụng, hộp đựng và bút tiêm insulin trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2,22-7,78ºC. Nếu bảo quản hợp lý, insulin sẽ duy trì tác dụng tốt đến ngày hết hạn in trên chai.
  • Hãy giữ hộp đựng và bút tiêm insulin bạn đang sử dụng gần đây ở nhiệt độ phòng (từ 13,3326,67ºC).

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 26/03/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo