backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Suy tuyến yên (giảm hormone tuyến yên)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng · Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 21/11/2022

Suy tuyến yên (giảm hormone tuyến yên)

Mặc dù suy tuyến yên là một rối loạn hiếm gặp nhưng nếu mắc phải, bạn có thể cần điều trị bằng thuốc trong suốt cuộc đời. Những thay đổi ở tuyến yên gây ảnh hưởng đến rất nhiều chức năng của cơ thể, trong đó có những hoạt động sống rất cơ bản.

Cùng tìm hiểu kỹ hơn về suy tuyến yên trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Suy tuyến yên là bệnh gì?

Tuyến yên nằm ở sàn não, sản xuất ra nhiều hormone hoạt động trên hầu hết các cơ quan và các hormon hoạt động đặc hiệu ở các tuyến nội tiết của cơ thể. Suy tuyến yên, hay còn gọi là giảm hormone tuyến yên, là tình trạng tuyến yên không thể hoặc giảm sản xuất một hoặc nhiều hormon.

Rối loạn tuyến yên có thể ảnh hưởng dần dần hoặc đột ngột đến một, nhiều hay tất cả các tuyến khác. Suy tuyến yên có nguy hiểm không thì câu trả lời là có, vì nó tác động đến hầu hết hoạt động của cơ thể như sự tăng trưởng, huyết áp, chức năng tình dục, tạo sữa mẹ, cân bằng nước,…

Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng suy tuyến yên là gì?

Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng suy tuyến yên cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng. Cũng có một số người biểu hiện bệnh rất đột ngột.

Các triệu chứng điển hình của bệnh suy tuyến yên thường phụ thuộc vào hệ thống cơ quan bị ảnh hưởng.

  • Tuyến giáp bị ảnh hưởng có thể làm cho bạn cảm thấy yếu và mệt mỏi, da khô, táo bón, cảm thấy đầy hơi và tăng cân.
  • Buồng trứng bị ảnh hưởng có thể gây ra những thay đổi trong chu kì kinh nguyệt, bốc hỏa, rụng lông mu, ít hoặc không có sữa sau sinh.
  • Tinh hoàn bị ảnh hưởng có thể gây ra các vấn đề về khả năng cương dương.
  • Tuyến thượng thận bị ảnh hưởng có thể gây mệt mỏi nghiêm trọng, huyết áp thấp (có thể dẫn tới ngất xỉu), nhiễm trùng thường xuyên và kéo dài, buồn nôn, nôn mửa hoặc đau bụng, tâm trạng hoang mang.

Bệnh suy tuyến yên ở trẻ em gây ra các triệu chứng:

  • Bé sơ sinh trai: dương vật nhỏ, đường huyết thấp gây chậm chạp, bồn chồn hoặc co giật, tiểu nhiều, vàng da.
  • Trẻ lớn hơn: chậm phát triển, thấp người, chậm hoặc không dậy thì, nhẹ cân, chậm mọc răng, khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, mệt mỏi.

Suy tuyến yên ở trẻ em

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng liên quan với suy tuyến yên, hãy liên hệ với bác sĩ. Bạn cũng cần gọi bác sĩ ngay nếu các triệu chứng của suy tuyến yên xuất hiện đột ngột hoặc kết hợp với nhức đầu nặng, rối loạn thị giác, lú lẫn hoặc tụt huyết áp. Đây có thể là do xuất huyết tuyến yên (máu tràn vào tuyến yên), cần được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây suy tuyến yên?

Nhiều nguyên nhân có thể gây suy giảm hormone tuyến yên, bao gồm:

  • Khối u tuyến yên.
  • Nhiễm các bệnh giang mai, lao có thể lây lan đến não hoặc viêm màng não.
  • Tắc xoang tĩnh mạch, viêm động mạch thái dương, phình động mạch cảnh trong chấn thương sọ não gây chảy máu não, biến chứng của phẫu thuật não.
  • Xạ trị vùng đầu hoặc cổ.
  • Mất nhiều máu trong khi sinh con ở phụ nữ có thể gây tổn thương thùy trước của tuyến yên.
  • Các bệnh viêm nhiễm ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể như u hạt, mất tế bào Langerhans, bệnh huyết sắc tố.
  • Đột quỵ hoặc xuất huyết tuyến yên.
  • Một số thuốc như corticosteroid liều cao, ma túy, chất ức chế điểm kiểm soát trong điều trị ung thư.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh suy tuyến yên?

Chẩn đoán suy tuyến yên

Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một hoặc một số xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán suy tuyến yên. Gồm có:

  • Xét nghiệm nồng độ hormone: bằng xét nghiệm máu. Tùy vào triệu chứng của bạn, họ sẽ lựa chọn kiểm tra loại hormone nào.
  • Xét nghiệm kích thích hormone: bác sĩ sử dụng thuốc để kích thích tuyến yên sản xuất ra hormone đang nghi ngờ bị thiếu do suy tuyến yên. Sau đó, cần xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone này.
  • Xét nghiệm dung nạp insulin: giúp chẩn đoán sự thiếu hụt hormone tăng trưởng GH và hormone vỏ thượng thận.
  • Xét nghiệm độ thẩm thấu đối với máu và nước tiểu: kiểm tra sự thiếu hụt hormone chống bài niệu bằng xét nghiệm máu và nước tiểu.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI não: tìm khối u gây suy tuyến yên.
  • Chụp cắt lớp vi vinh não: cũng để tìm khối u não hoặc u tuyến yên, tuy nhiên cắt lớp vi tính ít có giá trị hơn cộng hưởng từ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị suy tuyến yên?

Phương pháp điều trị sẽ được tiến hành dựa trên nguyên nhân gây ra bệnh suy tuyến yên và các hormone tuyến yên bị thiếu hụt. Bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp thay thế hormone để khôi phục lại lượng hormone bị thiếu hụt trong cơ thể. Bệnh nhân mắc bệnh suy tuyến yên có thể cần phải sử dụng thuốc suốt đời. Việc sử dụng thuốc giúp ngăn ngừa các triệu chứng xảy ra lần nữa.

Ngoài ra, phẫu thuật có thể cần thiết nếu suy tuyến yên xảy ra do u tuyến yên. Một số u tuyến yên cũng cần điều trị bằng xạ trị.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh suy tuyến yên?

Bạn có thể kiểm soát tốt quá trình hồi phục của mình nếu lưu ý vài điều sau đây:

  • Uống thuốc theo liều lượng được chỉ định; không được tự ý ngưng sử dụng thuốc;
  • Khám bác sĩ thường xuyên theo lịch khám để chắc chắn rằng lượng hormone của bạn bình thường;
  • Gọi cho bác sĩ nếu bạn sốt, buồn nôn, nôn mửa, suy nhược cơ thể hoặc hoa mắt.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Hồ Văn Hùng

Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 21/11/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo