Đau vùng xương chậu không chỉ ở phụ nữ khi mang thai mà không ít nam giới cũng gặp tình trạng này. Họ có thể bị đau lưng vùng xương chậu, hoặc đau phía trước, bên trái, bên phải. Cơn đau xuất phát từ nhiễm trùng, hoặc bất thường ở các cơ quan trong khung chậu, hoặc đau từ xương chậu.
Vậy cụ thể đau ở vùng xương chậu là bệnh gì? Tham khảo bài viết sau cùng Hello Bacsi để có câu trả lời chi tiết bạn nhé!
Đau vùng xương chậu là ở đâu?
Cơn đau khung xương chậu thường xảy ra ở phần thấp nhất của bụng, giữa hai xương hông. Cơn đau có thể
- Đột ngột và bất ngờ, buốt nhói dữ dội, đau như chuột rút (cấp tính)
- Âm ỉ nhưng liên tục, hoặc xuất hiện nhiều đợt (mạn tính).
Đau khung chậu được gọi là mạn tính khi tồn tại ít nhất từ 6 tháng trở lên. Những cơn đau này thường không có vị trí đau cụ thể mà thường lan tỏa toàn vùng khung chậu. Đau khung chậu mạn tính có thể do tổn thương tại chỗ nhưng đa phần là triệu chứng của một số bệnh khác, thậm chí xuất phát ở ngoài khung chậu.
Thông thường, đau vùng xương chậu ở nữ giới xuất hiện theo chu kỳ, đi kèm chu kỳ kinh nguyệt hoặc rụng trứng. Đau có thể tăng dần cường độ theo từng đợt. Ngoài ra, cơn đau buốt ở vùng xương chậu có thể xảy ra khi bạn chạm vào; kèm theo sốt, buồn nôn, hoặc nôn mửa, táo bón, tiêu chảy, đi tiểu ra máu, chảy máu âm đạo, bụng to, đau khi giao hợp…
Nếu đột nhiên xuất hiện một cơn đau vùng chậu nghiêm trọng, bạn có thể cần đến sự trợ giúp y tế hoặc cấp cứu. Hãy đến bệnh viện để bác sĩ sẽ kiểm tra và khám vùng chậu của bạn.
Bị đau vùng xương chậu liên quan đến bệnh gì?
1. Đối với cả nam và nữ giới:
- Nhiễm trùng đường tiểu
- Bệnh lây qua đường tình dục
- Hội chứng ruột kích thích
- Sỏi tiết niệu gây đau lưng vùng xương chậu
- Rối loạn đường ruột, chẳng hạn như viêm ruột thừa hoặc viêm đại tràng
- Dây thần kinh cột sống bị chèn ép
- Rối loạn vùng chậu như căng và co thắt cơ vùng chậu
- Gãy xương chậu
- Đau do tâm lý, liên quan đến căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý trong quá khứ
Ngoài ra, riêng nam giới còn bị đau vùng xương chậu do viêm tuyến tiền liệt hoặc thoát vị bẹn.
2. Đối với riêng nữ giới:
- Tiền kinh nguyệt
- Rụng trứng, đau bụng kinh
- Đau vùng xương chậu khi mang thai
- Thai ngoài tử cung
- Sảy thai
- U nang buồng trứng
- U xơ tử cung
- Lạc nội mạc tử cung
- Ung thư cổ tử cung, tử cung hoặc buồng trứng
Để hiểu hơn về các loại bệnh trên, bạn có thể tham khảo bài viết 12 nguyên nhân gây đau xương chậu ở phụ nữ
Làm thế nào để tránh đau vùng xương chậu?
Để tránh bị đau vùng xương chậu, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc giảm stress, thuốc tránh thai,…
- Điều trị nội tiết tố giúp giảm đau liên quan đến lạc nội mạc tử cung và kinh nguyệt.
- Thay đổi lối sống của phụ nữ, bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tư thế ngồi và tham gia vào các hoạt động thể chất thường xuyên.
- Làm ấm cơ thể như ngồi trong bồn nước ấm, chườm ấm cho bụng sẽ làm tăng lưu lượng máu, có thể giúp giảm bớt cơn đau nhức xương chậu của bạn.
- Bổ sung các loại dưỡng chất, vitamin cho cơ thể nếu đau vùng chậu mạn tính có liên quan đến thiếu vitamin và khoáng chất. Khi đó, bạn có thể bổ sung thêm các loại vitamin D, vitamin E và magiê. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bạn uống bất kỳ loại thuốc nào.
- Thư giãn bằng thiền, yoga và các bài tập thở sâu để giảm căng thẳng và giúp xoa dịu cơn đau nhức vùng xương chậu.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm đau vùng xương chậu có thể giúp ngăn ngừa bệnh trở thành mạn tính. Vì vậy, hãy luôn thực hiện kiểm tra vùng chậu định kỳ để có thể sớm phát hiện bệnh. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện quan hệ tình dục an toàn, bao gồm việc sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ.
[embed-health-tool-bmi]