backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư thanh quản

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 19/04/2023

Ung thư thanh quản

Thật may mắn khi hầu hết bệnh nhân ung thư thanh quản đều được chẩn đoán ở giai đoạn đầu nhờ những triệu chứng rõ ràng của bệnh. Vì vậy, cơ hội điều trị cũng tốt hơn nhiều loại ung thư khác. 

Nếu bạn nắm được những thông tin cơ bản về bệnh, việc phát hiện và kiểm soát nó sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Tìm hiểu chung

Ung thư thanh quản là bệnh gì?

Thanh quản nằm ở phía trước của cổ, ngay phía trên khí quản. Nó có chứa các dây thanh âm, chúng rung động và tạo ra âm thanh. Âm thanh vang qua hầu họng, miệng và mũi để tạo thành giọng nói của một người.

Ung thư thanh quản chiếm đến 1/3 tổng số ca ung thư đầu cổ, khá phổ biến. Bệnh khởi phát khi có các tế bào ung thư hình thành trong các mô của thanh quản. Phần lớn trường hợp ung thư hình thành trong các tế bào vảy, các tế bào phẳng, mỏng lót bên trong thanh quản.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư thanh quản là gì?

Dấu hiệu ung thư thanh quản

Không giống như các loại ung thư khác, ung thư thanh quản khá dễ nhận biết nên có thể phát hiện ở giai đoạn sớm. Một số triệu chứng ung thư thanh quản phổ biến, bao gồm:

  • Giọng khàn hoặc có sự thay đổi trong giọng nói
  • Ho hoặc đau họng dai dẳng
  • Khó thở, thở khò khè
  • Đau tai
  • Khó nuốt thức ăn, đau khi nuốt
  • Sưng, có u ở cổ
  • Giảm cân đột ngột
  • Nổi hạch cổ
  • Mệt mỏi
  • Hôi miệng.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn bị khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói kéo dài trên 3 tuần.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra ung thư thanh quản là gì?

Ung thư thanh quản gây ra bởi những thay đổi trong các tế bào ở thanh quản, hiện nay vẫn không rõ chính xác lý do tại sao điều này xảy ra. Tất cả các loại ung thư đều bắt đầu từ những thay đổi trong ADN của tế bào. Sự thay đổi này làm cho tế bào nhân lên không ngừng, tạo thành khối u.

Những ai thường mắc phải ung thư thanh quản?

nguy cơ ung thư thanh quản

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng khả năng mắc ung thư thanh quản. Trong số đó, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, liên quan đến 70-95% ca bệnh. Người đang hút thuốc có nguy cơ cao hơn người từng hút thuốc và đã bỏ.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác đối với ung thư thanh quản bao gồm:

  • Độ tuổi: những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
  • Giới tính: nam giới có nguy cơ bị ung thư thanh quản nhiều hơn nữ giới
  • Tiền sử gia đình: bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu cha, mẹ hoặc anh, chị, em ruột mắc bệnh
  • Uống rượu: rượu bia sẽ gây tổn hại các mô trong thanh quản, làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản
  • Điều kiện làm việc: tiếp xúc nhiều với sơn, amiang, khói axit sulfuric, formaldehyde, khói sơn hoặc dầu diesel, bụi than, bụi gỗ, niken, isopropyl trong dung môi tẩy rửa và bức xạ,…
  • Chế độ dinh dưỡng: tiêu thụ nhiều thịt đỏ, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn và ít ăn trái cây, rau củ,…
  • Nhiễm virus HPV ở miệng họng.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Cách chẩn đoán ung thư thanh quản

Để chẩn đoán ung thư thanh quản, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử sức khỏe, thói quen sinh hoạt của bạn.

Bên cạnh đó, họ có thể sử dụng phương pháp soi thanh quản gián tiếp. Bác sĩ dùng một cái gương có cán dài để nhìn vào cổ họng xem dây thanh âm có chuyển động đúng cách không. Đôi khi, sờ cổ có thể cảm nhận được các hạch bạch huyết sưng lên.

Bác sĩ cũng có thể dùng phương pháp soi thanh quản trực tiếp, bằng cách sử dụng một ống soi thanh quản mỏng có đèn và thấu kính, đưa thông qua mũi hoặc miệng để soi cổ họng. Thiết bị này có thể mang công cụ để lấy một mẫu mô ở thanh quản đem ra ngoài quan sát dưới kính hiển vi (gọi là sinh thiết). Sinh thiết chỉ được thực hiện khi thanh quản có dấu hiệu nghi ngờ ung thư.

Ngoài ra, nội soi thanh quản bằng ống nội soi cũng có thể được thực hiện. Đây cũng là ống mỏng, nhẹ có đèn và thấu kính được luồn từ miệng vào thanh quản. Ống này mang dụng cụ đặc biệt để sinh thiết các mẫu mô.

Xét nghiệm hình ảnh có thể được thực hiện như:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI): Ghi lại hình ảnh trong cơ thể nhằm xác định xem ung thư đã lan rộng hay chưa.
  • PET: Một lượng 18-FDG phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch. Máy PET quét quay quanh cơ thể để ghi lại hình ảnh về nơi glucose đang được sử dụng. Những tế bào ung thư sẽ hiển thị vùng sáng hơn vì chúng hấp thu nhiều đường hơn tế bào bình thường.
  • PET-CT: Kết hợp giữa chụp CT và quét PET trên cùng một máy.
  • Xạ hình xương: Tìm xem ung thư đã di căn tới xương hay chưa.

Những phương pháp nào dùng để điều trị ung thư thanh quản?

Phương pháp điều trị ung thư thanh quản có bốn loại tiêu chuẩn, bao gồm:

Xạ trị

Phương pháp này sử dụng tia bức xạ có năng lượng cao hoặc các loại bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển. Xạ trị sẽ cho hiệu quả tốt hơn ở những bệnh nhân đã ngừng hút thuốc trước khi bắt đầu điều trị.

Xạ trị tiêu chuẩn bên ngoài sử dụng một máy chiếu tia xạ lên vùng cổ họng. Điều này có thể ảnh hưởng đến cả hoạt động của tuyến giáp. Vì vậy, xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp sẽ được thực hiện trước và sau điều trị nhằm đảm bảo tuyến giáp vẫn hoạt động bình thường.

Xạ trị cường độ cao cũng có thể sử dụng trong điều trị ung thư thanh quản. Đây là phương pháp mà tổng liều phóng xạ hằng ngày được chia thành hai liều, thực hiện hai lần mỗi ngày. Xạ trị cường độ cao được tiến hành trong thời gian nhất định (ngày hoặc tuần) như xạ trị tiêu chuẩn.

Điều trị ung thư thanh quản

Phẫu thuật

Phẫu thuật được áp dụng phổ biến cho tất cả các giai đoạn bệnh. Bác sĩ có thể:

  • Chỉ cắt bỏ dây thanh âm
  • Chỉ cắt bỏ phần thanh quản trên thanh môn
  • Cắt bỏ một nửa thanh quản
  • Cắt bỏ một phần thanh quản
  • Cắt toàn bộ thanh quản
  • Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp nếu ung thư đã lan tới đây
  • Phẫu thuật laser cắt bỏ khối u thanh quản.
  • Sau khi loại bỏ tất cả những khối u nhìn thấy ở thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân có thể được hóa trị hoặc xạ trị thêm để tiêu diệt bất kì tế bào ung thư nào còn sót lại.

    Hóa trị

    Phương pháp hóa trị sử dụng thuốc hóa chất để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách tiêu diệt tế bào hoặc ngăn chặn nó phân chia.

    Liệu pháp miễn dịch

    Một loại thuốc đặc biệt được sử dụng để giúp hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra tế bào ung thư là tế bào lạ và tấn công, tiêu diệt nó.

    Bên cạnh đó, có một số phương pháp điều trị mới đang được nghiên cứu trong điều trị ung thư thanh quản là liệu pháp miễn dịch và sử dụng chất phóng xạ.

    Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, mong muốn và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

    Nhìn chung, 65% người bệnh ung thư thanh quản sống được từ 5 năm trở lên sau khi được chẩn đoán và khoảng 55% sẽ sống được từ 10 năm trở lên. Đây là con số trung bình, nhiều người còn sống được lâu hơn thế. Vì vậy, hãy luôn lạc quan và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt nhất, bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Kiến Bình

    Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 19/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo