backup og meta

Giải đáp thắc mắc: Cấy que tránh thai có đau không?

Giải đáp thắc mắc: Cấy que tránh thai có đau không?

Cấy que tránh thai là phương pháp ngừa thai lâu dài và mang lại hiệu quả cao. Thế nhưng, nhiều phụ nữ lo ngại quy trình cấy que tránh thai sẽ gây đau nên thường đắn đo, chưa dám thử biện pháp này. Vậy, cấy que tránh thai có đau không?

Que cấy tránh thai là một thanh nhựa nhỏ, dẻo, được bác sĩ cấy dưới da cánh tay phụ nữ. Điều này khiến các chị em thắc mắc không biết cấy que có đau không. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn đi tìm câu trả lời cho vấn đề cấy que ngừa thai có đau không nhé!

Que tránh thai được cấy như thế nào?

Để có được lời đáp chi tiết đối với băn khoăn “Cấy que tránh thai có đau không?”, bạn cần hiểu rõ quy trình cấy que tránh thai diễn ra như thế nào.

Que tránh thai được cấy vào vùng dưới da cánh tay của phụ nữ theo trình tự sau:

  • Bước 1: Thăm khám sức khỏe tổng quát. Bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và khám tổng quát để nắm tình trạng sức khỏe của bạn, từ đó mới quyết định xem phương pháp này có phù hợp với bạn hay không.
  • Bước 2: Gây tê cục bộ. Một vùng da nhỏ trên cánh tay không thuận của bạn sẽ được vệ sinh sát trùng và tiêm thuốc tê.
  • Bước 3: Cấy que tránh thai. Bác sĩ sử dụng dụng cụ đặc biệt để cấy que tránh thai vào dưới da của bạn. Bước này được thực hiện nhanh chóng trong vòng vài chục giây. 
  • Bước 4: Dán băng keo cá nhân. Bác sĩ đè nhẹ bông gòn vào vị trí vừa cấy que, sau đó dán băng keo cá nhân để bảo vệ vùng da này khỏi bị nhiễm trùng. Sau khi que tránh thai được cấy vào cánh tay, vị trí cấy không cần khâu bất kỳ mũi nào.

Giải đáp thắc mắc: Cấy que tránh thai có đau không?

1. Quá trình cấy que tránh thai có đau không?

cấy que tránh thai có đau không

Không ít chị em phụ nữ có cùng một thắc mắc: Trong lúc cấy que tránh thai có đau không? Câu trả lời là “Không”!

Như đã đề cập trong quy trình cấy que tránh thai, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê trước khi cấy que vào dưới da cánh tay. Lúc này, một vài người có thể cảm thấy hơi châm chích như kiến cắn do kim tiêm vào da. Tuy nhiên, khi thuốc tê đã phát huy tác dụng, bạn sẽ không cảm thấy đau đớn.

Hơn nữa, quá trình cấy que ngừa thai diễn ra rất nhanh và bạn chỉ có cảm giác như đang chích ngừa hoặc tiêm thuốc. Do đó, nhiều phụ nữ thậm chí không cảm nhận được que cấy tránh thai đang được đưa vào dưới da.

2. Sau khi cấy que tránh thai có đau không?

Khi thuốc tê đã hết tác dụng thì liệu giai đoạn sau khi cấy que tránh thai có đau không? Đây cũng là băn khoăn của nhiều chị em phụ nữ. Lời đáp là tùy thuộc vào cơ địa và ngưỡng chịu đau của mỗi người.

Một số phụ nữ có thể cảm thấy hơi khó chịu sau khi hết thuốc tê. Điều này là hoàn toàn bình thường và do các chị em chưa quen với việc có một “vật thể lạ” trong người. Cũng có một vài người cảm thấy hơi đau nhói tại vị trí cấy que khi thuốc tê hết tác dụng, nhưng cơn đau thường biến mất nhanh chóng. Trong một số trường hợp, phụ nữ có thể bị đau nhẹ trong 1-2 ngày.

Bên cạnh đó, vùng da cấy que cũng có thể bị tấy đỏ, sưng trong vài ngày hoặc bầm tím trong vài tuần. Đây là phản ứng bình thường và bạn không cần quá lo lắng.

3. Cấy que tránh thai có gây đau đầu không?

Quy cấy tránh thai

Không chỉ bị đau ở vùng da cánh tay, nhiều phụ nữ còn gặp phải tình trạng đau đầu. Nhưng liệu cấy que tránh thai có gây đau đầu không? Thực tế, nhức đầu là một trong những tác dụng phụ của phương pháp này.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ khác sau khi cấy que tránh thai, chẳng hạn như:

  • Đau ở vùng lưng hoặc vùng bụng
  • Chóng mặt
  • Đau ngực
  • Đau hoặc khô âm đạo.

Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ của phương pháp cấy que tránh thai, mời bạn tham khảo bài viết: Tìm hiểu 12 tác dụng phụ của cấy que tránh thai để cân nhắc sử dụng.

Tóm lại


Câu trả lời cho vấn đề “Cấy que tránh thai có đau không?” là không vì bạn đã được tiêm thuốc tê trong quá trình cấy que. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, cơn đau có xuất hiện hay không phụ thuộc vào cơ địa và ngưỡng chịu đau của mỗi người.

Những ai không nên cấy que tránh thai?

Mặc dù cấy que tránh thai được đánh giá là an toàn và hiệu quả, nhưng phương pháp này không phù hợp với tất cả mọi người. Những người không nên cấy que tránh thai bao gồm:

  • Phụ nữ có khả năng đang mang thai
  • Những người không muốn có sự thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Phụ nữ bị chảy máu không rõ nguyên nhân giữa kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Phụ nữ đang hoặc có tiền sử mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh gan, ung thư vú
  • Phụ nữ đã từng hoặc có nguy cơ hình thành cục máu đông
  • Phụ nữ đang sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến tác dụng của que cấy tránh thai, chẳng hạn như thuốc điều trị động kinh, thuốc an thần, thuốc điều trị HIV…
  • Phụ nữ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của que cấy ngừa thai

Lưu ý cần nhớ để cấy que tránh thai an toàn, hiệu quả

cấy que tránh thai

Đến đây, chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc “Cấy que tránh thai có đau không?” nữa rồi. Mặc dù quá trình cấy que ngừa thai không gây đau đớn gì, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, các chị em cần lưu ý những điều sau:

  • Lựa chọn que cấy tránh thai chất lượng: Bạn nên lựa chọn que cấy ngừa thai dựa trên các tiêu chí như quy trình sản xuất và bảo quản có đảm bảo đúng chuẩn hay không, ngày sản xuất có cách thời điểm cấy que quá xa không, tác dụng cấy que tránh thai được bao lâu, có hiệu quả không… 
  • Chọn cơ sở y tế uy tín: Cơ sở y tế cần đảm bảo sử dụng dụng cụ cấy que chất lượng, có phòng thực hiện thủ thuật vô trùng, quá trình sát khuẩn và gây tê chuyên nghiệp, có đội ngũ y bác sĩ giỏi và tận tâm…
  • Chọn bác sĩ có chuyên môn cao, tay nghề giỏi: Thủ thuật cấy que tránh thai khá đơn giản. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, ngừa thai hiệu quả và giảm cảm giác đau đớn khi cấy que thì bạn nên tìm đến các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi.


Cấy que tránh thai bao lâu thì quan hệ được?

Như vậy là thắc mắc “Cấy que tránh thai có đau không?” đã được giải đáp. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về biện pháp cấy que ngừa thai.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Contraceptive implant – NHS https://www.nhs.uk/conditions/contraception/contraceptive-implant/ Ngày truy cập: 18/01/2024

Contraceptive implant – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/contraceptive-implant/about/pac-20393619 Ngày truy cập: 18/01/2024

What Happens After Birth Control Implant Insertion? https://www.plannedparenthood.org/learn/birth-control/birth-control-implant-nexplanon/what-happens-when-the-birth-control-implant-is-inserted Ngày truy cập: 18/01/2024

Contraceptive implant | healthdirect https://www.healthdirect.gov.au/contraceptive-implant Ngày truy cập: 18/01/2024

Contraception – implants – Better Health Channel https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/contraception-implants Ngày truy cập: 18/01/2024

Phiên bản hiện tại

23/01/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Đặt vòng tránh thai ở tay: Hiệu quả, chi phí và cách thực hiện

Cách tính ngày rụng trứng để tránh thai tự nhiên, an toàn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 23/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo