backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Chăm sóc sức khỏe người già mùa Tết: Đau xương khớp và tăng huyết áp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    Chăm sóc sức khỏe người già mùa Tết: Đau xương khớp và tăng huyết áp

    Tết là thời gian mà tất cả các thành viên trong gia đình sẽ quây quần, cùng nhau dọn dẹp và trang trí lại nhà cửa để đón một năm mới sắp đến. Thế nhưng, việc dọn dẹp quá sức hoặc sai tư thế có thể khiến bạn bị đau nhức xương khớp, đặc biệt khi đã lớn tuổi. Uống thuốc giảm đau là phương pháp giúp kiểm soát cơn đau hiệu quả [1]. Tuy nhiên, có thể bạn không biết, một số thuốc giảm đau nhức xương khớp có thể làm tăng huyết áp ở người cao tuổi [2].

    Vậy thuốc trị đau nhức xương khớp cho người già có ảnh hưởng gì đến huyết áp và làm thế nào để giúp người lớn tuổi vui khỏe ngày Tết mà không còn lo ngại về cả hai vấn đề trên? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này nhé!

    Thuốc trị đau xương khớp và tình trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi

    Đau xương khớp có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi [3, 4]. Nhiều nghiên cứu cho thấy, 40% bệnh nhân bị thoái hóa khớp cũng được chẩn đoán đồng mắc tăng huyết áp [5]. Về thực tế, bản thân tình trạng đau có thể làm tăng huyết áp [3, 4].

    Tuy nhiên, khả năng gây tăng huyết áp ở bệnh nhân bị đau nhức xương khớp còn liên quan nhiều đến các thuốc điều trị được sử dụng [2]. Ngày nay, nhiều nhóm thuốc với cơ chế hoạt động khác nhau có thể được dùng để giảm đau nhức xương khớp ở người già, trong đó phổ biến nhất là nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) [2, 6]. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ trên huyết áp và tim mạch [7, 8].

    NSAIDs gây tăng huyết áp

    Thông qua nhiều cơ chế liên quan đến ức chế prostaglandin, bao gồm giữ natri và co mạch, cả thuốc NSAIDs không chọn lọc và chọn lọc COX-2 đều có thể làm tăng huyết áp [8, 9]. Theo đó, bệnh nhân có huyết áp bình thường chỉ bị tăng huyết áp nhẹ khi dùng NSAIDs, khoảng 1,1 mmHg. Tuy nhiên, huyết áp ở các bệnh nhân vốn bị cao huyết áp có thế tăng rất nhiều, lên đến 14,3 mmHg đối với huyết áp tâm thu và 2,3 mmHg đối với huyết áp tâm trương [9]. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những bệnh nhân lớn tuổi, đối tượng vốn có nhiều nguy cơ bị cao huyết áp hơn người trẻ [10].

    NSAIDs gây tăng huyết áp ở người cao tuổi
    Ảnh: Shutterstock.com – 1083724169

    NSAIDs tương tác với các thuốc kiểm soát huyết áp

    Khi tuổi tác và nguy cơ mắc cao huyết áp tăng lên, nhu cầu sử dụng các thuốc kiểm soát huyết áp cũng sẽ tăng ở những bệnh nhân lớn tuổi [11]. Điều này gây ra nhiều quan ngại khi sử dụng NSAIDs cho nhóm đối tượng này. Bởi vì, NSAIDs được biết đến với khả năng làm giảm tác dụng của các thuốc hạ huyết áp như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể, thuốc chẹn beta, từ đó khiến quá trình kiểm soát huyết áp ở người cao tuổi càng khó khăn [9].

    NSAIDs làm tăng biến cố tim mạch

    Tình trạng huyết áp tăng quá cao và kéo dài do dùng NSAIDs có thể gây tổn thương trầm trọng đến mạch máu và tim, từ đó làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch ở người cao tuổi [12]. Nhiều bằng chứng cho thấy, NSAIDs làm tăng nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch có hại, bao gồm rung nhĩ, đau tim, suy tim và đột quỵ [7, 12].

    Không chỉ ảnh hưởng trên tim mạch, NSAIDs còn có thể gây tác động đến đường tiêu hóa (khiến bệnh nhân dễ bị buồn nôn, nôn, khó tiêu, chảy máu và loét đường tiêu hóa), gan và thận [13].

    Làm sao để dùng thuốc giảm đau an toàn mà không lo tăng huyết áp ở người cao tuổi?

    Có thể thấy, tăng huyết áp là một “tác nhân vô hình” ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn. Do đó, việc phòng tránh tình trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi, những người vốn có nhiều nguy cơ bị cao huyết áp, là điều vô cùng quan trọng [10]. Việc lựa chọn thuốc điều trị đau xương khớp cho người cao tuổi bị tăng huyết áp cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ gây biến cố trên tim mạch của thuốc [14].

    Vậy, người lớn tuổi cần lựa chọn và dùng thuốc thế nào để giảm đau an toàn khi các thuốc giảm đau nhức xương khớp có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp?

    Lựa chọn các thuốc giảm đau ít ảnh hưởng đến huyết áp

    Dù các thuốc giảm đau có thể gây tăng huyết áp ở người cao tuổi, nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng. Bởi vì ảnh hưởng của chúng đối với huyết áp có thể không giống nhau [15].

    Ví dụ cụ thể như các thuốc nhóm NSAIDs, một vài nghiên cứu cho thấy, indomethacinnaproxen có thể tác động lên huyết áp nhiều hơn các NSAIDs không chọn lọc cùng nhóm [16]. Trong khi đó, một số NSAIDs chọn lọc COX-2 có thể làm tăng huyết áp thường xuyên và nghiêm trọng, từ đó được chống chỉ định cho những bệnh nhân có huyết áp trên 140/90 mmHg hoặc không ổn định [17]. Ngược lại, một số NSAIDs chọn lọc COX-2 khác lại cho thấy ít tác động trên huyết áp và tim mạch hơn [18, 19].

    Vì những ảnh hưởng khác nhau trên huyết áp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Khi buộc phải sử dụng NSAIDs để điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ hay bệnh lý cao huyết áp, bác sĩ có thể lựa chọn các loại NSAIDs được chứng minh ít gây rủi ro trên huyết áp và sử dụng với liều thấp nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể [20].

    Lựa chọn thuốc giảm đau ít gây tăng huyết áp ở người cao tuổi
    Ảnh: Shutterstock.com – 1673307424

    Thận trọng khi sử dụng với các thuốc hạ huyết áp

    NSAIDs có thể tương tác và làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi. Vì vậy, bạn hãy thông báo với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, kể cả thuốc không kê đơn, thảo dược và sản phẩm bổ sung để bác sĩ cân nhắc chỉ định cho bạn các loại thuốc phù hợp, tránh tương tác thuốc [21]. Đối với những bệnh nhân cần sử dụng NSAIDs trong thời gian dài, bác sĩ có thể cân nhắc chuyển sang một loại thuốc hạ huyết áp khác ít tương tác với NSAIDs hơn [22]. Tác dụng của các thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn kênh canxi ít bị ảnh hưởng bởi thuốc nhóm NSAIDs [9].

    Đối với những bệnh nhân cần dùng thuốc giảm đau mà không thể thay đổi phương pháp điều trị huyết áp, bác sĩ có thể xem xét dùng các thuốc giảm đau thay thế như paracetamol hoặc opioid [22].

    Dùng thuốc theo đúng chỉ định

    Bạn nên sử dụng thuốc giảm đau nhức xương khớp theo đúng chỉ định của bác sĩ. Hầu hết các loại thuốc giảm đau không được sử dụng quá 10 ngày. Nếu bạn vẫn cảm thấy đau, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám [21].

    Kiểm tra huyết áp thường xuyên

    Nếu đã được chẩn đoán bị cao huyết áp, bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên trong quá trình sử dụng thuốc trị đau nhức xương khớp cho người già [21]:

    • Nếu gặp tình trạng tăng huyết áp ở người cao tuổi, bạn nên kiểm tra huyết áp trước khi bắt đầu dùng NSAIDs. Sau đó, kiểm tra huyết áp định kỳ sau mỗi 1-4 tuần điều trị trong 1-2 tháng [23, 24].
    • Các bệnh nhân tăng huyết áp không kiểm soát được hoặc đang điều trị bằng thuốc hạ huyết áp cần theo dõi huyết áp thường xuyên hơn (mỗi 1-2 tuần trong 1-2 tháng) [24].
    • Các bệnh nhân lớn tuổi sử dụng NSAIDs dài hạn cần theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà [23]. Đồng thời, đối với những bệnh nhân đang dùng NSAIDs, bác sĩ nên cảnh báo và theo dõi các dấu hiệu giữ nước (tăng cân hoặc phù ngoại biên) [22].

    Làm sao để người già vui khỏe trong ngày Tết?

    Đừng để những cơn đau nhức xương khớp và nỗi lo tăng huyết áp cản trở người lớn tuổi vui khỏe ngày Tết. Ngoài dùng thuốc, bạn có thể áp dụng một số phương pháp kiểm soát cơn đau sau đây:

    Làm sao để uống thuốc mà không làm tăng huyết áp ở người cao tuổi
    Ảnh: Shutterstock.com – 1477517666
    • Nghỉ ngơi: Ngay khi bị đau, bạn hãy dừng hoạt động và nghỉ ngơi nhiều nhất có thể trong 2 ngày đầu tiên [25].
    • Tập thể dục: Các hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội hoặc tập thể dục dưới nước, có thể giúp giảm đau nhức xương khớp ở người già [26].
    • Chườm nóng/ chườm đá: Cả hai phương pháp đều có thể giúp làm dịu các cơn đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi. Bạn có thể chườm nóng hoặc chườm đá lên vùng bị đau khoảng 15-20 phút mỗi lần, vài lần mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn nên lót khăn trước khi đặt túi chườm lên da để tránh tổn thương da [27].
    • Xoa bóp: Bạn có thể xoa bóp nhẹ nhàng, chậm rãi lên các vùng bị đau bằng đầu ngón tay hoặc cả bàn tay. Bạn nên xoa bóp trong 10 giây đầu tiên và điều chỉnh lực tác động cho phù hợp [28].

    Những cơn đau xương khớp có thể xuất hiện vào bất cứ lúc nào, kể cả những ngày Tết và cản trở người lớn tuổi tận hưởng niềm vui sum họp cùng con cháu. Không những thế, các cơn đau xương khớp và thuốc giảm đau còn là nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người cao tuổi [2, 3, 4]. Vì vậy, việc kiểm soát cơn đau nhức xương khớp một cách an toàn sẽ giúp người già vui khỏe ngày Tết mà không còn nỗi lo đau nhức xương khớp và tăng huyết áp nữa.

    PP-CEL-VNM-0480

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 22/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo