backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sốt cabin là gì? Phải làm gì để chống chọi cơn sốt "lạ kỳ" này?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 28/06/2021

    Sốt cabin là gì? Phải làm gì để chống chọi cơn sốt "lạ kỳ" này?

    Trái ngược với tên gọi, sốt cabin không hề có triệu chứng gì về sốt như: cơ thể nhiệt độ tăng, mệt mỏi… Thực chất, bệnh sốt này ảnh hưởng đến tâm lý là chủ yếu và có xu hướng xảy ra nhiều hơn trong thời điểm mọi người phải thực hiện giãn cách xã hội nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19. 

    Vậy sốt cabin là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của chúng ta? Phải làm gì để không bị ảnh hưởng bởi cơn sốt “kỳ lạ’ này? Hãy đọc ngay bài viết sau để có được câu trả lời nhé!

    Sốt cabin là gì? Đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt cabin

    Sốt cabin là một thuật ngữ dùng để diễn tả cảm giác buồn chán khi bắt buộc bị ở trong nhà trong vài giờ hoặc vài ngày. Nhưng trên thực tế, cảm giác đó không phải là triệu chứng duy nhất. Triệu chứng của bệnh là một loạt các cảm xúc tiêu cực và cảm giác đau buồn khi bị cô lập hoặc cảm thấy bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.

    Những cảm giác bị bỏ rơi, cô lập và cảm thấy cô đơn thường xảy ra trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội do một trận đại dịch hoặc điều kiện thời tiết khắc nghiệt… Thêm vào đó, vì là một chứng bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sốt cabin có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khó kiểm soát khác không thể lường trước. Tuy thế, nó lại không phải là một chứng rối loạn tâm lý được công nhận. Thế nhưng, hiện nay, chúng ra lại không thể phủ nhận được sự tồn tại và sức ảnh hưởng của chứng bệnh này đến sức khỏe tâm lý và thể chất.

    Triệu chứng bệnh sốt cabin

    Sốt cabin 1

    Sốt cabin là một trạng thái tâm trí tiêu cực có thể bao gồm các cảm giác:

    • Chán nản
    • Cáu gắt
    • Bồn chồn
    • Thiếu kiên nhẫn
    • Lo lắng
    • Thiếu động lực
    • Cô đơn
    • Vô vọng
    • Phiền muộn

    Mặc dù sốt cabin không phải là một bệnh tâm lý được công nhận, nhưng những tác động của bệnh lên tinh thần và thể chất là không thể phủ nhận. Những tác động của nó lên hành vi sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Các tác động của sốt cabin lên hành vi con người có thể bao gồm:

    • Mất nhận thức về ngày giờ
    • Khó ngủ
    • Ngủ quá nhiều
    • Khó tập trung
    • Thay đổi vẻ bề ngoài
    • Thay đổi thói quen ăn uống
    • Tiêu thụ quá nhiều rượu bia

    Nguyên nhân gây ra bệnh sốt cabin

    Như đã đề cập bên trên, nguyên nhân gây ra bệnh sốt cabin chính là cảm giác cô đơn, buồn chán khi không kết nối với những mối quan hệ xã hội. Bên cạnh đó, có một số yếu tố khác gây ra hoặc góp phần gây ra bệnh bao gồm:

    • Cảm thấy không thể kết nối thể chất với bạn bè và gia đình
    • Không thể tham gia vào các hoạt động quan trọng và có ý nghĩa
    • Trở nên mệt mỏi, kiệt sức vì công việc
    • Cảm thấy không có động lực vì có quá ít hoặc không có việc gì để làm
    • Trở nên lo lắng về tài chính do thiếu hoặc mất thu nhập…

    Làm sao để chống chọi cơn sốt cabin?

    Chính vì không phải là một bệnh tâm lý được công nhận, nên hiện không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh sốt cabin. Trường hợp bạn bị bắt buộc phải cách ly tại nhà một khoảng thời gian để thực hiện giãn cách, hãy cố gắng giữ cho tâm trí được thoải mái. Việc giữ cho tâm trí không bị gò bó do triệu chứng của cơn sốt này gây ra chính là cơ chế để chống chọi lại căn bệnh này. Hello Bacsi đề xuất 6 hoạt động để giữ cho tinh thần luôn được thoải mái:

    1. Dành thời gian ở ngoài trời

    Dành ra một khoảng thời gian cho hoạt động ngoài trời hoặc hòa mình với thiên nhiên chính là liều thuốc giúp cho tinh thần luôn được thoải mái, tích cực để chống lại bệnh sốt cabin. Việc dành thời gian ở ngoài trời không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất mà còn làm tăng thêm những khía cạnh tinh thần như:

    • Cải thiện tâm trạng tiêu cực và tăng cường cảm giác tích cực
    • Giảm bớt căng thẳng

    Tuy nhiên, nếu không thể dành thời gian ngoài trời thì bạn có thể thử:

    • Mở cửa sổ cho không khí bên ngoài vào nhà
    • Trang trí hoa tươi trong nhà hoặc trồng các loại cây bạn yêu thích
    • Thu hút những chú chim đến nhà bằng cách đặt khay thức ăn tại ban công hoặc cửa sổ, cho những chú mèo hoang ăn, chơi với thú cưng nhà hàng xóm…

    2. Thiết lập kế hoạch trong ngày và tuân thủ

    Hãy thiết lập kế hoạch một ngày và tuân thủ nó một cách nghiêm ngặt. Việc tuân thủ đúng kế hoạch sẽ giúp bạn hình thành thói quen tốt, không làm gián đoạn đến việc ăn uống, nghỉ ngơi hằng ngày. Hãy vạch ra đúng giờ thức dậy, giờ ăn sáng, giờ làm việc tại nhà và giờ nghỉ ngơi hợp lý để có một cuộc sống khỏe mạnh nhé!

    3. Duy trì các mối quan hệ

    Sốt cabin 2

    Việc phải ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội không phải là một lý do để lơ là những mối quan hệ xung quanh chúng ta. Hãy gọi cho người thân, bật máy ảnh lên và trò chuyện cùng nhau, chia sẻ với nhau như thể là họ đang ở cạnh mình. Thời gian trò chuyện này sẽ nhắc nhở bạn rằng bạn không cô đơn, sẽ luôn có người ở bên cạnh lắng nghe tâm sự của bạn. Thêm vào đó, đây cũng sẽ là cơ hội để xây dựng và thắt chặt những mối quan hệ xã hội của mình. Còn chần chờ gì nữa mà không nhấc máy gọi ngay cho những người mà bạn muốn gặp?

    4. Tự học một sở thích mới

    Bạn rất thích vẽ, nhảy múa, nấu ăn nhưng không có cơ hội hoặc thời gian để học? Vậy tại sao không tận dụng cơ hội này để tự học những sở thích ấy của mình? Đây là một khoảng thời gian tuyệt vời để thực hiện những việc mà bạn tự nhủ rằng sẽ “làm sau’. Chính vì không bị bó buộc bởi guồng quay của cuộc sống xã hội hằng ngày, bạn sẽ có thời gian tha hồ sáng tạo và làm tốt sở thích bấy lâu của mình.

    5. Dành thời gian cho bản thân

    Lên kế hoạch hằng ngày cho mình là điều tốt nhưng đôi khi, bạn cũng cần dành ra một vài ngày chỉ để “lười’. Sẽ có những ngày bạn chỉ muốn ở một mình để tự lắng nghe bản thân, để đầu óc được thư giãn. Đừng ngần ngại mà hãy cho bản thân được tận hưởng những ngày đó nhé! Hãy tìm một nơi thật yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng mặt trời để đọc sách, nghe nhạc hoặc thiền sẽ giúp ích rất nhiều cho tâm trí của bạn. Thư giãn cũng là một cách giúp cho sức khỏe tinh thần được nâng cao và bảo toàn hơn đấy!

    6. Tập thể dục

    Sốt cabin 3

    Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người tập thể dục thường xuyên ít bị ảnh hưởng tâm trạng theo hướng tiêu cực hơn so với những người không tập thể dục. Lý do là vì hoạt động thể chất làm giảm các hormone căng thẳng, như cortisol. Đồng thời, hoạt động tập thể dục sẽ giúp não giải phóng endorphin, giúp cải thiện tâm trạng và nâng cao cảm giác tích cực.

    Nếu không thể ra ngoài, bạn có thể thực hiện bài tập rèn luyện bằng những bài tập cơ bản hằng ngày để đánh bại bệnh sốt cabin. Hãy tập luyện thể dục tại nhà trong mùa dịch bệnh hoặc tìm những bài tập được đăng tải trực tuyến trên kênh YouTube, các ứng dụng tập thể dục nhé!

    Để nâng cao động lực tập luyện, bạn có thể rủ bạn bè cũng thực hiện kế hoạch hoạt động thể chất, đặt ra những thách thức phù hợp để mọi người cùng cố gắng vượt qua.

    Khi nào cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ?

    Hãy đặt ngay lịch khám với bác sĩ nếu tình trạng triệu chứng bệnh sốt cabin ngày càng trở nặng. Đặc biệt là khi:

    • Xuất hiện dấu hiệu của bệnh trầm cảm hoặc bệnh trầm cảm trở nặng
    • Xuất hiện dấu hiệu rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc bệnh trở nên tồi tệ hơn
    • Thiếu động lực, thiếu sự cảm thông rõ rệt
    • Không ngủ được
    • Chán ăn…

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phối Linh · Ngày cập nhật: 28/06/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo