backup og meta

Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng thế nào đến tâm lý?

Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng thế nào đến tâm lý?

Áp lực đồng trang lứa là vấn đề có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, ảnh hưởng tới chất lượng tinh thần. Khi đến tuổi trưởng thành, chúng ta thường nghĩ rằng một số nỗi đau của tuổi thơ đã ở phía sau. Tuy nhiên, những lo lắng về ngoại hình, thành tích và mong muốn được chấp nhận vẫn còn ở đó. Thậm chí, đôi khi chúng ta vẫn đang tiếp tục làm những việc theo mong đợi của người lớn chỉ để được như “con nhà người ta” mà bản thân lại không vui.

Vậy peer pressure là gì và phải làm sao khi bị áp lực đồng trang lứa? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Áp lực đồng trang lứa là gì?

Áp lực đồng trang lứa hay peer pressure là khái niệm chỉ cá nhân chịu áp lực, bị so sánh và ảnh hưởng từ những người đồng trang lứa, cùng khả năng hay địa vị, cùng nhóm trong xã hội được cho là thành công hơn. Những tác động có thể xuất phát từ chính nội tâm cá nhân hoặc do những ảnh hưởng của môi trường xung quanh. 

Áp lực đồng trang lứa cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần và chất lượng học tập, công việc của mỗi cá nhân

Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa

Tùy vào lứa tuổi và tính cách của mỗi người mà áp lực đồng trang lứa cũng thể hiện khác nhau. Biểu hiện của áp lực đồng trang lứa có thể tích cực hoặc tiêu cực. Tuy nhiên, hầu như khi cá nhân bị so sánh với các bạn cùng trang lứa đạt thành tích tốt hơn thì sẽ có một số biểu hiện như:

  • Luôn áp lực khi luôn phải cố gắng hơn nữa, nhưng cố gắng trong tinh thần uể oải và mệt mỏi
  • Sa sút trong học tập và công việc
  • Cảm thấy tự ti và không tin vào khả năng chính mình
  • Tự trách bản thân vì không cố gắng để được như các bạn
  • Có lúc cố tình thể hiện bản thân rằng mình không thua kém người khác
  • Luôn so sánh mình với người khác 
  • Cạnh tranh không lành mạnh, gây áp lực tinh thần rằng mình phải hơn họ
  • Mất ngủ vì suy nghĩ quá nhiều

áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng thế nào đến tâm lý?

Nhiều người mong muốn được chấp nhận hay được thu hút bởi người khác. Nghiên cứu chỉ ra vai trò quan trọng của bạn bè đồng trang lứa trong việc ảnh hưởng đến các hành vi xã hội. Khi bạn bè, đồng nghiệp tán thành hành vi tích cực, các bạn trẻ có xu hướng tham gia vào những hành vi đó, ngay cả khi họ không thực sự để ý sau đó. 

Mặt tích cực của áp lực đồng trang lứa

Đây là dạng peer pressure mang lợi cho cá nhân khi đồng nghiệp hay bạn bè khuyến khích họ làm điều gì đó tích cực hoặc thúc đẩy họ phát triển. 

Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp họ có động lực hơn để hành động và đạt được thành tích như mong muốn:

  • Thúc đẩy bạn chăm chỉ học hỏi nhiều hơn, để đạt điểm cao hơn, tiến bộ trong công việc
  • Người bạn đó có thể là hình mẫu để mình phấn đấu, tiến bộ hơn
  • Kiếm việc làm sau giờ học hay ngoài công việc chính, tăng nguồn thu nhập
  • Khuyến khích cùng nhau tiết kiệm tiền cho một khoản mua sắm lớn như ô tô
  • Không tán thành những câu chuyện tiếu lâm hoặc tán gẫu không hồi kết
  • Ngăn cản hành vi bất hợp pháp, hay những đồ uống không lành mạnh như uống rượu hoặc hút thuốc khi chưa đủ tuổi

Mặt tiêu cực của áp lực đồng trang lứa 

Ngược lại, hậu quả của áp lực đồng trang lứa ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của cá nhân đó. Những tác động đó mang tính huỷ hoại, tiêu cực, gây tổn hại cho bản thân hoặc người khác.

Áp lực và ảnh hưởng từ bạn cùng thế hệ khiến họ phải làm theo như một cách để hòa nhập với nhóm xã hội như:

  • Bị ép uống rượu, sử dụng ma túy hoặc quan hệ tình dục
  • Áp lực từ sự so sánh khiến bạn cảm giác luôn chán nản và dễ thất bại 
  • Trầm cảm, luôn cảm thấy lo lắng và áp lực khi ở những người xung quanh xuất sắc 
  • Vì muốn thể hiện bản thân không thua kém người khác nên cá nhân dễ bị kích động khi bị ai đó khiêu khích
  • Vì những áp đặt mong muốn từ xã hội và những người xung quanh nên bạn cố mang một mặt nạ để che đi, nên luôn cảm thấy mệt mỏi và áp lực.
  • Bị mất đi sự tự tin và sự tự tôn của bản thân khi phải chạy đua theo người khác với hệ quy chiếu khác
  • Suy giảm chất lượng cuộc sống khi phải học tập và làm việc quá sức nhưng không hiệu quả

áp lực đồng trang lứa

Nguyên nhân của áp lực đồng trang lứa là gì?

  • Chuẩn mực xã hội, áp lực gia đình về quan niệm con nhà người ta 
  • Do sự bùng nổ của phương tiện truyền thông khi chỉ đưa thông tin về sự thành công của ai đó
  • Tư tưởng luôn so sánh, ghen tỵ và chưa hiểu chính mình. Đặc biệt những bạn trẻ chưa có trải nghiệm sống, chưa biết mình muốn gì, mình yêu và mạnh ở đâu để vạch ra con đường phát triển của riêng mình. 

Trong khi mỗi người có hệ quy chiếu khác nhau, cũng như tốc độ phát triển không giống nhau. Chính từ đó mà vô tình chính bạn hoặc những người xung quanh tự đặt những kỳ vọng chưa phù hợp, tạo nên áp lực quá lớn lên bản thân để được như người khác. 

Cách vượt qua peer pressure

Áp lực đồng trang lứa có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của bạn. Đừng để nó trở thành cái bóng đè nặng lên mỗi hành động, kế hoạch hay khoảnh khắc mà bạn có trong cuộc sống. Để vượt qua áp lực đồng trang lứa, bạn cần:

Hiểu bản thân

Nói một cách ví von thì bạn không thể nào bắt một con cá leo cây giỏi như một con khỉ.

Mỗi người sẽ có một năng lực riêng. Vì vậy hiểu bản thân là một điều rất quan trọng để biết mình có sở trường gì, mình là người hướng nội hay hướng ngoại. Từ đó mới có thể khắc phục những điểm yếu, và đi theo điểm mạnh của mình. Để bản thân không còn phải gồng mình chạy theo những tiêu chuẩn của người khác, hay phải làm việc trong môi trường không hợp với mình nữa.

Ngoài ra, hiểu bản thân còn là việc nhận thức được cảm xúc của bản thân. Bạn có vui vẻ, hạnh phúc hay tận hưởng những gì đang làm không.

>>> Xem thêm: 9 câu hỏi giúp bạn hiểu bản thân hơn

Quyết đoán

Hãy quyết đoán trong mọi câu trả lời, cũng như những quyết định của mình. Khi ai đó đang ép bạn làm điều gì đó không lành mạnh, hãy thẳng thắn trực tiếp nói không. Nếu là người thân áp đặt và gây áp lực, bạn có thể đưa ra những lý do, những kế hoạch của bạn, tại sao bạn không muốn làm chuyện đó. Ngoài ra, bạn có thể tìm một người ủng hộ đáng tin cậy cho quyết định của mình.

Khẳng định bản thân qua hành động

Sẽ luôn có ai đó đặt câu hỏi về lựa chọn của bạn (hầu hết là các bậc cha mẹ). Điều quan trọng cuối cùng là hãy thực hiện và chứng minh rằng những nỗ lực cho quyết định của bạn là đúng. Bạn đang thực hiện vì hạnh phúc của chính mình, chứ không phải là từ áp lực đồng trang lứa, hay kỳ vọng của người khác.

Sử dụng mạng xã hội thông minh, xây dựng mối quan hệ lành mạnh

Để không bị ảnh hưởng những áp lực từ mạng xã hội, bạn nên chọn theo dõi những bạn bè và trang fanpage có những nội dung lành mạnh, giúp phát triển bản thân một cách tốt hơn.

Hãy xây dựng cho mình những mối quan hệ lành mạnh: Có những người bạn có chung chí hướng, suy nghĩ tích cực và khích lệ nhau cùng tiến bộ.

áp lực đồng trang lứa

Bạn có thể gặp tình trạng áp lực đồng trang lứa ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống, đặc biệt là các bạn trẻ đang trong hành trình tìm hiểu chính mình. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về ảnh hưởng của nó tới cuộc sống, cũng như những giải pháp giúp bạn vượt qua áp lực đồng trang lứa và tìm ra bản thân mình.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Dealing with peer pressure when you’re an adult

https://www.uwhealth.org/news/dealing-with-peer-pressure-when-youre-an-adult

Ngày truy cập 21/10/2022

Peer Pressure

https://kidshealth.org/en/teens/peer-pressure.html

Ngày truy cập 21/10/2022

Peer Pressure

https://www.aacap.org/AACAP/Families_and_Youth/Facts_for_Families/FFF-Guide/Peer-Pressure-104.aspx

Ngày truy cập 21/10/2022

Speaking of Psychology: The good and bad of peer pressure

https://www.apa.org/news/podcasts/speaking-of-psychology/peer-pressure

Ngày truy cập 21/10/2022

How Does Peer Pressure Affect a Teen’s Social Development?

https://www.scripps.org/news_items/4648-how-does-peer-pressure-affect-a-teen-s-social-development

Ngày truy cập 21/10/2022

Phiên bản hiện tại

13/10/2023

Tác giả: Trần Thùy Linh

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Procrastination là gì? Thói quen trì hoãn ảnh hưởng sức khoẻ thế nào?

7 cách bắt đầu chữa lành đứa trẻ bên trong để cân bằng cảm xúc


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 13/10/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo