backup og meta

Răng không đều: Hãy đi chỉnh nha để tự tin hơn

Răng không đều: Hãy đi chỉnh nha để tự tin hơn

Răng không đều khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu và giải pháp nào giúp bạn mang nụ cười tự tin trở lại?

Răng mọc không đều có 3 dạng bao gồm:

  • Dạng 1: Răng quá ít hoặc quá nhiều, mọc lộn xộn
  • Dạng 2: Răng mọc lệch, không đúng cung hàm (hô, móm…)
  • Dạng 3: Kích thước răng không đồng đều nhau

Vậy răng không đều phải làm sao? Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến răng mọc lệch, tác hại và cách làm răng đều nhé!

Nguyên nhân khiến răng không đều

Mút ngón tay khiến răng không đều

Cả răng sữa và răng vĩnh viễn đều có khả năng phát triển không đều. Răng sữa đôi khi di chuyển không đúng vị trí vì kích thước răng quá nhỏ để lấp đầy những khoảng trống mà nướu răng đã tạo ra để phân bố răng.

Trường hợp răng sữa mọc không đều không có nghĩa là răng vĩnh viễn cũng sẽ bị tình trạng tương tự. Tuy nhiên, nếu trong quá trình mọc răng vĩnh viễn, răng sữa mọc chen chúc nhau cũng có thể tác động tiêu cực đến tổng thể răng vĩnh viễn.

Các vấn đề ảnh hưởng đến hàm răng sữa và hàm răng vĩnh viễn bao gồm:

1. Kích thước hàm

Chế độ ăn hiện đại thường là những thực phẩm mềm, đã chế biến khiến người tiêu dùng ít phải nhai hơn so với thực phẩm mà tổ tiên chúng ta đã ăn.

Sự thay đổi này đã làm thay đổi kích thước hàm tổng thể của con người bắt đầu nhỏ hơn. Các nhà khoa học tin rằng sự tiến hóa của hàm nhỏ và ngắn hơn có thể là nguyên nhân khiến răng mọc chen chúc, mọc lệch và không đều.

2. Thói quen xấu

Thói quen xấu lặp đi lặp lại ảnh hưởng đến các cơ hoặc chức năng của vùng miệng hoặc mặt bao gồm:

  • Mút ngón tay
  • Mút núm vú giả
  • Thở đường miệng
  • Dùng lưỡi đẩy răng
  • Mở nắp chai bằng răng

3. Lệch khớp cắn

Thông thường, một hàm răng đều nghĩa là các điểm của răng trên khớp với các rãnh của răng dưới của bạn. Khi các khớp cắn này không đúng sẽ gây ra tình trạng malocclusion. Những vấn đề lệch khớp cắn phổ biến bao gồm hàm răng hô (overbite) và hàm răng móm (underbite).

Răng hô xuất hiện có thể do răng hàm dưới phát triển không đủ hoặc răng hàm trên phát triển quá mức hoặc do răng cả hai hàm đều phát triển sai. Răng móm là tình trạng xương hàm dưới phát triển quá mức khiến cấu trúc khoang miệng nhô ra phía trước nhiều, khi ngậm miệng, xương hàm dưới sẽ bao phủ xương hàm trên.

4. Tính di truyền

Nếu một trong hai người hoặc cả cha lẫn mẹ có hàm răng không đều, thì cũng có thể là bạn cũng mắc phải tình trạng tương tự. Bạn cũng có thể bị hàm hô hoặc hàm móm do di truyền.

5. Chăm sóc răng miệng kém

Khi bạn không kiểm tra răng miệng định kỳ sẽ khó phát hiện được các vấn đề về răng miệng tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh nướu và sâu răng cho đến khi chúng phát triển. Đặc biệt là ở độ tuổi nhỏ, điều này có thể khiến răng mọc không đều và các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.

6. Chế độ dinh dưỡng kém

Chế độ dinh dưỡng kém có thể dẫn đến sâu răng và răng phát triển kém. Đặc biệt là ở trẻ em, đây là mối nguy cơ tiềm ẩn của tình trạng răng không đều.

7. Chấn thương mặt

Nếu gặp phải chấn thương vùng mặt hoặc miệng tác động đến vị trí của răng trong hàm có thể làm xô lệch một hoặc nhiều răng, khiến hàm răng không đều.

Tác hại của răng không đều

Cười thiếu tự tin do răng không đều

Trong hầu hết các trường hợp, răng không đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Ví dụ, răng tác động đến khả năng ăn nhai khiến bạn đau mỗi khi tiêu thụ thực phẩm.

Răng không đều có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác bao gồm:

• Bệnh nha chu: Răng không đều khiến bạn khó vệ sinh kỹ hơn thông thường, điều này có thể dẫn đến sâu răng và bệnh nướu răng. Nếu không được điều trị, bệnh nướu răng có thể dẫn đến viêm nha chu, nhiễm trùng nghiêm trọng hơn gây hại cho xương và răng.

• Ảnh hưởng tiêu hóa: Răng không đều cũng có thể cản trở việc nhai đúng cách, khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn để làm mềm thức ăn và có thể gây ra vấn đề tiêu hóa.

• Mòn răng: Răng không đều có thể gây ra sự hao mòn quá mức trên răng, nướu và cơ hàm. Điều này lâu dần sẽ dẫn đến mẻ răng, căng hàm, rối loạn khớp thái dương hàm và đau đầu mãn tính.

• Khó nói: Tình trạng răng mọc lệch có thể làm ảnh hưởng đến cách phát âm, khiến bạn nói không rõ chữ.

• Mất tự tin: Răng không đều sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm, khiến hàm bị lệch ảnh hưởng tính thẩm mỹ. Khi không hài lòng với ngoại hình bên ngoài, bạn sẽ dễ bị mất tự tin và xu hướng tránh tiếp xúc trong xã hội.

Hướng dẫn cách làm đều răng

Niềng răng điều trị răng không đều

Để tìm hướng điều trị phù hợp giúp thẳng hàm và chuẩn khớp cắn, bạn hãy đến những nha khoa, bệnh viện răng hàm mặt uy tín để được các bác sĩ, nha sĩ tư vấn.

Niềng răng là một lựa chọn tuyệt vời cho người có hàm răng không đều ở hầu hết mọi lứa tuổi, với điều kiện là răng và nướu của bạn vẫn còn đủ khỏe. Niềng răng có thể là một phương pháp mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là ở trẻ em, do trẻ có nướu răng, mô mềm dẻo và linh hoạt giúp răng dễ dàng di chuyển. Việc điều trị có thể mất từ ​​hai đến ba năm tùy thuộc vào loại niềng răng bạn chọn và tình trạng hiện tại. 

Các loại phương pháp chỉnh nha bạn có thể cân nhắc chọn lựa bao gồm:

• Niềng răng mắc cài kim loại: Đây là phương pháp phổ biến hiện nay với chi phí thấp, hiệu quả cao, nhưng không có tính thẩm mỹ.

• Niềng răng mắc cài bằng sứ: Phương pháp này đắt tiền hơn và mang lại tính thẩm mỹ cao hơn.

• Niềng răng mắc cài tự buộc: Là phương pháp sử dụng phần mắc cài có hệ thống cố định phần dây của mắc cài, giúp giảm bớt lực ma sát với răng và giản thời gian chỉnh nha.

• Niềng răng trong suốt: Đây là kỹ thuật mới với các khay niềng trong suốt có tên là invisalign, có thể tháo ra dễ dàng và tính thẩm mỹ cao. Phương pháp này có giá thành khá cao.

• Bọc răng sứ: Phương pháp này tái tạo lại hình thể răng tự nhiên với màu sắc răng đồng đều không cần niềng. Tuy nhiên, phương pháp bọc răng sứ khi thực hiện có mức độ xâm lấn cao đến răng và chỉ dành cho răng mọc lệch ở mức độ không quá nghiêm trọng.

• Phẫu thuật hàm răng: Đây là một sự lựa chọn thường mất ít thời gian hơn để đạt được kết quả mong muốn. Bác sĩ chỉnh nha sẽ thực hiện cắt chỉnh hàm giúp đưa hàm trở về đúng vị trí, sao cho hai khớp cắn khít nhau và cải thiện tình trạng.

Độ tuổi phù hợp nhất để niềng răng điều trị răng không đều là khoảng từ 9 tuổi tới 18 tuổi. Do trong giai đoạn này, cấu trúc xương vẫn đang phát triển, dễ để tác động vào xương và di chuyển các răng về vị trí mong muốn.

Chi phí chỉnh nha răng không đều

Tùy vào tình trạng răng và phương pháp mà bạn lựa chọn sẽ có mức chi phí chỉnh nha răng không đều khác nhau bao gồm:

  • Chi phí niềng răng mắc cài kim loại: Khoảng 25 – 33 triệu.
  • Chi phí niềng răng mắc cài sứ: Khoảng 38 – 46 triệu.
  • Chi phí niềng răng mắc cài kim loại tự buộc: Khoảng 40 – 48 triệu.
  • Chi phí niềng răng trong suốt: Khoảng 80 – 120 triệu.
  • Chi phí bọc răng sứ: Dao động 1 – 7 triệu/răng.
  • Chi phí phẫu thuật hàm răng: Dao động dưới 100 triệu.

Mức chi phí chỉnh nha răng không đều trên đây chỉ mang giá trị tham khảo, bạn nên đến nha khoa hoặc bệnh viện để được tư vấn rõ hơn về giá cả.

Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến răng không đều, tác hại và cách làm răng đều. Trước khi quyết định chỉnh nha, bạn hãy tìm hiểu thông tin nha khoa, bệnh viện có uy tín để được thực hiện mang lại hiệu quả như ý muốn nhé!

Hoàng Trí HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What Causes Crooked Teeth and How to Straighten Them
https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/crooked-teeth
Ngày truy cập 09.12.2019

What Causes Crooked Teeth?
https://www.colgate.com/en-us/oral-health/cosmetic-dentistry/adult-orthodontics/what-causes-crooked-teeth-0518-
Ngày truy cập 09.12.2019

Are crooked teeth hereditary?
https://myobrace.com/en-au/what-causes-crooked-teeth
Ngày truy cập 09.12.2019

Phiên bản hiện tại

29/03/2021

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Niềng răng làm thay đổi khuôn mặt: Liệu bạn có mũi cao và cằm V line?

Niềng răng hô làm sao cho xứng đáng với giá tiền bạn bỏ ra?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 29/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo