Theo thống kê, có đến 1/3 người trưởng thành phải chịu đựng các cơn đau khớp mỗi ngày. Khớp ở đầu gối, hông và vai là những vị trí hay bị đau nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng đau có thể gặp phải ở mọi khớp, bao gồm cả các khớp tay chân như khớp cổ chân, bàn chân, khuỷu tay, bàn tay… (1). Tình trạng đau khớp tay chân có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.
Các cơn đau khớp tay chân thường ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, ngay cả khi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (1). Vì vậy, người bị đau nhức khớp tay chân luôn muốn tìm kiếm những phương pháp điều trị hiệu quả và nhanh chóng. Để làm được điều đó, xác định đúng nguyên nhân gây đau là một trong các yếu tố vô cùng quan trọng.
Triệu chứng đau nhức khớp tay chân cảnh báo điều gì?
Đau, nhức khớp tay và chân thường liên quan đến chấn thương vật lý. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt nếu các cơn đau kéo dài mà không kèm theo bất kỳ thương tổn rõ ràng nào. Những bệnh lý gây đau khớp chi trên và dưới có thể kể đến như (2):
Thoái hóa khớp
Đau khớp do thoái hoá không còn là vấn đề xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi. Đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất, xảy ra khi lớp sụn đệm giữa hai đầu xương bị bào mòn theo thời gian (lão hoá). Bệnh ảnh hưởng nhiều nhất ở cổ, thắt lưng và hông. Ở tay và chân, các cơn đau khớp do thoái hoá thường sẽ xuất hiện tại đầu gối và ngón tay (3).
Đặc điểm của tình trạng đau nhức khớp tay chân do thoái hóa là ban đầu, cơn đau sẽ xuất hiện thành từng đợt không liên tục, sau đó tiến triển thành những cơn đau dai dẳng. Cường độ đau có xu hướng tăng lên khi bạn vận động và thuyên giảm trong lúc nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến triệu chứng cứng khớp và hạn chế phạm vi vận động đi kèm với các cơn đau nhức khó chịu này (3).
Viêm khớp dạng thấp
Ngoài thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp cũng có khả năng gây đau nhức các khớp ở tứ chi. Đây là một bệnh tự miễn mạn tính, thường phát triển theo thời gian và chủ yếu ảnh hưởng đến những khớp nhỏ trước, ví dụ như khớp ngón tay và ngón chân. Sau đó, tình trạng viêm gây đau sẽ dần tác động đến các khớp lớn hơn như khớp cổ tay, khuỷu tay… (3)
Bên cạnh tình trạng đau nhức khó chịu, khớp bị viêm còn có thể trở nên cứng và sưng đỏ. Khác với trường hợp thoái hóa, đau cứng khớp tay chân do viêm khớp dạng thấp thường nặng hơn vào buổi sáng (kéo dài trên 1 tiếng) và có xu hướng giảm dần khi người bệnh vận động nhẹ nhàng (3).
Đau khớp do tổn thương thần kinh
Khớp ở tứ chi có nhiều loại dây thần kinh khác nhau đóng vai trò kiểm soát các chức năng sinh lý như cảm giác đau, khả năng vận động, cung cấp lưu lượng máu… Vì vậy, tình trạng tổn thương ở những dây thần kinh này cũng có thể làm khớp khó vận động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khớp. Lúc này, đau khớp là điều không thể tránh khỏi (4).
Những cơn đau có nguồn gốc thần kinh thường được biểu hiện bởi các triệu chứng như (15):
- Đau như dao đâm hoặc điện giật
- Cảm giác nóng rát
- Cảm giác tê lạnh
- Cảm giác tê như kiến bò, ngứa ran và khó chịu
- Đau châm chích như kim đâm
Đau nhức khớp tay chân còn đi kèm với những biểu hiện nào?
Tình trạng đau nhức khớp tay chân không đơn giản chỉ là những cơn đau buốt hoặc âm ỉ. Lúc này, tùy vào nguyên nhân mà người bệnh có thể phải chịu đựng thêm nhiều triệu chứng khác đi kèm, chẳng hạn như (2):
- Khớp sưng và đau
- Cảm giác bỏng rát ở vùng da quanh khớp
- Yếu cơ
- Chuột rút
- Móng tay, da và tóc có sự thay đổi rõ rệt
- Tê ngứa
- Mất cảm giác ở khu vực khớp bị đau
- Khó giữ thăng bằng
- Khớp giảm dẻo dai và giảm khả năng vận động
- Mệt mỏi
- Hội chứng chân không yên
- Sốt
- Sụt cân
- Tụt huyết áp
- Lở loét, nhiễm trùng da
Phương pháp điều trị đau nhức khớp tay chân
Bạn nên chia sẻ đầy đủ về những triệu chứng mà mình gặp phải để giúp bác sĩ chẩn đoán được nguyên nhân gây đau khớp tay chân. Đồng thời, để xác định đúng và chính xác vấn đề cụ thể đang diễn ra, các bác sĩ có thể cần tiến hành thêm một số thủ thuật và xét nghiệm như (2):
- Kiểm tra sức khỏe tổng quát và bệnh sử cá nhân của người bệnh
- Xét nghiệm máu
- Kiểm tra sức cơ
- Khám đánh giá cảm giác rung (để phát hiện những rối loạn do dây thần kinh)
- Chụp CT và MRI
- Điện cơ đồ
- Sinh thiết da hoặc thần kinh
Sau đó, bác sĩ sẽ đề xuất phác đồ điều trị đau khớp tay chân dựa trên kết quả chẩn đoán (2). Lựa chọn điều trị của mỗi người sẽ không giống nhau nhưng mục đích chung của các phương pháp này vẫn là kiểm soát tình trạng đau nhức khó chịu ở tay chân (2, 3).
Điều trị đau nhức khớp tay chân bằng thuốc
Với trường hợp đau khớp liên quan đến thoái hóa hoặc viêm khớp dạng thấp, dùng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể là một trong những lựa chọn điều trị đầu tay (5). Thuốc hoạt động bằng cách ức chế men cyclooxygenase (COX) và nhờ đó giảm tổng hợp một chất gọi là prostaglandin, thủ phạm gây nên triệu chứng đau và viêm. Chính vì vậy, các thuốc NSAIDs giúp giảm đau và kháng viêm hiệu quả (5).
Tuy nhiên, cơ thể bạn thực tế sản sinh đến 2 loại men COX gồm COX-1 và COX-2. Trong đó, chỉ có men COX-2 liên quan đến tình trạng viêm, còn men COX-1 đóng vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và điều hòa nhiều chức năng sinh lý khác của cơ thể. Hầu hết các thuốc NSAIDs sẽ tác động lên cả 2 nhóm men COX-1 và COX-2. Vì vậy, bên cạnh tác dụng giảm đau và chống viêm, nhóm thuốc này còn có thể gây loét hoặc thậm chí là xuất huyết dạ dày, đồng thời ảnh hưởng đến thận và huyết áp (5, 6, 7).
Ngày nay, một số thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 đã được phát triển với cơ chế tác động chọn lọc lên men COX-2 (5). Nhờ đó, nguy cơ gây tổn thương dạ dày và thận do dùng thuốc sẽ giảm đi trong khi lợi ích giảm đau khớp chân tay do viêm vẫn tương đương với các NSAIDs truyền thống (5, 7, 8, 14).
Bên cạnh đó, tương tự thuốc NSAIDs không chọn lọc truyền thống, các thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 cũng có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp nhưng tác động của mỗi loại sẽ không giống nhau (9). Vì vậy, nếu bạn có tiền sử bị tăng huyết áp, hãy thông báo với bác sĩ ngay từ đầu để được cân nhắc và kê toa loại thuốc an toàn trên huyết áp cũng như tim mạch.
Mặt khác, bạn cũng cần lưu ý rằng, thuốc NSAIDs sẽ không mang lại hiệu quả giảm đau như mong đợi nếu các cơn đau khớp chân tay có liên quan đến đau thần kinh. Vì vậy, bạn cần quan tâm đến các dấu hiệu đau do nguyên nhân thần kinh để chia sẻ đầy đủ nhất với bác sĩ về triệu chứng của mình, từ đó giúp bác sĩ có hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp này, người bệnh cần dùng đến các nhóm thuốc giảm đau đặc hiệu cho đau thần kinh (10).
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị đau nhức khớp tay chân tại nhà
Bên cạnh việc sử dụng thuốc để giảm đau khớp tay chân, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản để giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu ở tay, chân, đồng thời duy trì tính linh hoạt và chức năng khớp (3). Chúng có thể bao gồm (11, 12):
- Kết hợp chườm nóng và lạnh giúp giảm sưng, cứng khớp
- Dùng nẹp để cố định khớp, hạn chế chấn thương thêm
- Cố gắng rèn luyện thể chất và nghỉ ngơi hợp lý
Nhìn chung, hiện nay thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 được xem là một trong những lựa chọn hàng đầu để chữa đau khớp tay chân liên quan đến viêm (5, 8). Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng thuốc, bạn nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ (13). Bên cạnh đó, kết hợp thêm các biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau tốt hơn, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống (11, 12).
PP-CEL-VNM-0479
VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
[embed-health-tool-bmi]