Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi cai nghiện cà phê, có lẽ bạn vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ loại thức uống quyến rũ này. Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải hạ quyết tâm hạn chế bớt cà phê nếu đang trong giai đoạn mang thai, cho con bú hoặc mắc các căn bệnh cần cắt giảm chất kích thích.
Cà phê có hương vị khó quên, giúp cuộc sống thêm thú vị và cũng cải thiện trí nhớ, giảm buồn ngủ nếu bạn dùng ở mức cho phép. Việc nghiện cà phê gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tim mạch, thận, tiêu hóa… Bên cạnh đó, một số bệnh mạn tính, dùng thuốc hoặc mang thai và cho con bú không cho phép bạn uống cà phê. Vậy bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về cách cai nghiện cà phê nhé.
Những triệu chứng khi bạn cai nghiện cà phê
Lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày càng nhiều thì khi bạn cai nghiện cà phê, các triệu chứng sẽ càng rõ ràng và càng kéo dài hơn. Thông thường các triệu chứng cai nghiện cà phê sau kéo dài 2–9 ngày.
1. Nhức đầu
Nhức đầu là vấn đề phổ biến nhất mà bạn sẽ phải đối mặt khi cai nghiện cà phê. Nguyên nhân là do cà phê hạn chế các mạch máu não, khiến cho máu lưu thông chậm. Khi bạn ngưng uống cà phê, các mạch máu bị hạn chế này sẽ mở rộng khiến cho lưu lượng máu lưu thông tới não tăng lên. Não sẽ phải điều chỉnh để thích ứng với sự gia tăng lưu thông máu, do đó dẫn tới đau đầu.
Bạn không cần quá lo lắng vì khi não thích ứng được với sự thay đổi lưu lượng máu thì cơn đau đầu sẽ biến mất. Mức đau đầu nặng hay nhẹ và kéo dài bao lâu còn phụ thuộc vào thể trạng từng người và lượng cà phê mà họ thường tiêu thụ.
2. Mệt mỏi
Mệt mỏi cũng là một triệu chứng phổ biến nhiều người gặp phải khi cai nghiện cà phê. Cà phê chặn các thụ thể adenosine gây mệt mỏi, từ đó cải thiện trạng thái năng lượng của cơ thể và giảm buồn ngủ. Khi lượng cà phê cung cấp cho cơ thể bị giới hạn thì khả năng ức chế thụ thể adenosine sẽ giảm, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi.
Mặc dù mệt mỏi có thể khiến bạn khó chịu, việc duy trì sự ổn định của các chất dẫn truyền thần kinh sẽ giúp duy trì mức năng lượng ổn định hơn. Cà phê nhanh chóng được hấp thụ vào máu và bài tiết qua nước tiểu nên rất khó duy trì sự ổn định này mà còn có thể khiến bạn bị phụ thuộc.
3. Thay đổi tâm trạng
Cai nghiện cà phê có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức và tâm trạng. Cà phê kích thích cơ thể tiết các hormone adrenaline, cortisol và epinephrine và làm tăng hàm lượng các chất dẫn truyền thần kinh dopamine và neropinephrine. Nếu bạn bị phụ thuộc về mặt tâm lý và sinh lý vào cà phê, bạn có thể rơi vào trạng thái lo âu, mất tập trung và chán nản.
Nguyên nhân gây thay đổi tâm trạng khi cai nghiện cà phê là do cơ thể bạn cần phải điều chỉnh để thích ứng với việc thiếu những nguồn kích thích. Đây là hiện tượng bình thường và sẽ được cải thiện khi bạn đã quen.
Cách cai nghiện cà phê dễ dàng hơn
Bạn có thể cai nghiện cà phê ngay lập tức hoặc giảm cà phê từ từ tùy vào tình huống và thể trạng của bản thân.
Kiên quyết ngừng uống cà phê ngay
Để thực hiện cai nghiện cà phê theo cách này, bạn nên tham khảo các bí quyết sau.
1. Chọn thời điểm thích hợp để cai nghiện cà phê
Nếu quyết định ngưng cà phê ngay lập tức, bạn không nên ngưng uống cà phê ngay trước một kỳ thi, sự kiện quan trọng hay một deadline (thời hạn hoàn thành) rất lớn đang tới gần. Bạn nên dành một tuần không có nhiều việc quan trọng để bắt đầu việc ngưng cà phê.
Bạn có thể chọn một kỳ nghỉ để cai nghiện cà phê vì bạn có thời gian để nghỉ ngơi và cũng có cơ hội tránh xa lối sống thường nhật của mình. Nếu không thể sắp xếp một khoảng thời gian như vậy, bạn hãy cân nhắc cai cà phê theo cách khác.
2. Cho gia đình biết bạn đang cai nghiện cà phê
Bạn có thể chia sẻ với gia đình rằng bạn muốn cai nghiện cà phê và nhờ sự hỗ trợ giúp đỡ từ phía họ khi bạn yếu lòng. Đồng thời những người thân sẽ tránh mời bạn cà phê hoặc thậm chí tránh pha cà phê và uống cà phê xung quanh bạn.
3. Cho đồng nghiệp biết việc cai nghiện cà phê của bạn
Việc cai nghiện cà phê có thể khiến bạn giảm khả năng tập trung cũng như ảnh hưởng một chút tới tốc độ làm việc. Điều này có thể khiến đồng nghiệp hiểu lầm và cho rằng bạn xao lãng công việc. Nếu bạn chia sẻ với đồng nghiệp mình đang cai nghiện cà phê thì có thể tránh được những hiểu lầm này và giúp họ thông cảm với bạn hơn.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Vì sao bạn thường mất tập trung
Thay vì uống cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp, bạn có thể uống các loại đồ uống khác, ví dụ như nước chanh hoặc sinh tố để giúp cân bằng điện giải của cơ thể.
4. Mang theo thuốc giảm đau để dùng khi cần
Đau đầu và mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến có thể xảy ra khi cai nghiện cà phê nên bạn có thể cần tới thuốc giảm đau để vượt qua cơn đau đầu. Có một số loại thuốc giảm đau không cần kê đơn như ibuprofen, acetaminophen, hoặc aspirin có tác dụng giúp giảm đau đầu hiệu quả. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và mang theo người trong giai đoạn cai nghiện cà phê.
5. Duy trì chế độ dinh dưỡng giàu protein
Bạn sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt năng lượng và mệt mỏi khi cai nghiện cà phê. Protein giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể suốt cả ngày. Chế độ dinh dưỡng giàu carbohydrate có thể dễ khiến bạn buồn ngủ và sẽ càng muốn uống cà phê nên bạn tránh ăn quá nhiều carbohydrate.
Thịt, sữa và đậu là nguồn cung cấp protein tuyệt vời cho cơ thể nên bạn hãy bổ sung nhiều những thực phẩm này.
6. Tránh những khung giờ bạn hay uống cà phê
Thông thường mỗi người có thói quen uống cà phê vào những khoảng thời gian nhất định trong ngày như uống vào bữa sáng, vào giờ họp hay trước khi về… Để tránh uống cà phê, bạn nên lấy tinh thần và có sự chuẩn bị đồ uống thay thế cho cà phê vào những khung giờ trên.
7. Nghỉ ngơi khi bạn thấy cần thiết
Nếu có thể, bạn nên tìm kiếm cơ hội nghỉ ngơi hoặc thư giãn ngắn 10–20 phút để khôi phục năng lượng và cải thiện khả năng tập trung, giảm bớt buồn ngủ. Bên cạnh đó, cai nghiện cà phê vào cuối tuần cũng là một ý tưởng hay, bạn có thể dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi vào cuối tuần để bắt đầu một tuần mới tràn đầy năng lượng.
Cắt giảm dần lượng cà phê hàng ngày
Việc cắt giảm cà phê hằng ngày có vẻ dễ dàng hơn nhưng bạn cần nghiêm túc kiểm soát lượng cà phê mình uống theo các bước sau.
1. Theo dõi lượng cà phê bạn uống mỗi ngày
Trước tiên, bạn hãy theo dõi và ghi lại lượng cà phê bạn thường uống hàng ngày: số cốc cà phê, kích cỡ cốc và cả loại cà phê, độ đặc của cà phê.
2. Giảm một nửa lượng cà phê thường ngày
Sau khi biết lượng cà phê mình hay uống, bạn hãy cắt giảm một nửa lượng này vào hôm sau. Bạn nên uống nhiều nước để tránh mất nước, điều này cũng giúp ích cho việc cai nghiện cà phê.
Thay vì uống 1 cốc cà phê, bạn chỉ nên uống nửa cốc mỗi ngày. Thay vì uống cà phê đặc và mạnh, bạn nên pha loãng cà phê với sữa hoặc thay thế bằng loại cà phê khác nhẹ hơn.
3. Duy trì lượng cà phê trong vòng 3 ngày
Khi đã giảm một nửa lượng cà phê, bạn hãy duy trì việc cắt giảm này 3 ngày để cơ thể quen với sự cắt giảm lượng cà phê. Bạn nên uống thêm nước để giúp cơ thể detox.
Sau vài ngày, nếu bạn vẫn gặp phải các triệu chứng cai nghiện cà phê như đau đầu, mệt mỏi, buồn ngủ, giảm khả năng tập trung thì bạn nên duy trì uống cà phê ở mức giảm một nửa. Nếu không còn gặp phải các triệu chứng khi cai nghiện cà phê nữa, bạn có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
4. Tiếp tục giảm 1/4 lượng cà phê ban đầu
Bạn hãy tiếp tục giảm lượng cà phê xuống còn 1/4 cốc, pha thêm nước hoặc sữa vào cà phê. Bây giờ, lượng cà phê bạn uống đã giảm đi rất nhiều, bạn nên duy trì mức này trong vài ngày cho tới khi không còn thấy khó chịu vì thiếu cà phê.
5. Ngưng hẳn việc uống cà phê
Ở bước này, bạn đã có thể cai nghiện cà phê thành công. Bạn hãy bắt đầu thay cà phê bằng một số loại trà thảo mộc tốt cho sức khỏe hơn nhé.
Cai nghiện cà phê cần bạn có một quyết tâm mạnh mẽ để bước qua những mệt mỏi, khó chịu hằng ngày. Khi đã không còn phụ thuộc vào cà phê, bạn sẽ thấy mình bền sức và tỉnh táo hơn đấy.
[embed-health-tool-bmi]