backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư phổi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang · Ung thư - Ung bướu · Đại học Y Hà Nội


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 12/09/2023

Ung thư phổi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, gây ra 1,59 triệu ca tử vong trong năm 2012. Tại Việt Nam, hàng năm có hơn 26,000 ca mắc mới với hơn 23,000 ca tử vong chỉ sau ung thư gan. Con số này dự kiến sẽ tăng trong thập kỷ tới. Nếu bác sĩ chỉ nói với bạn rằng bạn bị ung thư phổi, bạn nên biết những điều cơ bản cần thiết trước khi căn bệnh làm bạn choáng ngợp với những thay đổi về cảm xúc và thể chất.

Tìm hiểu chung

Bệnh ung thư phổi là gì?

Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào phổi tăng trưởng với một tốc độ nhanh bất thường, làm hình thành một khối u. Phổi giúp bạn thở và cung cấp oxy cho các cơ quan của cơ thể hoạt động bình thường. Theo WHO, ung thư phổi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong do ung thư. Bệnh có thể gây tàn phế và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của bạn.

Ung thư phổi được chia làm 2 loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ – chiếm khoảng 10-15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ – chiếm khoảng 85%. Cụ thể như sau:

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC): nghĩa là các tế bào ung thư nhìn khá nhỏ dưới kính hiển vi. Ung thư loại này khá hiếm, khoảng 1 trong 8 người bị có bệnh ung thư tế bào nhỏ. Đây là bệnh lý ác tính với tiên lượng xấu, phát triển nhanh, di căn xa sớm. Hầu hết bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã có di căn xa, chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn khu trú.
  • Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC): nghĩa là các tế bào ung thư có kích thước lớn hơn so với những tế bào ung thư trong ung thư phổi tế bào nhỏ. Nhiều người có loại ung thư phổi này (khoảng 7 trong số 8 người). Ung thư phổi không tế bào nhỏ phát triển chậm hơn ung thư phổi tế bào nhỏ, tiên lượng tốt hơn. Một số loại mô học hay gặp là ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tuyến-vảy, ung thư biểu mô tế bào lớn…
  • Các loại ung thư phổi không phải tế bào nhỏ khác ít gặp hơn là: pleomorphic (ung thư tế bào đa hình), u carcinoid, ung thư biểu mô dạng sarcôm và ung thư không phân loại.

    Ung thư phổi gồm mấy giai đoạn?

    Tương tự nhiều loại ung thư khác, ung thư phổi có 4 giai đoạn phát triển. Trong đó, ung thư phổi giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) là nguy hiểm nhất vì lúc này, các khối u đã di căn đến một hoặc nhiều cơ quan khác, khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn.

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi là gì?

    Trong khi hầu hết các triệu chứng ung thư phổi xảy ra ở phổi, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng ở những nơi khác trên cơ thể. Điều này là do ung thư đã lan tràn (y khoa gọi là di căn) tới các bộ phận khác.

    Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này cũng khác nhau. Một số người thậm chí có thể không cảm thấy các triệu chứng hoặc chỉ cảm thấy mệt mỏi chung chung.

    Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng thường được phân thành ba nhóm: triệu chứng tại chỗ tại vùng, triệu chứng do di căn xa và các hội chứng cận ung thư. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

    đau ngực khi hít thở sâu

    • Khó chịu hoặc đau ở ngực
    • Ho không giảm hoặc nặng dần theo thời gian
    • Khó thở
    • Thở khò khè
    • Ho ra máu
    • Khàn tiếng
    • Khó nuốt
    • Ăn không ngon
    • Sụt cân không có lý do
    • Cảm thấy rất mệt mỏi
    • Viêm hoặc tắc nghẽn trong phổi
    • Các triệu chứng do di căn não gây nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn vận động cảm giác…,
    • Do di căn chèn ép tủy sống như tê, yếu, mất vận động chi, rối loạn cơ tròn…

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân của bệnh ung thư phổi là gì?

    Ung thư phổi được gây ra bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là hút thuốc lá.

    Nguy cơ ung thư do hút thuốc tăng tỷ lệ thuận với thời gian hút. May mắn thay, những nguy cơ có thể giảm nếu họ ngừng hút thuốc.

    Những ai thường có nguy cơ mắc phải ung thư này?

    Ung thư có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng có một vài yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Yếu tố nguy cơ bao gồm:

    hút thuốc lá gây ung thư phổi

    • Đã hoặc đang hút thuốc
    • Hít khói thuốc lá
    • Có thành viên trong gia đình bị ung thư phổi
    • Xạ trị cho các bệnh lý khác mà có thể ảnh hưởng đến vùng ngực
    • Sau khi tiếp xúc với các chất độc như amiăng, crom, niken, asen, muội hoặc hắc ín tại nơi làm việc
    • Tiếp xúc với khí radon trong nhà hoặc nơi làm việc
    • Sống trong môi trường ô nhiễm
    • Có hệ thống miễn dịch yếu do di truyền hoặc do suy giảm miễn dịch ở người (HIV)
    • Sử dụng bổ sung beta carotene hoặc nghiện thuốc nặng.

    Biến chứng

    Ung thư phổi có nguy hiểm không?

    Ung thư phổi là một tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:

    • Khó thở
    • Ho ra máu
    • Đau do ung thư phổi tiến triển
    • Tràn dịch màng phổi
    • Ung thư lan tràn đến các bộ phận khác của cơ thể (di căn).

    Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ để tìm ra những cách có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh?

    Để tìm bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và khám lâm sàng, chẳng hạn như nghe phổi để xem liệu có thể có một khối u trong ngực của bạn hay không. Sau đó, họ sẽ hỏi về tiền sử của bạn liệu bạn có hút thuốc hoặc bất cứ ai trong gia đình bạn hút thuốc. Họ cũng có thể hỏi về môi trường làm việc của bạn để xem liệu bạn có đang tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc các chất độc khác có thể gây tổn hại cho phổi hay không.

    Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm. Những xét nghiệm này chỉ đơn giản là cận lâm sàng hình ảnh (cắt lớp vi tính CT, PET scan) để đánh giá khối u, giai đoạn bệnh của bạn, hoặc xét nghiệm được gọi là xét nghiệm tế bào học đàm để tìm các tế bào ác tính nghi ngờ. Chẩn đoán hình ảnh sẽ hiển thị một nốt trên ảnh nếu bạn có một khối u. Trong khi xét nghiệm tế bào học đàm sẽ giúp kiểm tra một mẫu của các chất nhầy ho ra từ phổi của bạn có các tế bào ung thư hay không. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ hướng dẫn nếu bạn không biết làm thế nào để đọc kết quả xét nghiệm.

    Để có kết quả chắc chắn nhất, bác sĩ có thể yêu cầu làm sinh thiết. Sinh thiết có nghĩa là bác sĩ sẽ lấy một mẫu u phổi nhỏ để nhìn dưới kính hiển vi tìm các tế bào ung thư. Có nhiều phương pháp để lấy mẫu:

    • Nội soi phế quản: sử dụng một ống mỏng đưa qua miệng hoặc mũi xuống đến phổi để lấy mẫu.
    • Chọc hút bằng kim nhỏ: đưa một kim nhỏ xuyên qua thành ngực của bạn để lấy một mẫu tế bào nhỏ. Bác sĩ sẽ gây tê khu khu vực đó trước khi thực hiện để nó không đau.
    • Chọc dò dịch màng phổi: cũng sử dụng một cây kim, nhưng thay vì lấy các tế bào từ phổi của bạn, bác sĩ sẽ lấy chất dịch ở khoang màng phổi để tìm tế bào ung thư.
    • Mở ngực: đây là một phẫu thuật lớn để chẩn đoán ung thư phổi, thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp khác không thực hiện được.

    Bệnh ung thư phổi có chữa được không?

    Có nhiều cách điều trị, tùy thuộc vào loại ung thư và nó đã di căn tới đâu. Những người bị ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc kết hợp các phương pháp điều trị. Những người bị ung thư phổi tế bào nhỏ thường được điều trị bằng xạ trị và hóa trị.

    xạ trị bệnh ung thư phổi

    • Phẫu thuật cắt bỏ khối u
    • Hóa trị: sử dụng các loại thuốc đặc biệt để thu nhỏ hoặc tiêu diệt ung thư. Các thuốc này có thể uống hoặc truyền tĩnh mạch, hoặc cả hai
    • Xạ trị: sử dụng tia năng lượng cao (tương tự như X-quang) để tiêu diệt ung thư
    • Liệu pháp nhắm trúng đích: sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư. Các thuốc này có thể uống hoặc truyền tĩnh mạch.

    Bệnh ung thư phổi sống được bao lâu? Tiên lượng điều trị phụ thuộc chủ yếu vào loại và giai đoạn của ung thư phổi. Bạn có thể được áp dụng nhiều phương pháp điều trị để cải thiện tiên lượng sống.

    Bạn nên làm gì để kiểm soát bệnh kiểm soát bệnh?

    Dưới đây là một số thói quen sống bạn cần thay đổi để phòng ngừa và làm chậm sự phát triển của ung thư:

    Bỏ hút thuốc lá ngay lập tức

    Điều đầu tiên bạn nên làm sau khi được chẩn đoán ung thư phổi là vứt bỏ các bao thuốc lá và ngừng hút thuốc ngay lập tức. Nếu bạn bị ung thư từ hút thuốc thụ động, bạn nên trao đổi với những người hút thuốc để họ bỏ, điều đó sẽ tốt cho cả hai. Nếu bạn đang tiếp xúc với các chất độc từ công việc, nói chuyện với người quản lý hoặc cấp trên của bạn về các điều chỉnh cần thiết để không bị bệnh.

    Kiểm soát các cơn đau

    Kiểm soát đau là phần quan trọng nhất của kiểm soát ung thư phổi. Bạn có thể được cho thuốc để điều trị đau. Khi bạn sử dụng thuốc, bạn cần phải sử dụng chúng ngay khi đau xuất hiện. Bạn có thể hỏi bác sĩ cách điều trị đau do ung thư để có thể tự mình kiểm soát cơn đau. Bạn cần phải nhớ rằng bạn có thể kiểm soát cơn đau hoặc thậm chí làm cho chúng biến mất.

    Một số phương pháp điều trị đau khác có thể hữu ích là:

    • Kỹ thuật thư giãn
    • Phản hồi sinh học
    • Vật lý trị liệu
    • Chườm nóng hay lạnh
    • Tập thể dục và massage.

    tập thể dục khi đang ốm

    Ngoài ra, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và nhóm hỗ trợ sẽ là một sự giúp đỡ về mặt tinh thần rất lớn giúp bạn quản lý cơn đau sau khi điều trị ung thư.

    Kiểm soát cơn khó thở

    Bạn dùng phổi để thở. Vì vậy, rõ ràng là bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng khó thở khi bạn bị ung thư phổi. Có một số phương pháp mà bạn có thể sử dụng để kiểm soát khó thở:

    • Kỹ thuật thở: những kỹ thuật này được thiết kế để giúp bạn thở dễ dàng và chúng được sử dụng cho rất nhiều người bị khó thở. Những kỹ thuật này cũng có thể làm bạn bình tĩnh và giúp thư giãn.
    • Liệu pháp oxy: thở oxy nguyên chất có thể đảm bảo rằng phổi của bạn không cần phải làm việc chăm chỉ để cung cấp oxy cho máu. Vì vậy, nó có thể giúp giảm nhịp thở của bạn.
    • Kiểm soát lượng dịch xung quanh phổi: các dịch xung quanh phổi có thể gây áp lực lên phổi và gây khó khăn trong việc thở. Trong những trường hợp này, dẫn lưu dịch có thể giúp bạn thở dễ hơn.

    Giữ lối sống lành mạnh

    Bất kể bạn bao nhiêu tuổi hoặc bạn có bệnh hay không, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh sẽ luôn luôn là nền tảng cho một cơ thể khỏe mạnh. Bạn nên cố gắng tập thể dục nhiều nhất có thể, nhưng đừng quá sức. Tìm hiểu xem làm thế nào để kiểm soát hơi thở khi tập thể dục là rất quan trọng đối với những bệnh nhân ung thư phổi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Hồng Quang

    Ung thư - Ung bướu · Đại học Y Hà Nội


    Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 12/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo