backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

[Hỏi đáp cùng bác sĩ] Chỉ số BMI và BMR là gì và có thể “cảnh báo” những nguy cơ bệnh lý nào?

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh · Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


Ngày cập nhật: 28/11/2022

    [Hỏi đáp cùng bác sĩ] Chỉ số BMI và BMR là gì và có thể “cảnh báo” những nguy cơ bệnh lý nào?

    Chỉ số BMI và BMR tuy độc lập và được tính theo công thức khác nhau nhưng chỉ số BMI có thể ảnh hưởng gián tiếp đến chỉ số BMR của bạn.

    BMI và BMR là 2 chỉ số có ý nghĩa quan trọng vì không chỉ phản ánh hình thể và tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể mà còn liên quan hoặc “cảnh báo” một số bệnh lý. Để biết được các công thức tính BMI và BMR cũng như các yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến 2 chỉ số này thì bạn có thể tìm câu trả lời qua sự tư vấn của bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh (Thạc sĩ – Giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM) trong bài viết sau đây.

    1. Thưa bác sĩ, các yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến chỉ số BMI và BMR của một người? Đó có thể là chế độ ăn uống, thói quen – mức độ hoạt động, tình trạng/vấn đề sức khỏe hiện tại, mang thai, các yếu tố di truyền…

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh: Về định nghĩa, BMI (Body Mass Index) là chỉ số khối lượng cơ thể, chỉ số này giúp chúng ta biết được tình trạng cơ thể của một người trưởng thành là thiếu cân, bình thường, thừa cân hay béo phì. Còn BMR (Basal Metabolic Rate) là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản của cơ thể. Chỉ số này cho biết mức năng lượng mà bạn cần để duy trì các hoạt động là bao nhiêu.

    Công thức tính BMI (theo WHO)

    Công thức tính BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao x chiều cao) (Kg/m2)

    Trong đó, trọng lượng tính theo đơn vị kg, chiều cao là m

    *Lưu ý: Chỉ số BMI sẽ không chính xác nếu bạn là vận động viên hoặc người tập thể hình (bởi các múi cơ luôn nặng hơn mỡ) và khi đó, chỉ số BMI của bạn sẽ nằm trong mức béo, rất béo. Nó cũng không chính xác với các bà bầu, đang cho con bú hay những người vừa ốm dậy, bị phù, cụt chi.

    Công thức tính BMR

    Có 2 công thức tính BMR thể hiện qua bảng sau:

    chỉ số BMI và BMR

    Với 2 công thức tính BMR như trên, trọng lượng tính theo đơn vị kg, chiều cao là cm, tuổi là năm. Trong đó, công thức Mifflin St Jeor có tính toán lại dựa trên công thức Harris-Benedict.

    Tuy nhiên, với những người nhiều cơ bắp hoặc cân nặng quá lớn, chỉ số BMR và BMI tính theo cách này thường không chính xác. Đa phần chỉ số tính ra thấp hơn so với thực tế, do những người có nhiều cơ sẽ đốt cháy nhiều năng lượng hơn. Do đó, ta có công thức tối ưu hơn để tính BMR là:

    Công thức Katch-McArdle [3]

    BMR= 370 + (21,6 x LBM)

    Trong đó, LBM (Lean body mass) là chỉ số cơ trong cơ thể và được tính theo công thức sau:

    LBM = Cân nặng – (Cân nặng x Tỷ lệ mỡ/100)

    Nếu các công thức trên khiến bạn bối rối trong việc tính chỉ số BMR, bạn có thể điền thông tin vào ô dưới đây để hệ thống tính giúp bạn nhé:

    Dựa vào các công thức tính BMI và BMR, ta thấy có các biến tương ứng với các tác nhân. Từ đó có thể suy ra có các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ số này là:

    • Khối lượng cơ bắp: Người nhiều cơ bắp có chỉ số BMR cao hơn người ít cơ bắp.
    • Kích thước (trọng lượng cơ thể): Cơ thể nặng hơn thì cần tiêu thụ nhiều calo hơn. Do đó, những người nặng cân hơn thường có BMR lớn hơn.
    • Tuổi tác: Độ tuổi lớn thì mức độ trao đổi chất chậm hơn, tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể sẽ thấp hơn so với người trẻ tuổi.
    • Giới tính: Nam giới thường có nhiều cơ bắp hơn nữ giới, trọng lượng cơ thể nam giới cũng thường lớn hơn. Do vậy, nam giới thường có chỉ số cao BMR lớn hơn phụ nữ.
    • Mức độ vận động: Càng hoạt động nhiều thì cơ thể càng tiêu hao năng lượng. Người tập thể dục thường xuyên có chỉ số BMR cao hơn.

    Ngoài ra, còn có các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến chỉ số BMR như nhiệt độ, di truyền, nội tiết tố, chế độ ăn, dùng thuốc… Nguyên do là các yếu tố này ảnh hưởng gián tiếp lên cân nặng, chiều cao cũng như chỉ số cơ và tỷ lệ mỡ của cơ thể.

    2. Nếu một người nào đó chỉ có thể thay đổi một thứ trong đời để cải thiện chỉ số BMI và BMR, bác sĩ có lời khuyên nào cho họ?

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh: Trước tiên, ta cần dựa vào các công thức ở trên để đưa ra các biến (tương ứng với các chỉ số của cơ thể) được phân loại như sau:

    • Bất biến (không thay đổi được): Giới tính, tuổi
    • Khả biến (có thể thay đổi được): Cân nặng, chiều cao, chỉ số cơ, tỷ lệ mỡ (trong đó chiều cao là khó thay đổi nhất).

    Như vậy, dựa trên công thức và các biến ảnh hưởng, chúng ta thấy rằng để cải thiện chỉ số BMI/BMR thì có thể thay đổi một thứ trong đời, đó chính là lối sống (bao gồm ăn uống và luyện tập).

    Việc ăn uống theo khoa học kèm với một chế độ luyện tập hợp lý sẽ giúp ta kiểm soát được cân nặng, giảm chỉ số mỡ, tăng khối lượng cơ, từ đó có thể cải thiện chỉ số BMI và BMR.

    3. Một người sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nào khi xét đến độ tuổi và chỉ số BMI của họ. Chẳng hạn như bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, bệnh gút… thưa bác sĩ?

    chỉ số BMI và BMR

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh: Chúng ta chỉ xem xét các yếu tố nguy cơ, những bệnh lý tiềm ẩn với giá trị BMI độc lập, chứ không đánh giá nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe theo BMI và độ tuổi.

    Ví dụ:

    Loại trừ các yếu tố như phù, mang thai, cụt chi, vận động viên thể hình, chỉ số BMI được phân loại theo các mức sau (áp dụng cho người trên 18 tuổi, do trẻ sơ sinh đến người 18 tuổi sẽ có bảng tiêu chuẩn riêng về cân nặng chiều cao để đánh giá mức độ phát triển):chỉ số BMI và BMR của cơ thể

    Cột BMI theo WHO là dành cho các nước trên thế giới, cột ngoài cùng bên phải là BMI dành cho châu Á (do thể trạng cơ địa người châu Á khác so với người phương Tây).

    Chỉ số BMI tăng quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có liên quan đến tình trạng thừa cân hoặc béo phì, bao gồm [7]:

    • Bệnh tim mạch
    • Bệnh tiểu đường
    • Bệnh về túi mật
    • Nguy cơ gây ra một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú, ung thư đại tràng và túi mật. Ngoài ra, béo phì cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.
    • Chứng ngưng thở khi ngủ
    • Bệnh về khớp
    • Vô sinh.

    Nếu chỉ số BMI của bạn thấp hơn mức 18.5, nhiều khả năng bạn đang rơi vào tình trạng thiếu cân, suy dinh dưỡng. Những người thiếu cân, suy dinh dưỡng thường không có sức khỏe dẻo dai, ổn định, rất dễ bị ốm vặt, không đủ sức lực để lao động với cường độ cao.

    4. Xin bác sĩ cho biết tỷ lệ BMR cao/thấp có liên quan đến tình trạng sức khỏe/bệnh lý nào hay không?

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh: BMR vừa là công cụ để chẩn đoán, vừa là triệu chứng, vừa có thể là mục tiêu trong điều trị bệnh cũng như trong sinh hoạt, tập luyện thể thao hàng ngày.

    Ví dụ như trong bệnh lý cường giáp, do tăng các hormone giáp trạng, các hoạt động chuyển hóa, trao đổi chất sẽ tăng, lúc đó cơ thể sẽ sử dụng năng lượng nhiều hơn. Ngược lại, trong suy giáp, các hoạt động chuyển hóa, trao đổi chất sẽ giảm, người bệnh sẽ có động thái chậm hơn, ít hoạt động hơn [4].

    5. BMR ảnh hưởng đến sức khỏe của một người như thế nào? BMR có thể “mách bảo” những nguy cơ/bệnh lý nào (nếu có)?

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh: Khi một người có BMR thấp, có nghĩa là người đó cần tiêu ít năng lượng để duy trì các chuyển hóa cơ bản của cơ thể. Điều này là bất lợi đối với những người muốn giảm cân, do với một khẩu phần ăn kiêng như nhau, người có BMR cao sẽ đốt nhiều calories hơn một người BMR thấp, từ đó có thể kiểm soát thậm chí giảm được khối lượng cơ thể [5].

    Ngoài ra, BMR cũng đang được nghiên cứu như một yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, BMR có thể gợi ý cho bạn biết có những vùng viêm nhiễm mạn tính lâu ngày, yếu tố viêm này làm tăng mức độ chuyển hóa tại chỗ hoặc toàn cơ thể và cũng tác động một phần lên sức khỏe chúng ta [6].

    6. Xin bác sĩ cho biết đối với phụ nữ mang thai thì có những điểm cụ thể nào mà các mẹ bầu cần lưu ý về chỉ số BMI hay BMR của bản thân không?

    Bác sĩ Nguyễn Hữu Đức Minh: Như đã đề cập, phụ nữ mang thai sẽ không áp dụng chỉ số BMI. Bởi vì giai đoạn này có thêm một em bé trong cơ thể bạn. Điều này kéo theo sự sản sinh nhau thai, nước ối để tạo môi trường cho thai nhi làm tổ và phát triển nên cân nặng của người mẹ tăng rất nhiều. Do vậy, BMI không phản ảnh chính xác tình trạng cơ thể mẹ bầu (do phân loại yếu tố nguy cơ theo BMI dựa trên thống kê bệnh lý trên một mẫu số người rất lớn để đúc kết được).

    Còn đối với BMR, phụ nữ mang thai sẽ tăng cường trao đổi chất, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng, chuyển hóa chúng thành các thành phần dinh dưỡng khác để nuôi bé. Hơn nữa, so với nữ không mang thai ở cùng lứa tuổi, mẹ bầu sẽ tăng cường hoạt động tạo mô phôi, tim mạch, hô hấp và thận nên BMR sẽ tăng cao hơn (tùy từng giai đoạn thai kỳ). Đây là điều rất bình thường và không nên quá lo lắng [8], [9].

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Hữu Đức Minh

    Chỉnh hình · Phòng khám DayCare - DayCare Clinic&Spa


    Ngày cập nhật: 28/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo