Hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực là hai phương pháp sơ cứu rất hiệu quả trong trường hợp người bệnh bị ngưng tim hoặc ngạt thở. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần biết cách thực hiện chính xác.
Trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể gặp phải những trường hợp người bệnh bị ngạt thở hoặc ngưng tim do đuối nước, điện giật… Trong những tình huống này, việc sơ cứu sẽ đóng vai trò cực kì quan trọng, có thể cứu sống một mạng người. Tuy nhiên, bạn phải nắm rõ các bước hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực để có thể sơ cứu thành công.
Ngưng tim và ngưng hô hấp là gì?
Ngưng tim (trụy tim) là tình trạng tim không còn co bóp, khiến quá trình lưu thông máu bị ngưng trệ, do đó không đủ máu nuôi các cơ quan.
Ngưng hô hấp (ngạt thở) có thể không đi kèm với ngưng tim. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh có thể bị ngưng tim, dẫn đến ngưng hô hấp hoàn toàn.
Các dấu hiệu ngưng hô hấp hoàn toàn
Nếu một người bị ngưng hô hấp hoàn toàn, bạn sẽ thấy họ:
- Bất tỉnh
- Ngưng thở
- Mất mạch
- Không có phản ứng khi bạn lay gọi hoặc kích thích
Để xác định tim đã ngừng đập chưa, bạn hãy áp tai vào lồng ngực nạn nhân. Nếu không thấy tim và mạch đập, hãy nhanh chóng gọi số điện thoại cấp cứu 115 và tiến hành sơ cứu. Bạn tiến hành sơ cứu cho đến khi nạn nhân có thể tự thở hoặc chắc chắn không còn thở mới dừng lại.
Trước khi thực hiện, hãy đưa người bệnh đến nơi an toàn và thoáng đãng. Lau sạch đất, máu hoặc đờm ở miệng nạn nhân nếu bạn phải hô hấp nhân tạo trực tiếp.
Ngoài ra, bạn cũng nên nới lỏng và cởi bỏ quần áo, các dây nịt (như thắt lưng, vòng cổ…). Tất cả các thao tác cần được thực hiện nhanh chóng và khẩn trương vì đối với nạn nhân mỗi phút giây đều rất quý.
Cách hô hấp nhân tạo
Bạn có thể lót một miếng đệm dưới cổ nạn nhân để đầu hơi ngửa ra sau.
Bạn dùng một tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm dưới xuống để miệng hở ra. Ngậm chặt miệng nạn nhân và thổi liên tục hai hơi đối với người lớn và một hơi đối với trẻ em 8 tuổi. Sau đó, bạn ngưng thổi và thả tay kẹp mũi để hơi thở thoát ra.
Lưu ý:
- Bạn nên thổi vừa phải, đủ thấy lồng ngực nhô lên
- Thổi hơi nhẹ nhàng (khoảng 1 hơi/1 giây) để tránh chướng hơi dạ dày hoặc tăng áp lực lồng ngực
- Đối với người lớn và trẻ trên 8 tuổi: thổi ngạt 15-20 lần/phút. Đối với trẻ dưới 8 tuổi: thổi ngạt từ 20-30 lần/phút
- Chỉ thực hiện hô hấp nhân tạo cho người vẫn còn tim đập
Cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực
Cho bệnh nhân nằm thẳng trên mặt phẳng cứng. Bạn quỳ gối ở một bên của bệnh nhân, hai đầu gối song song với thân người bệnh, cách một khoảng 10cm.
Bạn để hai bàn tay chồng lên nhau và đặt trước tim, tương ứng điểm giữa của hai núm vú. Bạn giữ thẳng tay, sao cho trục nối các điểm vai – khuỷu vai – cườm tay thẳng hàng. Trong quá trình nhấn, hai cánh tay luôn thẳng, không được gập khuỷu ngay cả khi nhấn và buông.
Bạn nhấn ngực liên tục, hạn chế mọi gián đoạn. Nếu có gián đoạn, không được quá 5-10 giây. Số lần nhấn là 100-120 lần/phút. Nhấn vừa đủ, khoảng 5cm, không quá 6cm. Sau đó, nới lỏng tay để lồng ngực nở lại hoàn toàn.
Lưu ý:
- Đối với trẻ em, bạn nên ép tim nhẹ hơn để tránh gãy xương sườn
- Đối với người bị thương ở ngực và có gãy xương sườn, không nên sơ cứu bằng hô hấp nhân tạo hoặc xoa bóp tim ngoài lồng ngực
- Ngay khi bệnh nhân tự thở được, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị
Hy vọng với những thông tin hữu ích trên đây bạn sẽ biết cách sơ cứu người đúng cách trong trường hợp ngạt thở cần hô hấp nhân tạo hoặc ngưng tim nhé.
[embed-health-tool-bmi]