Tìm hiểu chung
Điện di protein huyết thanh là gì?
Ngày nay, bạn có thể xác định hàm lượng của một số loại protein trong máu bằng một kỹ thuật có tên gọi là điện di protein huyết thanh (SPEP). Các nhóm protein thường được kiểm tra bằng phương pháp này bao gồm:
- Albumin: chịu trách nhiệm vận chuyển các chất và đóng vai trò trong sự phát triển cũng như chữa lành mô tổn thương.
- Alpha-1 globulin: sinh ra ở phổi và gan. Số lượng có xu hướng tăng khi tình trạng viêm nhiễm xảy ra.
- Alpha-2 globulin: đóng vai trò trong nhiều chức năng cơ thể, đồng thời góp mặt trong các phản ứng viêm.
- Beta globulin: đảm nhận công việc di chuyển các chất và hỗ trợ các tế bào miễn dịch hoạt động. Lượng beta globulin có khả năng tăng lên trong những tình trạng sức khỏe như đa u tủy xương, cholesterol cao hay xơ vữa động mạch phát sinh.
- Gamma globulin: góp phần hỗ trợ hệ miễn dịch, đồng thời tăng mạnh về số lượng khi cơ thể gặp phải chứng đa u tủy xương và các vấn đề tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống…
Mặc dù SPEP được sử dụng với mục đích chẩn đoán cũng như theo dõi một số bệnh lý, rối loạn liên quan đến hàm lượng protein bất thường, kỹ thuật điện di thực tế không thể chẩn đoán bệnh nếu chỉ tiến hành đơn lẻ. Thay vào đó, nó cần được áp dụng cùng với nhiều xét nghiệm khác để có thể giúp bác sĩ đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác nhất.
Khi nào bạn cần thực hiện điện di protein huyết thanh?
Phần lớn trường hợp, các chuyên gia sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm điện di protein huyết thanh nếu nguyên nhân bạn đến bệnh viện là do bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Sụt cân không rõ nguyên do
- Đau xương hoặc liên tục bị gãy xương kín
- Mệt mỏi và thậm chí là suy nhược
- Buồn nôn và nôn
- Táo bón
- Thường xuyên khát nước
- Đau lưng
Những dấu hiệu trên có nguy cơ cảnh báo về một số tình trạng sức khỏe nguy hiểm, chẳng hạn như:
- Ung thư
- Các vấn đề về tuyến giáp
- Đái tháo đường (tiểu đường)
- Thiếu máu
- Các bệnh về gan
- Suy dinh dưỡng
- Một số bệnh tự miễn
- Đa xơ cứng
Điều cần thận trọng
Điện di protein huyết thanh có nguy hiểm không?
Tương tự những loại xét nghiệm máu khác, điện di protein huyết thanh cũng cần có mẫu máu từ người bệnh để tiến hành.
Quá trình lấy máu có thể khiến bạn cảm thấy đau nhói, sưng đỏ hoặc khó chịu ngay tại vị trí đưa kim vào tĩnh mạch. Mặc dù vậy, bạn không cần lo lắng vì những cảm giác đó là hoàn toàn bình thường. Chúng sẽ mau chóng thuyên giảm và biến mất mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng, chảy máu nhiều hoặc choáng váng, hãy lập tức báo với bác sĩ để có thể kiểm soát kịp thời.
Quy trình thực hiện
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trước khi thực hiện
Bạn không cần đặc biệt chuẩn bị gì cho xét nghiệm điện di protein huyết thanh. Tuy nhiên, để đảm bảo độ chính xác của kết quả, các chuyên gia sẽ yêu cầu bạn không ăn hoặc uống từ buổi tối trước ngày lấy máu để phân tích.
Trong khi thực hiện
Các chuyên viên y tế sẽ sử dụng kim tiêm tiệt trùng để lấy máu đem đi phân tích. Vị trí rút máu thường là mặt trong khuỷu tay hoặc mu bàn tay, vì tĩnh mạch ở hai khu vực này rất dễ tìm thấy.
Sau khi lấy đủ lượng máu cần thiết, chuyên viên sẽ dùng bông tiệt trùng để cầm máu.
Sau khi thực hiện
Bạn có thể về nhà ngay sau khi lấy máu. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong vòng vài ngày tới. Khi đó, bác sĩ sẽ cùng bạn thảo luận về vấn đề mà bạn có thể gặp phải, từ đó đề xuất hướng điều trị phù hợp nếu cần thiết.
Kết quả của xét nghiệm điện di protein huyết thanh
Kết quả của điện di protein huyết thanh là gì?
Các chuyên gia sẽ đối chiếu kết quả xét nghiệm với các chỉ số tham chiếu dưới đây để xem liệu nồng độ protein có điều gì bất thường không. Hàm lượng chuẩn của từng nhóm protein trong máu bao gồm:
- Albumin: 3,8 – 5,0g/dL
- Alpha-1 globulin: 0,1 – 0,3g/dL
- Alpha-2 globulin: 0,6 – 1,0g/dL
- Beta globulin: 0,7 – 1,4g/dL
- Gamma globulin: 0,7 – 1,6g/dL
Bất kỳ chỉ số kết quả nào nằm ngoài phạm vi cho phép đều được xem là kết quả xét nghiệm điện di protein huyết thanh bất thường.
Kết quả bất thường có ý nghĩa gì?
Mỗi loại protein trong cơ thể đảm nhiệm vai trò khác nhau. Điều này có nghĩa là mỗi nhóm protein có nồng độ nằm ngoài phạm vi quy định sẽ cảnh báo về một hoặc nhiều bệnh lý khác nhau, ví dụ như:
Nhóm albumin
- Kết quả cao hơn mức quy định: mất nước
- Kết quả thấp hơn mức quy định: suy dinh dưỡng hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến gan, thận hoặc tình trạng viêm nhiễm
Nhóm alpha-1 globulin
- Chỉ số cao hơn mức cho phép: các bệnh lý liên quan đến viêm, bao gồm cả hai trường hợp cấp tính và mãn tính
- Chỉ số thấp hơn mức cho phép: bệnh gan hoặc khí phế thũng bẩm sinh (rất hiếm)
Nhóm alpha-2 globulin
- Hàm lượng quá cao: bệnh thận và những bệnh lý liên quan đến viêm, bao gồm cả cấp và mãn tính
- Hàm lượng quá thấp: bệnh gan, suy dinh dưỡng, vỡ hồng cầu
Nhóm beta globulin
- Nồng độ vượt quá mức quy định: thiếu máu, đa u tủy xương, chỉ số cholesterol cao
- Nồng độ không đạt đến mức quy định: xơ gan và dinh dưỡng kém
Nhóm gama globulin
- Thông số kết quả cao hơn mức cho phép: viêm khớp dạng thấp, nhiễm trùng, xơ gan, các vấn đề sức khỏe liên quan đến viêm nhiễm, đa u tủy xương và u lympho
- Thông số kết quả thấp hơn mức cho phép: rối loạn miễn dịch, đôi khi có thể là thiếu hụt tế bào hồng cầu
Mặt khác, hãy lưu ý rằng kết quả điện di protein huyết thanh chỉ gợi ý về các tình trạng sức khỏe có khả năng đang diễn ra. Lúc này, bạn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]