backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Chụp cộng hưởng từ mạch máu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    Chụp cộng hưởng từ mạch máu

    Tìm hiểu chung

    Chụp cộng hưởng từ mạch máu là gì?

    Chụp cộng hưởng từ mạch máu là phương pháp sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI để khảo sát các mạch máu. Loại xét nghiệm hình ảnh không xâm lấn này sẽ cho phép thăm khám chi tiết cả hệ động mạch và hệ tĩnh mạch não, có khả năng phát hiện được nhiều bệnh lý mạch máu não như hẹp mạch, dị dạng động tĩnh mạch, phình mạch hay đánh giá tình trạng huyết khối động mạch cũng như tĩnh mạch. Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ mạch máu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và lên phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh. 

    Bên cạnh các trường hợp nhập viện cấp cứu, kỹ thuật này cũng rất hữu ích trong các tình huống không khẩn cấp, có thể được dùng để tầm soát ở những người không có triệu chứng bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh động mạch, từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ đột tử

    Chụp cộng hưởng từ mạch máu có nhiều ưu điểm so với các kỹ thuật khác trong khảo sát mạch máu như:

    • Không xâm lấn
    • Không nhiễm xạ
    • Độ tương phản mô mềm cao
    • Khảo sát nhiều mặt cắt
    • Thời gian khảo sát ngắn

    Tuy có nhiều tiến bộ, kỹ thuật này vẫn có hạn chế so với chụp mạch X-quang ở độ tương phản không gian thấp hơn và thiếu đánh giá tính chất động học của dòng chảy.

    Khi nào bạn cần thực hiện chụp cộng hưởng từ mạch máu?

    Khi các mạch máu bị tắc nghẽn, hẹp hoặc hỏng, người bệnh có thể gặp các vấn đề như đau ngực, đau tim hoặc đột quỵ. Kỹ thuật chụp này cho phép bác sĩ xác định chính xác các mạch máu bị thương tổn cũng như đánh giá mức độ nguy hại.

    Người bệnh sẽ cần thực hiện chụp cộng hưởng từ mạch máu trong các trường hợp sau:

    • Xuất huyết não
    • Đột quỵ cấp
    • Bệnh tim, kể cả bệnh tim bẩm sinh
    • Viêm mạch
    • Phình động mạch chủ
    • Hẹp động mạch chủ
    • Xơ vữa động mạch
    • Hẹp động mạch thận
    • Hẹp động mạch cảnh
    • Thiếu máu cục bộ động mạch mạc treo
    • Trường hợp ghép tạng
    • Đánh giá sau phẫu thuật
    • Bất thường bẩm sinh mạch máu, đặc biệt ở trẻ em

    Kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng trong giai đoạn tiền phẫu để giúp các bác sĩ phẫu thuật có cái nhìn tổng quát về mạch máu bệnh, đánh giá các động mạch nuôi khối u trước khi phẫu thuật hoặc xạ trị, sàng lọc bệnh về động mạch.

    Điều cần thận trọng

    Chụp cộng hưởng từ mạch máu có nguy hiểm không?

    Chụp cộng hưởng từ mạch máu nhìn chung là phương pháp an toàn. Vì không sử dụng bức xạ như tia X trong chụp X-quang nên người bệnh có thể thực hiện nhiều lần mà không phải lo ngại các rủi ro về sức khỏe. Nếu có biến chứng từ kỹ thuật, thông thường là do phản ứng với chất cản quang và thuốc gây mê.

    Chất cản quang có thể gây ra:

    • Buồn nôn
    • Da mặt ửng đỏ
    • Cảm giác ấm nóng khi thuốc được tiêm vào cơ thể
    • Đau đầu

    Tất cả những hiện tượng này là bình thường và người bệnh đều có thể sẽ trải qua. Tuy nhiên, nếu bị ngứa hoặc khó thở thì có thể đó là dấu hiệu của phản ứng dị ứng, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ. Ngoài ra, những người mắc chứng sợ không gian hẹp (claustrophobia) có thể không thoải mái khi chụp. 

    Quy trình thực hiện

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Trước khi thực hiện

    Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây mê nên người bệnh cần sắp xếp người thân đi cùng. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh không ăn hoặc uống trong 4-6 giờ trước đó. Tuy nhiên, người bệnh có thể không đủ điều kiện để thực hiện chụp cộng hưởng từ mạch máu nếu thuộc những trường hợp sau:

    • Đang mang thai
    • Có máy tạo nhịp tim hoặc thiết bị kim loại khác trong cơ thể như van tim nhân tạo
    • Có khối lượng cơ thể nặng hơn 135kg

    Trước khi bắt đầu, người bệnh sẽ được yêu cầu thay áo choàng bệnh nhân và tháo cởi các vật dụng có chi tiết kim loại hoặc đồ trang sức có thể ảnh hưởng trong từ trường. Nếu lo lắng hay sợ hãi, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng thuốc an thần để thư giãn. 

    Trong khi thực hiện

    Để bắt đầu, kỹ thuật viên sẽ giúp người bệnh nằm lên bàn chụp. Kỹ thuật viên có thể tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch trên mu bàn tay hoặc cánh tay của người bệnh để giúp cải thiện chất lượng hình ảnh. Nếu có bất kỳ lo ngại nào về phản ứng dị ứng với chất cản quang, bị bệnh thận hoặc có tiền sử suy thận, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ, vì chức năng thận kém có thể ảnh hưởng đến khả năng đào thải chất cản quang khỏi cơ thể.

    Trong quá trình chụp, máy MRI sẽ tạo nhiều âm thanh lớn lặp đi lặp lại. Người bệnh sẽ được cung cấp nút tai hoặc tai nghe để bảo vệ thính giác. Kỹ thuật chụp này không xâm lấn, không gây đau. Người bệnh cần nằm yên, càng ít cử động càng tốt để quá trình chụp tạo ra hình ảnh chất lượng tốt nhất. Người bệnh có thể trò chuyện với kỹ thuật viên thông qua loa (kỹ thuật viên sẽ ở bên ngoài phòng chụp) để giảm bớt căng thẳng.

    Chụp cộng hưởng từ mạch máu MRA

    Sau khi thực hiện

    Quy trình chụp cộng hưởng từ mạch máu có thể kéo dài ít nhất là 10 phút, thường từ 30-90 phút. Sau khi hoàn tất, người bệnh mặc lại quần áo và kiểm tra tư trang trước khi rời phòng chụp. Người bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường ngay sau khi chụp. Bên cạnh đó cần uống nhiều nước lọc để đẩy nhanh quá trình bài tiết, đào thải chất cản quang khỏi cơ thể.

    Kết quả của xét nghiệm

    Kết quả của chụp cộng hưởng từ mạch máu là gì?

    Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh có kinh nghiệm sẽ đọc kết quả phim chụp cộng hưởng từ mạch máu, sau đó gửi kết quả đến bác sĩ đã chỉ định chụp. Lúc này bác sĩ sẽ thảo luận về các kết quả cũng như giải thích ý nghĩa cho người bệnh và người nhà.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo