Tình trạng tăng cân ở nam giới ảnh hưởng đến sức khỏe và sự tự tin của phái mạnh. Dựa vào chỉ số đo lường chiều cao và cân nặng chuẩn của nam giới, bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện để cải thiện sức khỏe của mình tốt hơn.
Cùng tìm hiểu chiều cao cân nặng chuẩn của nam và cách cải thiện chiều cao qua bài viết dưới đây!
Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của nam giới
Sau đây là bảng chiều cao cân nặng chuẩn của nam giới mà bạn có thể tham khảo để kiểm tra nhanh tỷ lệ cân nặng/chiều cao của mình. Đơn vị đo cân nặng là kilôgam (kg) và đơn vị đo chiều cao là centimet (cm). Lưu ý bảng chiều cao cân nặng này chỉ áp dụng cho nam giới, không áp dụng cho nữ giới:
- 137 cm: 28.5 – 34.9 (kg)
- 140 cm: 30,8 – 38,1 (kg)
- 142 cm : 33,5 – 40,8 (kg)
- 145 cm: 35,8 – 43,9 (kg)
- 147 cm: 38,5 – 46,7 (kg)
- 150 cm: 40,8 – 49,9 (kg)
- 152 cm: 43,1 – 53,0 (kg)
- 155 cm: 45,8 – 55,8 (kg)
- 157 cm: 48,1 – 58,9 (kg)
- 160 cm: 50,8 – 61,6 (kg)
- 163 cm: 53,0 – 64,8 (kg)
- 165 cm: 55,3 – 68,0 (kg)
- 168 cm: 58,0 – 70,7 (kg)
- 170 cm: 60,3 – 73,9 (kg)
- 173 cm: 63,0 – 76,6 (kg)
- 175 cm: 65,3 – 79,8 (kg)
- 178 cm: 67,6 – 83,0 (kg)
- 180 cm: 70,3 – 85,7 (kg)
- 183 cm: 72,6 – 88,9 (kg)
- 185 cm: 75,3 – 91,6 (kg)
- 188 cm: 77,5 – 94,8 (kg)
- 191 cm: 79,8 – 98,0 (kg)
- 193 cm: 82,5 – 100,6 (kg)
- 195 cm: 84,8 – 103,8 (kg)
- 198 cm: 87,5 – 106,5 (kg)
Chiều cao cân nặng chuẩn của nam xác định như thế nào?
Cân nặng và chiều cao có mối liên hệ mật thiết tới sức khỏe nam giới. Hiện nay chỉ số khối cơ thể (BMI-Body Mass Index) được sử dụng để đo trọng lượng của một người tương ứng với chiều cao của người đó. Từ đó, bạn có thể xác định cân nặng phù hợp với chiều cao nam giới.
Chỉ số BMI còn giúp bạn biết mối quan hệ giữa mức cân nặng với chiều cao để xác định mức độ béo phì, thừa cân, thiếu cân hay suy dinh dưỡng. Điều này có thể giúp bạn kiểm soát tỷ lệ chất béo trong cơ thể và sau đó có chế độ ăn uống, tập luyện để cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa béo phì, suy dinh dưỡng hay các loại bệnh tiểu đường, bệnh tim,…
Công thức tính BMI
BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao x chiều cao)
Trong đó đơn vị trọng lượng theo kilogram (kg) và đơn vị chiều cao theo mét (m).
Chỉ số BMI chiều cao cân nặng chuẩn của nam giới
Theo các chuyên gia y tế, chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9 là mức tình trạng khỏe mạnh đối với nam giới. Tùy vào chỉ số ở mỗi quốc gia có thể khác nhau, bạn có thể tham khảo mức đo lường BMI sau đây:
- Dưới 18,5: Thiếu cân
- 18,5-24,9: Bình thường
- 25,0-29,9: Thừa cân
- 30 trở lên: Béo phì
Tỷ lệ eo trên hông (WHR)
Bên cạnh chỉ số đo lường BMI (tỷ lệ chiều cao cân nặng chuẩn của nam giới), tỷ lệ eo trên hông (waist-to-hip ratio – WHR) cũng được sử dụng để đánh giá phân bố mỡ trên cơ thể, từ đó kiểm tra liệu có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì hay không.
Cách phổ biến để đo tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể như:
- Sử dụng phép đo nếp gấp da
- Phân tích trở kháng điện sinh học
- Chuyên gia y tế đo mô ở đùi, bụng và ngực đối với nam
Yếu tố nào ảnh hưởng đến chiều cao cân nặng ở nam
1. Yếu tố di truyền
Đứa bé sinh ra sẽ nhận ADN và những đặc điểm từ bố hoặc mẹ của mình. Các nhà khoa học xác định được hơn 700 biến thể gen khác nhau xác định chiều cao của đứa bé. Một số gen này ảnh hưởng đến phát triển chiều cao và việc sản xuất hormone tăng trưởng. Tương tự, gen cũng có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ dự trữ và vị trí mỡ thừa trên cơ thể.
Vì vậy cấu trúc di truyền cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến ngoại hình chiều cao, cân nặng của nam giới.
2. Chế độ dinh dưỡng
Khi còn nhỏ, chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng có thể hạn chế khả năng phát huy tiềm năng chiều cao của trẻ. Để nam giới phát triển chiều cao và duy trì cân nặng lý tưởng, bạn nên đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng bao gồm:
- Các loại thực phẩm ít chất béo bão hòa
- Hàm lượng đường và natri thấp hơn
- Giàu các vitamin và khoáng chất thiết yếu
- Canxi và sắt quan trọng cho sự phát triển xương khớp khỏe mạnh
3. Hoạt động thể chất
Duy trì các hoạt động thể chất sẽ giúp phát triển chiều cao và cân nặng hợp lý ở nam giới. Tình trạng béo phì hoặc các bệnh lý khác có thể xảy ra ở những người ít vận động. Hơn nữa, đối với các bé trai, việc thiếu vận động thể chất cũng có thể ảnh hưởng đến chiều cao ở trẻ nhỏ, vì xương và cơ của trẻ sẽ không đủ khỏe để phát huy hết tiềm năng chiều cao của chúng.
Vì vậy các bé trai và cả nam giới trưởng thành nên tham gia một số hoạt động thể chất đều đặn như: Bóng rổ, bơi lội, đánh cầu lông, chạy bộ,… Đồng thời hạn chế ngồi và nằm trong thời gian dài.
4. Giấc ngủ
Những người ngủ không đủ giấc có thể ăn nhiều calo và ăn vặt nhiều hơn. Các chuyên gia khuyên rằng người lớn từ 18 đến 64 tuổi nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày và người lớn tuổi từ 65 trở lên nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày.
Chiều cao cân nặng chuẩn của nam giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gen, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất, giấc ngủ. Hy vọng bạn đọc đã có thêm thông tin về chiều cao cân nặng chuẩn của nam, để xác định tình trạng sức khỏe và tỷ lệ cân đối cơ thể. Từ đó, bạn có thể tìm cho mình cách cải thiện sức khỏe tốt hơn!
[embed-health-tool-heart-rate]