backup og meta

Đứt dây chằng khớp gối: Chấn thương nghiêm trọng nhưng thường bị phớt lờ

Đứt dây chằng khớp gối: Chấn thương nghiêm trọng nhưng thường bị phớt lờ

Điều nguy hiểm nhất khi bị đứt dây chằng khớp gối là người bệnh thường chủ quan, không đi khám vì thấy vẫn vận động được. Kết quả là chấn thương tiến triển ẩm thầm theo thời gian có thể gây biến chứng nghiêm trọng hơn.

Đứt dây chằng khớp gối là một trong những chấn thương khá phổ biến. Tuy nhiên, người bệnh dễ nhầm lẫn với các chấn thương nhẹ khác mà không đi khám và điều trị sớm. Vậy làm sao để nhận diện đứt dây chằng?

Dây chằng là gì?

Dây chằng là dải ngắn mô liên kết sợi dẻo và dai nối kết 2 xương hoặc sụn tại khớp hoặc nâng đỡ một cơ quan.

Dây chằng khớp gối nối kết đầu dưới xương đùi và đầu trên xương chày và xương mác và giữ vai trò chính trong việc giữ vững khớp gối. Các dây chằng khớp gối bao gồm 4 dây chằng:

Dây chằng chéo trước: nằm ở trong khớp gối, có chức năng giữ vững khớp gối khi vận động xoay và chuyển động về phía trước của xương chày (xương ống chân).

Dây chằng chéo sau: cũng nằm trong khớp gối, giữ nhiệm vụ giữ vững khi chuyển động ra sau của xương chày.

Dây chằng bên trong: nằm ngoài khớp, mang lại sự vững phía trong khớp gối.

Dây chằng bên ngoài cũng nằm ngoài khớp mang lại sự vững vàng cho khớp gối phía ngoài.

Đứt dây chằng chéo trước: chấn thương thường gặp nhất

đứt dây chằng chéo trước

Về các loại chấn thương đứt dây chằng khớp gối thì đứt dây chằng chéo trước là chấn thương phổ biến nhất, nguy hiểm vì dễ gây biến chứng tàn tật. Chấn thương xảy ra khi dây chằng chéo trước bị kéo căng hoặc bị rách, đứt khi xảy ra chuyển động xoắn đột ngột (bàn chân giữ nguyên theo một hướng nhưng đầu gối xoay theo hướng khác), thực hiện một cú nhảy quá sức, hoặc bị lực tác động trực tiếp vào đầu gối như tai nạn hoặc va chạm khi chơi thể thao

Triệu chứng khi bị đứt dây chằng chéo trước

Biểu hiện thường gặp khi bị chấn thương đứt dây chằng chéo trước là bệnh nhân sẽ nghe thấy tiếng ‘bốp’ khi chấn thương xảy ra, tiếp theo là chân khuỵu xuống khi cố gắng đứng lên. Đầu gối sưng tấy lên do khớp gối bị xô lệch và bật ra.

Tiếp đó, người bị chấn thương sẽ gặp một số triệu chứng lâm sàng như:

– Đau đớn khi đi bộ, vặn người, bật chân…

– Cảm giác rằng đầu gối của mình không vững, có cảm giác trẹo gối, sụm chân nếu đi nhanh.

– Gặp khó khăn nếu đứng trụ một chân bên phía chân đang bị chấn thương.

– Đi lên và xuống cầu thang đều gặp khó khăn.

Nguy hiểm khi không điều trị đứt dây chằng chéo trước kịp thời

Vì sau khi bị đứt dây chằng, người bệnh vẫn có thể vận động được nên dễ hiểu lầm là chấn thương không đáng kể. Nhưng nếu không chữa trị kịp thời mà cố gắng vận động trong thời gian dài thì có thể để lại một số hậu quả nguy hiểm như:

– Bị teo cơ vì hạn chế vận động do đau

– Tổn thương sụn chêm thứ phát

– Giãn các dây chằng còn lại

– Mâm chày sẽ trượt ra trước so với lồi cầu đùi, làm sụn chêm bị kẹt giữa hai xương và dễ rách. Theo thời gian, vết rách sẽ nghiêm trọng hơn.

– Nguy cơ thoái hóa khớp gối, ảnh hưởng vận động khớp gối.

 Chẩn đoán đứt dây chằng khớp gối như thế nào?

chẩn đoán đứt dây chằng

Khi đi khám đứt dây chằng khớp gối nói chung, kể cả đứt dây chằng chéo trước hay đứt dây chằng chéo sau, ngoài việc cung cấp đầy đủ cơ chế chấn thương, tiền sử sức khỏe và khám sức khỏe tổng quát nói chung, bác sĩ có thể chỉ định một số nghiệm pháp khám lâm sàng, cận lâm sàng hay thủ thuật như:

– Nghiệm pháp lâm sàng kiểm tra mức độ tổn thương dây chằng như ngăn kéo trước, Lachman, Pivot shift.

Chụp X-quang để kiểm tra loại trừ gãy xương, hay bong xương nơi bám dây chằng,  hay các chấn thương không phải dây chằng.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định tổn thương, dây chằng, xương  và các nhóm cơ xung quanh.

– Nội soi khớp là thủ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm đánh giá bất kỳ thay đổi thoái hóa khớp hoặc trong khớp, xác định nguyên nhân gây đau khớp.

Điều trị đứt dây chằng chéo trước

Nhìn chung, phương pháp điều trị tổn thương dây chằng chéo trước chia thành hai nhóm là điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng chấn thương và sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp.

Điều trị bảo tồn áp dụng cho các trường hợp dây chằng bị đứt không hoàn toàn, khớp gối còn vững, đối tượng bệnh nhân lớn tuổi hoặc trẻ em còn sụn tăng trưởng. Trường hợp này, bác sĩ sẽ cho thuốc giảm đau, kháng viêm và kết hợp với việc tập vật lý trị liệu.

Điều trị phẫu thuật là cách tốt để tái tạo dây chằng bị đứt, phục hồi chức năng vận động, nhất là đối với những người trẻ hoặc vận động viên, người bị tổn thương nhiều dây chằng hoặc sụn khớp gối. Thời điểm tốt nhất là 3 tuần sau khi chấn thương. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng mô ghép từ gân cơ chân ngỗng ở khớp gối, gân bánh chè, gân mác dài… từ chính bệnh nhân hoặc người cho để ghép vào.

Mổ đứt dây chằng đầu gối giá bao nhiêu tiền?

Câu trả lời tùy từng trường hợp với các mức độ tổn thương khác nhau. Ở Việt Nam, chi phí mổ đứt dây chằng chéo trước trung bình khoảng 40-50 triệu đồng và tuỳ mức được chi trả bảo hiểm của bệnh nhân.

Hồi phục sau phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước

điều trị đứt dây chằng

Nếu quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi thì bệnh nhân có thể chơi thể thao vào khoảng 8-12 tháng sau khi mổ.

Thời gian đầu sau mổ, người bệnh cần chăm sóc vết thương theo hướng dẫn của bác sĩ. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc giảm đau kèm một số loại thuốc liên quan khác để thúc đẩy quá trình hồi phục sau phẫu thuật.

Tiếp sau đó là quá trình phục hồi chức năng với các bài tập vật lý trị liệu tại bệnh viện và tại nhà. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ phục hồi chức năng hướng dẫn chi tiết. 

Khoảng 4-8 tuần tuần sau phẫu thuật, bạn có thể đi lại mà không cần nạng và cũng có thể trở lại làm việc nhẹ. Từ tuần thứ 16 trở đi, bạn có thể tập những môn không dồn nhiều trọng lượng lên đầu gối như bơi lội, đạp xe. Tránh các bài liên quan đến nhảy, vặn mình, xoay người.

Các trường hợp đứt dây chằng gối khác

5 loại chấn thương đầu gối khi đá bóng phổ biến

Rách hoặc đứt dây chằng chéo sau

Loại chấn thương này ít gây đau và ít làm mất vững khớp gối hơn là đứt dây chằng chéo trước. Chấn thương có thể gây đau, sưng, cảm giác mất vững ở khớp gối. Bạn  cần gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Rách hoặc đứt dây chằng bên

Rách dây chằng bên thì có thể tự lành nếu được cố định khớp gối đúng theo thời gian. Trường hợp đứt hoặc rách nghiêm trọng hơn cần được phẫu thuật tùy theo sự chỉ định của bác sĩ.

Dù bị đứt dây chằng đầu gối loại nào thì người bệnh cũng đừng chủ quan chịu đựng lâu dài. Vì nếu không được thăm khám, đánh giá và điều trị kịp thời thì đều gây ra các biến chứng về dây chằng, khớp gối, ảnh hưởng đến khả năng vận động, di chuyển về sau.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

http://benhvien115.com.vn/kien-thuc-y-khoa-/dut-day-chang-cheo-truoc-khop-goidieu-tri-the-nao-/20180118053441143

Ngày truy cập: 27/5/2021

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/ligament-injuries-to-the-knee

Ngày truy cập: 27/5/2021

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acl-injury/symptoms-causes/syc-20350738

Ngày truy cập: 27/5/2021

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pcl-injury/symptoms-causes/syc-20354855

Ngày truy cập: 27/5/2021

https://www.nhs.uk/conditions/knee-ligament-surgery/recovery/

Ngày truy cập: 27/5/2021

Phiên bản hiện tại

31/05/2021

Tác giả: Đài Trương

Tham vấn y khoa: Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Bulgarian split squat là gì? Cách tập bulgarian split squat hiệu quả

Chấn thương dây chằng đầu gối


Tham vấn y khoa:

Tiến sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Vũ Xuân Thành

Chỉnh hình · Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 31/05/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo