Các triệu chứng bệnh ADHD ở người trưởng thành thường khó nhận biết, dẫn đến tình trạng nhiều người không biết bản thân đang mắc phải chứng rối loạn ở não này.
Ngày nay, bệnh ADHD hay chứng rối loạn tăng động giảm chú ý không còn hiếm gặp. Khi nghe đến bệnh lý này, bạn có thể nghĩ về những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc rất hiếu động và bốc đồng. Tuy nhiên, bạn có thể chưa biết, người lớn cũng có khả năng mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Vậy, người trưởng thành bị bệnh ADHD thường có những dấu hiệu như thế nào? Làm sao để kiểm soát căn bệnh này? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là gì?
10 dấu hiệu cảnh báo về bệnh ADHD ở người lớn
Người trưởng thành mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý có xu hướng phát bệnh ngay từ nhỏ. Bạn có thể đã được chẩn đoán về căn bệnh ADHD này. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, người bệnh thường chỉ biết đến rối loạn này sau một loạt dấu hiệu đặc trưng xảy ra trong cuộc sống khi họ trưởng thành.
Chẩn đoán hội chứng ADHD ở trẻ nhỏ không khó, nhưng với người trưởng thành thì lại khác. Nguyên nhân là do dấu hiệu bệnh ADHD ở người lớn khó nhận biết hơn. Không ít người trưởng thành phải đấu tranh với các triệu chứng này mà không hay biết bản thân đang mắc phải một hội chứng rối loạn ở não.
Sau đây, Hello Bacsi sẽ giới thiệu đến bạn 10 dấu hiệu cảnh báo tiềm năng về bệnh AHDH ở người trưởng thành, bao gồm:
1. Gặp rắc rối trong việc sắp xếp, tổ chức
Đối với những người mắc bệnh ADHD, họ có xu hướng gặp rắc rối trong việc sắp xếp và tổ chức mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như:
- Chi trả hóa đơn
- Thứ tự công việc
- Chăm sóc con cái
2. Thiếu thận trọng khi lái xe, dễ gây tai nạn giao thông
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khiến bạn khó tập trung vào một việc nhất định. Do đó, thời điểm lái xe có thể là khoảng thời gian khó khăn. Trong một số trường hợp, những triệu chứng bệnh ADHD có nguy cơ khiến người bệnh lái xe với tốc độ cao, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm như tai nạn giao thông hoặc thậm chí là tử vong.
Bạn có thể quan tâm: 7 điều bạn nên nhớ để tránh hậu quả của tai nạn giao thông.
3. Cuộc sống hôn nhân gặp khó khăn
Thực tế, rất nhiều người không bị bệnh ADHD ở người lớn cũng gặp rắc rối trong cuộc sống hôn nhân. Do đó, đây không hẳn là dấu hiệu cảnh báo chính cho hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh ADHD lại có mối liên hệ mật thiết với một hoặc nhiều vấn đề trong cuộc sống vợ chồng. Chẳng hạn như, người bạn đời có thể lắng nghe kém hay tình trạng không giữ lời hứa là dấu hiệu chứng tỏ người bệnh không quan tâm đến mình.
Ngược lại, người mắc bệnh ADHD sẽ không hiểu vì sao bạn đời lại buồn bã. Mặt khác, họ cũng sẽ cảm thấy khó chịu khi bị cằn nhằn hay đổ lỗi về một vấn đề mà họ cho rằng bản thân không hề có lỗi.
4. Thường xuyên phân tâm
Bệnh ADHD là một rối loạn xảy ra ở não, ảnh hưởng đến khả năng tập trung hay chú ý. Do đó, người trưởng thành mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống hối hả ngày nay. Bản thân người bệnh cũng nhận thấy hậu quả của việc phân tâm là hiệu suất công việc kém, đặc biệt là ở môi trường làm việc ồn ào, đông người. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, bạn có thể thấy các cuộc điện thoại hoặc thông báo email mới sẽ gây cản trở việc hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn.
Bạn có thể muốn đọc thêm: 5 mẹo giúp tăng khả năng tập trung vô cùng hiệu quả.
5. Kỹ năng lắng nghe kém
Các vấn đề về tập trung dẫn đến khả năng lắng nghe kém ở nhiều người trưởng thành mắc bệnh ADHD. Từ đó, rất nhiều cuộc hẹn bị bỏ lỡ và những hiểu lầm không đáng có xảy ra. Một số ví dụ về trường hợp này có thể là:
- Xao nhãng trong cuộc họp kéo dài
- Nhầm thời gian đón con dù đã được nhắc trước
- Sai thời gian hoặc địa điểm hẹn hò
6. Bồn chồn, khó thư giãn
Trong khi trẻ nhỏ mắc bệnh ADHD có xu hướng hiếu động bất thường, dấu hiệu này có thể xuất hiện ở người trưởng thành dưới hình thức khác. Thay vì chạy nhảy liên tục ngoài trời, họ có khả năng cảm thấy bồn chồn, khó thư giãn. Những người này thường bị đánh giá là khó chịu hoặc dễ căng thẳng.
Bạn có thể muốn biết: ADHD là gì? Hiểu đúng để có cách can thiệp bệnh kịp thời.
7. Trì hoãn
Sự chần chừ này có nguy cơ làm tăng thêm những vấn đề vốn có, bao gồm:
- Bất đồng trong hôn nhân
- Vấn đề trong công việc
- Mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp
Những người mắc bệnh ADHD thường có xu hướng trì hoãn lúc bắt đầu vào làm việc, trả lời tin nhắn, tạo sự kiện, cuộc họp,.. Thậm chí là chỉ muốn ngủ nướng thêm vào buổi sáng đi làm,..Người lớn mắc chứng ADHD dễ dàng từ bỏ những việc họ không muốn làm để đổi lấy những việc cần ít nỗ lực hơn.
>>> Đọc thêm: Procrastination là gì? Thói quen trì hoãn ảnh hưởng sức khoẻ thế nào?
8. Trễ giờ
Sự phân tâm, xao nhãng có thể dẫn đến tình trạng không tính toán đúng thời gian ở những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Họ thường tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành một nhiệm vụ, dù đôi khi chỉ là công việc đơn giản.
9. Bộc phát cơn giận
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cũng có nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến việc kiểm soát cảm xúc. Một số người bị bệnh ADHD có thể dễ dàng bộc phát cơn giận chỉ vì những vấn đề nhỏ, không đáng có.
10. Thứ tự ưu tiên công việc
Thực tế, người trưởng thành bị bệnh ADHD thường gặp khó khăn trong việc sắp xếp những việc bản thân cần làm theo thứ tự ưu tiên. Họ có xu hướng không đáp ứng được các nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn như trễ thời gian hoàn thành hoặc dành nhiều thời gian cho một yếu tố nhỏ nhặt nào đó thay vì ý chính.
Làm thế nào để kiểm soát bệnh ADHD ở người trưởng thành?
Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý gây ra những vấn đề không mong muốn cho người bệnh trên mọi phương diện. Do đó, họ cần kiểm soát căn bệnh này nếu muốn cải thiện tình hình. Dưới đây, Hello Bacsi sẽ hướng dẫn cho bạn một số gợi ý:
Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào cho bệnh ADHD hoặc những vấn đề sức khỏe khác, hãy đảm bảo dùng chúng chính xác theo quy định. Nếu bạn lỡ quên một liều trong ngày, hãy bỏ qua và tiếp tục những liều kế tiếp theo chỉ định. Trong trường hợp tác dụng phụ xảy ra, bạn nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Tập thói quen sắp xếp và tổ chức hợp lý
Hãy lập danh sách công việc hàng ngày theo thứ tự ưu tiên hợp lý và hoàn thành chúng. Bạn có thể dùng đến sự hỗ trợ từ những ứng dụng thông minh để ghi chú cho chính mình và đặt hẹn giờ khi bạn cần nhớ một cuộc hẹn hay hoạt động khác.
Hít thở chậm
Nếu bạn có xu hướng làm những việc dễ mất lòng người khác, chẳng hạn như ngắt lời hoặc tức giận vô cớ với người khác, hãy kiểm soát hành vi của mình bằng cách thả lỏng tinh thần trong giây lát. Thở chậm và đếm từ 1 đến 10 để thư giãn. Cơn giận sẽ nhanh chóng biến mất.
Giảm thiểu phiền nhiễu
Nếu bạn thấy mình bị phân tâm bởi âm nhạc hoặc âm thanh từ tivi, hãy tắt nó hoặc di chuyển đến địa điểm yên tĩnh hơn để có thể tập trung làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng đồ bịt tai để chặn bớt tiếng ồn.
Đốt cháy năng lượng dư thừa
Bạn có thể cần một số cách để loại bỏ bớt năng lượng dư thừa nếu bạn cảm thấy bồn chồn, khó ở yên. Các hoạt động thể chất ngoài trời như tập thể dục sẽ là một lựa chọn lý tưởng.
Yêu cầu giúp đỡ từ các chuyên gia
Tất cả chúng ta đều cần sự giúp đỡ. Điều quan trọng là bạn đừng ngại yêu cầu điều đó. Nếu có những suy nghĩ hoặc hành động bất thường do ảnh hưởng của chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, bạn hãy tham vấn ý kiến từ bác sĩ xem liệu có cách nào để kiểm soát chúng.
[embed-health-tool-bmi]