backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Tiền đái tháo đường

Thông tin kiểm chứng bởi: Trúc Phạm


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/06/2023

Tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường có thể nhanh chóng chuyển thành đái tháo đường tuýp 2 nếu không được điều trị. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết này!

Tìm hiểu chung

Tiền đái tháo đường là gì?

tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường là mức độ đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán là bệnh đái tháo đường loại 2. Nếu không có sự can thiệp và điều trị nào, tiền đái tháo đường có thể trở thành bệnh đái tháo đường loại 2 trong vòng 10 năm hoặc sớm hơn. Tiền đái tháo đường vẫn có thể gây hại cho tim, thận và hệ tuần hoàn trong một thời gian dài trước khi xảy ra bệnh đái tháo đường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng tiền đái tháo đường là gì?

mờ mắt do bệnh tiểu đường

Hầu hết các trường hợp, tiền đái tháo đường không có bất kỳ triệu chứng nào. Dấu hiệu phổ biến nữa là thay đổi màu da. Màu da của người bệnh có xu hướng tối màu hơn (gọi là gai đen) đặc biệt là vùng xung quanh cổ, nách, khuỷu tay, đầu gối và khớp ngón tay.

Các dấu hiệu và triệu chứng cổ điển cho thấy bạn đã chuyển từ tiền tiểu đường sang tiểu đường loại 2 bao gồm:

  • Cơn khát tăng dần
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Tăng cơn đói
  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay
  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Vết loét chậm lành
  • Sụt cân ngoài ý muốn.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn lo lắng về bệnh tiểu đường hoặc nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bệnh tiểu đường loại 2 nào. Hãy thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra lượng đường trong máu nếu bạn có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào đối với bệnh tiểu đường.

Các yếu tố nguy cơ đó có thể bao gồm:

  • Bạn thừa cân và chỉ số BMI cơ thể trên 25
  • Bạn có lối sống tĩnh lặn, ít hoạt động
  • Bạn đang trong độ tuổi từ 45 trở lên
  • Bạn có người thân  mắc bệnh đái tháo đường loại 2
  • Bạn là người Mỹ gốc Phi, Tây Ban Nha, Mỹ Ấn Độ, người Mỹ gốc Á hay Thái Bình Dương
  • Bạn đã từng bị bệnh đái tháo đường thai kỳ khi bạn mang thai hoặc bạn đã sinh một em bé nặng hơn 4,1 kg
  • Bạn mắc hội chứng buồng trứng đa nang – triệu chứng như kinh nguyệt không đều, rậm lông và béo phì
  • Bạn có huyết áp cao
  • Xét nghiệm mỡ trong máu của bạn cao so với chỉ số bình thường: HDL cholesterol dưới 35 mg/dl hoặc triglycerid trên 250 mg/dl.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân nào gây bệnh tiền đái tháo đường?

tiểu đường có di truyền không

Nguyên nhân chính xác của tiền tiểu đường vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, lịch sử gia đình và di truyền dường như đóng một vai trò quan trọng. Nguyên nhân của tiền đái tháo đường là do cơ thể không tạo ra đủ insulin sau khi ăn hoặc cơ thể không hấp thu được insulin đúng cách.

Điều rõ ràng là những người mắc bệnh tiền tiểu đường không xử lý đường (glucose) đúng cách nữa. Hầu hết glucose trong cơ thể bạn đến từ thực phẩm bạn ăn. Khi thức ăn được tiêu hóa, đường sẽ đi vào máu. Insulin cho phép đường đi vào tế bào và làm giảm lượng đường trong máu.

Insulin được sản xuất bởi một tuyến nằm phía sau dạ dày gọi là tuyến tụy. Tuyến tụy gửi insulin vào máu khi bạn ăn. Khi lượng đường trong máu bắt đầu giảm, tuyến tụy sẽ làm chậm quá trình tiết insulin vào máu.

Nếu bị tiền tiểu đường, quá trình này không hoạt động. Kết quả là, thay vì cung cấp năng lượng cho các tế bào của bạn, đường sẽ tích tụ trong máu của bạn. Điều này có thể xảy ra vì:

  • Tuyến tụy có thể không tạo đủ insulin
  • Các tế bào trong cơ thể trở nên kháng insulin và không cho phép nhiều đường vào máu.

người già dễ mắc bệnh đái tháo đường

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị tiền đái tháo đường?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ tiền đái tháo đường, chẳng hạn như:

  • Cân nặng. Thừa cân là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tiền đái tháo đường. Đặc biệt, những người có chỉ số BMI trên 35 sẽ rất dễ mắc bệnh
  • Kích thước vòng eo. Vòng eo lớn là một trong những nguyên nhân của tình trạng đề kháng insulin
  • Ăn uống kém lành mạnh. Ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, uống đồ uống có đường có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn.
  • Ít vận động. Bạn càng ít vận động, nguy cơ mắc tiền đái tháo đường càng cao
  • Tuổi tác. Mặc dù bệnh tiền đái tháo đường có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nguy cơ bệnh tăng lên khi bạn già đi, đặc biệt là sau 45 tuổi
  • Tiền sử bệnh gia đình. Nguy cơ đái tháo đường tăng nếu bố mẹ hoặc anh chị em của bạn bị bệnh đái tháo đường loại 2
  • Đái tháo đường thai kỳ. Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ (tình trạng tiền đái tháo đường xảy ra khi bạn có thai) nguy cơ sau này mắc bệnh đái tháo đường tăng lên. Nếu bạn sinh em bé nặng hơn 4 kg, bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh tiền đái tháo đường
  • Hội chứng buồng trứng đa nang. Hội chứng này xuất hiện ở nữ với các triệu chứng như chu kỳ kinh nguyệt không đều, rậm lông và béo phì. Hội chứng này làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường
  • Ngưng thở khi ngủ. Những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một tình trạng làm gián đoạn giấc ngủ lặp đi lặp lại – có nguy cơ kháng insulin cao hơn. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn.
  • Khói thuốc lá. Hút thuốc có thể làm tăng kháng insulin và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở những người bị tiền tiểu đường. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ biến chứng do bệnh tiểu đường.

Các điều kiện khác liên quan đến tăng nguy cơ tiền tiểu đường bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) thấp, cholesterol “tốt”
  • Mức chất béo trung tính (Triglyceride) cao – một loại chất béo trong máu
  • Hội chứng chuyển hóa, sự kết hợp của huyết áp cao, mức cholesterol cao và vòng eo lớn.

Biến chứng

Tiền đái tháo đường có nguy hiểm không?

Tiền tiểu đường có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài, bao gồm cả tim, mạch máu và thận, ngay cả khi không tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2. Tiền tiểu đường cũng liên quan đến các cơn đau tim (thầm lặng) không được phát hiện.

Tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2, có thể dẫn đến:

  • Huyết áp cao
  • Cholesterol cao
  • Bệnh tim
  • Đột quỵ
  • Bệnh thận
  • Tổn thương thần kinh
  • Bệnh gan nhiễm mỡ
  • Tổn thương mắt, bao gồm mất thị lực
  • Cắt cụt chi.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tiền đái tháo đường?

Bác sĩ sẽ thực hiện 3 xét nghiệm để chẩn đoán tiền đái tháo đường:

  • Xét nghiệm A1C (hay còn được gọi HbA1C). Xét nghiệm này đo lường tỷ lệ đường trong máu trong vòng 2-3 tháng. Nồng độ HbA1C giữa 5,7-6,4% được coi là tiền đái tháo đường.
  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu sau một đêm bạn không ăn gì. Mức đường huyết 100-125 mg/dL (5,6-6,9 mmol/L) được coi là tiền đái tháo đường.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose qua đường uống. Xét nghiệm này yêu cầu bạn phải nhịn đói qua đêm. Trước khi đo, bạn sẽ uống một ly nước đường và chờ cho đường đi vào máu. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy máu để đo lượng đường. Mức đường huyết 140-199 mg/dl (7,8-11 mmol/l) được coi là tiền đái tháo đường;

Đối với tất cả các xét nghiệm, nồng độ đường càng cao thì nguy cơ phát triển thành bệnh đái tháo đường càng lớn. Nếu bạn bị tiền tiểu đường, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn thường sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn ít nhất mỗi năm một lần.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tiền đái tháo đường?

Lầm tưởng về bệnh tiểu đường tuýp 2

Tiền đái tháo đường có chữa được không? Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể giúp bạn đưa lượng đường trong máu trở lại bình thường, hoặc ít nhất là giữ cho nó không tăng lên mức được thấy trong bệnh tiểu đường loại 2.

Để ngăn ngừa tiền tiểu đường tiến triển thành bệnh tiểu đường loại 2, hãy cố gắng:

  • Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe. Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt và dầu ô liu có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chọn thực phẩm ít chất béo và calo và nhiều chất xơ. Ăn nhiều loại thực phẩm để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình mà không ảnh hưởng đến hương vị hoặc dinh dưỡng.
  • Hãy năng động hơn. Hoạt động thể chất giúp bạn kiểm soát cân nặng, sử dụng hết đường để tạo năng lượng và giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn. Đặt mục tiêu ít nhất 150 phút hoạt động aerobic vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần, hoặc kết hợp tập thể dục vừa phải và mạnh mẽ.
  • Giảm cân. Nếu bạn thừa cân, chỉ cần giảm 5% đến 7% trọng lượng cơ thể, khoảng 6,4 kg nếu bạn nặng 91 kg có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Để giữ cân nặng trong phạm vi lành mạnh, hãy tập trung vào những thay đổi lâu dài đối với thói quen ăn uống và tập thể dục của bạn.
  • Bỏ thuốc lá. Ngừng hút thuốc có thể cải thiện cách thức hoạt động của insulin, cải thiện lượng đường trong máu của bạn.
  • Dùng thuốc khi cần thiết. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn có thể khuyên dùng metformin (Glumetza). Các loại thuốc để kiểm soát cholesterol và huyết áp cao cũng có thể được kê đơn.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tiền đái tháo đường?

tập thể dục hoặc chơi thể thao để phòng ngừa bệnh tiểu đường

Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể giúp bạn ngăn ngừa tiền tiểu đường và sự tiến triển của nó thành bệnh tiểu đường loại 2, ngay cả khi bệnh tiểu đường đã di truyền trong gia đình bạn. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Ăn thực phẩm lành mạnh
  • Tăng cường hoạt động thể chất
  • Giảm cân an toàn nếu thừa cân
  • Kiểm soát huyết áp và cholesterol trong máu
  • Bỏ hút thuốc lá

Hiện nay, những người bị tiền đái tháo đường thường sử dụng các thuốc từ thảo dược để kiểm soát lượng đường trong máu. Mọi người hay dùng một số loại thảo dược như là quế, nhân sâm, glucomannan, gum guar, gymnema, đậu nành. Mặc dù một số chất có nhiều triển vọng trong các thử nghiệm ban đầu, nhưng hiện nay không có bằng chứng rõ ràng rằng bất kỳ loại cây cỏ nào có hiệu quả.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thông tin kiểm chứng bởi:

Trúc Phạm


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/06/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo