backup og meta

Học cách vượt qua nỗi đau mất đi người thân

Học cách vượt qua nỗi đau mất đi người thân

Trong cuộc sống có nhiều điều tươi đẹp, bên cạnh đó vẫn tồn tại sự mất mát. Việc mất đi người mà bạn yêu thương sẽ khiến bạn vô cùng đau đớn, thậm chí có thể khiến một số người bị trầm cảm hoặc khiến cho bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn. Hãy cùng học cách vượt qua nỗi đau này một cách thật mạnh mẽ.

Sự khác nhau giữa đau buồn và trầm cảm khi mất đi người thân

Sau mất mát, mỗi người biểu hiện sự đau buồn theo những cách khác nhau. Một số có thể có triệu chứng tương tự như trầm cảm, như tìm cách tránh né các hoạt động xã hội và luôn có cảm giác đau buồn tột cùng. Tuy nhiên, đau buồn và trầm cảm có những điểm khác nhau thiết yếu sau đây:

  • Thời gian trải qua những biểu hiện: người bị trầm cảm lúc nào cũng cảm thấy xuống tinh thần. Người đau buồn có tâm trạng biến động hoặc thay đổi theo từng đợt một cách thất thường.
  • Trân trọng bản thân: những người bị trầm cảm thường không trân trọng bản thân. Họ lúc nào cũng cảm thấy bản thân mình không xứng đáng hoặc thậm chí ghét chính họ. Nhưng những người đau buồn không có những cảm xúc này.
  • Ảo giác: người bị trầm cảm có thể bị ảo giác. Đôi khi, họ cảm giác như đang nghe thấy một âm thanh nào đó, nhìn thấy một vật gì đó không tồn tại, hoặc tin vào những điều không đúng. Nhưng những người đau buồn thì không có những triệu chứng như vậy.
  • Chấp nhận sự hỗ trợ: những người trầm cảm thường tách biệt mình ra khỏi xã hội hoặc thậm chí xa lánh những người khác. Tuy nhiên, những người đau buồn có thể né tránh các hoạt động xã hội nhưng họ vẫn chấp nhận sự hỗ trợ từ những người họ yêu thương.

Sự đau buồn có thể dẫn đến rối loạn trầm cảm, nhưng không phải tất cả những người đau buồn đều bị trầm cảm nghiêm trọng.

Sự đau buồn phức tạp

Sự đau buồn là cảm giác bình thường xảy ra khi bạn mất đi người bạn yêu thương. Tuy nhiên, một số người trải qua cơn đau buồn kéo dài hơn bình thường. Đó gọi là cơn đau buồn phức tạp. Sự đau buồn phức tạp có thể là ranh giới sự đau buồn và sự trầm cảm. Nó có thể gây ra sự trầm cảm hoặc khiến những người bị trầm cảm trở nên tồi tệ hơn.

Triệu chứng của sự đau buồn phức tạp gồm:

  • Khó suy nghĩ được việc gì ngoại trừ cái chết của người họ yêu quý;
  • Cảm giác nhớ đến người đã khuất luôn thường trực đối với họ;
  • Khó chấp nhận được sự ra đi của người họ yêu thương;
  • Cảm giác đau khổ kéo dài sau khi mất đi người họ thương;
  • Cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa;
  • Khó tin tưởng người khác hoặc đổ lỗi cho ai khác về cái chết của người thân;
  • Khó nhớ đến những kỉ niệm đẹp về người họ yêu quý;
  • Sự đau buồn ngày càng tệ hơn, thậm chí muốn ra đi cùng người đã mất.

Bạn nên đến gặp chuyên gia tư vấn nếu bạn trải qua sự đau buồn phức tạp sau khi mất đi người mà bạn yêu thương.

Bạn nên làm gì lúc này?

Sau mất mát, bạn nên cho mình một khoảng thời gian thích hợp để phục hồi. Tự chăm sóc bản thân bạn không phải là một hành động ích kỉ khi bạn trải qua sự đau buồn. Thay vào đó, nó có thể là một phần của quá trình giúp bạn cảm thấy tốt hơn về mặt thể xác và tinh thần.

Dưới đây là những việc nên làm để giúp bạn vượt qua nỗi đau mất mát:

  • Ăn uống và tập luyện đầy đủ. Bạn có thể luyện tập bằng cách đi bộ, đi xe đạp, tập gym hoặc tham gia một lớp thể dục nhịp điệu;
  • Ngủ ít nhất 7 đến 8 tiếng mỗi đêm;
  • Học thêm một kĩ năng mới như tham gia lớp dạy nấu ăn, câu lạc bộ những người thích đọc sách hoặc tham gia những bài giảng tại các trường ở địa phương;
  • Gặp mặt và trò chuyện với bạn bè hoặc những người bạn yêu thương, họ sẽ giúp bạn vượt qua nỗi đau, bạn nên tránh tìm đến rượu bia hay các chất gây nghiện như một cách để giải sầu vì nó sẽ khiến tâm trạng bạn ngày càng tệ hơn;
  • Tìm kiếm một nhóm hỗ trợ những người trải qua sự đau buồn mất đi người thân;
  • Cố gắng duy trì nếp sống thường nhật và tha thứ cho bản thân về những lỗi lầm hay những gì bạn chưa làm được cho người đã khuất.

Một số bạn vì muốn quên đi nỗi đau thường lảng tránh những ngày kỉ niệm liên quan tới người đã khuất. Tuy nhiên, theo Hello Bacsi, việc tổ chức ngày kỉ niệm có thể là một cách hiệu quả để bạn cảm thấy bớt cảm giác đau buồn.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Nếu nỗi đau không những không có dấu hiệu giảm bớt mà còn trở nên trầm trọng đến mức vượt quá sức chịu đựng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn thì đây là tình trạng đáng báo động. Bạn hãy đi khám bác sĩ nếu sự mất mát khiến bạn có những triệu chứng sau:

  • Bạn khó thực hiện những hoạt động hàng ngày một cách bình thường;
  • Bạn cảm thấy cắn rứt lương tâm hoặc đổ lỗi cho bản thân bạn về sự ra đi của người bạn yêu thương;
  • Bạn cảm giác mình bị mất đi mục đích sống;
  • Bạn không còn muốn hòa nhập vào các hoạt động xã hội;
  • Bạn cảm thấy bạn không thể tiếp tục sống khi mất đi người bạn yêu thương.

Tuy vậy, dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng đừng nghĩ đến việc tự tử hay tự làm tổn hại bản thân mình. Hãy nhớ, bạn có trách nhiệm với cuộc sống của mình và mọi người xung quanh, bạn nhé.

Mất đi người bạn yêu thương không có nghĩa là cuộc sống của bạn sẽ chấm dứt mà sẽ là sự khởi đầu của những điều mới. Tìm kiếm sự trợ giúp và hỗ trợ sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Nỗi đau của bạn có thể được làm lành theo thời gian và bạn sẽ tiếp tục bước về phía trước, dũng cảm nhìn nhận và tổ chức những ngày lễ kỉ niệm đáng nhớ của bạn với người đã khuất.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết liên quan sau đây:

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Depression After the Death of a Loved One. http://www.healthline.com/health/depression/death-loved-one#Overview1. Ngày truy cập 1/7/2016.

Symptoms of major depression and complicated grief. http://www.cancer.org/treatment/treatmentsandsideeffects/emotionalsideeffects/griefandloss/coping-with-the-loss-of-a-loved-one-depression-and-complicated-grief. Ngày truy cập 1/7/2016.

Phiên bản hiện tại

13/09/2017

Tác giả: Vân Anh

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Coco Thuy Bui


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Vân Anh · Ngày cập nhật: 13/09/2017

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo