backup og meta

Bạn biết gì về biến chứng của ghép tế bào gốc?

Bạn biết gì về biến chứng của ghép tế bào gốc?

Những lợi ích về sức khỏe do thủ thuật ghép tế bào gốc mang lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một số biến chứng kèm theo có thể là thách thức lớn đối với cả người bệnh cũng như bác sĩ.

Ghép tế bào gốc là một thử thách lớn đối với cơ thể bạn. Trong những tháng đầu tiên của quá trình hồi phục, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và suy nhược hơn bao giờ hết. Một số tác dụng phụ xảy ra càng khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn như buồn nôn, thay đổi khẩu vị, triệu chứng cúm…

Trong giai đoạn này, bạn cần nhẫn nại một chút, vì một hệ miễn dịch mới hoàn toàn đang được thiết lập và cơ thể bạn cần thời gian để có thể tiếp nhận điều này. Hãy an tâm rằng các bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn chặt chẽ đồng thời cung cấp thuốc để ngăn ngừa rủi ro.

Cùng với những tác dụng phụ phổ biến trên, bạn cũng có khả năng đối mặt với các biến chứng. Một số chúng có thể do liệu trình hóa trị hoặc xạ trị liều cao, một phần của quá trình cấy ghép nội tạng trong một số trường hợp đặc biệt, gây nên. Những biến chứng khác hầu hết sẽ đến từ tình trạng thải ghép của cơ thể.

Biến chứng từ cấy ghép tế bào gốc của chính bạn

Các biến chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Xuất huyết và thiếu máu
  • Nhiễm trùng
  • Bệnh phổi kẽ (viêm mô liên kết)
  • Gan bị tổn thương
  • Tổn thương miệng, thực quản, phổi và các cơ quan khác

Ở một số trường hợp hiếm gặp, bạn có khả năng bị đục thủy tinh thể, vô sinh (nếu xạ trị toàn thân) và tái phát ung thư (có thể là mười năm tính từ lúc bạn điều trị ung thư ban đầu thành công).

Bác sĩ sẽ đưa ra nhiều phương án để đối phó với những biến chứng này. Thuốc kháng sinh, kháng nấm hay virus có thể ngăn ngừa cũng như điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm và virus gây ra. Họ cũng sẽ kê toa cho bạn một số loại thuốc hỗ trợ tốc độ phát triển của hệ miễn dịch mới và cho truyền máu để giải quyết biến chứng xuất huyết hoặc thiếu máu.

Biến chứng từ cấy ghép tế bào gốc của người hiến tặng

Biến chứng phổ biến nhất được gọi là bệnh ghép chống chủ (GvHD). Nó phát triển khi các tế bào máu hình thành từ tế bào gốc của người hiến tặng xem các tế bào của bạn là vật thể lạ xâm nhập cơ thể (mầm bệnh) và tấn công chúng. Căn bệnh này xảy ra ở khoảng 30–70% người nhận ghép tế bào gốc từ người hiến tặng. Bệnh ghép chống chủ thông thường không nặng, nhưng nếu không kịp điều trị, nó có thể đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng của bệnh ghép chống chủ thường là:

  • Phát ban, ngứa và da bong tróc
  • Rụng tóc
  • Triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng)
  • Viêm gan (da vàng)
  • Tổn thương miệng, thực quản, phổi và các cơ quan khác

Nguy cơ phát sinh bệnh ghép chống chủ tỷ lệ thuận với độ tương thích giữa người hiến tặng và người nhận ghép tế bào gốc. Hóa trị hoặc xạ trị với phạm vi rộng trên cơ thể trước khi tiến hành phẫu thuật cũng làm tăng nguy cơ phát bệnh.

Để ngăn ngừa và điều trị bệnh ghép chống chủ, bạn cần kết hợp các loại thuốc kháng sinh cũng như steroid và những liệu pháp khác để giảm đáp ứng miễn dịch. Các loại thuốc thường được dùng trong trường hợp này bao gồm thuốc kháng thymocyte globulin, cyclosporine, methotrexate, sirolimus, tacrolimus và thậm chí bác sĩ cũng có thể kê toa rituximab cho bạn.

Ghép tế bào gốc 1

Một số biến chứng khác của ghép tế bào gốc

Ghép tế bào gốc thất bại cũng là một biến chứng nhưng khá hiếm. Nó xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn từ chối tế bào gốc từ người hiến tặng. Nếu số lượng tế bào gốc được hiến lớn, bạn có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật ghép tế bào gốc lần hai hoặc truyền lượng tế bào lympho, một loại tế bào bạch cầu, còn sót lại từ người hiến tặng.

Ung thư có nguy cơ tái phát sau nhiều năm kể từ khi bạn thực hiện ghép tế bào gốc. Thông thường, nguyên nhân chủ yếu là do hóa trị và xạ trị trước phẫu thuật không tiêu diệt hết toàn bộ tế bào ung thư. Tái phát cũng có thể xảy ra nếu tế bào ung thư vẫn còn hiện diện trong máu được thu thập trước khi bạn hóa trị. Với một số trường hợp cá biệt, tỷ lệ tái phát ung thư sau khi ghép tế bào gốc lên đến 50%.

May mắn thay, hiệu ứng “ghép chống khối u’ có thể giúp ngăn ngừa điều này. Điều này xảy ra khi các tế bào miễn dịch trưởng thành của người hiến tặng nhận ra và tấn công bất kỳ tế bào ung thư nào được tìm thấy trong cơ thể bạn sau khi cấy ghép.

Để tăng hiệu ứng này, bác sĩ có thể muốn truyền cho bạn các tế bào miễn dịch của người hiến cùng với tế bào gốc của người hiến. Nếu ung thư tái phát xảy ra, nó có thể được điều trị bằng chế độ hóa trị khác, cấy ghép lần thứ hai (nếu tế bào gốc của bạn được sử dụng lần đầu tiên, bạn có thể sử dụng tế bào của người hiến tặng ở lần này) hoặc kết hợp cả hai phương pháp này.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Complications of Stem Cell Transplants. https://www.webmd.com/cancer/features/stem-cell-transplant-complications#1. Ngày truy cập 10/01/2019.

Recovery and complications of stem cell transplants. https://www.petermac.org/services/treatment/haematological-treatments/bone-marrow-and-stem-cell-transplants/recovery-and. Ngày truy cập 10/01/2019.

Stem Cell Transplant Side Effects. https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/stem-cell-transplant/transplant-side-effects.html. Ngày truy cập 10/01/2019.

Phiên bản hiện tại

15/11/2019

Tác giả: Ngọc Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Cấy ghép tử cung, bước đột phá của nền y học

Sống lành mạnh với thuốc ức chế miễn dịch


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 15/11/2019

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo