Tình trạng miệng có vị chua đang khiến bạn khó chịu giữa các bữa ăn? Bạn đang cảm thấy thèm ăn nhưng miệng bị chua khiến vị giác bị ảnh hưởng và ăn không ngon như bình thường? Vậy, miệng chua là bệnh gì và cách xử lý ra sao?
Mời bạn Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân tại sao luôn có cảm giác chua miệng và cách khắc phục vấn đề khó chịu này trong bài viết ngay sau đây!
Miệng chua là bệnh gì? 8 nguyên nhân thường gặp
1. Mất nước
Một nguyên nhân khá phổ biến khiến miệng bị chua chỉ đơn giản là cơ thể mất nước và bạn đang không uống đủ nước. Mất nước khiến miệng khô và làm thay đổi vị giác, dẫn đến chua miệng hoặc xuất hiện vị lạ xuất hiện trong miệng làm bạn vô cùng khó chịu.
2. Hút thuốc lá khiến miệng bị chua
Hút thuốc lá không chỉ dẫn đến hôi miệng mà còn có thể làm mất vị giác, khiến bạn bị chua hay khó chịu trong miệng. Bên cạnh đó, hút thuốc cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác, thậm chí là dẫn đến tử vong.
3. Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng kém cũng là thủ phạm phổ biến khiến miệng bị chua. Vi khuẩn sẽ tiêu hóa các mảnh thức ăn dư thừa và các tế bào bong tróc trong miệng. Sản phẩm tiêu hóa của chúng làm miệng chua. Tình trạng này thường gặp hơn sau khi ăn.
4. Nhiễm trùng hoặc bị bệnh
Để trả lời cho câu hỏi miệng bị chua là bệnh gì thì câu trả lời sẽ là bạn có thể bị viêm xoang, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Lúc này, cơ thể sẽ tự động tạo ra một số loại protein khác nhau, chúng ảnh hưởng đến vị giác nên bạn sẽ cảm thấy miệng bị chua hoặc có vị hơi đắng. Khi bạn khỏi bệnh, vị chua sẽ biến mất.
5. Một số loại thuốc và tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư
Một số loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin,… cũng có thể gây ra tình trạng miệng bị chua. Lý do là vì một lượng nhỏ thuốc được bài tiết qua nước bọt và làm vị giác biến đổi.
Ngoài ra, chua miệng cũng có thể là tác dụng phụ trong quá trình xạ trị vào vùng đầu cổ hoặc hóa trị để điều trị bệnh ung thư. Nếu gặp phải trường hợp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ để có sự điều chỉnh và can thiệp kịp thời.
6. Miệng bị chua do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Ăn xong bị chua miệng là bệnh gì? Đây có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Có trên một nửa số bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản bị hôi miệng và xuất hiện tình trạng ợ nóng, chua miệng sau khi ăn.
Nguyên nhân là do cơ đóng mở giữa thực quản và dạ dày (cơ vòng môn vị) không đóng lại hoàn toàn sau khi ăn. Điều này tạo điều kiện cho thức ăn và axit trong dạ dày có thể đi ngược trở lại thực quản, đôi khi đến miệng và gây ra vị chua khó chịu. Bản thân axit dạ dày cũng có vị đắng và/hoặc chua và tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn sau khi ăn.
Ngoài ra, axit dạ dày làm giảm pH trong khoang miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sản xuất lưu huỳnh sinh sôi. Chúng tiêu hóa những mảng thức ăn dư thừa và tế bào chết trong miệng, sinh ra hợp chất lưu huỳnh có mùi rất khó chịu, khiến miệng bị hôi.
7. Tuổi cao
Một số nghiên cứu cho thấy khi tuổi càng cao, các gai lưỡi cảm nhận vị giác sẽ co lại và trở nên kém nhạy cảm hơn. Vì vậy mà tuổi tác cũng có thể là yếu tố làm ảnh hưởng đến vị giác và là nguyên nhân gây ra tình trạng miệng bị chua.
8. Mang thai
Khi mang thai, nội tiết tố thay đổi làm nhiều thai phụ cảm thấy có vị đắng hoặc vị kim loại ở trong miệng. Tình trạng này sẽ biến mất sau khi sinh con.
Cách khắc phục tình trạng miệng bị chua
Miệng bị chua không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bạn hoàn toàn có thể khắc phục và xử lý tình trạng này ngay tại nhà tùy thuộc vào nguyên nhân. Cách trị chua miệng cụ thể như sau:
- Hãy uống ít nhất từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày để tăng cường quá trình hydrat hóa trong cơ thể, tránh mất nước.
- Ngừng hút thuốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hơi thở và hương vị trong miệng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác.
- Đánh răng ít nhất 2 lần một ngày vào mỗi sáng và tối. Hãy dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng miệng ít nhất một lần mỗi ngày và lấy cao răng, kiểm tra răng miệng định kỳ.
- Giảm nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm trùng bằng cách rửa tay thường xuyên, hạn chế chạm tay lên miệng, mũi và mắt; tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh.
- Thay đổi chế độ ăn uống, hạn chế các thực phẩm có tính axit, chia làm nhiều bữa nhỏ để ăn trong ngày và không ăn quá gần giờ đi ngủ.
- Thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như duy trì cân nặng hợp lý, kê cao đầu khi nằm xuống, đặc biệt là nếu bạn mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Thăm khám và điều trị sớm nếu mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Hi vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng miệng bị chua là bệnh gì và cách xử lý hiệu quả. Tóm lại, nếu bạn không có các triệu chứng khác thì vấn đề chua miệng không phải là lý do đáng lo ngại nhưng bạn cũng nên giải quyết sớm để ăn ngon miệng hơn.
[embed-health-tool-bmi]