backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Đau mắt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 13/07/2023

Đau mắt

Đau mắt có thể là cảm giác nhức và sắc hoặc như dao đâm hoặc cũng có thể bạn có cảm giác như có dị vật trong mắt. Bạn có thể bị đau mắt trái hoặc mắt phải hoặc cả hai. Đau mắt có thể là dấu hiệu của một bệnh lý và cần được xác định nguyên nhân để điều trị phù hợp. Vậy, bị đau mắt nên làm gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

Tìm hiểu chung

Đau mắt là gì?

Đây là tình trạng phổ biến và đôi khi là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng. Thông thường, cơn đau sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc hay điều trị. Tùy thuộc vào vùng mắt trải qua cảm giác khó chịu mà tình trạng mắt bị đau có thể được chia thành 2 loại: đau trên bề mặt mắt và đau từ trong hốc mắt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng đau mắt là gì?

  • Cơn đau xảy ra trên bề mặt mắt thường gây cảm giác ngứa hay nóng rát, có thể là do sự kích thích từ dị vật, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Thông thường, loại đau này dễ dàng được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt hoặc nghỉ ngơi, tránh điều tiết mắt nhiều.
  • Cơn đau xuất phát từ trong hốc mắt khiến người bệnh có cảm giác đau nhói, nhức âm ỉ hoặc cộm, nhạy cảm với ánh sáng. Lúc này, người bệnh có thể cần điều trị chuyên sâu hơn.
  • Đau kèm theo suy giảm thị lực (nhìn mờ) là triệu chứng của một tình trạng cần cấp cứu. Lúc này người bệnh cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để kiểm tra và xử lý.

đau mắt là bệnh gì

Nguyên nhân

Nguyên nhân đau mắt là gì?

Tùy theo vị trí vùng mắt bị đau mà có thể tìm được nguyên nhân gây đau.

Đau xảy ra trên bề mặt mắt

  • Các yếu tố ngoại cảnh: Nguyên nhân phổ biến nhất khiến mắt bị đau thường là do có vật lạ trong mắt, chẳng hạn như lông mi, bụi bẩn hoặc sản phẩm trang điểm. Sự xuất hiện của dị vật trong mắt có thể khiến mắt bị kích ứng, đỏ, chảy nước mắt và đau.
  • Viêm kết mạc (đau mắt đỏ): Kết mạc là lớp màng niêm mạc bao phủ bề mặt tròng trắng (củng mạc) và mặt dưới của mí mắt. Vị trí này có thể bị nhiễm trùng và gây viêm, thường là do dị ứng hoặc nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Cơn đau dạng này thường nhẹ nhưng gây ngứa, đỏ và chảy nước mắt.
  • Kích ứng kính áp tròng: Những người đeo kính áp tròng qua đêm hoặc không vệ sinh kính đúng cách sẽ dễ bị đau mắt do kích ứng hoặc nhiễm trùng.
  • Mòn giác mạc: Đây là vị trí dễ bị chấn thương của mắt. Khi giác mạc bị mài mòn, người bệnh sẽ cảm giác có vật lạ trong mắt, gây đau khó chịu và sẽ không mất đi dù đã áp dụng các cách loại bỏ vật gây kích ứng khỏi mắt (như rửa mắt).
  • Chấn thương: Bỏng mắt do hóa chất và tia cực tím có thể khiến mắt bị đau đáng kể. Những vết bỏng này thường là kết quả của việc tiếp xúc với các chất kích thích như thuốc tẩy hoặc các nguồn ánh sáng mạnh như mặt trời, phòng nhuộm nâu da hoặc các vật liệu được sử dụng trong hàn hồ quang.
  • Viêm bờ mi: Viêm bờ mi xảy ra khi các tuyến dầu ở cạnh mí mắt bị nhiễm trùng hoặc viêm, gây đau.
  • Lẹo mắt: Nhiễm trùng viêm bờ mi có thể tạo ra một nốt sần hoặc vết sưng nổi lên trên mí mắt gọi là lẹo mắt. Tình trạng này có thể rất đau đớn và gây nhiều khó chịu cho người bệnh.

nguyên nhân gây đau mắt là gì

Đau xuất phát từ trong hốc mắt

  • Tăng nhãn áp: Tình trạng này xảy ra khi áp lực nội nhãn tăng lên. Các triệu chứng khác do bệnh tăng nhãn áp gây ra bao gồm buồn nôn, đau đầu và mất thị lực.
  • Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính: Đây là một trường hợp khẩn cấp cần điều trị ngay lập tức để ngăn ngừa mất thị lực vĩnh viễn.
  • Viêm dây thần kinh thị giác: Chứng bệnh này có thể gây đau mắt (nhất là khi đảo mắt) kèm mất thị lực, do một bệnh tự miễn hoặc nhiễm trùng (vi khuẩn, virus) gây ra.
  • Viêm xoang: Bệnh có thể tạo áp lực lên phía sau mắt, gây đau một hoặc cả hai mắt.
  • Chứng đau nửa đầu: Mắt bị đau là tác dụng phụ phổ biến của các cơn đau nửa đầu.
  • Chấn thương: Nếu có va chạm hoặc gặp tai nạn, mắt có thể bị đau do ảnh hưởng.
  • Viêm mống mắt: Tình trạng này tuy không phổ biến nhưng vẫn có thể gây ra các cơn đau từ sâu bên trong mắt.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán cơn đau?

Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng qua hỏi bệnh như:

  • Diễn biến của bệnh (thời gian, hoàn cảnh bắt đầu bị đau)
  • Các chẩn đoán và điều trị trước đó (nếu có)
  • Các bệnh lý toàn thân khác
  • Tiền sử bệnh lý gia đình
  • Sau đó, bác sĩ có thể sử dụng các thiết bị và thủ thuật trong nhãn khoa để chẩn đoán bệnh như soi đáy mắt, ước lượng nhãn áp, so sánh tình trạng giữa 2 mắt, siêu âm mắt

    bác sĩ kiểm tra mắt để xác định đau mắt

    Những phương pháp điều trị đau mắt

    Việc điều trị đau mắt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Vậy, bị đau mắt nên làm gì? Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn làm giảm cơn đau: 

    • Chăm sóc tại nhà. Cách tốt nhất là để mắt nghỉ ngơi. Việc sử dụng máy tính hoặc tivi có thể gây mỏi mắt, vì vậy bác sĩ thường yêu cầu người bệnh tránh tiếp xúc với các màn hình điện tử, nghỉ ngơi và đeo kính bảo hộ hay kính râm trong thời gian đầu.
    • Đeo kính có gọng. Nếu thường xuyên đeo kính áp tròng, người bệnh nên chuyển qua đeo kính có gọng để mắt có thời gian lành lại.
    • Chườm ấm. Đây cũng là biện pháp được các bác sĩ hướng dẫn cho người bị viêm bờ mi hoặc lẹo mắt, giúp làm sạch tuyến dầu hoặc các nang lông bị tắc.
    • Rửa mắt. Nếu có dị vật hoặc hóa chất xâm nhập vào mắt, người bệnh có thể rửa mắt bằng nước sạch hoặc dung dịch muối loãng.
    • Dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng khuẩn và kháng sinh đường uống có thể được sử dụng để điều trị nhiễm trùng mắt gây đau như viêm kết mạc và trầy xước giác mạc.
    • Dùng thuốc kháng histamin. Dạng nhỏ mắt và thuốc uống đều có thể giúp giảm đau do dị ứng ở mắt.
    • Dùng thuốc nhỏ mắt. Những người mắc bệnh tăng nhãn áp có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt được kê toa để giảm áp lực trong mắt.

    Bác sĩ có thể kê các loại thuốc nhỏ mắt giúp giảm cơn đau mắt của người bệnh

    • Dùng thuốc corticosteroid. Đối với trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm dây thần kinh thị giác và viêm màng bồ đào trước (viêm mống mắt), bác sĩ có thể kê toa thuốc có corticosteroid.
    • Dùng thuốc giảm đau. Nếu cơn đau nghiêm trọng và gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau cho người bệnh.
    • Phẫu thuật. Một số trường hợp hiếm hơn cần can thiệp y tế, chẳng hạn như mắt bị tổn thương do dị vật hoặc bỏng. Những người mắc bệnh tăng nhãn áp có thể cần phải điều trị bằng laser để cải thiện tình trạng thoát nước mắt.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa đau mắt?

    Ngăn ngừa các cơn đau ở mắt là một quá trình bắt đầu với việc thực hành các biện pháp bảo vệ mắt, chẳng hạn như:

    • Đeo kính bảo vệ. Kính giúp ngăn ngừa nhiều nguyên nhân gây đau mắt như trầy xước vì bụi và bỏng vì tia cực tím. Ngoài ra có nhiều loại kính khác nhau tùy theo mục đích sử dụng, như kính bảo hộ hoặc kính an toàn khi chơi thể thao, tập thể dục hoặc làm việc với dụng cụ cầm tay (làm mộc, làm hàn…).
    • Thận trọng khi xử lý hóa chất. Hóa chất sử dụng trực tiếp và mạnh như chất tẩy rửa gia dụng, chất làm trắng và thuốc diệt loài gây hại.
    • Thận trọng với đồ chơi trẻ em. Tránh cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi có thể làm tổn thương mắt như đồ chơi có các bộ phận lò xo, đồ chơi dạng súng bắn và kiếm, bóng nảy…
    • Vệ sinh kính áp tròng. Hãy duy trì thói quen này kỹ lưỡng và thường xuyên. Chỉ đeo kính áp tròng vào một số dịp cần thiết để mắt có thời gian nghỉ ngơi. Thay kính mới sau một thời gian sử dụng nhất định để đảm bảo không gây kích ứng cho mắt.

    Biến chứng

    Điều gì sẽ xảy ra nếu mắt đau không được điều trị?

    Hầu hết các cơn đau ở mắt sẽ giảm dần dù không điều trị chuyên sâu. Tuy nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả các trường hợp. Một số nguyên nhân gây đau mắt cũng có thể khiến vấn đề nghiêm trọng hơn nếu bỏ qua điều trị, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, bệnh này có thể gây ra các vấn đề về thị lực và cuối cùng là mù hoàn toàn.

    Sức khỏe của mắt là điều không nên chủ quan. Nếu đã loại bỏ các yếu tố nguy cơ và thực hiện những biện pháp tại nhà mà cơn đau vẫn không cải thiện, người bệnh nên nhanh chóng đến các phòng khám/bệnh viện có chuyên khoa mắt để kiểm tra.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 13/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo