backup og meta

Loại sản phẩm thay thế nicotine nào thích hợp với bạn?

Loại sản phẩm thay thế nicotine nào thích hợp với bạn?

Liệu pháp thay thế nicotine (NRT) có thể giúp giảm các triệu chứng cai nghiện khó khăn và sự thèm muốn mà 70% đến 90% người hút thuốc cho là lý do duy nhất họ không bỏ được thuốc lá.

Chất nicotine trong thuốc lá có thể dẫn đến các tác hại khiến bạn kinh ngạc. Nó gây ra các triệu chứng cai nghiện khó chịu khi một người cố gắng bỏ thuốc lá. Liệu pháp thay thế nicotine (NRT) cung cấp cho bạn nicotine – dưới dạng kẹo cao su, miếng dán, thuốc xịt, thuốc hít, hoặc viên ngậm – nhưng không chứa các hóa chất độc hại khác như trong thuốc lá. NRT có thể giúp giảm một số triệu chứng cai nghiện thể chất để bạn có thể tập trung vào phương diện tâm lý (cảm xúc) trong cai thuốc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng NRT có thể gần như tăng gấp đôi khả năng bỏ thuốc thành công.

Có 5 liệu pháp cơ bản thay thế nicotine: Miếng dán nicotine, kẹo cao su nicotine, viên ngậm nicotine, bình hít nicotine, bình xịt mũi nicotine. Ngoài ra còn liệu pháp phối hợp để có tác dụng hiệu quả nhất.

1. Miếng dán nicotine

miếng dán nicotine

Miếng dán nicotine được cho là phương pháp dễ sử dụng và ít tốn kém nhất. Miếng dán nicotine được dùng để dán trực tiếp vào vùng da. Miếng dán này sẽ thẩm thấu vào da, dần dần làm tiêu biến nicotine bên trong cơ thể. Miếng dán cung cấp một lượng nhỏ nicotine đủ cho người nghiện thuốc lá cảm thấy dễ chịu. Để có hiệu quả, chỉ nên dùng miếng dán một lần một ngày.

Sử dụng miếng dán nicotine cùng với các sản phẩm tác dụng tức thời, như kẹo cao su, viên ngậm, bình xịt mũi, hoặc ống hít, là một phương pháp khác của NRT. Có ý kiến cho rằng nên có một liều nicotine ổn định qua miếng dán và sau đó sử dụng một trong các sản phẩm tác dụng tức thời khi bạn có cảm giác thèm thuốc mạnh mẽ.

Miếng dán nicotine có tác dụng rất tốt trong việc điều trị cai thuốc lá. Tuy nhiên nó vẫn gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Tác dụng phụ của phương pháp này bao gồm kích ứng da, nổi mẩn đỏ, đau rát tại vùng da tiếp xúc và mất ngủ. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu gặp phải những triệu chứng nói trên và được tư vấn về cách sử dụng miếng dán nicotine an toàn.

2. Kẹo cao su nicotine

kẹo cao su nicotine

Kẹo cao su nicotine là loại sản phẩm bán không cần kê đơn và đây được xem như một biện pháp cai thuốc ngắn hạn. Bạn được khuyên nên ngừng sử dụng kẹo cao su nicotine vào cuối tuần thứ 12 trong liệu trình cai thuốc. Tuy nhiên có nhiều thông tin cho rằng, sử dụng kẹo cao su nicotine thường xuyên có thể gây nghiện.

Trong một diễn đàn trên Internet, một người sử dụng kẹo cao su cai thuốc đã mô tả thói quen nhai kẹo trong vòng 10 năm liền với khoảng 9 hay 11 viên kẹo cao su nicotine mỗi ngày và không biết có cách nào để thoát khỏi tình trạng này. Hãy nhớ tìm hiểu cách sử dụng và bảo quản kẹo cao su nicotine trước khi hỗ trợ bỏ thuốc lá nhé.

Ngoài ra, kẹo cao su nicotine có thể gây chóng mặt, choáng váng hoặc mờ mắt. Những ảnh hưởng này có thể trở nên xấu hơn nếu bạn sử dụng nó cùng với rượu hoặc các loại thuốc nhất định. Hãy sử dụng kẹo cao su nicotine một cách cẩn thận. Hãy cho bác sĩ hoặc nha sĩ của bạn biết bạn có dùng kẹo cao su nicotine trước khi bạn thực hiện bất kỳ dịch vụ chăm sóc y tế nào như nha khoa, chăm sóc khẩn cấp hoặc phẫu thuật.

3. Viên ngậm nicotine

viên ngậm nicotine

Viên ngậm nicotine là thuốc giúp ngăn cản bạn quay lại hút thuốc bằng cách cung cấp một lượng thấp nicotine đủ để giảm bớt các triệu chứng cai khi bạn đang cai thuốc lá. Bạn có thể mua viên ngậm nicotine mà không cần toa của bác sĩ. Giống như kẹo cao su nicotine, viên ngậm có sẵn 2 liều: 2 mg và 4 mg. Những người hút thuốc chọn liều dựa trên khoảng thời gian bao lâu sau khi thức dậy họ hút điếu thuốc đầu tiên.

Bạn không nên sử dụng viên ngậm nicotine nếu:

  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần có trong viên ngậm nicotine;
  • Bạn có một cơn nhồi máu cơ tim gần đây;
  • Bạn bị đau ngực nghiêm trọng hoặc tồi tệ hơn hoặc nhịp tim bất thường một cách nghiêm trọng.

Hãy liên lạc với bác sĩ hoặc người cung cấp dịch vụ y tế của bạn ngay lập tức nếu bạn nằm trong các trường hợp trên.

Hơn hết, bạn nên lưu ý cách sử dụng viên ngậm nicotine theo chỉ dẫn trực tiếp của bác sĩ. Kiểm tra nhãn trên thuốc để được hướng dẫn dùng thuốc một cách chính xác. Không nhai hoặc nuốt toàn bộ viên ngậm. Đặt viên ngậm trong miệng và để thuốc dần dần tan ra. Thỉnh thoảng di chuyển viên ngậm từ một bên này qua bên kia trong miệng. Cố gắng không nuốt xuống thường xuyên trong khi viên ngậm nicotine đang tan ra. Có thể mất 20-30 phút để viên ngậm nicotine hòa tan hoàn toàn.

4. Bình hít nicotine

liệu pháp thay thế nicotine

Bình hít nicotine là một ống tẩu bằng nhựa với hộp chứa nicotine bên trong được ngậm vào giống như điếu thuốc lá. Cơ chế của bình hít là giải phóng một lượng nicotine được hấp thụ qua niêm mạc miệng để giúp người dùng vượt qua cơn thèm thuốc.

Lợi ích của bình hít nicotine bao gồm:

  • Bình hít mô phỏng động tác từ tay đến miệng như hút thuốc lá.
  • Người dùng tự quyết định mức độ thường xuyên sử dụng nó.
  • Giảm các triệu chứng của cơn thèm thuốc và tình trạng bị kích thích.

Tác dụng phụ thường gặp của ống hít nicotine bao gồm cảm giác nóng rát ở miệng, cổ họng, và ho. Đôi khi người dùng có triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, nhức đầu, buồn nôn, ợ nóng và nấc. Các hướng dẫn y tế đánh giá đây là các phản ứng nhẹ. Nếu tác dụng phụ không giảm dần trong vòng một hoặc hai tuần, hoặc bạn cảm thấy lo lắng, hãy tìm đến dược sĩ hoặc bác sĩ.

Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ trước khi dùng bình hít nếu bạn nằm trong các trường hợp sau:

  • Có thai hoặc cho con bú sữa mẹ;
  • Đang điều trị bệnh tim nghiêm trọng;
  • Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ trong vòng hai tuần trước đó;
  • Yêu cầu tách thận;
  • Sử dụng thuốc theo toa thường xuyên. Hút thuốc làm thay đổi tác dụng của một số loại thuốc, và khi bỏ hút thuốc lá, liều lượng thuốc sẽ cần được điều chỉnh, đặc biệt là bệnh tiểu đường, có dùng thuốc điều trị cao huyết áp hoặc bệnh tim, hoặc dùng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần hay thuốc ngủ.

5. Bình xịt mũi nicotine

bình xịt mũi nicotine

Bình xịt mũi nicotine là dạng một chất lỏng được xịt vào mũi. Bình xịt mũi cung cấp nicotine vào máu một cách nhanh chóng vì nó được hấp thụ qua đường mũi. Thuốc xịt mũi làm giảm các triệu chứng nghiện thuốc rất nhanh chóng và giúp bạn kiểm soát cơn thèm nicotin. Những người hút thuốc thường thích sử dụng bình xịt mũi vì rất tiện lợi.

Trước khi sử dụng bình xịt mũi nicotin, bạn nên cho bác sĩ và dược sĩ biết:

  • Nếu bạn bị dị ứng với nicotine hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
  • Nếu gần đây bạn bị lên cơn đau tim.
  • Nếu bạn có hoặc đã từng có vấn đề về mũi, hen suyễn, bệnh tim, đau thắt ngực, nhịp tim không đều, các vấn đề về lưu thông như bệnh Buerger hoặc chứng Raynaud, bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, viêm loét, huyết áp cao, và suy thận hoặc bệnh gan.
  • Nếu bạn đang mang thai, dự định có thai, hoặc đang cho con bú.
  • Nếu bạn có thai trong khi sử dụng thuốc xịt mũi nicotine, hãy tìm đến bác sĩ. Nicotine có thể gây hại cho thai nhi.

Nếu bạn tiếp tục hút thuốc khi sử dụng bình xịt nicotine, bạn có thể gặp tác dụng phụ. Khi sử dụng bình xịt mũi nicotine, bạn vẫn có thể gặp một số triệu chứng cai thuốc như: chóng mặt, lo lắng, vấn đề về giấc ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, đau cơ. Nếu bạn gặp những triệu chứng này, hãy trao đổi với bác sĩ về việc tăng liều lượng bình xịt mũi nicotine.

6. Liệu pháp phối hợp

Liệu pháp phối hợp có nghĩa là sử dụng hai loại sản phẩm nicotine, chẳng hạn như miếng dán nicotine và viên ngậm nicotine, cùng một lúc. Bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng liệu pháp phối hợp. Họ có thể đề nghị dùng liệu pháp phối hợp nếu bạn có cảm giác thèm thuốc hoặc bỏ thuốc không thành công khi chỉ sử dụng một sản phẩm thay thế nicotine duy nhất trước đó.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc sử dụng liệu pháp phối hợp làm tăng khả năng bỏ được thuốc so với việc sử dụng một sản phẩm duy nhất, và rằng phương pháp này hiệu quả hơn trong việc chấm dứt cơn thèm thuốc. Một số chuyên gia tư vấn khuyên rằng hầu hết những người nghiện hút thuốc nên sử dụng liệu pháp phối hợp này. Nghiên cứu cho thấy ức chế cảm giác thèm thuốc lá vào ngày bạn bỏ thuốc có thể tăng khả năng thành công. Tuy nhiên, sống trong một ngôi nhà đầy khói thuốc lá có thể sẽ không đem lại kết quả, ngay cả khi bạn sử dụng liệu pháp phối hợp.

Liệu pháp phối hợp đã được cho phép sử dụng miếng dán 15 mg 16 giờ hoặc 21 mg 24 với kẹo cao su nicotine 2 mg, 2 mg viên ngậm nicotine hoặc 1,5 mg viên ngậm loại nhỏ. Sau khi dán miếng dán làm giảm các triệu chứng nghiện, việc sử dụng viên ngậm nicotine để làm giảm cảm giác thèm thuốc hoặc có thể bị kích thích bởi các tình huống hoặc do cảm xúc. Thông tin sản phẩm khuyến cáo nên sử dụng ít nhất 4 viên ngậm mỗi ngày, và không quá 12 viên ngậm mỗi ngày. Hãy đọc hướng dẫn sử dụng về viên ngậm sẽ cho bạn biết bạn nên sử dụng trong bao lâu và làm thế nào để ngưng sử dụng.

Chất nicotine có tác dụng gây nghiện mạnh như heroin và cocaine. Và không có bằng chứng nào cho thấy loại liệu pháp thay thế nicotine (NRT) nhất định nào là tốt hơn so với loại kia. Khi chọn loại NRT, hãy suy nghĩ về những phương pháp tốt nhất phù hợp với lối sống và thói quen hút thuốc của bạn. Dù bạn sử dụng loại nào, hãy sử dụng NRT đúng liều lượng và thời gian được khuyến cáo. Nếu bạn sử dụng với liều lượng khác hoặc ngưng dùng thuốc quá sớm, sẽ không đem lại kết quả như mong đợi. Nếu bạn là người nghiện thuốc nặng hoặc người nghiện nhẹ, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về liều NRT để thay đổi phù hợp với nhu cầu của bạn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nicotine replacement therapy
https://medlineplus.gov/ency/article/007438.htm
Ngày truy cập 22.02.2018

Nicotine Replacement Therapy: An Overview
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5003586/
Ngày truy cập 22.02.2018

Phiên bản hiện tại

08/09/2020

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Cách xử lý khi bị ong đốt để tránh bị sưng và hết đau nhức

Nứt gót chân phải làm sao?


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 08/09/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo