Mối quan hệ toxic là gì mà khiến nhiều cặp đôi đau khổ và làm tổn thương lẫn nhau. Mối quan hệ toxic có thể ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ tinh thần và cuộc sống của cả hai bên.
Vậy mối quan hệ toxic là gì? Dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong mối quan hệ toxic? Cùng tìm hiểu qua bài viết của Hello Bacsi dưới đây!
1. Mối quan hệ toxic là gì?
Mối quan hệ toxic còn được gọi là mối quan hệ độc hại; đây là mối quan hệ mà trong đó cả hai bên đều mang lại cho nhau những cảm xúc tiêu cực; và làm tổn thương lẫn nhau.
Trong một mối quan hệ độc hại, bạn cảm thấy không được hỗ trợ, bị hiểu lầm, bị hạ thấp hoặc bị tấn công. Ở mức độ cơ bản, mối quan hệ toxic khiến bạn cảm thấy buồn bã và kiệt sức khi dành thời gian cho đối phương. Từ đó, khiến cho bạn cảm thấy mất năng lượng, mất tập trung trong học tập, công việc, sự nghiệp và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân.
Dù mối quan hệ có thể không còn thú vị nữa, bạn vẫn yêu đối tác của mình. Vì lý do nào đó, bạn và đối phương dường như không thể ngừng tranh cãi về những vấn đề nhỏ trong cuộc sống nhưng cũng không thể mạnh mẽ rời đi khỏi mối quan hệ độc hại đó.
Mối quan hệ độc hại có thể xảy ra trong bất kỳ bối cảnh nào; ở bất kỳ mối quan hệ nào: mối quan hệ yêu đương, bạn bè hay giữa các thành viên trong gia đình.
Cùng chủ đề mối quan hệ độc hại: Red Flag trong tình yêu là gì?
2. Dấu hiệu mối quan hệ toxic là gì?
Một số dấu hiệu người toxic trong tình yêu có thể là:
2.1 Cảm thấy không được hỗ trợ
Các mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai đều tiến bộ, thấy hạnh phúc khi người kia thành công trong mục tiêu của họ. Ngược lại, mối quan hệ sẽ trở nên độc hại khi mọi thành tích đều trở thành cuộc cạnh tranh.
Bạn sẽ thấy dấu hiệu người toxic trong tình yêu rõ hơn khi hai người ở bên nhau nhưng không còn mang lại cảm giác tích cực; và động lực phấn đấu phát triển.
Bạn không cảm thấy được hỗ trợ hoặc khuyến khích khi bạn gặp khó khăn hay trong công việc. Thay vào đó, bạn luôn cảm thấy rằng nhu cầu, sở thích và sự thành công của bạn không quan trọng; rằng họ chỉ quan tâm đến những gì họ muốn.
Đặc biệt, bạn không được chấp nhận sống là chính mình, không còn cảm thấy tự do làm điều mình yêu thích, bạn phải sống và hành động theo yêu cầu, mong muốn từ đối phương.
2.2 Giao tiếp thiếu tôn trọng với mọi người
Nếu bạn tự hỏi “mối quan hệ toxic là gì”; hãy chú ý dấu hiệu người toxic trong tình yêu qua cách họ giao tiếp với bạn và những người khác.
Nếu như trong cuộc nói chuyện giữa hai người thiếu đi sự tôn trọng; có nhiều câu nói đầy mỉa mai, chỉ trích; đồng thời, họ giải thích bằng cách nói rằng họ ‘chỉ nói đùa’; đây là một dấu hiệu rõ ràng của mối quan hệ độc hại.
Ngoài ra, một số dấu hiệu người toxic trong tình yêu có thể là:
- La hét.
- “Chiến tranh lạnh”.
- Ném hoặc làm vỡ đồ vật xung quanh.
- Sử dụng ngôn từ gây tổn thương người khác.
- Lắng nghe để phản hồi thay vì lắng nghe để thấu hiểu bạn.
- Sử dụng cơ thể của bạn để đe dọa thể xác hoặc cưỡng bức.
Nói một cách cụ thể, mối quan hệ độc hại (toxic) là khi ai đó đang thao túng tâm lý đối phương. Họ thường đổ lỗi cho bạn khi mọi điều tiêu cực xảy ra, không bao giờ chấp nhận lỗi của bản thân. Họ cũng có thể nói dối; khiến bạn bối rối và khiến bạn nghi ngờ về logic của mình.
Bạn cũng có thể quan sát cách họ đối xử với người khác để nhận biết mối quan hệ toxic; đặc biệt là với những người họ không quen biết. Ví dụ như đối với người phục vụ tại nhà hàng hoặc gây gổ với người chen lấn khi xếp hàng.
2.3 Ghen tuông hay đố kỵ
Ghen tuông là cảm xúc hoàn toàn tự nhiên của con người. Tuy nhiên, khi liên tục nghi ngờ và không tin tưởng có thể nhanh chóng làm xói mòn mối quan hệ và nguy cơ trở nên toxic.
Thông thường những người có hành vi ghen tuông hay đố kỵ với hạnh phúc của người khác vì bên trong nội tâm họ bị tổn thương. Bản thân họ có rất nhiều nỗi sợ hãi và thiếu thốn tình yêu thương. Những ảnh hưởng tâm lý này có thể đến từ nhiều dấu ấn thời thơ ấu hoặc một vài sự kiện trọng đại trong quá khứ.
Cùng chủ đề mối quan hệ toxic: Friend with benefit là gì?
2.4 Hành vi kiểm soát
Khi đối phương có nhu cầu kiểm soát một người khác trong một mối quan hệ; những hành vi điều khiển này ảnh hưởng đến tài chính, thời gian và các mối quan hệ khác của bạn.
Một số hành vi kiểm soát trong mối quan hệ toxic:
- Đe doạ.
- Nói cho bạn biết điều gì là đúng.
- Cố gắng quản lý tài chính của bạn.
- Họ cần biết tất cả mọi thứ bạn làm và những người bạn đang ở cùng.
- Tách bạn với những người thân yêu khác hoặc họ luôn có mặt khi bạn ở bên người khác.
- Xâm phạm sự riêng tư như yêu cầu quyền truy cập vào các thiết bị cá nhân như tài khoản điện thoại, email, facebook,…
Đối phương có thể luôn muốn mọi thứ diễn ra theo cách của họ; thậm chí là muốn bạn dành tất cả thời gian rảnh cho họ. Điều này có thể khiến bạn bị cô lập với bạn bè và gia đình.
Đồng thời, người toxic trong tình yêu thường tước đi sự riêng tư và độc lập của bạn. Bạn không còn thời gian cho các hoạt động bạn yêu thích mà bạn vẫn hay làm trước đây.
2.5 Thường xuyên nói dối
Lời nói dối dù là nhỏ tới đâu cũng sẽ làm mất sự tin tưởng và uy tín theo thời gian. Khi đối phương nói dối bạn, điều đó cho thấy họ không tôn trọng bạn; và đó là tiền đề của mối quan hệ toxic.
2.6 Mất cân bằng giữa cho và nhận
Trong mối quan hệ toxic, bạn luôn là người cố gắng làm đối phương hài lòng và phớt lờ nhu cầu của chính mình. Họ chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân thay vì cùng lắng nghe và hướng đến tìm giải pháp đạt được mong muốn chung của cả hai bên. Đây là một dấu hiệu của mối quan hệ độc hại điển hình.
Quan tâm đến đối tác là việc nên làm; nhưng nếu bạn thấy mình thường xuyên không ưu tiên bản thân, để nói ưu tiên họ, bạn nên cân nhắc đặt ra một số ranh giới. Lúc này nếu họ bác bỏ, coi thường hoặc cố gắng chạm tới ranh giới của bạn; đó cũng có thể là dấu hiệu của một mối quan hệ toxic, không lành mạnh.
Một số dấu hiệu của mối quan hệ toxic như:
- Luôn là người đầu tiên chủ động làm mọi việc.
- Các cuộc trò chuyện bị ngắt quãng hoặc bị lảng tránh.
- Khoảng cách dài giữa gửi tin nhắn và nhận phản hồi.
- Nhận thấy họ luôn tỏ ra phàn nàn, khó chịu, tiêu cực và yêu cầu bạn thay đổi theo mong muốn của họ.
- Sự không cân xứng trong phân công việc nhà, sự đóng góp và trách nhiệm vào mối quan hệ hoặc trong gia đình và cuộc sống của cả hai.
2.7 Luôn cảm thấy kiệt sức
Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn làm điều gì đó cho bản thân hay thời gian cho chính mình. Hay bạn chỉ hầu như dành tất cả thời gian ở bên cạnh họ. Bạn có thể nhìn nhận lại bằng cách kiểm tra các mối quan hệ bên ngoài có bị ảnh hưởng không? Việc chăm sóc bản thân và ưu tiên chính mình có bị bỏ qua không?
Thông thường, trong các mối quan hệ toxic, độc hại; thời gian và năng lượng tinh thần sẽ được dành cho nửa kia. Lâu dần, hai người sẽ có những bất hoà liên tiếp khi một trong hai bị mất cân bằng năng lượng.
Hãy thử chuyển một phần năng lượng của mình để chăm sóc bản thân và xem đối tác phản ứng như thế nào. Nếu phản ứng của họ là tiêu cực; điều đó báo hiệu mối quan hệ của bạn đã dần trở nên toxic, họ chỉ yêu bản thân và làm những gì có lợi ích cho chính họ.
3. Làm sao để thoát khỏi mối quan hệ toxic?
Nếu bạn nhận thấy rằng mình đang có một mối quan hệ độc hại và muốn đối mặt với nó, trước hết cần:
3.1 Nhận thức vấn đề
Bước đầu tiên là bạn nhận biết được vấn đề; bạn cần xem xét có điều gì đó không ổn trong mối quan hệ của bạn mà cả hai cần thay đổi. Bạn có thể cảm thấy bầu không khí rất tiêu cực; hoặc những tương tác giữa hai người đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái hay giảm lòng tự trọng.
3.2 Xác định rõ dấu hiệu và hành vi độc hại
Khi bạn đã xác định những dấu hiệu và hành vi độc hại vừa kể trên, bạn cần học cách chấp nhận và cho phép mình thay đổi, đưa ra những quyết định tích cực hơn, mạnh mẽ hơn.
Cùng chủ đề mối quan hệ toxic: 10 loại mối quan hệ độc hại trong tình yêu
3.3 Tự chịu trách nhiệm
Thông qua một mối quan hệ toxic, bạn có thể suy xét và nhìn thấy nội tâm của chính mình.
Mối quan hệ độc hại không hẳn chỉ do từ một phía đối phương mà bạn cũng cần xem liệu mình có những hành vi độc hại, ảnh hưởng người kia không; bởi nó có thể xuất phát từ hai phía.
Thay vì xem mình là nạn nhân, hãy xem xét nguyên nhân gây nên vấn đề và kết quả của ngày hôm nay từ cả ở phía bản thân mình. Việc nhận ra hành vi của bản thân và chịu trách nhiệm là bước cần thiết để giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ.
Điều này cũng có thể khuyến khích người kia suy nghĩ về hành vi của chính họ. Đây là cơ hội để hai bên nhìn nhìn lại chính mình; và cùng nhau chấp nhận rằng cả hai đều gây cho nhau những tổn thương để cùng nhau tìm cách vượt qua nó.
3.4 Có những cuộc trò chuyện lành mạnh
Khi bạn đã xác định được vấn đề và muốn giải quyết với đối phương, hãy trao đổi rõ ràng và quyết đoán với họ về những ranh giới của bản thân.
Nếu họ không thay đổi hành vi của mình thì bạn cần phải cân nhắc quyết định xem đây có phải là điều bạn có thể tiếp tục chấp nhận, hay bạn cần phải chấm dứt mối quan hệ này. Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể kiểm soát hành vi và những lựa chọn của chính mình trong mọi trường hợp.
Nếu trong trường hợp bạn đã tự mình tìm hiểu và giải quyết nhưng vẫn không cảm thấy bình an thì Hello Bacsi đề xuất bạn hãy tìm đến một chuyên gia chữa lành, một nhà trị liệu tâm lý uy tín hay một trung tâm đáng tin cậy để nhờ sự trợ giúp về sức khỏe tinh thần và tìm hiểu về những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và tìm thấy những giải pháp thông thái dành cho chính mình. Khi bạn đã có lộ trình chuẩn và phương tiện, kiến thức chuẩn bạn sẽ không còn gặp phải những vấn đề cũ làm bạn tổn thương nữa.
Tham khảo: Thiền Vipassana-Nghệ thuật sống: Những lợi ích diệu kỳ của thiền
Hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn mối quan hệ độc hại là gì và những cách đối mặt với nó. Mối quan hệ độc hại có thể ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe tinh thần. Trong bất cứ mối quan hệ nào, hãy luôn yêu thương chính bản thân và là chính mình.
[embed-health-tool-bmi]