backup og meta

Vì sao bạn bị ê buốt chân răng? Hiểu rõ để phòng ngừa

Vì sao bạn bị ê buốt chân răng? Hiểu rõ để phòng ngừa

Việc bị ê buốt chân răng có thể khiến người bệnh rất khó chịu, không thể ăn uống ngon miệng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Hiểu rõ vì sao răng bị ê buốt sẽ giúp bạn phòng tránh hiệu quả hơn.

Có bao giờ bạn cảm thấy răng đau nhức khi ăn đồ lạnh hoặc đồ nóng chưa? Nếu có thì có lẽ bạn đã bị ê buốt chân răng. Vậy tại sao bạn lại bị tình trạng này? Tìm hiểu ngay những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau đây.

Ê buốt chân răng là bệnh gì?

Ê buốt chân răng hay còn gọi là răng nhạy cảm xảy ra khi phần ngà răng lộ ra ngoài do mô nướu bị tụt. Chân răng thường không có lớp men cứng bao phủ bên ngoài nên khi phần nướu tụt sẽ làm lộ lớp ngà răng và các ống thần kinh nhỏ. Do đó, khi thức ăn – đồ uống tiếp xúc với phần ngà răng và các ống thần kinh sẽ gây kích thích các dây thần kinh trong răng và khiến bạn đau nhức.

Bạn thường dễ bị đau buốt răng khi uống hoặc ăn những thức ăn nóng hoặc lạnh. Một số người có thể bị nhạy cảm khi ăn uống đồ ngọt hay chua. Cơn đau nhức răng thường không kéo dài, chỉ xuất hiện và biến mất trong khoảng thời gian ngắn.

Vì sao bạn bị ê buốt chân răng?

ê buốt chân răng

Có rất nhiều nguyên nhân khiến chân răng bị ê buốt, chẳng hạn như:

  • Đánh răng quá mạnh hoặc dùng bàn chải có lông quá cứng: Theo thời gian, điều này có thể làm mòn lớp men răng và để lộ các ống dây thần kinh nhỏ. Khi các ống này tiếp xúc với đồ ăn, đồ uống quá nóng/lạnh hoặc các loại đồ ăn có tính axit và dính, răng có thể bị ê buốt và gây khó chịu. 
  • Thường xuyên ăn những thực phẩm có tính axit: Khi các ống thần kinh nhỏ của răng bị lộ ra ngoài, việc ăn những thực phẩm như cà chua, chanh, bưởi… có thể khiến bạn bị đau răng. 
  • Có thói quen nghiến răng: Thói quen nghiến răng có thể làm mòn men răng, theo thời gian sẽ làm lộ phần ngà hoặc lớp giữa của răng – nơi chứa các ống thần kinh nhỏ. 
  • Sử dụng kem đánh răng làm trắng răng: Một số sản phẩm kem đánh răng có chứa chất làm trắng, có thể không phù hợp với người có răng nhạy cảm. 
  • Sử dụng nước súc miệng không phù hợp: Giống như kem đánh răng, việc sử dụng một số loại nước súc miệng có chứa cồn và các hóa chất khác có thể là nguyên nhân khiến răng dễ bị nhạy cảm hơn. 
  • Bệnh viêm nướu: Tình trạng viêm nướu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tụt nướu và gây đau buốt chân răng.
  • Quá nhiều mảng bám trên răng: Điều này sẽ gây mòn men răng và khiến răng dễ nhạy cảm hơn.
  • Vừa làm các thủ thuật nha khoa: Bạn có thể cảm thấy đau buốt chân răng sau khi cạo vôi răng, lấy tủy răng, nhổ răng hoặc gắn mão răng. Nếu các triệu chứng không biến mất sau vài ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

Đôi khi, các tình trạng khác có thể là nguyên nhân dẫn đến ê buốt chân răng. Ví dụ, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể khiến axit trào lên từ dạ dày và thực quản và làm mòn men răng theo thời gian. Các tình trạng gây nôn mửa thường xuyên – bao gồm liệt dạ dày và chứng ăn vô độ – cũng có thể khiến axit ăn mòn men răng.

Sâu răng, gãy răng, miếng trám hoặc mão răng bị sứt mẻ hoặc mòn men răng có thể làm lộ ngà răng, gây ê buốt. Trong trường hợp này, bạn thường chỉ cảm thấy ê buốt ở một răng hoặc một vùng cụ thể trong miệng thay vì đau hết các răng.

Làm sao để điều trị ê buốt chân răng?

ê buốt chân răng

Một số biện pháp tại nhà có thể giúp bạn phòng ngừa và giảm nhẹ các triệu chứng ê buốt chân răng như:

  • Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Bạn nên chải răng và dùng chỉ nha khoa đúng cách để loại bỏ tất cả mảng bám thức ăn trong mọi kẽ răng. Bạn nên đánh răng nhẹ nhàng và cẩn thận xung quanh đường viền nướu để không làm mất nhiều mô nướu hơn.
  • Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm: Điều này sẽ giúp ít mài mòn bề mặt răng và ít kích ứng nướu hơn. 
  • Sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm: Hiện nay có nhiều dòng kem đánh răng dành riêng cho răng dễ bị ê buốt. Khi sử dụng thường xuyên, bạn sẽ cảm thấy tình trạng nhạy cảm giảm dần. Bạn cũng có thể sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride để tăng cường men răng và giảm đau.
  • Hạn chế ăn những thực phẩm có tính axit.
  • Tránh nghiến răng: Nếu bạn có thói quen nghiến răng khi ngủ thì có thể mua dụng cụ bảo vệ hàm để giúp ngăn hàm trên và hàm dưới tiếp xúc với nhau.
  • Chăm sóc răng miệng định kỳ: Thường xuyên đi khám răng và cạo vôi răng định kỳ mỗi 6 tháng.

Sau khi áp dụng các biện pháp trên đây nhưng tình trạng ê buốt chân răng không thuyên giảm, bạn cần đến gặp nha sĩ ngay. Họ có thể đề nghị làm một số thủ thuật để điều trị răng nhạy cảm như:

  • Trám răng để che phần chân răng bị lộ ra.
  • Cho bạn bôi Fluoride Varnish lên chân răng để tăng cường men răng. 
  • Trám bít hố rãnh để che phần ngà răng, giúp ngăn cản các yếu tố gây kích thích như nhiệt độ hay axit không thể tiếp xúc với ngà răng và gây đau.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng sâu răng hoặc tổn thương chân răng nghiêm trọng cần phải đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị và ngăn ngừa biến chứng:

  • Đột nhiên đau răng mà không rõ nguyên nhân
  • Đau buốt ở một chân răng
  • Có cơn đau nhói ở răng thay vì đau nhẹ
  • Bề mặt răng bị ố vàng hoặc có màu bất thường
  • Đau răng khi cắn hoặc nhai.

Hy vọng với những thông tin mà Hello Bacsi cung cấp ở trên, bạn đã hiểu rõ vì sao răng bị ê buốt, nắm rõ các biện pháp giúp phòng tránh tình trạng răng miệng này hiệu quả hơn.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Teeth Sensitivity. https://www.bupa.co.uk/dental/dental-care/symptoms/sensitive-teeth. Ngày truy cập 22/4/2022

Teeth Sensitivity. https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/expert-answers/sensitive-teeth/faq-20057854#:~:text=Sensitive%20teeth%20are%20typically%20the,worn%20filling%2C%20or%20gum%20disease. Ngày truy cập 22/4/2022

Teeth Sensitivity. https://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/s/sensitive-teeth. Ngày truy cập 22/4/2022

Teeth Sensitivity. https://www.dentalhealth.org/sensitive-teeth. Ngày truy cập 22/4/2022

Teeth Sensitivity. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/10954-teeth-sensitivity . Ngày truy cập 22/4/2022

Phiên bản hiện tại

03/05/2022

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

10 lời khuyên chăm sóc răng miệng từ nha sĩ mà bạn nên nhớ

Đeo khẩu trang nhiều có sao không? Cách chăm sóc sức khỏe răng miệng trong mùa dịch


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 03/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo