backup og meta

Quy trình và những điều cần biết tháo que tránh thai

Quy trình và những điều cần biết tháo que tránh thai

Không chỉ quan tâm đến quy trình cấy que tránh thai mà nhiều chị em phụ nữ còn thắc mắc về cách tháo que tránh thai.

Que cấy tránh thai có thể mang lại hiệu quả ngừa thai lâu dài lên đến vài năm. Tuy nhiên, có thể vì một nguyên nhân nào đó mà phụ nữ cần phải tháo que tránh thai. Vậy, quy trình rút que tránh thai như thế nào? Lấy que tránh thai có đau không, có gây ra tác dụng phụ nào không? Tháo que tránh thai bao lâu thì có thai? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để được giải đáp những thắc mắc.

Cơ chế hoạt động của que cấy tránh thai

Que cấy tránh thai là một thanh nhựa nhỏ, dẻo, được cấy ở dưới da mặt trong cánh tay không thuận của phụ nữ. Việc cấy que tránh thai mang lại hiệu quả ngừa thai lên đến hơn 99%, kéo dài từ 3-5 năm tuỳ thuộc vào từng loại que cấy.

Về cơ bản, que ngừa thai hoạt động dựa trên nguyên tắc:

  • Giải phóng hormone progesterone vào máu, ngăn chặn trứng rụng mỗi tháng, giúp phụ nữ tránh mang thai ngoài ý muốn
  • Làm đặc chất nhầy cổ tử cung, khiến tinh trùng khó di chuyển qua cổ tử cung hơn
  • Làm mỏng niêm mạc tử cung, khiến trứng đã thụ tinh khó làm tổ.

Khi nào nên rút que tránh thai?

Tháo que tránh thai khi nào

Phụ nữ có thể rút que cấy tránh thai bất cứ khi nào các chị em mong muốn ngưng sử dụng. Trên thực tế, có một số thời điểm mà các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo phái đẹp nên tháo que tránh thai ở tay, chẳng hạn như:

  • Que cấy tránh thai hết tác dụng: Mỗi loại que cấy ngừa thai có thời hạn sử dụng khác nhau, thường là từ 3-5 năm. Khi hết hạn sử dụng, que cấy sẽ không còn tác dụng ngừa thai nữa. Lúc này, các chị em nên đến cơ sở y tế để tháo que tránh thai và cấy que mới (nếu cần).
  • Que cấy tránh thai gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng: Trong một số ít trường hợp, phái đẹp có thể gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi cấy que tránh thai, ảnh hướng đến sức khỏe và sinh hoạt thường ngày. Lúc này, việc rút que tránh thai là cần thiết.
  • Phụ nữ muốn mang thai: Các chị em có thể đề nghị bác sĩ tháo que tránh thai để khôi phục khả năng mang thai tự nhiên.

Quy trình tháo que cấy tránh thai

Quy trình rút que cấy tránh thai khá đơn giản và thường diễn ra nhanh chóng. Chỉ mất một vài phút là que cấy tránh thai có thể được loại bỏ ra khỏi cánh tay phụ nữ. Cách lấy que cấy tránh thai như sau:

  • Bước 1: Bác sĩ xác định vị trí của que cấy tránh thai.
  • Bước 2: Tiêm thuốc gây tê cục bộ để làm tê một vùng nhỏ trên cánh tay của bệnh nhân, vị trí ở một đầu của que cấy tránh thai.
  • Bước 3: Bác sĩ rạch một đường nhỏ tại vị trí đầu que cấy, dùng tay ấn nhẹ một đầu que cấy để đẩy que về phía vết rạch, rồi nhẹ nhàng kéo que cấy ra bằng nhíp chuyên dụng.
  • Bước 4: Bác sĩ dán băng lên vết rạch để cầm máu, phòng ngừa nhiễm trùng. 

Toàn bộ quá trình tháo que cấy tránh thai có thể mất ít hơn 2 phút, và thường thì chỉ diễn ra dưới 5 phút.

Lưu ý


Bệnh nhân không bao giờ nên tự ý tháo que cấy tránh thai. Thủ thuật cấy và rút que tránh thai chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ đã qua đào tạo.

Tác dụng phụ sau khi tháo que tránh thai

tác dụng phụ của tháo que tránh thai
Bạn có thể bị sưng xung quanh vị trí lấy que tránh thai.

Nhìn chung, phụ nữ thường cảm thấy bình thường sau khi rút que cấy tránh thai. Các biến chứng rất hiếm khi xảy ra và thường không nghiêm trọng.

Mặc dù vậy, các chị em có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau khi tháo que tránh thai, chẳng hạn như:

  • Đau sau khi thuốc tê hết tác dụng
  • Sưng xung quanh vị trí lấy que tránh thai trong vài ngày
  • Bầm tím ở vùng da cánh tay trong 1-2 tuần.

Để hạn chế tối đa các tác dụng phụ sau khi tháo que tránh thai, phụ nữ nên tuân thủ hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ sau khi rút que ngừa thai.

Những câu hỏi thường gặp khi tháo que tránh thai

1. Tháo que tránh thai có đau không?

Quy trình tháo que cấy tránh thai không gây đau vì người bệnh đã được tiêm thuốc gây tê cục bộ. 

Phụ nữ thường chỉ cảm thấy hơi ngứa hoặc châm chích khi bác sĩ tiêm thuốc gây tê. Sau đó, bạn sẽ không cảm thấy đau khi rạch hoặc lấy que cấy ra. Khi thuốc tê hết tác dụng, một số phụ nữ có thể cảm thấy đau quanh vị trí lấy que cấy.

Đọc thêm


Giải đáp thắc mắc: Cấy que tránh thai có đau không?

2. Tháo que tránh thai bao lâu thì có kinh?

Quá trình rụng trứng có thể xảy ra trong vòng vài ngày sau khi rút que tránh thai. Chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ trở lại bình thường như trước khi phụ nữ cấy que ngừa thai.

3. Tháo que tránh thai bao lâu thì có thai?

Nhiều chị em thắc mắc “Tháo que tránh thai bao lâu thì mang thai?”. Lời đáp chính là, khả năng mang thai tự nhiên của phụ nữ sẽ quay lại rất nhanh sau khi rút que tránh thai.

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về cách tháo que tránh thai cũng như những vấn đề xoay quanh chủ đề này.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Happens After Birth Control Implant Removal? https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-implant-nexplanon/what-happens-when-the-birth-control-implant-is-removed Ngày truy cập: 16/02/2024

Contraceptive implant – NHS https://www.nhs.uk/conditions/contraception/contraceptive-implant/ Ngày truy cập: 16/02/2024

Birth Control Implant: How It Works, Side Effects & Benefits https://my.clevelandclinic.org/health/articles/24564-contraceptive-implant Ngày truy cập: 16/02/2024

Characteristics of Patients Requiring Surgical Removal of Subdermal Contraceptive Implants: A Case–Control Study – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9373992/ Ngày truy cập: 16/02/2024

Contraceptive implant – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/contraceptive-implant/about/pac-20393619 Ngày truy cập: 16/02/2024

Phiên bản hiện tại

28/02/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Nên đặt vòng hay cấy que tránh thai? Ưu nhược điểm của từng loại

Sau khi cấy que tránh thai cần kiêng gì? Những lưu ý chị em cần biết!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/02/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo