backup og meta

Mối liên hệ giữa căng thẳng và tăng cân

Mối liên hệ giữa căng thẳng và tăng cân

Căng thẳng hay stress có thể gây ra rất nhiều vấn đề đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Các nhà nghiên cứu còn nhận thấy có mối liên hệ giữa tình trạng căng thẳng và tăng cân không kiểm soát.

Bạn có biết căng thẳng (stress) quá mức cũng là thủ phạm dẫn đến tăng cân. Khi đó, cho dù cân nặng tăng thêm là kết quả từ việc ăn quá nhiều và ăn những thực phẩm không lành mạnh hay phản ứng của cơ thể do nồng độ cortisol tăng lên thì bạn vẫn phải ưu tiên giải quyết triệt để tình trạng căng thẳng trước.

Căng thẳng ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

Có thể bạn chưa nhận thấy những tác động của căng thẳng lúc đầu nhưng thật sự chúng gây ra nhiều ảnh hưởng đáng kể đến cơ thể.

Từ đau đầu, cơ bắp căng cứng đến cảm giác bị kích thích, quá tải và mất kiểm soát, căng thẳng ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất, tinh thần và cả cảm xúc.

Trong nhiều trường hợp, bạn có thể cảm nhận được tác động của căng thẳng ngay lập tức. Tuy nhiên, cơ thể còn có những cách khác để đối phó với tình trạng này, chẳng hạn như tăng cân và cần có thời gian để bạn nhận ra.

Cơ thể có thể phản ứng lại khi bị căng thẳng bằng cách tăng nồng độ cortisol lên, khiến bạn ở trong trạng thái “chiến đấu hoặc bỏ chạy”.

Cortisol là một loại hormone gây căng thẳng do tuyến thượng thận tiết ra. Khi đối mặt với các mối đe dọa, nồng độ của chúng sẽ tăng lên cho đến khi cơ thể không còn cảm thấy bị đe dọa nữa.

Nhưng nếu căng thẳng kéo dài, cơ thể sẽ tiết nhiều cortisol và kích thích cảm giác thèm ăn đáng kể. Đó cũng là lý do khiến nhiều người giải tỏa căng thẳng bằng cách ăn nhiều hơn bình thường.

Không chỉ có thế, lượng calo dư thừa do bạn ăn nhiều hơn trong quá trình cortisol tăng cao dường như đều tập trung vào phần bụng.

Một nghiên cứu năm 2015 còn cho biết cơ thể chuyển hóa các chất chậm hơn khi bị căng thẳng. Những phụ nữ tham gia mà có một hoặc nhiều yếu tố gây căng thẳng trong 24 giờ trước đốt cháy ít hơn 104 calo so với những người không bị căng thẳng.

Không chỉ có quá trình trao đổi chất bị chậm lại, kết quả còn cho thấy những phụ nữ bị căng thẳng có mức insulin cao hơn.

Các nhà nghiên cứu đã kết luận việc đốt cháy ít hơn 104 calo có thể làm tăng thêm gần 5kg mỗi năm.

Những rủi ro từ căng thẳng và tăng cân

Khi căng thẳng lên tới mức đỉnh điểm hoặc khó kiểm soát, bạn có thể sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Trầm cảm, huyết áp cao, mất ngủ, bệnh tim, lo âu và béo phì đều là những hệ quả liên quan đến căng thẳng mạn tính không được điều trị.

Bên cạnh đó, các rủi ro liên quan đến tăng cân bao gồm:

  • Tăng huyết áp
  • Đái tháo đường
  • Bệnh tim
  • Đột quỵ
  • Vấn đề về sinh sản
  • Giảm chức năng phổi và hệ hô hấp
  • Tăng tình trạng đau khớp

Ngoài ra, còn có những bằng chứng về mối liên hệ giữa béo phì và một số bệnh ung thư như ung thư tuyến tụy, thực quản, đại tràng, vú và thận.

Sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Trầm cảm và lo âu cũng có khả năng tăng lên nếu bạn nhận thấy cân nặng tăng không chủ đích.

Làm sao nhận biết được tăng cân có liên quan đến căng thẳng?

Cách duy nhất để chẩn đoán chính xác mối liên hệ giữa căng thẳng và tăng cân là bạn phải đến gặp bác sĩ điều trị.

Tình trạng tăng cân do căng thẳng chỉ có thể được chẩn đoán thông qua việc xem xét cẩn thận tiền sử bệnh lý và loại trừ những nguyên nhân khác, chẳng hạn như giảm chức năng tuyến giáp.

căng thẳng và tăng cân

Điều trị tăng cân liên quan đến căng thẳng

Điều đầu tiên là bạn cần đến gặp bác sĩ để trình bày về những vấn đề đang gặp phải. Sau khi kiểm tra tổng thể, bác sĩ sẽ loại trừ các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể dẫn đến tăng cân. Từ đó, họ sẽ giúp xây dựng kế hoạch kiểm soát cân nặng và giải tỏa căng thẳng cho bạn.

Ngoài ra, bạn cũng nên tìm gặp một chuyên gia dinh dưỡng để phát triển một kế hoạch dinh dưỡng cân bằng phù hợp với tình trạng của bạn.

Cuối cùng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để điều trị nếu tình trạng căng thẳng có liên quan đến chứng lo âu hay trầm cảm.

Căng thẳng và tăng cân có thể dẫn đến những vấn đề gì?

Những người bị căng thẳng mạn tính thường dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, như:

  • Bệnh tim
  • Vấn đề về tiêu hóa
  • Thiếu ngủ
  • Tăng huyết áp
  • Suy giảm nhận thức
  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Đái tháo đường
  • Đột quỵ
  • Các bệnh mạn tính khác

Thêm vào đó, tăng cân cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và một số bệnh ung thư.

Nếu có phương pháp điều trị thích hợp, bao gồm điều trị y khoa và điều chỉnh lại lối sống, bạn có thể giảm thiểu căng thẳng. Từ đó, tình trạng tăng cân liên quan đến stress cũng không còn và giảm bớt cơ hội phát triển những bệnh mạn tính khác.

Tập luyện thể dục thường xuyên, lựa chọn sử dụng thực phẩm lành mạnh, luyện tập chánh niệm và tìm cách giảm bớt áp lực công việc đều là những cách bạn có thể làm để tránh tình trạng căng thẳng và tăng cân không mong muốn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Stress and Weight Gain: Understanding the Connection. https://www.healthline.com/health/stress/stress-and-weight-gain. Ngày truy cập 03/12/2019.

Does Stress Make You Fat? https://www.medicinenet.com/does_stress_make_you_fat/ask.htm. Ngày truy cập 03/12/2019.

How Stress Can Cause Weight Gain. https://www.verywellmind.com/how-stress-can-cause-weight-gain-3145088. Ngày truy cập 03/12/2019.

Phiên bản hiện tại

24/04/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Nên làm gì khi có ý định tự sát? Bác sĩ tâm thần hướng dẫn cách đối diện và ứng phó tình huống

Hello Bacsi | Tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD) - nỗi lo của phụ huynh


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 24/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo