Trong giai đoạn đầu, dấu hiệu trầm cảm rất dễ nhầm lẫn với những trạng thái tâm lý tiêu cực ngắn hạn khác. Vậy làm sao để biết mình đang bị trầm cảm hay chỉ đang trải qua cảm xúc buồn?
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm rất quan trọng; vì nó giúp bạn ngăn ngừa tác động tiêu cực của rối loạn này; đồng thời, tìm cách can thiệp trước khi tình trạng trở nặng.
Bạn hãy thử quan sát bản thân hoặc những người bạn yêu thương; để nhận ra những dấu hiệu trầm cảm và biểu hiện cảnh báo nguy cơ tự sát. Từ đó, bạn hay người thân thương sẽ có thể đi tìm sự hỗ trợ một cách kịp thời.
1. Dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm
1.1 Tâm trạng chán nản thường xuyên, gần như mỗi ngày
Cảm thấy mất hy vọng là một trong những dấu hiệu lâm sàng quan trọng của trầm cảm. Người trầm cảm cảm thấy những điều tích cực sẽ khó xảy ra trong tương lai; và dường như không thể thấy điều tích cực sẽ xảy ra trong tương lai.
Một người trầm cảm sẽ biểu hiện sự vô vọng như cảm giác mọi thứ sẽ không cải thiện; họ không thể trở nên hạnh phúc hơn và bị mắc kẹt trong cuộc sống của mình. Họ cũng có cảm giác bất lực, buồn bã, thờ ơ hoặc tuyệt vọng; hoặc có thể cảm thấy trống rỗng nhưng không biết tại sao.
1.2 Giảm quan tâm hay hứng thú với tất cả hoạt động, hay sở thích
Mất hứng thú hay thu rút khỏi các hoạt động bạn từng yêu thích trước đây là dấu hiệu đặc trưng của trầm cảm. Ví dụ bạn đang ưa thích một môn thể thao; một sở thích; hay thường đi chơi bạn bè bỗng dưng bạn thấy những điều đó không còn quan trọng, gây mệt mỏi cho bạn.
Sự mất hứng thú với tình dục là phổ biến nhất trong các dấu hiệu trầm cảm. Bạn có thể bị giảm ham muốn hay thậm chí là không thể cương dương.
1.3 Chán ăn, sụt cân hoặc thèm ăn, tăng cân
Sự thay đổi trong thói quen và khẩu vị ăn uống là một triệu chứng khác của trầm cảm. Một số bạn bị trầm cảm sẽ có dấu hiệu thèm ăn, ăn nhiều hơn và bị tăng cân; một số bạn khác có thể không thấy đói, giảm hứng thú với việc ăn uống và sụt cân.
Dấu hiệu trầm cảm này khác với việc tăng cân hay giảm cân có chủ đích. Vì khi bị trầm cảm, bạn thường không cố ý hay đặt mục tiêu tăng và giảm khẩu phần ăn; mà đúng hơn hết là chịu sự tác động bởi trạng thái tinh thần trầm uất, buồn bã kéo dài.
1.4 Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ thường xuyên
Người bị trầm cảm thường có dấu hiệu thiếu năng lượng và cảm giác mệt mỏi tột độ; điều này khiến họ muốn ngủ nhiều hơn bình thường. Hơn nữa, rối loạn này cũng gây ra tình trạng mất ngủ; việc thiếu ngủ có thể dẫn đến lo lắng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của trầm cảm.
Mất ngủ được chia làm 3 dạng: (1) Đầu hôm: khó vào giấc ngủ, trằn trọc trên 30 phút; (2) Giữa hôm: ngủ chập chờn, nằm mơ nhiều, ai làm gì xung quanh cũng nhận thức được; và (3) Cuối hôm: thức dậy rất sớm và không thể ngủ lại được.
1.5 Kích động hoặc thao tác chậm, phản ứng chậm, nói chậm hơn bình thường
Trầm cảm khiến một người mệt mỏi, kiệt sức tới mức họ luôn cảm thấy mọi thứ như giọt nước tràn ly. Đó là lý do vì sao sức chịu đựng của người trầm cảm không tốt; họ dễ bị kích động, tức giận, bồn chồn hoặc nóng nảy hơn bình thường.
Dấu hiệu trầm cảm có thể gây tình trạng “sương mù não” (brain fog); đây là một dạng rối loạn chức năng nhận thức khiến người trầm cảm phản ứng chậm; nói chậm hơn bình thường.
1.6 Thường xuyên mệt mỏi và mất năng lượng
Người bị trầm cảm thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải và kiệt quệ về thể chất. Họ thấy toàn bộ cơ thể nặng nề, và ngay cả những nhiệm vụ nhỏ cũng khiến họ mệt mỏi hoặc mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
1.7 Có cảm giác bất lực, tội lỗi quá mức, tự thấy bản thân kém cỏi
Lòng tự trọng hay sự tự tin thấp có đặc trưng là cảm giác vô giá trị và thấy bản thân không có khả năng để làm bất kỳ điều gì. Tuy lòng tự trọng không phải nguyên nhân gây ra trầm cảm; nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm hoặc khiến một người tự làm tổn thương chính mình.
1.8 Suy giảm khả năng tập trung, do dự, khó quyết định mọi thứ
Các dấu hiệu của trầm cảm thực sự có thể thay đổi chức năng nhận thức. Trầm cảm có thể làm suy giảm sự chú ý và trí nhớ; cũng như kỹ năng xử lý thông tin và ra quyết định.
Hơn nữa, người bị trầm cảm có dấu hiệu giảm tính linh hoạt trong nhận thức (khả năng điều chỉnh các mục tiêu và chiến lược trước sự thay đổi); và chức năng điều hành (khả năng thực hiện tất cả các bước để hoàn thành công việc).
1.9 Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết, thường xuyên có ý định tự tử
Theo tổ chức National Suicide Prevention Lifeline (Ngăn ngừa Tự sát Quốc gia); các dấu hiệu cảnh báo tự sát bao gồm:
- Ngủ quá ít hoặc quá nhiều.
- Biểu lộ sự thay đổi tâm trạng thất thường.
- Nói về ý nghĩ muốn chết hoặc muốn tự sát.
- Nói về việc trở thành gánh nặng cho người khác.
- Tách biệt khỏi cộng đồng hoặc cảm thấy bị cô lập.
- Hành động lo lắng hoặc kích động, cư xử liều lĩnh.
- Tăng cường mức độ sử dụng rượu bia hoặc ma túy.
- Thể hiện cơn thịnh nộ hoặc nói về việc tìm cách trả thù.
- Nói về cảm giác vô vọng hoặc không có lý do để tiếp tục sống.
- Nói về cảm giác bị bế tắc hoặc đau đớn không thể chịu đựng được.
- Tìm cách để tự sát, chẳng hạn như tìm kiếm chủ đề này trên mạng hoặc chuẩn bị vũ khí để tự sát.
Hãy gọi cho Hotline của Đường dây nóng ngày mai; hoặc số cấp cứu 115 khi thấy các dấu hiệu nêu trên để nhận được sự hỗ trợ bạn nhé. Trầm cảm là tình trạng có thể điều trị được với sự chăm sóc của đội ngũ chuyên gia.
Bạn không nên tự chẩn đoán trầm cảm!
- Các dấu hiệu trầm cảm nêu trên chỉ để tham khảo; giúp bạn nhận biết bất ổn về tinh thần để từ đó đi tìm kiếm sự hỗ trợ cho chính mình.
- Việc chẩn đoán trầm cảm nên được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần hay chuyên gia tâm lý lâm sàng; đây là những người có thể giúp bạn xác định đúng vấn đề; điều trị và chăm sóc tinh thần hiệu quả.
- Do đó, khi bạn thấy tâm trạng không ổn; bạn hãy đi tìm đến người thân, gia đình hoặc người có chuyên môn để nhận sự hỗ trợ tốt nhất nhé.
2. Cách hỗ trợ người trầm cảm có ý nghĩ tự sát
Nếu bạn có người thân đang có các dấu hiệu của bệnh trầm cảm dẫn đến tự sát; hãy thử áp dụng các lời khuyên sau đây.
2.1 Dành thời gian trò chuyện với họ
Người thân của bạn đang phải đối mặt với ý nghĩ muốn tự tử nên tâm trạng sẽ luôn u ám và tìm cách thu người lại. Bạn hãy thu xếp nhiều thời gian bên cạnh người thân để lắng nghe họ chia sẻ nỗi đau tâm lý.
Hãy thử gợi ý họ cùng làm những điều họ thích, học cách viết nhật ký hoặc đi du lịch để thư giãn. Đặc biệt, bạn nên quan sát xem họ có cất giấu các dụng cụ gây sát thương hay không. Nếu thấy tay người thân có vết trầy xước hoặc cơ thể bị tổn thương; bạn cần chú ý kỹ đến người thân và không để họ khuất tầm mắt.
2.2 Giải quyết những vấn đề gây căng thẳng
Nếu bạn là người hiểu được những vấn đề khó khăn của người thân; hãy giúp họ tìm cách giải quyết vấn đề gây căng thẳng: tài chính, công việc, các mối quan hệ…
Rất nhiều người xuất hiện dấu hiệu trầm cảm khi trải qua biến cố đau lòng; có thể kể đến như mất mát người thân, chia tay người yêu, ly hôn… Trường hợp không thể giải quyết được vấn đề; bạn nên giúp người thân tạm lánh những tác nhân gây căng thẳng.
Bạn cũng có thể tham khảo cách chữa trị trầm cảm trong một bài viết khác
2.3 Tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ
Bạn sẽ có lúc cảm thấy bất lực với chính người mình yêu thương khi họ không thể kiểm soát được bản thân. Trong khi tìm cách tự tổn thương mình, họ thậm chí có thể gây tổn thương cho bạn.
Trầm cảm ở mức độ nặng không thể tự khỏi theo thời gian. Vì vậy, cách tốt nhất là tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Khi đó, bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ các phương pháp đánh giá mức độ bệnh để đưa ra cách chữa trị phù hợp.
Đối với những người có dấu hiệu trầm cảm khi điều trị một chứng bệnh; bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì thuốc chống trầm cảm có thể gây cản trở quá trình điều trị.
Những người bị trầm cảm nặng thường rất khó tự nhận ra mình đang cần được giúp đỡ hay điều trị tâm lý. Khi đó, họ càng tự cô lập bản thân, rủi ro trầm cảm dẫn đến tự sát lại càng cao. Vì thế, bạn nên nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm để có thể kịp thời tự cứu mình và cứu người nhé!
[embed-health-tool-bmi]