backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Test HIV bằng nước bọt: Độ tin cậy, đối tượng và cách thực hiện

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên · Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/12/2022

Test HIV bằng nước bọt: Độ tin cậy, đối tượng và cách thực hiện

Ngoài xét nghiệm máu, bạn có thể thực hiện test HIV bằng nước bọt tại nhà để biết mình có bị nhiễm virus HIV hay không. Xét nghiệm HIV thường xuyên đối với các đối tượng có nguy cơ cao là bước quan trọng để người bệnh được điều trị và chăm sóc đúng cách, tránh lây nhiễm cho người khác.

Dưới đây là các thông tin bạn cần biết về phương pháp xét nghiệm HIV bằng dịch miệng, bao gồm độ chính xác, cách thực hiện, cách đọc kết quả và khi nào nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

>>> Đọc thêm: 10 điều bạn nên biết khi tự xét nghiệm HIV tại nhà

Test HIV bằng nước bọt là gì?

Test HIV bằng nước bọt là phương pháp kiểm tra nhanh nhằm phát hiện các kháng thể HIV trong dịch miệng của người được xét nghiệm. Ưu điểm của phương pháp này là tiện lợi, có thể thực hiện tại nhà, đơn giản, tiết kiệm và an toàn. 

Ai nên xét nghiệm HIV tại nhà?

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị tất cả mọi người trong độ tuổi từ 13 đến 64 nên xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời.

Những người có các yếu tố nguy cơ cao nên được kiểm tra thường xuyên hơn. Bạn nên đi xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần nếu:

  • Bạn là nam quan hệ tình dục đồng giới (Men Sex Men – MSM)
  • Bạn đã quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc âm đạo với người nhiễm HIV
  • Bạn có nhiều hơn một bạn tình kể từ lần xét nghiệm HIV cuối cùng của mình
  • Bạn đã dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích ma túy với người khác
  • Bạn quan hệ tình dục không lành mạnh với nhiều người (đối tượng hành nghề mại dâm)
  • Bạn đã được chẩn đoán hoặc điều trị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • Bạn đã được chẩn đoán hoặc điều trị bệnh viêm gan hoặc bệnh lao
  • Bạn đã quan hệ tình dục với người đã làm bất cứ điều gì được liệt kê ở trên hoặc với người mà bạn không biết lịch sử tình dục của họ.

>>> Đọc thêm: Que test HIV tại nhà có chính xác không?

Cách test HIV bằng nước bọt

Test HIV bằng nước bọt

Xét nghiệm nhanh HIV bằng nước bọt được thực hiện với bộ kit xét nghiệm HIV tại nhà OraQuick. Mỗi bộ bao gồm một que thử, một ống dung dịch xét nghiệm, một giá đỡ và một tờ hướng dẫn sử dụng.

Cách xét nghiệm HIV bằng dịch miệng được tiến hành như sau:

– Xé bao bì sản phẩm. Lấy và mở nắp ống nghiệm. Đặt ống nghiệm lên giá đỡ.
– Lấy que thử ra khỏi bao bì, lưu ý tránh chạm tay vào phần phết mẫu.
– Đưa đầu que thử lên nướu hàm trên, ấn mạnh và quét nướu hàm trên một lần, sau đó quét nướu hàm dưới một lần.
– Sau khi lấy mẫu (nước bọt), bạn đặt que thử vào ống dung dịch và chờ đọc kết quả trong vòng 15 – 20 phút. Lưu ý, kết quả xét nghiệm sau 40 phút có thể thiếu chính xác.
  • Chỉ có 1 vạch ở C và không có vạch nào ở T: Kết quả là âm tính 
  • Xuất hiện cả 2 vạch ở C và T, kể cả vạch mờ: Kết quả là dương tính 

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm HIV bằng dịch miệng

Kết quả xét nghiệm âm tính

Điều này có nghĩa là trong máu của bạn không có mặt các kháng thể chống virus HIV. Dù vậy, chưa thể chắc chắn rằng bạn không bị nhiễm HIV. Ở giai đoạn cửa sổ, cơ thể người bệnh đã mang virus HIV, nhưng chưa sinh ra đủ kháng thể để có phát hiện được bằng các xét nghiệm thông thường.

Do đó, nếu bạn thực hiện xét nghiệm HIV sau khi có nguy cơ phơi nhiễm HIV và có kết quả âm tính, hãy xét nghiệm lại sau đó một khoảng thời gian. Theo CDC, xét nghiệm kháng thể thường có thể phát hiện HIV từ 23 đến 90 ngày sau khi phơi nhiễm.

Kết quả xét nghiệm dương tính

Điều này có nghĩa là đã phát hiện các kháng thể chống virus HIV trong máu của bạn. Lúc này, bạn nên đến các cơ sở y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh để tiến hành xét nghiệm khẳng định  nhằm xác nhận cụ thể hơn trước khi đưa ra chẩn đoán và điều trị.

Test HIV bằng nước bọt có chính xác không?

Test HIV bằng nước bọt

Test HIV bằng nước bọt được đánh giá là có độ chính xác khá cao. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), độ nhạy của xét nghiệm HIV tại nhà OraQuick (tức tỷ lệ phần trăm cho kết quả dương tính khi có HIV) rơi vào khoảng 92%. Điều này có nghĩa là cứ 12 kết quả xét nghiệm ở những người nhiễm HIV thì sẽ có một kết quả âm tính giả.
Các nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy hiệu suất dự kiến đối với độ đặc hiệu của xét nghiệm này (tức là tỷ lệ phần trăm cho kết quả âm tính khi không có HIV) là 99,98%. Điều này có nghĩa là cứ 5.000 kết quả xét nghiệm ở những người không bị nhiễm bệnh thì sẽ có một kết quả dương tính giả.

Để có được kết quả chính xác, người bệnh cần mua bộ kit test HIV bằng nước bọt tại các nhà phân phối, đại lý hay nhà thuốc uy tín để đảm bảo sản phẩm chính hãng, đạt chuẩn. Đồng thời, cần đọc kỹ vào làm theo hướng dẫn sử dụng. Ngay cả khi bạn đã làm những điều này, vẫn có tỷ lệ nhỏ cho ra kết quả âm tính hoặc dương tính giả. Bạn nên liên lạc với bác sĩ nếu cần sự hỗ trợ hoặc thắc mắc về kết quả xét nghiệm của mình.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/12/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo