Bạn đã từng nghe đến thuật ngữ enneagram chưa? Hiểu một cách ngắn gọn thì enneagram là một mô hình phân loại 9 kiểu tính cách, tương tự như những bài trắc nghiệm tâm lý khác.
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn về khái niệm enneagram là gì, nguồn gốc enneagram và cách ứng dụng mô hình tâm lý này.
Enneagram là gì?
Theo Tổ chức và trường học – Narrative Enneagram cho biết, enneagram là một mô hình, hay công cụ hoặc cũng có thể gọi là một học thuyết nghiên cứu về tính cách con người. Mô hình này phân loại con người thành 9 kiểu tính cách khác nhau. Mỗi loại tính cách sẽ có đặc điểm riêng, hành vi ứng xử và cách trải nghiệm cuộc sống khác nhau bắt nguồn từ tâm lý, tâm linh và cơ thể.
Nguồn gốc của enneagram đến từ đâu?
Các chuyên gia tâm lý cho rằng thuật ngữ này đã được các bác sĩ tâm thần sử dụng từ những năm 1970. Ngoài ra các nhà nghiên cứu còn cho biết, các biểu tượng của enneagram có thể đã được sử dụng từ thời của triết gia người Hy lạp Pythagoras. Những thông tin về lịch sử và nguồn gốc của enneagram tính đến nay vẫn còn tranh cãi và cũng rất khó để đưa ra kết luận chính xác.
Enneagram hoạt động như thế nào?
Theo khái niệm của enneagram, mỗi cá nhân được sinh ra với một kiểu tính cách thuộc một trong chín loại, không thay đổi theo thời gian, nhưng có sự liên quan đến cả chín loại tính cách này. Theo thời gian tính cách sẽ được định hình rõ hơn bởi môi trường sống và trải nghiệm sống.
Theo mô hình enneagram, mỗi loại tính cách sẽ có một tổ hợp bao gồm: Hành vi, động cơ và nỗi sợ hãi. Mục đích chính của mô hình enneagram là giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn để có thể phát huy điểm mạnh và cải thiện điểm yếu.
Khi làm bài trắc nghiệm enneagram, mỗi câu hỏi sẽ có hai đáp án và bạn sẽ chọn một đáp án giống với bản thân bạn nhất ở thời điểm hiện tại. Sau nhiều câu hỏi, kết quả của bài trắc nghiệm sẽ không phân loại bạn thuộc tính cách nào tuyệt đối, mà là sự kết hợp của nhiều tính cách khác nhau.
Khám phá 9 kiểu tính cách cùng enneagram
Sau khi bạn đã hiểu enneagram là gì, tiếp theo đây chúng ta sẽ cùng khám phá 9 kiểu tính cách của mô hình enneagram, được đăng tải trên Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận – Narrative Enneagram.
Mô hình được phân loại dựa trên 3 nhóm lớn là Thân (body) – Tâm (heart) – Trí (head). Mỗi nhóm lớn có chứa 3 nhánh nhỏ, tương đương với 9 kiểu tính cách.
1. Người cầu toàn (Reformer/ Perfectionist)
Người cầu toàn (the perfectionist) còn gọi là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, là những người sống nguyên tắc với các tiêu chuẩn đã đặt ra. Họ là những người sống tận tâm, có trách nghiệm, và có mục tiêu sống rõ ràng.
Tuy nhiên, họ sẽ tỏ thái độ phán xét và chỉ trích đối với những người hoặc chính bản thân họ khi không đáp ứng tốt các tiêu chí này; ngoài ra họ cũng khó thỏa hiệp với những điều không đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo,cầu toàn thường có nội tâm phê phán mạnh mẽ và có xu hướng nhìn thế giới chỉ có hai màu đen và trắng.
Đặc điểm tính cách của người cầu toàn (the perfectionist):
- Nỗ lực làm mọi việc thật tốt và cảm thấy có trách nhiệm làm cho mọi việc trở nên đúng đắn.
- Kìm nén những ham muốn bản năng để tập trung vào việc phát triển bản thân.
- Cảm thấy tức giận khi các tiêu chuẩn quan trọng không được đáp ứng.
- Tìm kiếm tình yêu và sự đồng tình của người khác bằng cách hành xử đúng đắn và cư xử tốt với mọi người.
- Tiếng nói nội tâm thường phê bình thẳng thắn, phán xét, giống như có người đang theo dõi các suy nghĩ, lời nói và hành động của bản thân.
2. Người giúp đỡ (Helper/ Giver)
Người giúp đỡ (the giver) là những người rộng lượng, chân thành và có khả năng lắng nghe tốt. Họ quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ và hướng đến việc kết nối mối quan hệ; đồng thời họ cũng đặt nhiều niềm tin và tình cảm vào mối quan hệ.
Tuy nhiên ‘người giúp đỡ’ này cũng có tính chiếm hữu cao, đôi khi đòi hỏi và xâm phạm.
Đặc điểm tính cách của người giúp đỡ (the giver):
- Quan tâm đến nhu cầu của người khác (đôi khi bỏ quên bản thân)
- Tự hào về việc cho đi và giúp đỡ người khác
- Thỉnh thoảng cảm thấy bản thân bị lợi dụng
- Gặp khó khăn trong việc bày tỏ nhu cầu và mong muốn của bản thân
- Cách thể hiện bản thân bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.
3. Người tham vọng (Achiever/ Performer)
Người tham vọng (the performer) là kiểu người có động lực, chăm chỉ và dễ thích nghi. Sự công nhận và sự tung hô mà họ nhận được từ mọi người chính là nguồn năng lượng để họ tiếp tục nỗ lực trở nên thành công. Họ có khả năng ngoại giao tốt và cũng đặc biệt quan tâm đến hình ảnh của bản thân.
Họ hướng năng lượng cảm xúc của mình vào việc hoàn thành công việc. Họ chủ động và làm việc chăm chỉ để hoàn thành mục tiêu của mình. Tập trung vào hình ảnh và sự thành công, họ có khả năng thích ứng cao và xuất sắc trong việc đáp ứng sự mong đợi của người khác.
Đặc điểm tính cách của người tham vọng (the performer):
- Nghiện công việc, đặt mục tiêu rõ ràng.
- Tìm kiếm sự ủng hộ và sự công nhận từ mọi người dựa trên hiệu suất.
- Bạn có tính cạnh tranh mạnh và thích sự chiến thắng.
- Liên tục bị áp lực thôi thúc để hành động.
- Hình ảnh bản thân thúc đẩy bạn cần phải làm việc chăm chỉ và có ngoại hình đẹp.
4. Người cá tính (Individualist/ Romantic)
Người cá tính hay người theo chủ nghĩa lãng mạn (the romantic) là những người sáng tạo, tiên phong và biết cách thể hiện bản thân. Họ ý thức được sự mạnh mẽ, sự cá tính và sự khác biệt của họ đối với mọi người.
Do xu hướng thích trở thành trung tâm của đám đông nên họ bị cảm xúc chi phối mạnh mẽ. Chính vì vậy mà cảm xúc của họ lên xuống thất thường, dễ xúc động và dễ kích động.
Đặc điểm tính cách của người cá tính (the romantic):
- Khó thỏa mãn bản thân.
- Mơ tưởng về những gì bản thân chưa có và xem nhẹ những gì bản thân đang có.
- Có khuynh hướng đố kỵ và lý tưởng hóa những gì người khác có mà họ không có.
- Tin rằng sự buồn bã và đau khổ khiến họ trở nên khác biệt.
- Cho rằng tính xác thực và những trải nghiệm có ý nghĩa là điều cần thiết.
5. Người lý trí (Investigator/ Observer)
Người lý trí hay người quan sát (the observer) là những người có khả năng nhận thức cao, lập luận logic, thông minh và thường suy nghĩ rất thấu đáo về mọi thứ.
Những đặc điểm tính cách này khiến họ có phần tách biệt bản thân khỏi xã hội, thích giữ mọi thứ riêng tư cho bản thân và cũng ít khi bày tỏ cảm xúc. Các nhà quan sát thấy rằng họ phải tự bảo vệ mình khỏi một thế giới đòi hỏi quá nhiều và cho đi quá ít. Do đó, người quan sát thường tìm kiếm sự tự lập và không đòi hỏi, có óc phân tích, chu đáo và không phô trương.
Đặc điểm tính cách của người lý trí (the observer):
- Bạn ưa thích sự riêng tư như người hướng nội (introvert).
- Bạn thích theo đuổi chủ nghĩa tối giản (minimalism).
- Bạn có khả năng quan sát suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.
- Bạn dành thời gian cho bản thân, tiết kiệm năng lượng và tích lũy kiến thức cho bản thân.
- Bạn tự tách biệt mình với cảm xúc và có xu hướng quan sát hơn là tham gia các hoạt động.
6. Người trung thành (Loyalist/ Loyal Skeptic)
Người trung thành (the loyal skeptic) là những người có trách nhiệm, đáng tin cậy, tận tụy, thích sự chắc chắn và an toàn. Đây là người có những mối quan hệ bền chặt, ham học hỏi và cũng là người được bạn bè tin tưởng và tìm đến mỗi khi cần giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên trong số ít trường hợp ‘người trung thành’ cũng cảm thấy lo lắng, sợ hãi và nghi ngờ.
Đặc điểm tính cách của người trung thành (the loyal skeptic):
- Bạn bận tâm đến những vấn đề như an toàn, an ninh.
- Bạn có thói quen hoài nghi mọi sự vật, sự việc và có suy nghĩ trái chiều khi đón nhận sự việc .
- Bạn có sự cảnh giác, trí tưởng tượng tích cực và trực giác nên thường dự đoán các tình huống để tránh các vấn đề có thể xảy ra.
- Bạn thường xuyên trì hoãn vì sợ đưa ra những quyết định chưa được suy nghĩ thấu đáo.
- Bạn thường đặt câu hỏi về quyền lực và con người cho đến khi bạn tin tưởng được họ.
7. Người nhiệt tình (Enthusiast/ Epicure)
Người nhiệt tình (the epicure) là người yêu thích sự lạc quan, cởi mở, hướng ngoại và rất tích cực. Họ không thích sự gò bó nên luôn tìm kiếm những chuyến phiêu lưu, ngoài ra họ cũng được bạn bè yêu mến bởi sự hài hước tự nhiên của bản thân.
Đây là nhóm người có khả năng cam kết tốt nhưng cũng dễ bốc đồng và bị phân tâm bởi những tình huống xung quanh. Do đó họ cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thành để đạt mục tiêu đã đặt ra ban đầu. Họ cũng thường tránh né nỗi đau và có thể không cam kết.
Đặc điểm tính cách của người nhiệt tình (the epicure):
- Bạn luôn tìm kiếm niềm vui và khao khát được trải nghiệm mới.
- Lạc quan, năng động và tràn đầy năng lượng.
- Bạn có nhiều lựa chọn nên bạn cũng khó đưa ra quyết định.
- Bạn ghét sự nhàm chán của những thứ lặp đi lặp lại và không thích bị giới hạn.
8. Người thách thức (Challenger/ Protector)
Người thách thức (the challenger) là tuýp người được đánh giá cao là dễ đạt được sự thành công với vai trò lãnh đạo nhờ vào sự thẳng thắn, tự tin và quyết đoán. Họ tin rằng, họ phải trở nên thật mạnh mẽ và có đủ quyền lực thì mới được tôn trọng và được bảo vệ.
Tuy nhiên cũng vì tính cách thích thống trị mà họ được nhận xét là hung hăng, độc đoán và khiến người khác phải dè chừng.
Đặc điểm tính cách của người thách thức (the challenger):
- Mạnh mẽ và bảo vệ người yếu thế.
- Mọi người xem bạn là người hung hăng, dữ dằn và bốc đồng.
- Bạn ý thức được rằng điều gì là công bằng và đúng đắn.
- Thẳng thắn, sẵn sàng đối đầu và bộc lộ sự tức giận ngay khi cần thiết.
- Phát triển nhờ có nhiều năng lượng trong cơ thể và nhiệt huyết với cuộc sống.
- Gặp khó khăn khi phải chịu đựng sự tổn thương và cảm giác buồn bã của chính mình.
9. Người hòa giải (Peacemaker/ Mediator)
Người ôn hòa hoặc người hòa giải (the mediator) là kiểu người cởi mở, dễ chịu và có khả năng đồng cảm. Họ là người quan trọng trong việc giữ hòa khí của cả nhóm, nên họ cũng thường được nhiều người yêu mến và trân trọng.
Mặc dù họ nhận được sự yêu mến từ mọi người nhưng chính sự dễ chịu cũng chính là điểm yếu của họ, họ có xu hướng né tránh các cuộc xung đột và các vấn đề.
Đặc điểm tính cách của người hòa giải (the mediator)
- Có khả năng quan sát, phân tích và nhìn ra nguyên nhân của những cuộc mâu thuẫn.
- Khả năng thấu hiểu nhu cầu và mong muốn của bản thân thấp
- Có xu hướng né tránh các vấn đề và các cuộc xung đột.
- Là người hòa giải và giải quyết vấn đề giúp mọi người vì có thể thấy được và phân tích được các khía cạnh khác nhau của vấn đề.
- Gặp khó khăn khi nói “không” và sau này có thể bực bội vì đã đồng ý với điều gì đó mà bản thân không muốn làm.
[/caption]
Câu hỏi thường gặp
Ứng dụng enneagram vào cuộc sống như thế nào?
Mô hình enneagram giúp bạn hiểu tính cách, năng lực cũng như những giới hạn của bản thân. Từ đó bạn sẽ biết cách hoàn thiện bản thân.
Ví dụ nếu bạn là người cầu toàn, bạn sẽ tỉ mỉ và luôn cẩn trọng trong công việc. Tính cách này giúp bạn nhận được sự tín nhiệm của mọi người. Tuy nhiên mặt trái của tính cách này là bạn sẽ bị giới hạn tầm nhìn vì mải mê với những chi tiết nhỏ.
Tương tự với những tính cách khác, không có tính cách nào là hoàn hảo, đều có cái ưu thế và yếu thế riêng. Quan trọng là bạn nhận ra và hoàn thiện chúng.
Ngoài ra, trong lĩnh vực tâm thần học, các bác sĩ cũng ứng dụng mô hình 9 loại tính cách enneagram để nhận diện các hành vi bất thường của người bệnh dựa trên tính cách của họ thông qua bài trắc nghiệm (bài test).
Làm trắc nghiệm enneagram có chính xác không?
So với các trắc nghiệm tính cách và nghề nghiệp khác như trắc nghiệm MBTI, trắc nghiệm Holland, DISC, thì enneagram được công nhận là có sự chính xác và độ tin cậy khá cao. Dù enneagram có phương thức hoạt động phức tạp, bài trắc nghiệm lại được thiết kế một cách khá dễ tiếp cận và gần gũi.
Tuy nhiên về mặt học thuật và nghiên cứu thì mô hình enneagram không được sử dụng trong tâm lý học vì nhiều chuyên gia ủng hộ MBTI hơn.
Thực tế, không có bất kỳ một bài trắc nghiệm nào được đánh giá là chính xác hoàn toàn 100%. Vì tính cách của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian. Các công trình nghiên cứu cũng sẽ liên tục được cập nhật và đổi mới. Do đó, bạn nên phát triển khả năng thấu hiểu bản self-awareness tốt hơn thay vì đặt trọn niềm tin vào các bài trắc nghiệm tâm lý.
Bài trắc nghiệm tính cách Enneagram:
- Bài trắc nghiệm tiếng Việt với 45 câu hỏi (miễn phí) – Thực hiện bài test
- Bài trắc nghiệm tiếng Anh với 45 câu hỏi (miễn phí) – Thực hiện bài test
Kết luận
Tóm lại, enneagram là gì? Đây là mô hình phân loại tính cách con người thành 9 kiểu tính cách khác nhau. Mỗi loại tính cách sẽ có những nét đặc trưng và cách nhận diện khác nhau, ngoài ra tính cách của mỗi người không phải là tuyệt đối ở một tính cách mà là sự pha lẫn giữa các tính cách với nhau.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu tường tận hơn về enneagram là gì cũng như biết cách mà chúng vận hành trong đời sống.
[embed-health-tool-bmi]