backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Giới thiệu các loại thuốc bôi trị viêm nướu răng hiệu quả cao

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy · Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    Giới thiệu các loại thuốc bôi trị viêm nướu răng hiệu quả cao

    Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng thuốc bôi trị viêm nướu răng cho nhiều ưu điểm vượt trội hơn các loại thuốc uống.

    Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những hoạt chất thường được sử dụng dưới dạng thuốc bôi dành cho người bị viêm nướu qua bài viết sau đây nhé.

    Cần làm gì khi bị viêm nướu răng?

    Những triệu chứng của bệnh viêm nướu răng bao gồm phần nướu quanh chân răng bị sưng phồng, tấy đỏ, đau, dễ chảy máu và có thể có cả mủ. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém, mảng bám và vôi răng chứa đầy vi khuẩn bám chặt vào chân răng làm cho nướu bị viêm.

    Khi mới hình thành, viêm nướu chưa có vẻ gì là nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được điều trị, bệnh sẽ chuyển thành viêm nha chu gây những tổn thương không thể tự hồi phục như tụt nướu, mất răng, tiêu xương ổ răng.

    Khi có dấu hiệu viêm nướu răng, bạn cần gặp nha sĩ để được thực hiện các kỹ thuật vệ sinh răng miệng chuyên sâu cần thiết, loại bỏ ổ viêm cũng như được hướng dẫn sử dụng thuốc để mô bị viêm nhanh lành.

    Những loại thuốc bôi trị viêm nướu răng hiện có

    Bên cạnh thuốc uống trị viêm nướu chân răng thì dạng thuốc bôi lại cho tác dụng tại chỗ nhanh chóng, hiệu quả và trong nhiều trường hợp được ưu tiên sử dụng hơn. Dưới đây là các loại thuốc bôi trị viêm nướu răng mà bác sĩ nha khoa có thể kê đơn cho bạn: 

    1. Thuốc bôi trị viêm nướu răng nhóm thuốc sát khuẩn

    thuốc bôi trị viêm nướu chân răng

    Chlohexidine là một chất sát khuẩn được sử dụng thường xuyên trong điều trị viêm nướu thông dụng ở dạng dung dịch súc miệng cũng như gel bôi tại chỗ. Cùng với stannouse flouride (ít phổ biến, thường dùng để phòng ngừa sâu răng), hai loại thuốc bôi trị viêm nướu răng này được nhiều hãng sản xuất dưới các tên thương mại khác nhau.

    Gel sát khuẩn cho tác dụng mạnh, làm dịu cảm giác khó chịu và giúp chỗ viêm mau lành. Để đạt hiệu quả cao, bạn cần vệ sinh răng miệng sạch trước khi bôi thuốc và không súc miệng lại sau ít nhất 2 – 3 giờ. Thuốc gel có khả năng bám trên bề mặt nướu rất tốt. Bác sĩ sẽ thường yêu cầu bệnh nhân bôi thuốc 3 – 4 lần/ngày. Trong đó có 1 lần vào ban đêm trước khi ngủ để hạn chế thuốc bị rửa trôi.

    Cần lưu ý rằng các loại thuốc bôi trị viêm nướu chân răng chỉ diệt vi khuẩn bề mặt. Do đó, để điều trị triệt để bệnh viêm nướu, cần có các bước làm sạch chuyên sâu tại phòng nha và có thể cần dùng thêm thuốc kháng sinh, kháng viêm.

    2. Thuốc bôi nhóm kháng sinh

    Đa số trường hợp, sau khi cạo vôi răng hoặc làm láng mặt gốc răng, nha sĩ sẽ cần kê cho bạn thuốc kháng sinh, thường được sử dụng gồm có tetracycline (doxycycline, minocycline), metronidazole và amoxicillin

    Dưới dạng thuốc bôi trị viêm nướu răng, thuốc kháng sinh được giải phóng chậm rãi các mạch máu ở nướu để kiểm soát sự gia tăng vi khuẩn. Thuốc cũng có thể được cấy vào túi nha chu để giảm viêm, thu hẹp túi.

    So với thuốc uống, ưu điểm lớn nhất của kháng sinh dạng thuốc bôi chính là hướng sự tác động trực tiếp vào chỗ viêm, tránh những tác dụng không cần thiết lên toàn bộ cơ thể, nhất là đường tiêu hóa và giảm thiểu nguy cơ kháng kháng sinh. Nhờ đó liều lượng sử dụng và tác dụng phụ được giới hạn đáng kể.

    Thuốc bôi trị bệnh viêm nướu răng có thể chứa cùng lúc thành phần kháng sinh và sát khuẩn, ví dụ metronidazole và chlorhexidine. Sự kết hợp này mang đến hiệu quả mạnh mẽ trong điều trị viêm nướu mạn tính, cấp tính, viêm nha chu, viêm tủy răng và nhiễm trùng chân răng.

    Bạn có thể sẽ thấy mùi vị của thuốc hơi khó chịu. Lưu ý là để thuốc bôi phát huy tác dụng, cần hạn chế ăn uống sau khi bôi thuốc 2 – 3 giờ. Thay vào đó nên uống nước lọc bằng ống hút.

    3. Thuốc bôi trị viêm nướu răng giúp kháng viêm

    thuốc bôi trị viêm nướu chân răng

    Những chất kháng viêm không chứa steroid (NSAIDs) có độ an toàn cao trong ức chế phản ứng viêm và nhờ đó giúp giảm đau một cách nhanh chóng.

    Thành phần giảm đau thường gặp trong các loại thuốc bôi trị viêm nướu răng bao gồm ibuprofen, aspirin, naproxen, diclofenac hoặc indometacin…

    Ibuprofen được sử dụng trực tiếp dưới dạng thuốc bôi không làm tăng mức ibuprofen trong cơ thể nói chung. Tuy nhiên, bạn vẫn cần cho bác sĩ biết nếu từng bị suyễn hoặc dị ứng với các thuốc kháng viêm NSAID.

    Nếu không may quên bôi thuốc kháng viêm, bạn nên bôi thuốc bổ sung ngay khi nhớ ra và tiếp tục bình thường như bác sĩ đã hướng dẫn mà không cần quá lo lắng.

    4. Thuốc bôi có công dụng giảm đau

    Nếu cảm giác đau nhức vẫn tiếp diễn sau khi thực hiện các kỹ thuật tại phòng nha, việc chỉ định thuốc giảm đau là rất cần thiết để giúp bệnh nhân thực hiện các bước vệ sinh răng miệng cơ bản hằng ngày như chải răng, dùng chỉ nha khoa

    Các thành phần giảm đau thường gặp là paracetamol (hay acetaminophen), lidocaine, xylocaine…

    Thuốc bôi trị bệnh viêm nướu thường là sự kết hợp của nhiều nhóm hoạt chất, ví dụ lidocaine, chlohexidine và metronidazole. Lidocaine giảm đau bằng cơ chế giảm tính thấm Na ở màng tế bào thần kinh, nhờ đó cảm giác đau không được truyền về não, tạo hiệu ứng gây tê.

    Trong khi đó, thuốc kháng viêm NSAID cùng với xylocaine lại giúp giảm đau nhanh chóng cho bệnh nhân bị viêm nướu cấp tính (ANUG).

    Ngoài ra, thuốc bôi trị viêm nướu còn có thể chứa chiết xuất thảo dược và được sử dụng trong các nhiễm trùng niêm mạc miệng khác.

    Như vậy, đối với bệnh viêm nướu không nhất thiết phải dùng thuốc uống, thay vào đó có thể áp dụng các loại thuốc bôi trị viêm nướu răng. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng thuốc thì khả năng bệnh tái đi tái lại, khó chữa và nặng hơn rất có thể xảy ra. Hãy đến gặp bác sĩ nha khoa để được điều trị và hướng dẫn chăm sóc răng nướu đúng cách và kịp thời. Vì tuy chỉ “nhỏ như chiếc răng” nhưng sức khỏe răng miệng lại rất quan trọng đối với chất lượng sống và sự tự tin của mỗi người.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

    Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 30/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo