Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nướu răng nổi cục thịt nhưng không phải nguyên nhân nào cũng đáng lo. Bạn cần xác định đúng nguyên nhân trước khi tìm hiểu về cách chữa trị.
Khi thấy nướu răng nổi cục thịt hay nổi cục cứng ở lợi không đau hoặc nướu răng bị lồi thịt, bạn cần quan sát triệu chứng để xác định nguyên nhân chính xác. Đôi khi, nguyên nhân khiến nướu răng bị nổi cục không quá nghiêm trọng mà chỉ cần một chuyến đi tới phòng nha là có thể giải quyết rồi đấy.
Nguyên nhân nướu răng nổi cục thịt
Nhiều người thường thắc mắc nướu răng nổi cục thịt, nướu răng bị lồi thịt hoặc nổi cục cứng ở lợi không đau là do đâu? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!
1. U nang khiến nướu răng bị lồi thịt
U nang là một túi nhỏ chứa không khí, chất dịch lỏng hoặc các chất khác. Các túi này có thể xuất hiện ở nướu, xung quanh phần chân của răng chết hoặc răng mọc ngầm. U nang ở nướu thường phát triển chậm và ít khi có triệu chứng trừ khi bị nhiễm trùng. Nếu u nang bị nhiễm trùng, bạn có thể bị đau và sưng xung quanh vết u.
U nang nếu phát triển lớn có thể gây áp lực lên răng và khiến hàm yếu dần theo thời gian. Vậy nên, bạn cần đi khám thể bác sĩ thực hiện phẫu thuật loại bỏ u nang và xử lý chân răng chết nếu có để ngăn u nang quay trở lại.
2. Áp xe khiến chân răng nổi cục thịt
Áp xe trên nướu được gọi là áp xe nha chu và là một tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Vết sưng do áp xe có thể mềm, ấm và thường rất đau.
Áp xe nha chu ngoài việc khiến nướu răng nổi cục thịt hay chân răng nổi cục thịt còn có thể gây các triệu chứng như:
- Đau nhói đột ngột và tăng dần
- Đau một bên lan lên tai, lan rộng ra hàm và cổ
- Cơn đau nặng hơn khi bạn nằm xuống
- Đỏ và sưng ở nướu hoặc mặt
Nếu bị áp xe nha chu, bạn cần đến nha sĩ sớm để nha sĩ xử lý nguyên nhân gây nhiễm trùng và dẫn lưu mủ ra khỏi chỗ áp xe. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, nha sĩ có thể phải nhổ bỏ răng hoặc thực hiện lấy tủy răng.
3. Nhiệt miệng
Nhiệt miệng là những vết loét nhỏ ở miệng và có thể xuất hiện cả trên nướu. Tình trạng này tuy thường không đáng lo nhưng có thể gây đau. Một số triệu chứng của nhiệt miệng là:
- Miệng có đốm trắng hoặc vàng có viền đỏ
- Xuất hiện vết sưng nên có thể nhầm lẫn là nướu răng nổi cục thịt
- Đau dữ dội
- Đau khi ăn uống
Hầu hết các vết nhiệt miệng tự lành trong vòng một đến hai tuần. Trong thời gian này, bạn có thể tìm mua một số loại thuốc giảm đau không kê đơn để bôi.
4. U xơ: Nguyên nhân khiến chân răng nổi cục thịt
Theo các chuyên gia sức khỏe, đôi khi nguyên nhân khiến chân răng nổi cục thịt là do u xơ. U xơ miệng là những khối u không phải ung thư hình thành khi mô nướu bị kích ứng hoặc bị thương. Nướu có thể bị u xơ nếu bị kích ứng do răng giả hoặc các thiết bị răng miệng khác.
U xơ cũng có thể xuất hiện ở:
- Bên trong má
- Dưới răng giả
- Ở hai bên lưỡi
- Mặt trong của môi
U xơ thường là những cục u cứng, nhẵn, hình vòm và không đau. Đôi khi, u xơ có thể giống mụn thịt và có màu sắc sẫm hơn hoặc nhạt màu hơn phần còn lại của nướu. Thông thường, u xơ không cần điều trị nhưng bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ nếu u quá lớn.
5. U hạt nhiễm khuẩn
Tình trạng nướu răng nổi cục thịt có thể là do u hạt nhiễm khuẩn. U hạt nhiễm khuẩn ở miệng là một vết sưng đỏ, chứa máu và dễ chảy máu. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa rõ nhưng có thể do chấn thương nhẹ và kích ứng. Đôi khi, u hạt nhiễm khuẩn cũng xuất hiện ở phụ nữ đang mang thai nên nguyên nhân gây dẫn đến tình trạng này có thể là do sự thay đổi nội tiết tố.
Vết sưng u hạt nhiễm khuẩn thường:
- Mềm
- Không đau
- Có màu đỏ đậm hoặc tím
Nhìn chung, cách điều trị u hạt nhiễm khuẩn thường là phẫu thuật cắt bỏ khối u.
6. Bị nổi cục cứng ở lợi không đau do lồi xương hàm
Nướu răng nổi cục thịt không đau là do đâu? Câu trả lời là có thể bạn đang bị lồi xương hàm. Lồi xương hàm là tình trạng xương ở hàm trên hoặc hàm dưới phát triển tạo thành các cục u trong miệng. Hiện, các bác sĩ vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, lồi xương hàm lại là tác nhân phổ biến khiến nướu răng bị nổi cục.
Các vết u do tình trạng lồi xương hàm có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm, ở một hoặc cả hai bên hàm. Các vết này thường xuất hiện ở:
- Bên trong hàm dưới
- Xung quanh lưỡi
- Dưới hoặc trên răng
Tình trạng lồi xương hàm phát triển chậm và có thể gây ra khối u có nhiều hình dạng khác nhau. Các khối u này thường có cảm giác cứng và mịn khi chạm vào và ít khi cần điều trị.
7. Ung thư miệng
Ung thư miệng là tình trạng ung thư ở bất kỳ phần nào trong khoang miệng, bao gồm cả nướu răng khiến nướu răng nổi cục thịt hay chân răng nổi cục thịt. Khối u ung thư trên nướu răng có thể trông giống như một khối u hoặc vết sưng nhỏ. Các triệu chứng ung thư miệng khác bao gồm:
- Vết loét không lành
- Có một mảng trắng hoặc đỏ trên nướu
- Có vết loét chảy máu
- Đau lưỡi
- Đau hàm
- Răng lung lay
- Đau khi nhai hoặc nuốt
- Khó nhai hoặc nuốt
- Viêm họng
Nếu bạn lo lắng tình trạng nướu răng nổi cục thịt có thể do ung thư, hãy đi khám ngay. Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết nướu, một thủ thuật mà bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ từ vết sưng và kiểm tra tế bào ung thư. Nếu vết sưng đúng là ung thư, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để đưa ra kế hoạch điều trị như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật hoặc kết hợp cả ba.
Nướu răng nổi cục thịt cần chăm sóc răng miệng thế nào?
Khi nướu răng bị nổi cục, bạn nên đi khám sớm để nha sĩ có cách chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, bạn có thể thử một số cách chăm sóc tại nhà để giảm bớt các triệu chứng như sau:
- Súc miệng bằng nước muối
- Rửa vết sưng bằng nước tỏi
- Bôi dầu đinh hương hoặc dầu tràm trà vào vết sưng
Trong quá trình tự chăm sóc tại nhà, bạn cần theo dõi và đi khám ngay nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sốt
- Đau nhói
- Miệng hoặc hơi thở có mùi
- Vết loét trong miệng không lành
- Vết loét nặng hơn
- Cục u không biến mất sau một vài tuần
- Xuất hiện mảng đỏ hoặc trắng bên trong miệng hoặc trên môi
- Xuất hiện vết loét hoặc cục u chảy máu
Tình trạng nướu răng nổi cục thịt hay chân răng nổi cục thịt thường không nguy hiểm nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số tình trạng viêm nhiễm cần chữa trị. Bạn cần xác định đúng nguyên nhân để có thể chăm sóc vết u ở nướu đúng cách.
[embed-health-tool-bmi]