backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Ké đầu ngựa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/02/2020

Ké đầu ngựa

Tên thường gọi: Ké đầu ngựa

Tên gọi khác: Thương nhĩ, phắc ma

Tên nước ngoài: Rough cocklebur, common cocklebur, sheepbur…

Tên khoa học: Xanthium strumarium L.

Họ: Cúc (Asteraceae)

Tổng quan về dược liệu ké đầu ngựa

Tìm hiểu chung về ké đầu ngựa

Ké đầu ngựa là một cây nhỏ, có thể cao đến 2m, ít phân cành. Thân hình trụ, cứng, có khía, màu lục, đôi khi điểm những chấm màu nâu tím, có lông cứng.

Lá mọc so le, hình tim hay tam giác, mép lá có răng cưa không đều, có lông ngắn và cứng ở cả hai mặt.

Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, màu lục nhạt. Quả hình trứng có hai sừng nhọn ở đầu và phủ đầy gai móc, dài khoảng 12–15mm.

Mùa hoa quả vào tháng 5–8.

Loài cây này ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc tương đối tập trung thành đám lớn ở các bãi trồng, ven đường đi hoặc trên các ruộng đồng hoa màu bỏ hoang.

Quả ké đầu ngựa có gai móc nên dễ vướng vào lông động vật hay quần áo, tóc của người để phát tán đi xa.

Bộ phận dùng của ké đầu ngựa

Người ta thường sử dụng quả và toàn bộ phần trên mặt đất của loài cây này để làm thuốc. Quả thu hái khi chưa ngả sang màu vàng, đem về phơi hay sấy khô để dùng.

Thành phần hóa học trong ké đầu ngựa

Toàn cây ké đầu ngựa có chứa iod với hàm lượng khá cao: 1g lá hoặc thân chứa trung bình 200µg iod, 1g quả chứa khoảng 220–230µg iod.

Trong quả còn chứa nhiều sesquiterpen lacton như xanthinin, xanthumin, xanthatin, xanthol, isoxanthol.

Quả non có chứa nhiều vitamin C và các hợp chất khác gồm glucose, fructose, sucrose, axit hữu cơ, kali nitrat, ꞵ-sitosterol, strumarosid…

Hạt ké đầu ngựa là nguồn nguyên liệu của dầu béo với tỷ lệ khá cao. Dầu ké lỏng, có màu vàng nhạt, không mùi, có vị tương tự như dầu thực vật. Ngoài ra, trong hạt còn chứa một số chất gây độc cho gia súc, trong đó có hydroquinon, cholin…

Tác dụng, công dụng của ké đầu ngựa

Dược liệu ké đầu ngựa có những công dụng gì?

Tổng hợp nhiều nghiên cứu về tác dụng dược lý của dược liệu này cho thấy:

  • Ké đầu ngựa có thể giảm cường độ co bóp của tim, giảm thân nhiệt, lợi tiểu
  • Rễ cây làm giảm đường huyết (thực nghiệm trên chuột cống trắng)
  • Đơn thuốc chống dị ứng và nhiều dược liệu cho thấy có tác dụng kháng histamin
  • Hợp chất xanthumin có tác dụng ức chế thần kinh trung ương
  • Hoạt tính kháng viêm nhờ ꞵ-sitosterol-ꞵ-D-glucosid
  • Nước hãm từ lá làm tăng nhu động ruột trên thỏ và gây phong bế tim ếch

Năm 1969, 1970, Tổng cục lâm nghiệp Việt Nam đã dùng cao ké chế thành viên để chữa bướu cổ tại một số lâm trường miền núi. Kết quả đạt được trên 80%.

Theo tài liệu cổ, ké đầu ngựa có vị ngọt, tính ôn, hơi có độc, quy vào phế kinh. Vị thuốc này có tác dụng làm ra mồ hôi, tán phong, dùng trong các chứng phong hàn, đau nhức, phong thấp, tê dại, mờ mắt, chân tay co giật, uống lâu ích khí.

Ké đầu ngựa được dùng chữa phong hàn đau đầu, chân tay đau co rút, phong tê thấp, đau khớp, mày đay, lở ngứa, mụn nhọt. Ngoài ra, người dân còn dùng loài cây này chữa đau răng, đau họng, bướu cổ, nấm tóc, hắc lào, lỵ.

Trong y học Trung Quốc, ké đầu ngựa được dùng phổ biến để làm thuốc uống chống bướu cổ ở những vùng có bệnh. Cây còn dùng làm thuốc ra mồ hôi, hạ nhiệt, an thần, trị thấp khớp và cảm lạnh.

Quả và hạt phơi khô rồi tán nhỏ làm thành phần cho thuốc mỡ dùng ngoài da trong một số bệnh về da như eczema, ngứa, vết sâu bọ cắn và ghẻ. Dầu ép từ quả có thể chữa bệnh về bàng quang, herpes và bệnh viêm quầng do liên cầu.

Lá cây có tác dụng làm săn, lợi tiểu, chống bệnh giang mai và dùng trong lao hạch, herpes. Rễ là một chất bổ đắng dùng trị ung thư và lao hạch. Cao rễ dùng tại chỗ để trị vết loét, mụn nhọt, áp xe.

Dược liệu này cũng được dùng làm thuốc ở châu Mỹ, châu Âu, Lào, Campuchia và Malaysia với tác dụng ra mồ hôi, làm mềm da niêm mạc, lợi tiểu, an thần khá mạnh. Nước sắc của cây dùng chữa sốt rét, khí hư và bệnh đường tiết niệu.

Liều dùng của ké đầu ngựa

Liều dùng thông thường của ké đầu ngựa là bao nhiêu?

Thông thường, mỗi ngày có thể dùng 6–12g quả hoặc 10–16g cành và lá dưới dạng thuốc sắc, viên hoặc cao.

Một số bài thuốc có ké đầu ngựa

Ké đầu ngựa được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Chữa thấp khớp, viêm khớp

Ké đầu ngựa 20g, vòi voi 40g, lá lốt 20g, ngưu tất 10g. Bào chế thành chè thuốc, hãm với nước sôi rồi chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Ké đầu ngựa 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ phục linh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g. Tất cả sao vàng, sắc đặc uống. Dùng trong 7–10 ngày.

2. Chữa phong thấp, tê thấp, tay chân co rút

Quả ké đầu ngựa 12g, giã nát rồi sắc nước uống.

3. Chữa đợt cấp của viêm da tiến triển

Ké đầu ngựa 12g, ngưu tất 16g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 12g, cành dâu 12g, tỳ giải 12g, cà gai leo 12g, lá lốt 10g. Tất cả đem sắc uống, mỗi ngày một thang.

4. Chữa phong thấp đau khớp, tê bại đau buốt người hoặc chân tay lở ngứa ra mồ hôi, viêm xoang, đau trước trán hay đau trên đỉnh đầu

Ké đầu ngựa 12g, kinh giới 8g, bạch chỉ 8g, xuyên khung 6g, thiên niên kiện 6g. Sắc uống.

5. Chữa đau răng

Quả ké đầu ngựa (liều vừa phải), sắc lấy nước rồi ngậm 10 phút xong nhổ đi. Làm nhiều lần trong ngày.

6. Chữa bướu cổ

Quả hay cây ké đầu ngựa, phơi khô rồi tán bột. Ngày uống 4–5g, dạng thuốc sắc (đun sôi, giữ sôi 15 phút).

7. Chữa mụn nhọt, chốc lở

Ké đầu ngựa 10g, kim ngân 20g. Bào chế thành chè uống mỗi ngày, hãm với 500ml nước sôi chia làm nhiều lần dùng. Trẻ dưới 1 tuổi uống nửa gói một ngày.

Ké đầu ngựa 10g, bồ công anh 15g, sài đất 10g, kim ngân 5g, cam thảo đất 2g. Bào chế thành chè uống (đóng thành gói 42g). Mỗi ngày uống 1 gói, hãm với nước sôi và chia làm 3 lần uống.

Quả ké đầu ngựa sao vàng 20g, củ khúc khác 40g. Sắc uống.

Ké đầu ngựa 16g, đỗ đen sao 40g, kim ngân 20g, thổ phục linh, cỏ xước, vòi voi mỗi vị 12g, kinh giới, cam thảo dây mỗi vị 8g. Tất cả sắc uống mỗi ngày một thang.

8. Chữa viêm mũi mạn tính

Ké đầu ngựa 16g, hạ khô thảo 12g, tân di 8g, bạc hà 6g, bạch chỉ, cát cánh, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc uống mỗi ngày một thang.

Lưu ý, thận trọng khi dùng ké đầu ngựa

Khi dùng ké đầu ngựa, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng ké đầu ngựa một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Theo sách cổ, người sử dụng ké đầu ngựa nên kiêng thịt heo nếu không có thể bị nổi quầng đỏ khắp người.

Mức độ an toàn của ké đầu ngựa

Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng ké đầu ngựa trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với ké đầu ngựa

Ké đầu ngựa có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 25/02/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo