backup og meta

Cảm giác bị bỏ rơi, khởi nguồn của những nỗi sợ

Cảm giác bị bỏ rơi, khởi nguồn của những nỗi sợ

Cảm giác bị bỏ rơi khiến bạn lạc lõng giữa đám đông như một hạt cát đơn độc lạc trong sa mạc mênh mông… Ở đó, bạn luôn cảm thấy sợ hãi và chỉ muốn tìm đường lẩn trốn. Liệu có cách nào giúp bạn vượt qua những nỗi sợ hãi mơ hồ này?

Mỗi ngày bạn đều cười nói vui vẻ với nhóm bạn thân thiết của mình. Thế nhưng đến một ngày bạn cảm thấy họ dường như không còn hiểu bạn nữa, thậm chí không quan tâm đến sự có mặt của bạn khiến bạn cảm thấy thế giới xung quanh dường như quá xa lạ.

Làm thế nào để bạn có thể vượt qua cảm giác bị bỏ rơi? Hãy cùng đi tìm lời giải đáp giúp bạn lấy lại niềm vui và tự tin hơn vào cuộc sống nhé!

Dấu hiệu của người có cảm giác bị bỏ rơi

cảm giác bị bỏ rơi

1. Luôn cố gắng làm hài lòng mọi người

Chính vì sợ người khác chỉ trích, đánh giá hay sợ cảm giác bị ghét bỏ mà bạn luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người để không nhận những tổn thương cho bản thân. Thậm chí để giữ mối quan hệ của mình tốt đẹp mà bạn thường là người nhận lỗi sai khi mọi việc không suôn sẻ dẫn đến mệt mỏi tinh thần.

Là một người thường xuyên sợ tổn thương nên bạn cũng không muốn làm tổn thương người khác. Đồng thời, bạn sẽ để ý đến những thái độ của mọi người trước khi nói bất cứ điều gì. Nếu cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ tạo bức tường thành ngăn cách người khác hiểu về con người thật của bạn. Đến khi bạn không tìm thấy được người đồng cảm với mình, bạn sẽ cảm thấy buồn chán và trở nên đơn độc.

Những người cố gắng làm hài lòng người khác thật ra rất khổ tâm. Bạn thường chịu thiệt thòi và nhún nhường người khác dù cho đó là những việc bạn không muốn làm chỉ để được chấp nhận và không bị lạc lõng.

2. Nhạy cảm với những lời chỉ trích

cảm giác bị bỏ rơi

Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn thường có xu hướng sống thiên về cảm xúc và sâu sắc hơn những người ít nhạy cảm. Đặc biệt là đối với phụ nữ, bạn là người cầu toàn và quan trọng tiểu tiết trong bất cứ công việc nào mình làm.

Chính vì những lý do này mà bạn dễ buồn và tổn thương khi nhận lời phê bình từ sếp hoặc từ một người mà bạn thân thiết. Dù cho những lời nhận xét đó có là những lời góp ý chân thành giúp bạn tốt hơn thì cũng khiến bạn thấy tổn thương.

Chính những dấu hiệu tâm lý dễ tổn thương khiến bạn thường xuyên suy nghĩ tiêu cực, bạn cá nhân hóa vấn đề và nghĩ rằng những người thân của bạn không hiểu bạn. Từ đó bạn cô lập bản thân bạn với mọi người và không muốn chia sẻ bất cứ điều gì với ai nữa.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: 7 dấu hiệu tâm lý bất ổn khiến bạn dễ gây xung đột

3. Không dễ làm quen và kết bạn

Có nhiều nghiên cứu cho thấy những người sợ cảm giác bị bỏ rơi thường là những người hướng nội. Nếu như người hướng ngoại thường dễ làm quen và kết bạn, thì người hướng nội lại rất khó để kết bạn.

Mặc dù họ thích đơn độc nhưng lại rất muốn người khác quan tâm và hiểu mình. Chính vì điều này mà người hướng nội cũng thường xuyên có cảm giác bị bỏ rơi và “trốn ở một góc tường nào đó” khi người bạn thân có những quan điểm không đồng điệu với họ. Họ có thể sẽ chấm dứt tình bạn nếu như thấy mình đã đặt niềm tin sai chỗ.

Hành động có thể mạnh mẽ nhưng trong lòng bạn lại cảm thấy rất tổn thương và cô đơn. Sau những mệt mỏi, bạn lại càng khó để thân thiết với bất cứ ai và rơi vào trạng thái đơn độc.

4. Có dấu hiệu của người trầm cảm

cảm giác bị bỏ rơi

Bạn có thể đối mặt với chứng trầm cảm nếu trong quá khứ gặp những điều đau buồn và đổ vỡ về tình cảm. Dưới đây là những nguyên nhân điển hình có thể khiến bạn bị trầm cảm.

  • Đổ vỡ tình cảm
  • Mất đi người thân
  • Rối loạn đa nhân cách
  • Có bệnh nặng khó chữa
  • Lạm dụng chất gây nghiện
  • Cô đơn và cô lập với xã hội
  • Nghèo khó và không có địa vị
  • Rối loạn thần kinh hoặc thể chất

Khi gặp tình trạng trầm cảm, bạn sẽ thường phải đối mặt với tâm trạng chán nản mệt mỏi. Bạn chỉ muốn ở một mình và không muốn tiếp xúc với ai. Bạn tạo bức tường ngăn cách bạn với những người khác và không muốn mở lòng với ai để tránh những tổn thương về tình cảm.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Dấu hiệu trầm cảm dẫn đến tự sát: Nỗi đau bất cần đời

Khi biết mình đang đối mặt với cảm giác bị bỏ rơi, bạn nên tìm cách giúp bản thân vượt qua những suy nghĩ tiêu cực kịp thời. Nếu tình trạng này cứ kéo dài, bạn sẽ dễ dàng mắc những chứng bệnh về tâm lý làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Cách vượt qua nỗi sợ cảm giác bị bỏ rơi

cảm giác bị bỏ rơi

Cảm giác bị bỏ rơi tưởng chừng như có thể dễ dàng vượt qua, thế nhưng nếu bạn để tình trạng này kéo dài thì có thể trở thành bệnh tâm lý.

Dưới đây là những ảnh hưởng lâu dài khi bạn phải thường xuyên có cảm giác bị bỏ rơi:

  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Sợ cảm giác thân mật
  • Phiền muộn và trầm cảm
  • Dễ dàng buồn và tủi thân
  • Nhún nhường người khác
  • Dễ dàng tức giận và trách móc
  • Không dễ dàng tin tưởng người khác

Dưới đây là những cách mà bạn nên tham khảo để tự tin hơn và đối mặt với cảm giác bị bỏ rơi mà không cảm thấy “chán đời”.

1. Đầu tư thời gian vào sở thích

cảm giác bị bỏ rơi

Khi tập trung vào điều bản thân thích, bạn sẽ không quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Hơn nữa, một người có đam mê riêng sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng với người khác. Từ đó, bạn sẽ thu hút được nhiều người quan tâm hơn.

Bạn có thể học những thói quen chăm sóc bản thân tốt hơn bằng cách làm những điều bạn thích. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn nên thêm vào kế hoạch giúp bạn tự tin hơn.

• Bộ môn nghệ thuật: Bạn có thể tham gia một bộ môn nghệ thuật bạn thích để có thể tự do thả tâm hồn mình vào thế giới của riêng bạn như tham gia một lớp học vẽ, học nhảy, học múa ballet, học yoga…

• Bộ môn thể thao: Tập luyện thể thao không chỉ giúp bạn tăng cường sức khỏe thể chất mà còn tăng cường cả về sức khỏe tinh thần giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Bạn có thể cân bằng cuộc sống của mình khi tập bơi, chạy điền kinh, chơi cầu lông, tập gym, …

• Lên kế hoạch đi du lịch: Để có thể giải tỏa những căng thẳng, bạn có thể lên kế hoạch để đi du lịch với bạn bè, người yêu hoặc gia đình. Thậm chí, nếu cần những không gian yên tĩnh, bạn có thể chọn hướng đi du lịch một mình cũng là cách bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

• Học cách viết nhật ký: Học cách viết nhật ký là một lựa chọn phù hợp với bạn. Bạn có thể ghi chép lại những điều bản thân đã suy nghĩ, đã trải nghiệm và thậm chí ghi lại những điều khiến bạn đau lòng. Đây cũng là một liệu pháp tâm lý giúp bạn giải tỏa stress.

• Duy trì thói quen đọc sách: Những người có thói quen đọc sách thường là những người thành công trong cuộc sống. Khi thành công, bạn sẽ tự tin hơn vào chính bản thân mình.

• Học một ngoại ngữ mới: Bạn hầu như sẽ chẳng còn thời gian để bận tâm những suy nghĩ tiêu cực khi dành thời gian học một ngôn ngữ mình thích.

Ngoài ra, bạn có thể học cách đầu tư cho những mối quan hệ mới thay vì bận lòng và buồn phiền khi bị một ai đó bỏ rơi. Dưới đây là những gợi ý để bạn có thể mở rộng mối quan hệ của mình.

  • Kết bạn online
  • Kết bạn khi đi du lịch
  • Kết bạn trong khu xóm
  • Kết bạn với đồng nghiệp cùng công ty

Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn trọng trong khi kết bạn với mọi người để tránh bị lợi dụng hay gặp những rủi ro không đáng có nhé.

2. Điều trị các vấn đề tâm lý

Cảm giác bị bỏ rơi thường gặp ở những người mắc các bệnh tâm lý khiến bạn tách ly bản thân với xã hội như bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu,buồn phiền… Vì thế, bạn cần đối diện với vấn đề tâm lý của mình để có phương hướng điều trị kịp thời.

Bước đầu tiên trong việc chữa trị là bạn nên tâm sự nỗi sợ cảm giác bị bỏ rơi với những người thân, người cố vấn hoặc bạn bè để hỏi những lời khuyên từ họ.

Nếu bạn đã cố gắng nhưng không thể tự mình kiểm soát nỗi sợ bị bỏ rơi thì bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của các bác sĩ trị liệu tâm lý. Các bác sĩ có thể hướng dẫn bạn điều trị bệnh bằng những cách dưới đây:

  • Dùng liệu pháp tâm lý
  • Dùng liệu pháp sốc điện
  • Có chế độ sinh hoạt hợp lý
  • Uống thuốc chống trầm cảm

Cảm giác bị bỏ rơi sẽ không đáng sợ nếu bạn biết cách đối phó với những cảm xúc tự ti của bản thân. Bạn hãy trau dồi cho bản thân mình những sở thích cá nhân để không còn thời gian quan tâm đến những điều buồn phiền. Nếu luôn ở trạng thái mệt mỏi và sợ hãi thì bạn có thể đang mắc những chứng bệnh tâm lý khác cần được điều trị. Bạn hãy tìm đến các bác sĩ trị liệu tâm lý để được thăm khám và có sức khỏe tinh thần tốt hơn nhé.

Hoa Vũ HELLO BACSI 

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Is Fear of Abandonment, and Can It Be Treated?
https://www.healthline.com/health/fear-of-abandonment
Ngày truy cập: 27.09.2019

Understanding Fear of Abandonment
https://www.verywellmind.com/fear-of-abandonment-2671741
Ngày truy cập: 27.09.2019

Understanding Fear Of Abandonment
https://www.everydayhealth.com/emotional-health/understanding-fear-abandonment/
Ngày truy cập: 27.09.2019

Phiên bản hiện tại

17/01/2020

Tác giả: Hoa Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Cảm thấy bị ghét thì nên làm gì? Cách vượt qua cảm giác tiêu cực

Cách kiềm chế nước mắt hiệu quả, nhanh chóng?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 17/01/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo