backup og meta

Rau đắng đất

Rau đắng đất

Tên thường gọi: Rau đắng đất, rau đắng lá vòng

Tên khoa học: Glinus oppositifolius (L.) A. DC.; Mollugo oppositifolia L.

Họ: Rau đắng đất (Aizoaceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung

Rau đắng đất, hay còn gọi là rau đắng lá vòng, là một loài cây thân thảo có thân và cành mảnh, mọc tỏa sát mặt đất, dài và nhẵn. Lá có hình mác, thuôn dài. Hoa có màu lục nhạt, cuống dài, những lá phía bên ngoài ngắn, lá bên trong rộng hơn, không có cánh hoa. Mùa hoa quả thường rơi vào tháng 4 – tháng 7.

Ở Việt Nam, loài cây này phân bố dọc theo các tỉnh ven biển từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loài cây ưa sáng, thường mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước vào mùa khô. Nhờ có khả năng phân nhánh khỏe nên chúng thường mọc thành từng đám dày đặc, lấn át các loại cỏ khác. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt.

Bộ phận dùng

Có thể sử dụng toàn cây rau đắng đất, từ lúc bắt đầu ra hoa, để làm một vị thuốc trong các bài thuốc dân gian.

Thành phần hóa học

Trong cây rau đắng đất chứa chủ yếu saponin và flavonoid. Các nhà khoa học đã phân lập được spergulagenin A (một saponin triterpen) từ lá. Ngoài ra, trong cây còn có chứa tanin, vitamin C, catotin, đường, tinh dầu và một ít alkaloid.

Tác dụng

Dược liệu rau đắng đất có tác dụng gì?

Rau đắng đất có tác dụng kiện vị, sát trùng, nhuận tràng. Theo Đông y, toàn cây có vị đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, nhuận gan, hạ nhiệt.

Trong đời sống hàng ngày, loài cây này được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da… Ở Ấn Độ, chúng còn được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng và điều trị ứ sản dịch. Bạn có thể giã nát cây này rồi trộn với dầu castor, đắp nóng để chữa đau tai, dịch chiết từ loại cây này còn dùng trị ngứa và bệnh ngoài da.

Cơ chế hoạt động

Theo các tài liệu Đông y, dược liệu này làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, giải độc, nhuận tràng, dùng được trong các trường hợp: nóng trong người, mẩn ngứa do gan yếu.

Liều dùng

Liều dùng của mỗi loại dược liệu có thể khác nhau đối với mỗi người bệnh. Liều lượng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Bạn hãy thảo luận với thầy thuốc và bác sĩ để tìm ra liều dùng thích hợp.

rau đắng đất

Liều dùng thông thường của rau đắng đất

Mỗi ngày có thể sử dụng 20–30g, dùng sắc nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Các bài thuốc

Rau đắng đất có trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Thuốc giải độc gan:

Rau đắng đất 6g, nhân trần 5g, dành dành 5g, cỏ xước 6g, rau má 6g, ké đầu ngựa 6g, dây khổ qua 6g, cam thảo 3g. Tất cả đem sắc nước  uống hoặc tán bột rồi luyện thành viên uống., uống trước bữa ăn.

2. Nhuận gan, lợi mật, thông tiện (đại tiện và tiểu tiện), giải độc:

Toàn cây rau đắng đất 12g, lá atiso 15g, hạt bìm bìm biếc 2g. Bạn sắc lấy nước uống.

3. Trị dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: 

Rửa sạch cả cây tươi, giã nát và đắp vào nơi bị ngứa, ghẻ, mụn nhọt.

Ngoài công dụng chữa bệnh, loài cây này còn là một loại rau vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam, xuất hiện trong các bữa ăn dân dã. Các món đặc sản miền Tây như lẩu cá kèo, lẩu mắm hay canh cá lóc, canh cá rô đồng… thường không thể thiếu rau đắng đất. Trong các bữa nhậu của người miền Nam cũng hay có đĩa rau này, vừa là một loại rau gia vị vừa có tác dụng giải rượu hiệu quả.

Dạng bào chế

Rau đắng đất thường được bào chế dưới dạng nào?

Trong dân gian, người ta thường được sử dụng cả cây tươi hoặc phơi khô để làm thuốc, dùng riêng lẻ hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Trong y học hiện đại, các hoạt chất trong dược liệu này được chiết xuất và sử dụng phối hợp với các chiết xuất dược liệu khác để tạo ra các thuốc đông dược với dạng bào chế hiện đại, thuận tiện cho người bệnh sử dụng như:

  • Viên nang mềm
  • Viên nén

Lưu ý, thận trọng

Trước khi dùng rau đắng đất, bạn nên lưu ý gì?

Nếu bạn muốn sử dụng loài cây này như một vị thuốc với mục đích cải thiện tình trạng sức khỏe, hãy tham khảo ý kiến từ các bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền để có thể sử dụng đúng liều lượng, an toàn, hiệu quả.

Mức độ an toàn

Chưa có đủ thông tin về việc sử dụng rau đắng đất trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc y sĩ y học cổ truyền trước khi dùng thảo dược này.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Rau đắng – Vị thuốc đa dụng. https://suckhoedoisong.vn/rau-dang-vi-thuoc-da-dung-n147545.html. Ngày truy cập 30/5/2019.

Glinus oppositifolius (.) Aug. DC. [Aizoaceae). https://www.mn.uio.no/farmasi/english/research/projects/maliplants/medicinal-plants/studied-in-norway/glinus-oppositifolius.html. Ngày truy c cập 30/5/2019.

Đỗ Huy Bích và cộng sự, “Những cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, Tập II, Trang 579-580.

Phiên bản hiện tại

29/07/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngọc Anh


Bài viết liên quan

Long nhãn: Không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc quý

Cây thù lù trị bệnh gì? Cách dùng và những lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 29/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo