Nhiệt miệng đôi khi gây khó chịu khi ăn uống và nói chuyện nhưng bạn có thể áp dụng một số cách chữa trị tình trạng này tại nhà để vết thương nhanh lành. Cách chữa nhiệt miệng bằng lá bàng là một phương pháp đơn giản và không tốn kém mà bạn có thể cân nhắc áp dụng.
Lá bàng vô cùng dễ kiếm nên là phương pháp chữa nhiệt miệng đơn giản mà hiệu quả ai cũng có thể thử. Vậy bạn đã biết cách chữa nhiệt miệng bằng lá bằng để giảm đau và nhanh lành vết loét hơn?
Tình trạng nhiệt miệng
Nhiệt miệng tuy không phải là tình trạng nghiêm trọng nhưng lại có thể gây đau và khó chịu làm ảnh hưởng đến việc anh uống và sinh hoạt thường ngày.
1. Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng là những vết loét nông, nhỏ xuất hiện ở niêm mạc miệng. Khi mới xuất hiện, vết loét thường có màu trắng hoặc hơi vàng và có viền đỏ xung quanh. Vết loét thường rất nhỏ (nhỏ hơn 1 mm) nhưng cũng có thể to ra từ 12-24 mm.
2. Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Theo y học hiện đại thì nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng nhiệt miệng vẫn chưa rõ. Một số nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân như do vi khuẩn, virus,… Cũng có thể do thay đổi nội tiết tố hay do thiếu chất dinh dưỡng như vitamin A, C, B12, B6, kẽm,… khiến cho cơ thể bị giảm mất sức đề kháng tạo cơ hội cho virus phát triển. Tuy nhiên, một số yếu tố làm xuất hiện nhiệt miệng có thể kể đến là:
- Căng thẳng
- Chấn thương nhẹ bên trong miệng
- Tiêu thụ nhiều trái cây họ cam quýt và các thực phẩm có tính axit (chanh, cam, dứa, táo, sung, cà chua, dâu tây…)
- Thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen (Advil®, Motrin®)
- Răng bị mẻ nên có cạnh sắc nhọn gây loét niêm mạc miệng
- Thiết bị nha khoa như dụng cụ niềng răng hoặc răng giả không vừa vặn
Theo y học cổ truyền, tạng tỳ vinh nhuận ra môi miệng. Nhiệt miệng là do nhiệt độc ở tỳ, vị hay thấp nhiệt ở tỳ, vị. Nghĩa là khi có thấp nhiệt xâm phạm vào tỳ, vị; sẽ phát sinh khí nóng trong người, khiến cho cơ thể sinh ra loét miệng, khô miệng, đỏ lưỡi… Ngoài ra, nhiệt miệng sẽ xảy ra khi nạp vào cơ thể quá nhiều chất béo, đồ nóng, đồ cay… dẫn đến đàm thấp, đàm lâu ngày hóa hỏa ở tỳ vị, vinh nhuận ra môi miệng gây nóng rát, viêm loét.
3. Triệu chứng nhiệt miệng
Nhiệt miệng thường gây khó chịu khi ăn uống, nói chuyện và cũng có thể gây đau. Ngoài ra, bạn cũng có thể có cảm giác bỏng rát, ngứa ran hoặc châm chích trong vòng 24 giờ trước khi vết loét xuất hiện. Bên cạnh đó, một số triệu chứng nhiệt miệng ít phổ biến hơn có thể liên quan tới tình trạng viêm nhiễm là:
- Sốt
- Sưng hạch bạch huyết
- Uể oải
- Sút cân
- Nhiễm nấm ở miệng hoặc họng.
Mách bạn cách chữa nhiệt miệng bằng lá bàng
Cách chữa nhiệt miệng bằng lá bàng là một phương pháp dân gian, được rất nhiều người truyền tai nhau. Lá bàng có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, sát trùng và chữa lành vết thương và rất dễ kiếm nên có thể là phương pháp chữa nhiệt miệng tại nhà hiệu quả. Các nghiên cứu chứng minh rằng, lá bàng có chứa nhiều hợp chất có lợi như tanin, flavonoid, punicalagin, phytosterol… Những hoạt chất này sẽ ức chế hoạt động của các yếu tố gây viêm loét niêm mạc miệng, cụ thể là:
- Flavonoid: Chống lại các gốc tự do, chống độc, chống loét, chống viêm.
- Tanin: Kháng khuẩn, kháng virus, bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương.
- Punicalagin: Ức chế nhiều loại virus, vi khuẩn.
- Saponin: Chất chống oxy hóa, tăng cường khả năng miễn dịch
- Phytosterol: Giảm sưng viêm rất hiệu quả.
Ngoài ra, theo Đông y, lá bàng là một vị thuốc dân gian có vị đắng chát, tính mát có tác dụng giảm sưng, thanh nhiệt giúp giảm nhanh các triệu chứng nhiệt miệng.
Bạn có thể thử cách chữa nhiệt miệng bằng lá bàng non như sau:
Chuẩn bị
- Lá bàng non, không bị sâu hay mạng nhện bám.
Cách làm
- Rửa lá bàng cho sạch bụi bẩn, bỏ vào nồi nước rồi cho lên bếp đun sôi.
- Khi nước sôi, bạn vặn lửa nhỏ rồi tiếp tục đun trong vòng 30 phút cho đến khi tinh chất trong lá bàng ra hết.
- Sau đó, bạn tắt bếp, để nguội rồi lọc bỏ lá bàng. Phần nước lá bàng nguội, bạn có thể bảo quản trong chai thủy tinh có nắp đậy để dùng dần trong 1-2 ngày.
Cách dùng
Bạn dùng nước lá bàng để súc miệng 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 2-3 phút. Các vết loét do lở miệng có thể sẽ dần lành lại sau 4-5 ngày.
Sau khi súc miệng với nước nước bàng, bạn cần vệ sinh răng miệng lại để tránh nhựa từ lá bàng bám dính vào răng gây ố vàng.
Ngoài cách chữa nhiệt miệng bằng lá bàng, bạn cũng có thể thử một số biện pháp khắc phục tại nhà để giảm đau hoặc kích ứng cũng như để vết loét nhanh lành như sau:
- Súc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch baking soda (hay còn gọi là muối nở). Bạn có thể pha 1 thìa cà phê muối nở trong 1/2 cốc nước và súc miệng.
- Ngâm cây xô thơm và hoa cúc vào nước rồi dùng nước súc miệng 4-6 lần mỗi ngày.
- Uống nước ép cà rốt, cần tây và dưa vàng.
Lưu ý khi chữa nhiệt miệng tại nhà
Để vết nhiệt miệng bớt đau và nhanh lành, bạn không chỉ cần áp dụng cách chữa nhiệt miệng bằng lá bàng hay các cách chữa tại nhà khác mà còn phải chăm sóc vết thương đúng cách. Một số lưu ý khi chăm sóc vết loét do nhiệt miệng tại nhà là:
- Nếu thấy quá đau, bạn có thể ngậm đá bào.
- Tránh các loại thực phẩm có tính axit như trái cây họ cam quýt hoặc thức ăn cay vì những thực phẩm này có thể khiến bạn đau hơn.
- Không nhai kẹo sing-gum.
- Ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Hạn chế ăn đồ ăn khô cứng, khó tiêu, tẩm ướp nhiều gia vị.
- Nếu thường xuyên bị lở miệng, bạn cần đi khám để biết mình có đang thiếu hụt vitamin không. Nếu có, hãy bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.
- Chải răng nhẹ nhàng, đúng cách và sử dụng bàn chải có lông mềm.
- Sử dụng kem đánh răng và nước súc miệng không chứa sodium lauryl sulfate (SLS).
Ngoài ra, bạn cần đến bác sĩ hoặc nha sĩ nếu thấy vết nhiệt miệng:
- Lớn hơn bình thường
- Có xu hướng lan rộng hơn
- Kéo dài hơn ba tuần
- Gây đau dữ dội dù đã uống thuốc giảm đau không kê đơn
- Khiến bạn khó uống đủ lượng nước cần thiết
- Kèm theo sốt
- Sụt cân nhanh trong thời gian ngắn.
Cách chữa nhiệt miệng bằng lá bàng khá đơn giản nhưng rất hiệu quả trong việc giúp vết thương bớt đau và nhanh lành. Nếu kết hợp cách chữa trị này với cách ăn uống và vệ sinh răng miệng phù hợp, vết loét sẽ sớm biến mất chỉ sau vài ngày đấy.
[embed-health-tool-bmi]