backup og meta

Những điều cần biết về chứng loạn động muộn

Những điều cần biết về chứng loạn động muộn

tLoạn động muộn là một rối loạn liên quan đến những cử động giật không chủ ý, thường xảy ra ở phần thấp của mặt như lưỡi, môi. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể có những cử động ở cả tay, chân, ngón tay và ngón chân. Ở những trường hợp nặng, triệu chứng có thể bao gồm lắc lư cả thân mình, hông hay cơ tham gia hô hấp. Loạn động muộn cũng có thể ảnh hưởng lên các phần khác của cơ thể.

Loạn động muộn có thể có những ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống của bạn và khả năng thực hiện những hoạt động thường nhật. Việc không thể thực hiện một số việc có thể làm bạn cảm thấy stress và vô dụng. Những bệnh nhân bị loạn động muộn thường trải qua những cảm giác:

  • Xấu hổ với những cử động của mình;
  • Buồn vì không thể kiểm soát những gì bản thân làm;
  • Phiền muộn vì không thể đoán được khi nào thì triệu chứng sẽ xuất hiện.

Nguyên nhân của chứng loạn động muộn là gì?

Loạn động muộn thường là một tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần, còn được biết như thuốc an thần. Các loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị những rối loạn tâm thần như tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và một số bệnh tâm thần khác. Cơ chế của thuốc là ức chế chất  dopamine, có nhiệm vụ thực hiện các cử động một cách uyển chuyển. Khi nồng độ dopamin xuống thấp, những cử động của bạn sẽ bị giật và không thể kiểm soát. Không phải tất cả những bệnh nhân dùng thuốc chống loạn thần đều bị loạn động muộn. Chứng này có thể xuất hiện sau 3 tháng kể từ khi sử dụng thuốc.

Thuốc chống loạn thần có 2 loại là điển hình và không điển hình. Thuốc chống loạn thần điển hình là thuốc cổ điển có nguy cơ bị loạn động muộn cao hơn. Với những tiến bộ trong y khoa, thuốc chống loạn thần mới (không điển hình) ghi nhận ít trường hợp bị loạn động muộn hơn.

Thuốc chống trầm cảm điển hình bao gồm:

  • Chlorpromazine (Thorazine®);
  • Fluphenazine (Prolixin®);
  • Haloperidol (Haldol®);
  • Thioridazine (Mellaril®);
  • Trifluoperazine (Stelazine®).

Thời gian bạn dùng thuốc càng dài thì nguy cơ bị loạn động muộn càng cao.

Một vài loại thuốc điều trị nôn ói, trào ngược và một số vấn đề dạ dày khác cũng có thể gây nên loạn động muộn nếu bạn dùng thuốc dài hơn 3 tháng, bao gồm:

  • Metoclopramide (Reglan®);
  • Prochlorperazine (Compazine®).

Ai có nguy cơ bị loạn động muộn ?

Có nhiều nguy cơ có thể dẫn đến loạn động muộn. Không phải mọi bệnh nhân đều sẽ mắc rối loạn này. Một vài nghiên cứu cho thấy một số người có nguy cơ cao bị loạn động muộn do sử dụng những thuốc khác hoặc mắc những bệnh khác mà có triệu chứng tương tự, ví dụ như bệnh Parkinson, bệnh Huntington và đột quỵ có thể gây ra những cử động cơ thể không thể kiểm soát. Một vài nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc loạn động muộn chung trong quá trình điều trị thuốc là khoảng 30-50%.

Bệnh nhân tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực được điều trị thuốc chống loạn thần thời gian dài có nguy cơ cao mắc loạn động muộn. Những tình trạng khác có thể dẫn đến chứng loạn động muộn là những người có hội chứng rượu bào thai, những khuyết tật phát triển khác và những rối loạn thần kinh.

Những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ là:

  • Giới tính: phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao hơn;
  • Tuổi: nguy cơ cao ở những người lớn hơn 55 tuổi;
  • Lối sống: lạm dụng rượu hay thuốc có thể làm tăng nguy cơ;
  • Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi hay Mỹ gốc Á.

Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn động muộn?

Dấu hiệu và triệu chứng của loạn động muộn có thể bắt đầu bằng cử động cứng, giật mà bạn không thể kiểm soát. Bạn cũng thường bắt gặp những cử động này ở mặt, môi, hàm, hay lưỡi cũng như ở tay và chân. Một vài cử động không thể kiểm soát bao gồm:

  • Nhăn mặt;
  • Cử động ngón tay;
  • Đong đưa hàm;
  • Nhai đi nhai lại;
  • Tật đẩy lưỡi;
  • Thè lưỡi ra ngoài mà không cần cố gắng;
  • Nhấp nháy mắt;
  • Nhăn hay chép môi;
  • Phồng má;
  • Cau mày;
  • Rên;
  • Ngọ nguậy ngón tay;
  • Gõ ngón chân;
  • Vỗ tay;
  • Ưỡn hông;
  • Lắc lư qua lại.

Có những triệu chứng khó đoán định này có thể gây khó dễ hoặc ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của bạn. Việc thông báo với bác sĩ khi bạn có những triệu chứng này hết sức quan trọng. Chẩn đoán sớm có thể giúp bạn cải thiện và ngăn tình hình trở nên tệ hơn.

Cách chẩn đoán loạn động muộn ?

Loạn động muộn có thể khó chẩn đoán do những triệu chứng không xuất hiện ngay sau sử dụng thuốc chống loạn thần. Bệnh có thể xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm , thậm chí nhiều thập kỷ sau khi sử dụng thuốc. Đôi khi, bạn chú ý đến những triệu chứng này sau khi đã ngưng thuốc. Chẩn đoán ra loạn động muộn là một thách thức không nhỏ cho cả bạn và bác sĩ.

Nếu bạn có những rối loạn tâm thần và cần dùng thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi sát những cử động của bạn. Hãy đảm bảo tái khám thường xuyên.

Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ những tình trạng bệnh lý có thể gây ra những cử động không kiểm soát đó như:

  • Bại não;
  • Bệnh Huntington;
  • Bệnh Parkinson;
  • Đột quỵ;
  • Hội chứng Tourette.

Xét nghiệm được dùng để chẩn đoán gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • Chẩn đoán hình ảnh của não như CT scan hay MRI scan.

Điều trị chứng loạn động muộn như thế nào?

Như ông bà ta nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Điều trị hiệu quả nhất cho loạn động muộn là phòng ngừa bệnh. Nếu bạn đang dùng thuốc có thể gây loạn động muộn, bạn nên để bác sĩ kiểm tra thường xuyên để xác định xem có bất kỳ dấu hiệu nào của loạn động muộn hay không.

Mục tiêu là ngăn chặn loạn động muộn trước khi chúng xuất hiện. Khi bác sĩ kê một loại thuốc mới để điều trị rối loạn tâm thần, bạn hỏi họ về các tác dụng phụ. Những lợi ích của việc dùng thuốc luôn luôn vượt trội so với nguy cơ. Bạn có thể cần phải chuyển sang loại thuốc chống loạn thần thế hệ mới để ít có khả năng gây nên loạn động muộn.

Bác sĩ  sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh của bạn bằng cách kê loại thuốc có tác dụng phụ ít nhất và sẽ giảm liều khi cần thiết.

Nếu bạn đã bị loạn động muộn mà việc giảm liều thuốc không giúp giảm triệu chứng, các nhà tâm lý học có thể sẽ đề nghị bạn đổi thuốc.

Thật không may cho đến nay, chứng loạn động muộn chưa có cách điều trị. Các nghiên cứu đã thực hiện những phương pháp khác nhau để điều trị loạn động muộn như dùng benzodiazepine, và các  thuốc hỗ trợ như là Vitamin E và Gingko Biloba. Nhưng hiệu quả của những phương pháp này vẫn chưa thực sự rõ ràng. Thuốc chống loạn thần clozapine đã chứng minh hiệu quả ở một số ca loạn động muộn.

Một vài thuốc giúp giảm triệu chứng của loạn động muộn như:

  • Amantadine (Symmetrel®);
  • Clonazepam (Klonopin®);
  • Tetrabenazine (Xenazine®).

Nếu bạn để ý thấy những dấu hiệu của loạn động muộn, đừng tự ý ngưng thuốc chống loạn thần vì sẽ gây nguy hiểm. Bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khi ngừng bất cứ thứ gì.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tardive Dyskinesia http://www.nami.org/Learn-More/Mental-Health-Conditions/Related-Conditions/Tardive-Dyskinesia  Ngày truy cập 19/9/2016

Tardive dyskinesia (TD) http://www.mind.org.uk/information-support/types-of-mental-health-problems/tardive-dyskinesia-td/td-signs-symptoms/#.VwOTBfl97IU Ngày truy cập 19/9/2016

Tardive Dyskinesia http://www.webmd.com/schizophrenia/tardive-dyskinesia Ngày truy cập 19/9/2016

Tardive dyskinesia https://medlineplus.gov/ency/article/000685.htm Ngày truy cập 19/9/2016

Tardive Dyskinesia http://emedicine.medscape.com/article/1151826-overview Ngày truy cập 19/9/2016

Phiên bản hiện tại

12/03/2021

Tác giả: Yến Nhi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Hoang tưởng, tâm thần phân liệt và những điều bạn cần biết


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Yến Nhi · Ngày cập nhật: 12/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo