backup og meta

Giọng nói thay đổi bất thường là biểu hiện của bệnh gì?

Giọng nói thay đổi bất thường là biểu hiện của bệnh gì?

Thông thường, khi giọng nói có chút thay đổi, bạn nghĩ đó chỉ đơn giản là những vấn đề thường gặp như cảm lạnh hoặc viêm họng và sẽ nhanh chóng khỏi. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, giọng nói yếu, khàn đục hay run rẩy là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn cần theo dõi.

Vậy giọng nói thay đổi là biểu hiện của bệnh gì? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

Dấu hiệu giọng nói thay đổi cảnh báo bệnh lý

Những thay đổi trong giọng nói dưới đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà bạn cần quan tâm:

  • Giọng khàn, mỏng không đỡ trong 3 tuần
  • Không thể lên nốt cao khi hát
  • Giọng trở nên trầm một cách đột ngột
  • Bạn thường xuyên đau nhức cổ họng hoặc cổ họng bị căng, thô ráp
  • Khi nói chuyện, bạn phải tằng hắng nhiều lần

Nguyên nhân khiến giọng nói thay đổi

Bệnh tự miễn

Một số bệnh trong đó hệ miễn dịch bị tấn công một cách bất thường có thể dẫn tới viêm dây thanh quản và khàn giọng. Vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu đó là hội chứng Sjogren, một loại bệnh gây tổn thương đến tuyến nước mắt, nước bọt, khiến bệnh nhân bị khô miệng và cổ họng. Các bệnh tự miễn khác có liên quan đến khàn tiếng bao gồm bệnh polymyositis, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì và lupus.

Bệnh nhân mắc chứng Sjogren và các bệnh tương tự không nên hắng giọng trước khi nói. Thay vào đó, bạn hãy uống một ngụm nước, nhai kẹo cao su hay ngậm một viên kẹo không đường. Ngoài ra, bạn cũng có thể bật âm “h” hoặc cười nhẹ để các dây thanh âm hoạt động cùng lúc, giọng nói sẽ rõ ràng hơn.

Tổn thương thần kinh

Những thương tổn trên dây thần kinh có thể tác động đến dây thanh âm khiến giọng nói trở nên yếu, mỏng và thều thào. Các ca mổ ở các vùng lân cận, chẳng hạn như phẫu thuật tuyến giáp, cột sống hoặc tim có thể vô tình tạo nên các vết rãnh trên dây thần kinh. Điều này khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị giảm sút trầm trọng.

Thay vì chờ đợi các thương tổn trên dây thần kinh lành lại, bác sĩ có thể can thiệp bằng cách tiêm chất độn để làm đầy các vết rãnh trên dây thần kinh thanh âm ở tai, mũi, họng. Đây là chất được bác sĩ da liễu và bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ sử dụng trong việc xóa nếp nhăn tạm thời. Bệnh nhân có thể thực hiện phương pháp điều trị này mà không cần phải lên bàn mổ. Khi bác sĩ tiêm thuốc tê và bơm chất làm đầy vào, các tổn thương trên dây thần kinh sẽ được chữa lành.

Giọng nói thay đổi do nhiễm virus

Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dây thanh quản. Virus, vi khuẩn hay nấm đều có thể gây nên khàn tiếng. Thông thường, bệnh nhân sẽ nhanh chóng hồi phục và lấy lại giọng nói trong trẻo ban đầu.

Tuy nhiên, những trường hợp nhiễm trùng nặng có thể gây tổn hại đến dây thần kinh chịu trách nhiệm về giọng nói. Bạn có thể sẽ thấy giọng nói của mình yếu đi thay vì khàn và phải cố gắng hết sức để người khác có thể nghe mình nói chuyện. Điều đó khiến giọng nói càng trở nên yếu ớt vào cuối ngày. Để điều trị tình trạng này, bạn có thể tiêm chất độn vào dây thanh quản.

Ung thư dây thanh quản, phổi và tuyến giáp

Trong một vài trường hợp hiếm hoi, việc đổi giọng có thể là dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư thanh quản. Những người hút thuốc lá và nghiện rượu là những trường hợp có nguy mắc bệnh ung thư thanh quản cao nhất. Các triệu chứng mà bạn cần lưu ý bao gồm:

  • Giọng nói thay đổi
  • Đau tai
  • Đau họng
  • Cảm giác có khối u trong cổ họng
  • Khó thở hoặc khó nhai
  • Có cục u ở cổ

Ung thư có thể ảnh hưởng đến các cơ quan như phổi hoặc tuyến giáp, thậm chí ngay cả dây thần kinh thanh quản và là nguyên nhân làm giọng nói yếu đi. Nếu bạn có bất kì triệu chứng nào, nhất là khi bạn nghiện hút thuốc lá, hãy đi khám bác sĩ để điều trị sớm nhất có thể.

Giọng mỏng, thô và run rẩy do bệnh Parkinson

Những bệnh nhân Parkinson thường xuyên có giọng nói mềm, mỏng khiến người đối diện khó nghe rõ họ nói gì. Trong một vài trường hợp, giọng nói sẽ trở nên hơi thô, khàn đục và run rẩy.

Người bệnh có thể cải thiện và duy trì giọng nói ổn định của mình bằng một số cách như: Nói những câu ngắn gọn, chỉ nói to khi cần thiết, tránh gào thét và nên đi khám bác sĩ để xin lời khuyên.

Teo dây thanh âm

Thông thường, những người bước qua tuổi 60 thường có giọng nói yếu và khàn đi. Đó là vì dây thanh âm đã bắt đầu teo lại. Điều này khiến cho bạn bè, họ hàng hay thậm chí vợ/chồng của họ khó có thể nghe họ nói gì. Đây thực sự trở thành vấn đề nan giải khiến họ tự cô lập mình với xã hội, cảm thấy không thoải mái khi đến nhà hàng hay quán xá và các nơi công cộng khác bởi vì họ không thể nói chuyện dễ dàng như trước. Sự cô lập này có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.

May mắn là căn bệnh tuổi già này có thể chữa trị bằng cách tiêm chất độn vào dây thanh quản, cho phép các dây rung tốt hơn và khiến giọng nghe rõ hơn.

Lạm dụng giọng nói quá nhiều

Những công việc đòi hỏi lên cao giọng, nói lớn như giáo viên, huấn luyện viên thể hình, thương nhân trên sàn chứng khoán có thể có một khối u lành tính trên dây thanh quản khiến cho giọng nói bị khàn. Cổ họng của họ có thể chịu đau tương đương với các cơn đau nhức của cầu thủ bóng đá bị chấn thương. Nếu bạn đang trải qua tình trạng này, có thể cổ họng của bạn đã bị tổn thương.

Khi bạn nói quá nhiều và cảm thấy giọng nói bắt đầu khàn đi, bạn nên dành một ngày để nghỉ ngơi nếu có thể. Giáo viên hay những người cần phải nói nhiều có thể học một vài khóa học giao tiếp để dây thanh quản không bị quá tải sau một khoảng thời gian nói liên tục.

Bí quyết giúp bạn bảo vệ giọng nói

Dưới đây là một số cách giúp bảo vệ giọng nói của bạn:

  • Uống đủ từ 6-8 ly nước mỗi ngày
  • Hạn chế sử dụng các chất chứa cồn và caffein. Cả hai chất này đều gây khô rát cổ họng
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm vào mùa đông hoặc ở những nơi khí hậu khô
  • Tránh sử dụng các loại thuốc làm khô cổ họng như thuốc trị cảm lạnh hay dị ứng
  • Không hút thuốc và cố gắng hạn chế hít phải khói thuốc
  • Tránh các món ăn cay để giảm tình trạng khó chịu vì trào ngược axit
  • Không sử dụng các loại nước súc miệng có chứa cồn hoặc các chất gây kích ứng họng
  • Hít thở sâu để giọng nói rõ ràng và cổ họng bớt mệt mỏi
  • Không giữ điện thoại bằng đầu và cổ vì có thể khiến cơ cổ bị căng
  • Không nói quá to hoặc quá nhỏ. Việc hét to hay thì thầm đều có thể làm căng cổ họng

Giọng nói là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp. Những thay đổi trong giọng nói không chỉ khiến bạn mất tự tin mà còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh  lý tiềm ẩn. Bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay khi giọng nói bị thay đổi để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời nhé.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Your Voice May Be Telling You About Your Health. http://www.everydayhealth.com/pictures/what-your-voice-may-telling-you-about-your-health/#01. Ngày truy cập 30/11/2016.

Common Problems That Can Affect Your Voice. http://www.entnet.org/content/common-problems-can-affect-your-voice. Ngày truy cập 30/11/2016.

Phiên bản hiện tại

31/07/2020

Tác giả: Uyên Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?

Khàn giọng mất tiếng là do đâu, điều trị và phòng ngừa thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Uyên Phạm · Ngày cập nhật: 31/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo