Đau đầu ù tai chóng mặt với cảm giác có tiếng chuông kêu bên trong tai là triệu chứng do nhiều bệnh lý khác nhau, có thể liên quan đến thần kinh, não hoặc tuần hoàn máu,…
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về 8 nguyên nhân khiến bạn bị ù tai mệt mỏi chóng mặt thường xuyên để biết cách xử trí tình trạng này nhé!
1. Bệnh Meniere
Meniere là một bệnh phổ biến trong độ tuổi từ 20-50 tuổi với các đợt triệu chứng tấn công thường gặp như:
- Mất thính lực.
- Ù tai chóng mặt – cảm giác như có âm thanh hú hét hay gầm rú trong tai thường đi kèm ở tai bị mất thính lực.
Những cơn tấn công này thường kéo dài trong vài giờ với tần suất mỗi tuần hay mỗi hai tuần một lần. Mặc dù đây không phải là bệnh lý nguy hiểm cho não bộ nhưng sẽ gây nên cảm giác khó chịu.
Cách xử trí
Khi gặp phải triệu chứng ù tai chóng mặt thường xuyên kèm theo mất thính lực, bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ. Lựa chọn điều trị bệnh Meniere khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ví dụ thuốc uống cinnarizine hoặc prochlorperazine được dùng để “dập tắt” các cơn tấn công hoặc thuốc betahistine được dùng để giảm tần suất của các cơn tấn công trong bệnh Meniere.
2. Ù tai chóng mặt do đau nửa đầu tiền đình
Đau nửa đầu tiền đình là loại đau đầu thường gây triệu chứng choáng váng và chóng mặt cho bệnh nhân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường liên quan đến căng thẳng tinh thần, mệt mỏi hoặc thần kinh bị kích thích.
Cách xử trí
Uống đủ nước và tránh xa các nguyên nhân kích thích thần kinh như cafein là những cách giảm đau nửa đầu tiền đình hữu hiệu tại nhà. Mặt khác, bác sĩ cũng có thể kê đơn một số thuốc giúp bạn giảm triệu chứng đau đầu ù tai mệt mỏi chóng mặt này, bao gồm:
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc đối kháng CGRP
3. Chóng mặt tư thế lành tính (BPV)
Chóng mặt tư thế lành tính là một hội chứng tai trong gây chóng mặt, buồn nôn và các triệu chứng khác như mất thăng bằng, choáng váng và cảm giác đứng không vững.
Cách xử trí
Thông thường các triệu chứng của BPV sẽ tự khỏi sau một vài giờ. Tuy nhiên, nếu BPV là một vấn đề gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường nhật của bạn, bác sĩ có thể hướng dẫn một số bài tập tại nhà nhằm giúp bạn tái cân bằng bên trong tai, di chuyển các tinh thể canxi cacbonat “đi lạc” trở về đúng vị trí của nó.
4. Viêm xoang
Khi các xoang cạnh mũi bị tắc nghẽn do nhiễm khuẩn hay nhiễm virus thường gây ra các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy dịch mũi đặc và có màu, đau đầu và đau xung quanh xoang có thể kèm theo ù tai chóng mặt,…
Cách xử trí
Để giảm bớt cơn đau đầu do viêm xoang, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều và có thể truyền nước hay sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (nếu cần). Đa phần bác sĩ đều cần “tiêu diệt” ổ vi khuẩn gây viêm xoang bằng kháng sinh. Hiếm gặp nhưng một số trường hợp cần phẫu thuật cắt bỏ polyp trong xoang gây viêm nhiễm.
5. Viêm mê đạo tai (Labyrinthitis)
Viêm mê đạo tai là tình trạng mất cân bằng dịch tai trong, thường xảy ra sau một đợt nhiễm virus như cảm lạnh. Triệu chứng chính của viêm mê đạo tai là ù tai chóng mặt, đặc biệt là khi bạn di chuyển. Ngoài ra, người bệnh cũng thường có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa và giảm nhẹ thính lực.
Cách xử trí
Thông thường, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nằm nghỉ ngơi để thuyên giảm các triệu chứng khó chịu của viêm mê đạo tai. Tuy nhiên, nếu bạn có dấu hiệu bị đau tai trong thì phải nhanh chóng đi khám để được điều trị nhé!
6. U thần kinh thính giác
U thần kinh thính giác (hay còn gọi là thần kinh số 8) là một loại khối u lành tính cũng gây nên triệu chứng ù tai chóng mặt. Mặc dù sự phát triển của khối u này không phải là tình trạng nguy hiểm cho sức khỏe nhưng thường gây triệu chứng khó chịu cho người mắc phải. Đồng thời nếu khối u thần kinh thính giác phát triển quá lớn có thể chèn ép lên các dây thần kinh khác. Để kiểm soát kích thước của u thần kinh số 8 không quá to đến mức ảnh hưởng chức năng não bộ và thần kinh, bạn cần định kỳ đi khám bác sĩ và cần thiết can thiệp kịp thời.
7. Ù tai chóng mặt là biểu hiện của tuần hoàn máu kém
Ù tai chóng mặt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo khi cơ thể gặp vấn đề về tuần hoàn máu, khiến cho máu không đủ lưu thông đến não. Dưới đây là một số vấn đề liên quan đến tình trạng này:
- Hạ huyết áp tư thế đứng đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi và người có bệnh tiểu đường. Vì vậy, những đối tượng này thường được khuyên không nên thay đổi tư thế quá đột ngột, nên từ từ ngồi dậy và tựa vào mép giường một vài phút trước khi đứng dậy hẳn.
- Thiếu máu cũng làm cho bạn dễ bị ù tai chóng mặt và mệt mỏi.
- Rối loạn âu lo khiến cho người bệnh thường cảm giác khó thở, đồng thời đánh trống ngực.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc.
- Rối loạn nhịp tim với các triệu chứng đánh trống ngực, choáng váng và mệt mỏi.
Nếu bạn có những đợt ù tai chóng mặt liên tục lặp lại, tốt hơn hết hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ và mô tả chính xác nhất có thể tình trạng mà bạn đang gặp phải. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng xác định nguyên nhân gây bệnh và đưa ra hướng điều trị tốt nhất.
8. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Khi một mạch máu cung cấp đến não bị tắc nghẽn hoặc động mạch máu bị thu hẹp do xơ vữa có thể gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đây là một tình trạng cấp cứu y tế, vì thế hãy đến cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng như:
- Nhìn mờ, nhất là nhìn không rõ ở một bên mắt hoặc nhìn đôi.
- Cảm thấy yếu hoặc tê một bên cánh tay hoặc chân.
- Ù tai chóng mặt, choáng váng.
- Mặt bị méo xệ một bên, mất khả năng phối hợp tay chân.
Cách xử trí
Trong cơn đột quỵ do thiếu máu não, bác sĩ cần nhanh chóng phá vỡ cục máu đông và tái cung cấp máu cho não. Sau khi qua khỏi cơn đột quỵ, bạn cần phối hợp cùng bác sĩ để phòng ngừa sau tai biến bằng cách:
- Kiểm soát huyết áp.
- Kiểm soát lượng cholesterol trong máu.
- Sử dụng một số thuốc chống đông máu theo chỉ định.
- Thay đổi lối sống chẳng hạn bỏ hút thuốc lá, tăng cường tập luyện thể dục thể thao.
Tóm lại
Ù tai chóng mặt có thể chỉ là tình trạng thoáng qua do mất cân bằng trong sinh hoạt, ăn uống thường ngày và bạn có thể khắc phục dễ dàng bằng cách điều hòa lại lối sống. Nhưng nếu tình trạng này lặp đi lặp lại kèm theo các biểu hiện bất thường khác như tê yếu tay chân, nhìn mờ, giảm thính lực, sốt, đau đầu,…thì bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ.
Một số tình trạng bệnh lý gây ù tai chóng mặt có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng số khác cần phải theo dõi lâu dài kết hợp với điều trị để ngăn chặn bệnh tiến triển nguy hiểm.
[embed-health-tool-bmi]