backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

12

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cảm thấy bị ghét thì nên làm gì? Cách vượt qua cảm giác tiêu cực

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

Cảm thấy bị ghét thì nên làm gì? Cách vượt qua cảm giác tiêu cực

Bạn có bao giờ cảm thấy như mọi người đều đang bàn tán, nói xấu hay có ác ý với mình dù họ chỉ đang thì thầm những câu đùa vô hại? Bạn thường xuyên cảm thấy bất an khi bị “bỏ rơi” trong những cuộc vui của bạn bè? Cảm giác “bị ghét bỏ” có thể khiến bạn luôn suy nghĩ tiêu cực và mất niềm tin vào giá trị của bản thân. 

Trong bài viết này, HelloBacsi sẽ lý giải cho bạn lý do vì sao mà bạn lại có cảm giác người khác ghét mình và trường hợp nếu bạn cảm thấy bị người ta ghét thì bạn cũng biết nên làm gì.

Tại sao bạn luôn có cảm giác người khác ghét mình?

Nếu bạn có cảm giác người khác ghét mình mặc dù bạn cũng không biết mình đã làm gì, chưa xét đến vấn đề bạn có làm gì họ hay họ có làm gì bạn hay không, về mặt tâm lý thì bạn đang có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực ở nơi bản thân mà chưa được giải quyết. Chưa kể, cảm giác bị người khác ghét còn có thể xuất hiện nhiều hơn khi bạn cảm thấy chán nản và mệt mỏi, do một số nhu cầu chưa được đáp ứng.

Ngoài ra, nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm hay rối loạn lo âu, suy nghĩ này còn xuất hiện nhiều hơn trong tâm trí bạn.

Một số lý do sau đây có thể khiến bạn cảm thấy mình bị ghét bỏ:

  • Thiếu tự tin: Bạn có thể cho rằng mình không có gì đáng yêu hay thậm chí là ghét bản thân vì không tự tin vào những giá trị và ưu điểm của mình.
  • Bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm: Khi mắc chứng lo âu hay trầm cảm, bạn sẽ hay lo lắng và có cách suy nghĩ tiêu cực về mọi chuyện.
  • Thường xuyên bị bắt nạt: Nếu bạn bị đối xử không tốt khi còn nhỏ, bạn có thể cho rằng mình đáng ghét và xứng đáng bị đối xử như vậy lúc trưởng thành.
  • Từng bị lạm dụng trong mối quan hệ: Bạn có thể dần mất tự tin và bi quan nếu bị người mình yêu quý lạm dụng.
  • Mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần khác: Đôi khi cảm giác mình bị ghét là do một số vấn đề tâm lý tiềm ẩn như rối loạn nhân cách, rối loạn lưỡng cực,… Rối loạn tâm thần có thể khiến bạn thiếu tự tin và cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt.
Cảm giác mình luôn bị ghét bỏ khiến bạn cảm thấy bị cô lập và sợ tham gia vào hoạt động tập thể. Bạn cũng có thể lo lắng quá nhiều về hành động và lời nói của người khác vì nghĩ mọi người đều có ý ghét bỏ mình. Điều này có thể khiến bạn khó xây dựng được những mối quan hệ lành mạnh cũng như phát triển trong công việc.
tại sao luôn có cảm giác người khác ghét mình
Tại sao luôn có cảm giác người khác ghét mình?

Cảm thấy bị ghét thì nên làm gì? Cách vượt qua cảm giác bị ghét bỏ

Thay đổi cách nhìn nhận mọi việc

Bạn rất khó để kiểm soát cảm giác mọi người xung quanh đều ghét bỏ và có ý xấu với mình. Thế nhưng, bạn có thể thay đổi dần cách suy nghĩ của mình để có cuộc sống tích cực hơn.

Khi nghĩ rằng mọi người đều ghét bỏ mình, bạn cũng sẽ tin rằng tất cả hành động và lời nói của người khác đều có một ẩn ý sâu xa nào đó. Bạn có thể nghĩ người khác có ác ý khi họ không bấm Like (Thích) những bức ảnh bạn đăng trên mạng xã hội, không chào hỏi khi gặp hay không trả lời tin nhắn nhanh.

Bạn hãy thử thay đổi cách nhìn nhận mọi việc của mình để tránh hiểu nhầm người khác và làm bản thân thêm khó chịu. Có thể người kia không bấm Like hình của bạn trên mạng xã hội vì họ chưa thấy bức hình đó. Tin nhắn của bạn cũng có thể tới đúng lúc người khác đang bận nên họ chưa trả lời ngay.

Đánh giá mọi chuyện khách quan hơn

Khi để cảm xúc chi phối, bạn dễ có cái nhìn không thật sự khách quan về một chuyện nào đó. Khi thấy nhóm bạn của mình đi chơi riêng với nhau, bạn dễ có những suy nghĩ tiêu cực như mình bị bạn bè ghét bỏ. Rối loạn lo âu có thể góp phần khiến bạn có những suy nghĩ không khách quan và luôn cảm thấy mình bị ghét bỏ.

Thế nhưng, những cảm giác tiêu cực khi bạn gặp chuyện không vừa ý có thể không hợp lý. Bạn cần bình tĩnh suy nghĩ để thấy được những nguyên nhân khách quan hơn. Có thể nhóm bạn kia chỉ vô tình gặp nhau hoặc họ biết bạn đang bận nên không rủ. Học cách kiềm chế cảm xúc và làm chủ bản thân sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác bị ghét.

Đánh giá mọi chuyện khách quan hơn

Không cố đoán suy nghĩ của người khác

Khi nói chuyện với người khác, bạn có thường suy đoán xem họ đang suy nghĩ gì và có nghĩ xấu hay có đang đánh giá tiêu cực về mình? Những lo lắng này là khá bình thường nếu bạn biết cách kiểm soát. Nếu bạn quá ám ảnh với việc đoán biết suy nghĩ của người khác, bạn sẽ khó cân bằng cuộc sống riêng và khó vượt qua cảm giác bị ghét.

Bạn có thể tập cách tin tưởng những cảm xúc và suy nghĩ mà người khác thể hiện thay vì tự suy đoán. Ví dụ như nếu người khác từ chối lời mời ăn tối vì đã ăn trước rồi, bạn không nên suy diễn rằng họ không thích bạn nên từ chối.

Ngoài ra, bạn cũng cần tập trung phát triển bản thân và học cách không quan tâm người khác nghĩ gì về mình để tâm lý nhẹ nhàng hơn.

Cố gắng đối xử tốt với người khác

Một cách hữu ích để vượt qua cảm giác bị ghét là cởi mở hơn với người khác. Bạn có thể chủ động rủ mọi người đi chơi thay vì chờ đợi lời mời từ người khác. Ngoài ra, bạn cũng có thể mở lời chào hỏi khi gặp người quen. Sau một thời gian, bạn cũng sẽ thấy người khác vui vẻ và cởi mở hơn với mình hơn.

Không quan tâm những người tiêu cực

Không ít người luôn có cái nhìn tiêu cực về người khác và không đối xử tốt với bất kỳ ai. Họ có thể nói xấu mọi người, không giúp đỡ ai hay thậm chí hãm hại người khác. Tuy nhiên, bạn không nên dựa vào cách hành xử của họ mà đánh giá rằng mọi người đều không thích mình. Do đó, nếu bị người tiêu cực ghét, cách tốt nhất là không quan tâm bạn nhé.

Tập luyện thể chất nhiều hơn

Thói quen tập thể dục có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng và cách bạn cảm nhận mọi thứ. Bạn có thể thử đi dạo, chơi thể thao hay đi bơi. Khi dành thời gian rèn luyện thể chất và tiếp xúc với tự nhiên, bạn có thể cải thiện tâm trạng, giảm stress và bớt mệt mỏi về mặt tinh thần.

Cảm giác bị ghét bỏ thông thường sẽ qua nhanh chóng nếu bạn cố gắng thay đổi góc nhìn và cách cảm nhận mọi chuyện. Nếu cảm giác này kéo dài, bạn cần tìm đến các bác sĩ tâm lý để được giúp đỡ. Bác sĩ có thể giúp bạn chẩn đoán và chữa trị các rối loạn tâm lý tiềm ẩn như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hay rối loạn nhân cách.

Các câu hỏi thường gặp

Cảm thấy bị ghét có cần đi khám tâm lý không?

Bạn không cần đi khám tâm lý nếu tình trạng chỉ dừng ở tần suất ít và không ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và đời sống của bạn. Ngược lại, nếu các suy nghĩ này cứ diễn ra theo một vòng lặp, có tính ám ảnh và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, lúc này bạn nên chia sẻ với người thân, bạn bè để tìm sự giúp đỡ. Bên cạnh đó bạn cũng có thể tìm đến các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ.

Tại sao không làm gì mà vẫn bị ghét?

Trên thực tế, việc ai đó thích bạn hay ghét bạn phần lớn là bạn sẽ không thể kiểm soát được. Do đó, nếu bạn tin vào giá trị sống, phẩm chất và thái độ sống của mình thì bạn cũng không nhất thiết phải quan tâm hay cố suy đoán lý do vì sao họ ghét bạn. Vì bạn có cố cách mấy bạn cũng không thể thay đổi suy nghĩ và hành động của họ.

Kết luận

Để bước ra khỏi mặc cảm mình bị ghét bỏ, bạn cần kiên nhẫn thay đổi cách suy nghĩ và nhìn nhận mọi vấn đề của mình. Khi hòa đồng với mọi người, bạn sẽ luôn tràn đầy năng lượng tích cực và có cuộc sống vui vẻ hơn rất nhiều.

Tóm lại, nếu bạn vẫn cảm thấy bị người khác ghét mặc dù không biết bản thân có làm gì sai hay không, tốt hơn hết bạn nên dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc và tìm hiểu bản thân. Để có thể làm được điều này, HelloBacsi gợi ý cho bạn các nội dung giúp bạn phát triển bản thân của mình tốt hơn:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.



Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo