backup og meta

Deja vu là gì? Bạn cần làm gì khi gặp hiện tượng Deja vu?

Deja vu là gì? Bạn cần làm gì khi gặp hiện tượng Deja vu?

Bạn có từng trải qua cảm giác quen thuộc khi gặp một ai đó lần đầu tiên hay thấy mình đã từng ở một nơi nào trước đây mặc dù chưa hề đặt chân đến? Nếu câu trả lời là có thì nhiều khả năng bạn đã trải qua hiện tượng Déjà vu (hay còn gọi là deja vu hoặc dejavu).

Mặc dù thoạt nghe có vẻ lạ lùng nhưng hiện tượng mơ thấy tương lai này xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ. Đó có thể là những giấc mơ trước đây mà vô tình bạn lại gặp phải sự kiện tương tự ở ngoài đời thật. Chính sự trì hoãn trong quá trình xử lý thông tin của não bộ khiến bạn cảm giác như đã “nhìn thấy tương lai” từ trước. 

Theo số liệu thống kê, có đến 60 – 70% dân số thế giới từng trải qua hiện tượng này ít nhất một lần trong đời. Hãy cùng tìm hiểu xem dejavu nghĩa là gì; và những bí ẩn xung quanh hiện tượng thú vị này.

Deja vu là gì?

Hiện tượng tâm lý deja vu (hay déjà vu) được mô tả là một hiện tượng mà một người nhìn thấy một viễn cảnh như mình đã từng sống ở hoàn cảnh đó trước đây, rất quen thuộc, thậm chí là nhớ rõ từng chi tiết; mặc dù không thể nhớ chính xác là khi nào và diễn ra ở đâu.

Déjà vu bắt nguồn từ tiếng Pháp mang ý nghĩa “đã từng xảy ra”. Đây là cảm giác xuất hiện khi một sự kiện nào đó diễn ra và bạn cho rằng nó đã xảy ra rồi trong quá khứ. Bạn có thể đã từng trải qua trải nghiệm này ít nhất vài lần trong đời; nhưng có thể là khoảnh khắc quá ngắn nên chính bản thân bạn không hề nhận thức được. 

Để lý giải cho hiện tượng tâm lý dejavu là gì, nhiều giả thuyết giải thích rằng, dejavu là một hiện tượng huyền bí, như một dạng ‘tiên tri’ thấy trước tương lai. Tuy nhiên, theo góc nhìn khoa học, các quan điểm này đã bị bác bỏ do thiếu cơ sở và bằng chứng khoa học. Thay vào đó, các nhà khoa học tập trung khai thác và nghiên cứu sâu hơn về quá trình tri giác và ghi nhớ của não bộ.

Deja vu là gì

Ví dụ về hiện tượng tâm lý Dejavu

Bạn đang ngồi trong một quán cà phê mới mở và trò chuyện cùng bạn bè. Đột nhiên, bạn cảm thấy như mình đã từng làm điều này trước đây, từ không gian quán, vị trí ngồi cho đến nội dung cuộc trò chuyện đều đang diễn ra theo đúng những gì bạn từng trải nghiệm trước đây. Mặc dù bạn biết rằng, quán này là mới mở hoặc đây là những người bạn mới quen chẳng hạn.

Déjà vu thường mang lại cảm giác kỳ lạ và khó giải thích, mặc dù hiện tượng này mang lại cảm giác thú vị cho bạn, nhưng quả thật cũng không dễ để lý giải.

Phân loại hiện tượng tâm lý Dejavu

Hiện tượng Déjàvu được chia thành 2 loại chính:

  • Déjà vu do bệnh lý gây ra, thường liên quan đến bệnh lý động kinh. Hoặc khi kéo dài hoặc thường xuyên một cách bất thường. Hoặc kết hợp với các triệu chứng khác như ảo giác, hoang tưởng; và thường là dấu hiệu của các bệnh tâm thần.
  • Hiện tượng Déjà vu không phải bệnh lý. Loại này thường xảy ra ở những người khỏe mạnh. Theo các thống kê thì những người đi du lịch nhiều hoặc xem phim nhiều sẽ gặp qua Déjà vu nhiều hơn những người khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy Déjà vu giảm dần theo độ tuổi.

déjà vu là gì?

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Déjà vu là gì?

Vấn đề ở vùng lưu trữ trí nhớ

Vấn đề có thể xảy ra ở vùng não lưu trữ trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn (short and long term memory). Một số nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, thông tin mà bạn thu thập từ thế giới xung quanh có thể bị nhập chung từ vùng trí nhớ ngắn hạn sang vùng trí nhớ dài hạn, chúng bỏ qua cơ chế chuyển giao hoặc sàng lọc thông tin.

Khi một thông tin mới được thu nhận, sự trì hoãn chuyển giao thông tin và sàng lọc khiến cho não bộ nhầm lẫn giữa ký ức và thông tin mới. Điều này khiến bạn có cảm giác như bạn đang trải nghiệm lại một điều trong quá khứ chứ không phải đang trải nghiệm một sự kiện mới hoàn toàn. Đây chỉ là cảm giác “bị đánh lừa” nên bạn sẽ không thể nào nhớ lại thời điểm sự kiện đã xảy ra.

Hiện tượng này sẽ xảy ra khi não bạn liên kết một trải nghiệm cũ với trải nghiệm hiện tại, ngoài ra vì giữa hai sự kiện có nhiều điểm tương đồng nên khiến bạn có cảm giác như hai sự kiện này là một.

Bên cạnh đó, không nhất thiết là bạn phải trải qua một sự kiện mà đôi khi chỉ là bạn từng mơ hoặc từng suy nghĩ nhiều nó. Ví dụ như, bạn từng mơ về cuộc gặp gỡ giữa bạn và thần tượng của mình, đến khi bạn tham gia concert của thần tượng thì đột nhiên bạn có cảm giác như mình đã từng trải qua tình huống này trước đây. Đây là cơ chế tiếp nhập những thông tin quen thuộc của não bộ.

Vấn đề ở vùng lưu trữ trí nhớ có thể gây ra deja vu
Vùng não lưu trữ trí nhớ có thể gây ra hiện tượng deja vu

Những yếu tố khác gây hiện tượng Deja vu là gì?

Các nhà nghiên cứu cũng đã thống kê thấy có một số yếu tố đặc trưng tác động đến sự xuất hiện của trải nghiệm Deja vu như:

  • Tuổi tác: Déjà Vu thường gặp nhiều nhất ở những ở những người trẻ tuổi và ít gặp khi bạn lớn tuổi hơn.
  • Giới tính: Nam giới và phụ nữ dường như có trải nghiệm Déjà Vu với tần suất gần tương đương nhau.
  • Điều kiện sống: Theo một số nghiên cứu, Déjà Vu phổ biến hơn ở những người có mức sống tốt hơn hay trình độ học vấn cao hơn.
  • Tần suất đi du lịch: Những ai hay đi du lịch cũng sẽ có nhiều khả năng trải nghiệm Déjà Vu thường xuyên.
  • Tình trạng căng thẳng: Nhiều kết quả cũng đã chứng minh rằng Déjà vu phổ biến hơn khi bạn ở vào trạng thái mệt mỏi hoặc căng thẳng.
  • Thuốc điều trị: Một nghiên cứu được công bố vào năm 2001 phát hiện trường hợp một người đàn ông 39 tuổi khỏe mạnh đã trải nghiệm deja vu thường xuyên khi dùng amantadine và phenylpropanolamine để điều trị cúm.

Bạn nên làm gì khi gặp hiện tượng Deja vu?

Hiện tượng Deja vu rất bình thường và hầu như ai cũng sẽ trải qua vào một thời điểm nào đó trong đời. Tuy nhiên, nếu vẫn xem đây là một hiện tượng thần bí gây ra cảm giác sợ hãi, lo lắng thì bạn nên áp dụng các lời khuyên sau đây.

Giữ bình tĩnh

Cảm giác quen thuộc khi trải nghiệm một sự kiện mà chắc chắn chưa hề xảy ra với bạn trước đây có thể khiến bạn choáng ngợp, lúc này hãy thử:

  • Hít thở sâu: Bạn có thể vượt qua trạng thái sợ hãi bằng cách hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh. Chỉ bằng cách thực hành hít thở đơn giản; bạn sẽ giải tỏa được tâm trí, lấy sự cân bằng tinh thần nhanh chóng.
  • Ghi lại nhật ký: Bắt đầu ghi lại những ký ức về trải nghiệm Déjà vu của mình cũng là một gợi ý hay. Theo đó, bạn hãy ghi lại các sự kiện diễn ra xung quanh; và cảm giác của bạn (thời gian, ở đâu, việc gì đã xảy ra, ai đã ở đó…).
  • Tập trung suy nghĩ vào hiện tại: Bạn có thể vượt qua sự khó chịu khi trải qua hiện tượng Deja vu nếu tập trung suy nghĩ vào hiện tại. Hãy nghĩ đến những sự việc bạn đang làm; hay uống một chút cà phê để tỉnh táo hơn.
  • Chia sẻ trải nghiệm của bản thân: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 65% người trẻ tuổi phải trải qua hiện tượng Déjà vu ít nhất một lần trong đời. Đừng ngại chia sẻ với bạn bè hay gia đình mình để tìm thấy sự đồng cảm; vì biết đâu họ cũng đã hoặc đang trải qua cảm giác tương tự như bạn.
Giữ bình tĩnh
Giữ bình tĩnh khi trải qua hiện tượng dejavu hoặc bạn nên ghi chép lại những điều thú vị mà bạn vừa trải qua

Chăm sóc cơ thể  

Déjà vu có thể được xem là biểu hiện mà cơ thể đang muốn cảnh báo với bạn một vấn đề sức khỏe nào đó. Thế nên bạn hãy thử thực hiện một số thay đổi trong lối sống hàng ngày như.  

  • Giảm căng thẳng: Theo như kết quả của nhiều nghiên cứu thì hiện tượng Deja vu diễn ra thường xuyên hơn khi bạn bị căng thẳng. Hãy thử thực hiện một số biện pháp đơn giản như thiền hoặc yoga để giải tỏa áp lực mà bạn đang gặp phải.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn: Deja vu có thể có mối liên hệ nhất định với tình trạng mất ngủmệt mỏi. Do đó, để đối phó với tình trạng này, bạn hãy đảm bảo mình có thời gian nghỉ ngơi hợp lý bằng cách đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc mỗi ngày.
  • Kiểm tra lại các loại thuốc uống: Nhiều nghiên cứu cho thấy có một số loại thuốc nhất định có khả năng làm tăng các hormone như hormone dopamine làm tăng khả năng trải nghiệm Déjà vu. Hãy lưu ý với bác sĩ về tần suất xuất hiện Déjà vu để nhận được những giải pháp điều trị phù hợp hơn.

Không quá lo lắng khi trải nghiệm Déjà vu

Nhiều nghiên cứu phát hiện thấy những ai có trải nghiệm Déjà vu có khả năng ghi nhớ tốt hơn những người ít trải qua cảm giác này. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng hiện tượng Déjà vu để luyện tập khả năng ghi nhớ của mình.

Bạn hãy thử ghi nhớ các sự kiện hay ký ức diễn ra từ những sự kiện hàng ngày. Tập trung đến các chi tiết trong cuộc sống thường ngày như để ý đến hương thơm; hình dạng; mùi vị; âm thanh hay cảm xúc có thể giúp cải thiện trí nhớ. Ví dụ như khi đi bơi; hãy chú ý đến cảm giác thư giãn khi hòa mình vào dòng nước mát lạnh; hay bạn đã có câu chuyện gì thú vị ở hồ bơi chẳng hạn.

Câu hỏi thường gặp

Dejavu là gì trong tình yêu?

Khi bạn đã hiểu được cơ chế vận hành của hiện tượng tâm lý dejavu thì bạn có thể hiểu được hiện tượng này trong tình yêu như sau: ‘Bạn đang đi chơi cùng người ấy hoặc bạn vừa gặp một người lần đầu tiên, nhưng bạn có cảm giác rất quen thuộc, như cả hai đã từng biết nhau trước đây”.

Cảm giác này có thể được lý giải bằng hai thuật ngữ khác là soulmatetwinflame. Một cảm giác thân thuộc và kết nối sâu sắc khi bạn gặp gỡ ai đó lần đầu tiên.

Kết luận

Déjà vu đã được nghiên cứu từ rất lâu và mặc dù giới khoa học đã đưa ra nhiều lời giải thích nhưng tất cả vẫn còn dừng lại ở những giả thuyết khá mơ hồ. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy Déjà Vu gây hại cho sức khỏe của bạn. Vậy nên không có lý do gì mà bạn phải thấy lo lắng khi trải qua cảm giác lạ kỳ này hay thậm chí tận dụng Deja vu để tăng cường trí nhớ!

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng này. Ngoài ra, nếu bạn có quan tâm đến các chủ đề tương tự bạn hãy đọc thêm ở Chuyên mục Tâm lý Tâm thần tại đây.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What is Déjà Vu
psychologicalscience.org/news/releases/the-psychology-of-deja-vu.html
Ngày truy cập: 24.06.2024

Explainer: what is Déjà Vu and why does it happen?
kids.frontiersin.org/articles/10.3389/frym.2015.00001
Ngày truy cập: 24.06.2024

What is Deja Vu?
brainfacts.org/thinking-sensing-and-behaving/thinking-and-awareness/2018/what-is-deja-vu-101818
Ngày truy cập: 24.06.2024

Feel Like You’ve Been Here Before? It Might Be Déjà Vu
pennmedicine.org/updates/blogs/health-and-wellness/2019/july/deja-vu
Ngày truy cập: 24.06.2024

What is Deja Vu?
clevelandclinic.org/deja-vu-what-it-is-and-when-it-may-be-cause-for-concern/
Ngày truy cập: 24.06.2024

Phiên bản hiện tại

24/06/2024

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phong Huỳnh


Bài viết liên quan

Thần giao cách cảm là gì? Lợi ích và cách tập luyện thần giao cách cảm

Twin flame là gì? Dấu hiệu nhận biết mối quan hệ twin flame


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 24/06/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo