backup og meta

Ứ dịch lòng tử cung là gì, có nguy hiểm không?

Ứ dịch lòng tử cung là gì, có nguy hiểm không?

Ứ dịch lòng tử cung là hiện tượng thường xảy ra ở các sản phụ mới sinh. Tùy vào từng trường hợp thì hiện tượng có thể dẫn đến nguy hiểm hoặc không. Quan trọng là sản phụ nhận biết được các triệu chứng thường gặp và cách xử lý, phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho bản thân. 

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu tất tần tật những thông tin xoay quanh hiện tượng này!

Ứ dịch lòng tử cung là gì?

Khi người mẹ sinh con hoặc nạo phá thai (đình chỉ thai kỳ), một phần các chất nhầy (sản dịch) và phần nhau sẽ được đưa ra ngoài cùng với thai nhi. Tuy nhiên, không phải tất cả sản dịch đều đã ra ngoài mà sẽ được cơ thể đào thải dần dần thông qua đường âm đạo sau khi sinh hoặc đình chỉ thai kỳ trong một khoảng thời gian. Đây là hiện tượng bình thường mà sản phụ nào cũng sẽ trải qua. 

Thành phần của sản dịch lòng tử cung:

  • Máu
  • Nước ối
  • Mô niêm mạc tử cung
  • Vi khuẩn, vi sinh vật
  • Màng thai còn sót lại
  • Chất nhầy cổ tử cung

Tuy nhiên, khi sản dịch bị nghẽn lại bên trong tử cung và không thể thoát ra ngoài thì hiện tượng này được gọi là ứ dịch lòng tử cung hay là bế sản dịch

Bị ứ dịch lòng tử cung sẽ có triệu chứng gì?

triệu chứng ứ dịch lòng tử cung

Thông thường sản dịch thường được tống xuất ra ngoài theo 3 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu, sản dịch chủ yếu là máu và chất tiết ra rất nhiều. Sau đó, vào giai đoạn 2 và giai đoạn 3 khi tử cung và dạ con đã hồi phục, cơ thể sẽ tiết ít dịch hơn và sản dịch cũng thay đổi từ màu đỏ nâu sang màu vàng, trắng. Cuối cùng là màu trong. Lúc này, cơ thể sản phụ đã khỏe lên rất nhiều so với lúc trước. 

Quá trình đào thải sẽ diễn ra từ 2 – 4 tuần và tối đa là 45 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi sản dịch bị ứ lại trong tử cung (ứ dịch lòng tử cung) sẽ tạo ra một vài biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy nên, sản phụ cần chú ý đến một số dấu hiệu như: 

  • Dịch tiết ra nặng mùi
  • Đau bụng trong nhiều ngày 
  • Sốt cao liên tục hơn 37,8°C
  • Không thấy hoặc sản dịch ra rất ít
  • Vùng bụng xuất hiện cục cứng, khi ấn vào cảm thấy rất rõ ràng
  • Chảy máu nhiều hơn một miếng băng vệ sinh trong một giờ hoặc có cục máu đông lớn… 

Bạn có thể xem thêm: Sản dịch ra cục máu đông có đáng lo ngại? Khi nào mẹ cần đi khám?

Nguyên nhân 

Nguyên nhân gây ứ dịch lòng tử cung là gì?

Trong trường hợp bình thường, tử cung sẽ phình ra khi mang thai. Vậy nên lúc em bé vừa mới ra đời, phần tử cung này vẫn còn to nhưng sau đó sẽ co lại để hạn chế chảy máu và cầm máu cho cơ thể. Nhờ quá trình co bóp này các chất dịch nhầy (sản dịch) cũng được đào thải ra ngoài theo đúng 3 giai đoạn đã kể trên. 

Trong trường hợp ứ dịch lòng tử cung, sức khỏe mẹ còn yếu nên tử cung co bóp kém, ít vận động sau sinh nên sản dịch không tiết ra hết. Cũng có vài trường hợp sản phụ sinh mổ khi chưa chuyển dạ, tử cung vẫn còn đóng khiến dịch bị ứ lại bên trong. Ngoài ra, ứ dịch lòng tử cung sau khi phá thai cũng là hiện tượng phổ biến. 

Ứ dịch trong tử cung nguy hiểm như thế nào?

Dù không phải ai cũng giống nhau nhưng tựu chung, sản dịch có mùi như máu kinh nguyệt hoặc có mùi chua, ôi thiu. Tuy nhiên, sản dịch sẽ không có mùi tanh hoặc hôi. Nếu nhận thấy sản dịch có mùi tanh, hôi có nghĩa là vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong và gây ra nhiễm trùng.

Vậy, ứ dịch trong tử cung có nguy hiểm không? Tình trạng ứ dịch trong tử cung sẽ gây ra nhiều biến chứng cho sản phụ như rối loạn đông máu, chảy máu không cầm được (băng huyết), nhiễm trùng phụ khoa,… và gây nguy hiểm đến tính mạng sản phụ. 

Làm sao để hết ứ dịch lòng tử cung?

ứ dịch lòng tử cung
Làm sao để hết ứ dịch lòng tử cung

Nếu xuất hiện các triệu chứng trên thì rất có thể bạn đang gặp tình trạng ứ dịch lòng tử cung. Để đảm bảo chắc chắn thì việc đi khám phụ khoa để được siêu âm là cần thiết. 

Có 2 trường hợp xảy ra khi phát hiện ứ dịch lòng tử cung:

  • Nếu trong trường hợp chưa bị viêm nhiễm thì cách điều trị cũng khá đơn giản và dễ dàng. Bác sĩ sẽ dùng thuốc co hồi tử cung dạng tiêm hoặc dạng uống, dạng đặt để thúc đẩy quá trình co bóp của tử cung và đẩy sản dịch còn lại ra ngoài. 
  • Nếu trường hợp có dịch nhiều hoặc gặp các vấn đề khác thì cách điều trị cũng khá tốn kém và phức tạp hơn. Bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ nong cổ tử cung và hút sản dịch ra. Vậy hút sản dịch có nguy hiểm không? Các dụng cụ đều được khử trùng sạch sẽ để tránh tình trạng gây viêm nhiễm cho sản phụ. 

Ngoài ra, bạn còn có thể thực hiện một số biện pháp hỗ trợ khác để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau sinh và phòng ngừa ứ dịch lòng tử cung như:

  • Tắm bằng nước ấm
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ hàng ngày
  • Sử dụng băng vệ sinh lớn trong vòng 6 tuần đầu sau sinh
  • Mặc đồ lót hoặc quần áo dễ giặt sạch bởi dịch tiết ra có thể làm bẩn quần áo
  • Không nằm gác chân lên nhau, sản dịch sẽ không thoát được ra ngoài và gây hiện tượng ứ dịch lòng tử cung
  • Tập thể dục hoặc giãn cơ nhẹ nhàng vài ngày sau khi sinh hoặc khi bạn đã thấy sẵn sàng để bắt đầu điều trị ứ dịch lòng tử cung. Ban đầu bạn có thể đặt mục tiêu tập từ 20 – 30 phút mỗi ngày, thậm chí 10 phút cũng được. Nếu thấy đau hoặc chóng mặt, mệt mỏi thì nên dừng tập ngay lập tức.
  • Đừng quên đi vệ sinh và uống nước, sữa, nước trái cây thường xuyên để tránh nhiễm trùng và giúp bàng quang hoạt động như trước nhé!

Tóm lại, ứ dịch lòng tử cung không quá nguy hiểm nhưng không nên vì thế mà bỏ qua các triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù nhiều chị em mong muốn mau chóng được quay trở lại với các hoạt động thường ngày nhưng cơ thể bạn vẫn cần thời gian để phục hồi. Vì vậy, hãy chú ý đến bản thân mình và liên hệ ngay với các nhân viên y tế nếu thấy các dấu như đã kể ở trên.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1/ Lochia

https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/22485-lochia. Ngày truy cập 21/10/2022

2/ Vaginal delivery – discharge

https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000628.htm. Ngày truy cập 21/10/2022

3/ Your body after the birth

https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/after-the-birth/your-body/. Ngày truy cập 21/10/2022

4/ Keeping fit and healthy with a baby

https://www.nhs.uk/conditions/baby/support-and-services/keeping-fit-and-healthy-with-a-baby/#:~:text=If%20you%20had%20a%20straightforward,such%20as%20aerobics%20or%20running. Ngày truy cập 21/10/2022

5/ Dấu hiệu bế sản dịch ở phụ nữ sau sinh

https://soyte.hanoi.gov.vn/kham-chua-benh-pho-bien-kien-thuc-y-hoc/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/dau-hieu-be-san-dich-o-phu-nu-sau-sinh. Ngày truy cập 21/10/2022

Phiên bản hiện tại

25/07/2024

Tác giả: Lê Phương Thảo

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Sau sinh bao lâu hết sản dịch? Mẹ cần lưu ý gì về sản dịch sau sinh?

Sản dịch sau sinh mổ: Thế nào và bao lâu là bình thường?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Lê Phương Thảo · Ngày cập nhật: 25/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo