backup og meta

Huyết khối (Cục máu đông)

Huyết khối (Cục máu đông)

Quá trình hình thành huyết khối đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể bạn ngăn ngừa tình trạng mất máu quá nhiều khi bị thương. Tuy nhiên, nếu huyết khối làm tắc mạch máu, chúng có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Vậy huyết khối là gì và làm thế nào để hạn chế tình trạng này? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Tìm hiểu chung

Huyết khối (cục máu đông) là gì?

Huyết khối là các cục máu đông dạng gel hình thành trong mạch máu. Quá trình hình thành huyết khối giúp tập trung máu đến các mạch máu bị vỡ và làm ngừng chảy máu khi bạn bị thương.

Lúc này, các tiểu cầu được “triệu tập’ đến vùng tổn thương để tạo ra nút chặn ban đầu. Các yếu tố đông máu gây ra một phản ứng dây chuyền nhanh chóng, dẫn đến hình thành các sợi fibrin giúp liên kết các tiểu cầu với nhau. Nhiều tiểu cầu phóng thích các chất hóa học để thu hút các tiểu cầu khác tạo thành một cục máu đông bền hơn và ngăn chặn tình trạng chảy máu.

Các protein giúp cơ thể xác định thời điểm dừng lại quá trình tạo cục máu đông khi nó đủ lớn. Khi vết thương được chữa lành, các sợi sẽ tự hòa tan và những tiểu cầu quay trở lại trạng thái bình thường.

Thông thường, quá trình hình thành cục máu đông là một quá trình có lợi cho cơ thể, giúp bạn không bị mất máu quá nhiều khi bị thương. Tuy nhiên, nếu cục máu đông hình thành ở một số vị trí và không hòa tan, chúng có thể gây cản trở lưu thông máu, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Vì vậy, cần nhận biết các dấu hiệu huyết khối để điều trị kịp thời.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng huyết khối (cục máu đông) thường gặp là gì?

Triệu chứng huyết khối

Khi bị chảy máu, bạn sẽ thấy một vùng sưng nhỏ xung quanh vết thương, đôi khi ngứa và tất nhiên là đau. Khi huyết khối hình thành trong các tĩnh mạch, vùng đó sẽ tấy đỏ, đau, sưng và có thể nóng ấm. Đôi khi, vùng bị thương sưng lên, có màu xanh do cục máu đông lớn. Tuy nhiên, nếu cục máu đông hình thành trong các động mạch, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Các triệu chứng do cục máu đông gây ra phụ thuộc vào vị trí cục máu đông hình thành trong cơ thể:

  • Bụng: Huyết khối ở vùng bụng có thể gây đau bụng hoặc buồn nôn.
  • Cánh tay hoặc chân: Cục máu đông ở tay hoặc chân có thể gây đau, sưng, đỏ hoặc nóng ấm khi chạm vào các vùng này.
  • Não: Máu không đến được não sẽ gây ra lú lẫn, mất thị lực, gặp khó khăn trong việc nói chuyện, không di chuyển hoặc mất cảm giác ở một bên cơ thể và đôi khi có thể gây co giật. Cục máu đông lớn gây tắc mạch máu não hoàn toàn có thể dẫn đến tử vong.
  • Tim và phổi: Huyết khối ở tim có thể gây ra cơn nhồi máu cơ tim với các triệu chứng như đau tức ngực, đổ mồ hôi, đau lan xuống cánh tay hoặc/và khó thở. Trong khi đó, cục máu đông hình thành ở phổi thường gây đau ngực, khó thở và đôi khi là ho ra máu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra huyết khối (cục máu đông)?

Cục máu đông hình thành khi bạn bị chảy máu. Tuy nhiên, nếu dòng máu gặp khó khăn khi di chuyển hoặc trở nên trì trệ, cục máu đông cũng có nguy cơ được hình thành.

Ngoài ra, hàm lượng cholesterol cao trong máu có thể là nguyên nhân gây hình thành cục máu đông vì chúng tạo ra các mảng xơ vữa bám trong động mạch. Khi những mảng xơ vữa này vỡ ra, tiểu cầu sẽ “tìm đến’ và bắt đầu hình thành cục máu đông.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải huyết khối (cục máu đông)?

Huyết khối là một tình trạng rất thường gặp và có thể ảnh hưởng đến bất kì ai trong bất kỳ độ tuổi nào. Bạn có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông)?

nguy cơ gây huyết khối

Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng huyết khối, bao gồm:

  • Cao huyết áp
  • Nồng độ cholesterol cao
  • Đái tháo đường
  • Hút thuốc lá
  • Tiền sử gia đình có người bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
  • Ung thư
  • Hạn chế vận động (do chấn thương hoặc ngồi lâu)
  • Bất thường trong gen di truyền
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố
  • Mang thai hoặc vừa sinh con
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Mắc các bệnh viêm mạn tính

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán huyết khối (cục máu đông)?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử của bạn và gia đình để xác định xem tình trạng nào trước đây có khả năng gây ra huyết khối. Hình thành cục máu đông là quá trình tự nhiên của cơ thể khi chảy máu. Vì vậy, hiểu rõ quá trình này sẽ giúp bạn đề ra cách điều trị phù hợp, hiệu quả.

Mỗi loại huyết khối có phương pháp điều trị khác nhau vì chúng có thể hình thành ở bất cứ nơi nào trong cơ thể từ não tới chân. Siêu âm, điện não đồ, điện tâm đồ, CT scan hoặc bất cứ xét nghiệm cần thiết nào đều được dùng để chẩn đoán.

Những phương pháp nào dùng để điều trị huyết khối (cục máu đông)?

điều trị huyết khối

Nguyên nhân gây ra huyết khối rất nhiều, nên có nhiều cách điều trị bệnh từ dùng thuốc đến phẫu thuật. Tùy vào vị trí và độ nghiêm trọng của huyết khối mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bạn.

Nhìn chung, mục tiêu của điều trị là làm tan huyết khối và giúp cho máu lưu thông lại bình thường. Dưới đây là một số cách điều trị cục máu đông thường được sử dụng:

  • Dùng thuốc: Thuốc chống đông máu hay thuốc làm loãng máu sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông. Đối với những cục máu đông có nguy cơ đe dọa tính mạng, một số loại thuốc có thể được dùng để làm tan cục máu đông.
  • Vớ nén: Các loại vớ bó sát giúp cung cấp áp lực để làm giảm phù chân hoặc ngăn ngừa nguy cơ hình thành huyết khối.
  • Phẫu thuật: Trong thủ thuật làm tan huyết khối bằng ống thông, bác sĩ sẽ đưa một ống thông dài đến vị trí cục máu đông. Thông qua ống thông này, thuốc sẽ được đưa trực tiếp đến vị trí cục máu đông để làm tan chúng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sử dụng các dụng cụ đặc biệt để loại bỏ các cục máu đông ra khỏi cơ thể.
  • Đặt stent: Stent được dùng để mở rộng các mạch máu.
  • Đặt lưới lọc máu tĩnh mạch chủ: Đối với những bệnh nhân không thể dùng thuốc làm loãng máu, lưới lọc có thể được đưa vào tĩnh mạch chủ dưới để giữ lại các cục máu đông trước khi chúng kịp đi đến phổi.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết khối (cục máu đông)?

Bạn sẽ có thể ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Hoạt động thể chất thường xuyên
  • Duy trì mức độ cholesterol hợp lý bằng việc ăn uống lành mạnh
  • Xây dựng chế độ ăn với hàm lượng chất béo bão hòa, cholesterol và muối thấp
  • Kiểm soát huyết áp
  • Giảm cân
  • Kiểm soát đường huyết
  • Ngưng hút thuốc lá.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Blood Clots. https://medlineplus.gov/bloodclots.html Ngày truy cập 06/06/2021

Blood Clots. https://www.mayoclinic.org/symptoms/blood-clots/basics/causes/sym-20050850 Ngày truy cập 06/06/2021

Blood Clots https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17675-blood-clots Ngày truy cập 06/06/2021

Blood Clots https://www.hematology.org/education/patients/blood-clots Ngày truy cập 06/06/2021

Blood Clots https://www.nhs.uk/conditions/blood-clots/ Ngày truy cập 06/06/2021

Phiên bản hiện tại

06/06/2021

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Cách không để lại sẹo giúp nhanh lành vết thương

Vì sao vết thương bị ngứa khi mọc da non?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 06/06/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo