backup og meta

Vùng kín có mùi hôi tanh: Hiểu rõ nguyên nhân để cải thiện hiệu quả

Vùng kín có mùi hôi tanh: Hiểu rõ nguyên nhân để cải thiện hiệu quả

Âm đạo có mùi nhẹ là điều bình thường, nhưng đôi khi vùng kín có mùi hôi tanh có thể đáng lo ngại. Tình trạng này khiến nhiều chị em tự ti, thậm chí là lo lắng mình có mắc bệnh phụ khoa gì không? Thực chất, có khá nhiều nguyên nhân khiến âm đạo có mùi tanh. Mỗi nguyên nhân có thể gây ra những triệu chứng khác nhau và cần được điều trị theo phương pháp riêng.

Vì vậy, bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp thông tin chi tiết để giải đáp vấn đề vì sao “cô bé” có mùi tanh. Sau đó là chia sẻ cho chị em những cách cải thiện mùi hôi tanh ở vùng kín hiệu quả.

Nguyên nhân khiến vùng kín có mùi hôi tanh

Như đã đề cập, có nhiều nguyên nhân khiến vùng kín có mùi hôi tanh. Mỗi nguyên nhân hoặc tác nhân gây mùi hôi sẽ có những triệu chứng khác nhau. Để điều trị hoặc cải thiện mùi hiệu quả, bạn không nên bỏ qua việc tìm hiểu chi tiết các nguyên nhân và nhận biết đúng triệu chứng. Sau đây là thông tin chi tiết về những nguyên nhân khiến âm đạo có mùi tanh: 

1. Viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn (Bacterial Vaginosis – BV) là một trong những nguyên nhân chính khiến vùng kín có mùi hôi tanh. Tình trạng này là kết quả của việc hệ vi sinh vật trong âm đạo bị mất cân bằng. Trong đó, những vi khuẩn gây viêm nhiễm như Mobiluncus, Gardnerella vaginalisBacteroides sẽ phát triển quá mức trong khi những vi sinh vật có lợi lại giảm đi.

Ngoài vấn đề âm đạo có mùi tanh, viêm âm đạo do vi khuẩn còn gây ra những triệu chứng khác như kích ứng, ngứa; khí hư lỏng, màu trắng, xám hoặc xanh. Việc quan hệ với nhiều bạn tình hoặc quan hệ không an toàn cũng là nguy cơ khiến bạn dễ mắc bệnh.

Trong một số trường hợp, thay đổi nội tiết tố (chẳng hạn như khi mang thai hoặc mãn kinh) hoặc thụt rửa âm đạo cũng là nguyên gây viêm âm đạo do vi khuẩn.

2. Nhiễm trùng roi Trichomonas

vùng kín có mùi hôi tanh

Nhiễm trùng roi âm đạo Trichomonas vaginalis có thể lây truyền qua đường tình dục. Các triệu chứng (nếu có) khi nhiễm bệnh bao gồm âm đạo có mùi tanh, tiết dịch vàng xanh có bọt, sưng đau âm đạo, tiểu buốt và ngứa bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhiễm trùng roi thường không có triệu chứng. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên đi kiểm tra định kỳ nếu có quan hệ tình dục không an toàn.

3. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng đường tiểu là căn bệnh phổ biến ở nữ giới. Bệnh có thể khiến nước tiểu của bạn có mùi hôi, từ đó ảnh hưởng đến mùi của âm đạo. Các triệu chứng khác bao gồm tiểu buốt, đau, nóng rát, khả năng kiểm soát bàng quang kém…

4. Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu cũng là một nguyên nhân lý giải vì sao vùng kín có mùi hôi tanh. Về cơ bản, viêm vùng chậu là hậu quả của tình trạng nhiễm trùng âm đạo lan lên vùng chậu và các cơ quan sinh sản bao gồm tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.

Nếu bị viêm vùng chậu, bạn có thể nhận thấy âm đạo có mùi tanh và có thể kèm theo dấu hiệu chảy máu khi quan hệ tình dục. Viêm vùng chậu không được điều trị có thể gây vô sinh hoặc làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Do đó, nếu có những triệu chứng bất thường kể trên thì bạn cần đi khám càng sớm càng tốt.

5. Vùng kín có mùi hôi tanh do đổ nhiều mồ hôi

Đổ mồ hôi khi tập thể dục hoặc trời quá nóng là điều bình thường. Đôi khi, âm đạo có mùi tanh có thể là do vùng kín của bạn ra nhiều mồ hôi khi trời nóng hoặc vận động mạnh. Trong trường hợp này, bạn có thể cải  thiện mùi hôi bằng cách tắm rửa, thay đồ lót thường xuyên và dùng đồ lót có chất liệu thấm hút tốt.

6. Chế độ ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự cân bằng nồng độ pH của “cô bé”. Nếu ăn uống lành mạnh, bạn sẽ nhận thấy mùi âm đạo đỡ hôi tanh hơn. Vì vậy, chị em cần đảm bảo ăn uống đủ chất, lành mạnh để vừa có lợi cho sức khỏe vừa hạn chế tình trạng vùng kín có mùi hôi tanh.

Tìm hiểu thêm Ăn gì để cô bé thơm tho? 5 thực phẩm làm thơm vùng kín

7. Vùng kín có mùi hôi tanh do “tới tháng” và vệ sinh kém

vùng kín có mùi hôi tanh

Đôi khi, bạn có thể nhận thấy âm đạo có mùi tanh trước khi bắt đầu “ngày đèn đỏ” là do sự thay đổi của vi khuẩn và nồng độ axit. Khi hành kinh, vùng kín có mùi hôi tanh cũng là điều bình thường. Vì máu kinh nguyệt trộn lẫn với hệ vi sinh vật ở âm đạo có thể khiến “cô bé” thay đổi mùi. Đôi khi, vấn đề này có thể trở nên tệ hơn nếu bạn mang băng vệ sinh quá lâu hoặc chăm sóc vùng kín sai cách (chẳng hạn như vệ sinh âm đạo bằng xà phòng, thụt rửa quá sâu…).

Thông thường, vùng kín có mùi hôi tanh sẽ kéo dài cho đến sau “ngày đèn đỏ”. Hầu hết trường hợp là không đáng lo ngại. Điều quan trọng là bạn cần thay băng vệ sinh thường xuyên và giữ cho “cô bé” luôn khô ráo, sạch sẽ.

Có thể bạn quan tâm: Bạn nên thay băng vệ sinh mấy tiếng một lần để vùng kín luôn sạch sẽ?

Ngoài ra, theo các chuyên gia sức khỏe, việc vùng kín có mùi hôi tanh còn có thể là do viêm âm đạo do nấm hay một số bệnh phụ khoa lây nhiễm qua đường tình dục như chlamydia và bệnh lậu.

Mách bạn cách cải thiện tình trạng vùng kín có mùi hôi tanh

Nếu nghi ngờ âm đạo có mùi tanh, sưng ngứa là do nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Đối với các trường hợp bình thường, bạn có thể cải thiện mùi hôi bằng một số giải pháp đơn giản sau đây:

  • Vệ sinh “cô bé” bằng dung dịch nước rửa phụ khoa phù hợp hoặc chỉ nên rửa bằng nước. Tránh dùng xà phòng, sữa tắm hoặc sản phẩm chứa hương liệu để làm sạch vùng kín.
  • Tránh thụt rửa âm đạo vì hành động này có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh cũng như làm giảm khả năng tự làm sạch của âm đạo.
  • Không mặc đồ lót quá chật. Thay vào đó, bạn nên mặc đồ lót có chất liệu thoáng mát, dễ chịu và vừa vặn. Nếu “tới tháng” hoặc ra nhiều mồ hôi, bạn cần vệ sinh và thay đồ lót/ băng vệ sinh thường xuyên.
  • Việc tiêu thụ một số thực phẩm có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể nói chung và mùi âm đạo nói riêng, chẳng hạn như măng tây, bông cải xanh, tỏi, hành tây, một số loại cá… Tuy nhiên, những thực phẩm này không gây hại cho sức khỏe nên bạn không cần kiêng cữ hoàn toàn. Thay vào đó, bạn chỉ cần hạn chế ăn nếu nhận thấy vùng kín có mùi hôi tanh.
  • Dùng men vi sinh có thể hữu ích trong việc khôi phục sự cân bằng vi khuẩn cho ruột và môi trường âm đạo. Bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại men vi sinh phù hợp.

Trên thực tế, mùi của âm đạo có thể thay đổi trong suốt chu kỳ hàng tháng của bạn. Trường hợp vùng kín có mùi hôi tanh do đổ nhiều mồ hôi hoặc do bạn đang có kinh thường không đáng lo ngại. Bạn chỉ cần chăm sóc “cô bé” đúng cách để ngăn mùi khó chịu. Ngược lại, nếu âm đạo có mùi tanh kéo dài kèm theo ngứa, đỏ, rát, tiết dịch bất thường… thì bạn nên sớm đi khám để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị bệnh viêm nhiễm nếu có.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

8 Causes of Fishy Vaginal Odor and What to Do About It

https://flo.health/menstrual-cycle/health/symptoms-and-diseases/fishy-vaginal-odor Truy cập ngày 13/06/2022

Lately my vagina has a fishy smell, even after I clean it. What could it be?

https://www.plannedparenthood.org/learn/ask-experts/lately-my-vagina-has-a-fishy-smell-even-after-i-clean-it-what-could-it-be Truy cập ngày 13/06/2022

What causes it to smell “down there” (my vagina)?

https://youngwomenshealth.org/2015/04/17/what-causes-it-to-smell-down-there-my-vagina/ Truy cập ngày 13/06/2022

Vaginal Odor

https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17905-vaginal-odor#possible-causes Truy cập ngày 13/06/2022

What You Need to Know If Your Vagina Has a Fishy Odor

https://www.healthline.com/health/vaginal-health/what-you-need-to-know-if-your-vagina-has-a-fishy-odor Truy cập ngày 13/06/2022

Phiên bản hiện tại

20/06/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Giải mã hiện tượng bất thường: Chảy máu vùng kín nhưng không đau!

5 nguyên nhân khiến vùng kín bị thâm đen và cách làm trắng trở lại


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 20/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo