Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bạn có đang nhầm lẫn bảo hiểm thai sản với chế độ thai sản?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 01/09/2021

    Bạn có đang nhầm lẫn bảo hiểm thai sản với chế độ thai sản?
    Quảng cáo

    Bảo hiểm thai sản hoặc chế độ thai sản đem đến nhiều quyền lợi cho các cặp vợ chồng có dự định sinh con. Việc tham gia bảo hiểm sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng về tài chính khi mang thai, sinh con và được hỗ trợ nếu chẳng may có biến chứng sau sinh.

    Tuy nhiên, bảo hiểm thai sản và chế độ thai sản là 2 loại hình bảo hiểm khác nhau và rất có thể bạn chưa phân biệt được. Nếu bạn vẫn đang băn khoăn về vấn đề này cũng như thắc mắc bảo hiểm thai sản là gì? Thời điểm nào cần mua loại hình bảo hiểm này? Hãy tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được nhé!

    Bảo hiểm thai sản là gì?

    Bảo hiểm thai sản là loại bảo hiểm dành cho phụ nữ và các gia đình có dự định sinh con. Khi tham gia, bạn sẽ nhận được những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất trong suốt quá trình mang thai, sinh con, sau sinh cũng như được hỗ trợ chi phí điều trị các biến chứng thai sản nếu chẳng may xảy ra.

    Bảo hiểm thai sản còn được biết đến là quyền lợi thai sản vì thường được mua kèm với bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe. Thời hạn hợp đồng của loại hình bảo hiểm này thường là 1 năm, sau khi hết hạn thì bạn có thể tham gia lần nữa nếu có nhu cầu sinh con.

    Bạn nên mua bảo hiểm thai sản vào thời điểm nào?

    Mỗi công ty bảo hiểm đều có quy định riêng về thời gian chờ đến khi bảo hiểm có hiệu lực. Thông thường, thời gian chờ sẽ dao động trong khoảng từ 9 đến 12 tháng tính từ thời điểm bạn tham gia bảo hiểm.

    Trong khoảng thời gian này, các quyền lợi thai sản sẽ không được chi trả. Do đó, điều quan trọng là bạn phải chú ý đến thời điểm mình cần mua bảo hiểm. Để được hưởng đầy đủ quyền lợi theo hợp đồng, bạn nên có kế hoạch cụ thể về việc sinh con và cần tham gia bảo hiểm thai sản trước khi mang thai.

    Lưu ý là nếu hết hạn hợp đồng mà bạn vẫn chưa mang thai thì nên tái tham gia bảo hiểm vào năm tiếp theo vì khi tái tục thường không áp dụng thời gian chờ.

    Bảo hiểm thai sản có thể mua riêng lẻ và áp dụng cho mọi độ tuổi không?

    bảo hiểm thai sản

    Trên thị trường hiện vẫn chưa có công ty triển khai sản phẩm bảo hiểm thai sản độc lập cho khách hàng. Thông thường, bạn phải lựa chọn thêm quyền lợi thai sản khi mua gói bảo hiểm sức khỏe hoặc bảo hiểm nhân thọ.

    Bên cạnh đó, nhiều chị em thắc mắc rằng bảo hiểm thai sản có thể áp dụng cho mọi độ tuổi không? Thực tế là mỗi công ty bảo hiểm sẽ có quy định riêng về độ tuổi tham gia sản phẩm dịch vụ của họ và không phải đối tượng nào cũng có thể tham gia loại hình bảo hiểm này. Thông thường, độ tuổi khách hàng mà các công ty bảo hiểm đáp ứng sẽ dao động trong khoảng 18 – 44 tuổi hoặc 18 – 49 tuổi.

    Bảo hiểm thai sản và chế độ thai sản có gì khác nhau?

    Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa bảo hiểm thai sản với chế độ thai sản. Tuy nhiên, đây là 2 loại hình bảo hiểm hoàn toàn khác nhau, để hiểu rõ hơn về sự khác biệt thì bạn có thể tham khảo bảng sau:

    bảo hiểm thai sản là gì

    Hồ sơ và thủ tục hưởng chế độ thai sản

    Không giống với bảo hiểm thai sản có thể dễ dàng mua ở các công ty bảo hiểm, chế độ thai sản không chỉ là quyền lợi mà còn là một loại hình bảo hiểm bắt buộc khi bạn tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội. Do đó, việc hưởng chế độ thai sản sẽ có những yêu cầu riêng về hồ sơ và thủ tục.

    Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

    1. Đối với lao động nữ sinh con

    Căn cứ vào Khoản 1, Điều 101, Luật bảo hiểm xã hội 2014 hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:

    1. Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con
    2. Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết
    3. Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con
    4. Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh
    5. Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội.

    2. Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, thực hiện biện pháp tránh thai

    Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại Khoản 1, Điều 37, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 phải có:

    • Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với trường hợp điều trị ngoại trú.
    • Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.

    3. Trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi phải có giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

    4. Trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con

    Căn cứ vào Khoản 4, Điều 101, Luật BHXH năm 2014, trường hợp lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con phải chuẩn bị:

    • Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con
    • Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

    Thủ tục hưởng chế độ thai sản

    bảo hiểm thai sản

    Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn có thể thực hiện thủ tục để hưởng chế độ thai sản theo 3 bước sau:

    Bước 1: Nộp hồ sơ

    • Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản đúng với trường hợp của mình cho người sử dụng lao động.
    • Trường hợp nghỉ việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi thì người lao động cần nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH.

    Bước 2: Chờ xét duyệt

    Căn cứ theo Điều 102, Luật BHXH 2014, sau khi nộp đủ hồ sơ theo quy định người lao động sẽ phải chờ để được xử lý hồ sơ. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ tổng hợp theo quy định nộp lên cơ quan BHXH.

    Thời gian chờ xét duyệt giải quyết và chi trả cho người lao động từ cơ quan BHXH như sau:

    • 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động.
    • 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi.

    Bước 3: Nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội

    Trong thời gian chờ giải quyết (tối đa trong vòng 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ) người lao động sẽ nhận được thông báo chi trả của cơ quan BHXH. Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Sau khi nhận được thông báo chi trả, người lao động sẽ nhận chi trả từ cơ quan bảo hiểm xã hội, thời gian nhận tối đa không quá 20 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản.

    Nói tóm lại, bảo hiểm thai sản và chế độ thai sản là 2 loại hình hoàn toàn khác nhau. Đối với loại hình bảo hiểm này, bạn có thể cân nhắc về việc có nên tham gia hay không. Nếu có nhu cầu mua thì bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin quy định về mức chi phí phải đóng, thời gian chờ, quyền lợi được hưởng trong quá trình mang thai, sinh con và sau sinh để chọn được gói bảo hiểm thai sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của gia đình nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 01/09/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo