backup og meta

11 nguyên nhân trễ kinh thường gặp mà các chị em nên biết!

11 nguyên nhân trễ kinh thường gặp mà các chị em nên biết!

Có rất nhiều nguyên nhân trễ kinh làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Đó có thể là mất cân bằng hormone, thay đổi lối sống hoặc các tình trạng sức khỏe từ nhẹ đến nghiêm trọng. 

Thật ra, có 2 thời điểm trong cuộc đời mà sự bất thường của kinh nguyệt lại không đáng lo ngại: giai đoạn bắt đầu dậy thì và giai đoạn mãn kinh. Khi cơ thể bạn trải qua quá trình chuyển đổi, chu kỳ kinh nguyệt bình thường có thể trở nên không đều. Tuy nhiên, bạn cũng không thể chủ quan nếu tình trạng này kéo dài. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ chia sẻ nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều.

11 nguyên nhân trễ kinh thường gặp mà các chị em nên biết

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, có rất nhiều nguyên nhân khiến chị em phụ nữ bị trễ kinh, chẳng hạn như:

1. Mang thai

Mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất khiến chị em bị trễ kinh. Nếu sau quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tráng thai, việc bị trễ kinh khoảng 1 tuần có thể là dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng chị em đã mang thai.

Để xác định xem mình trễ kinh là do đã cấn thai hay không, chị em có thể dùng que thử thai tại nhà để kiểm chứng hoặc đến cơ sở y tế để được siêu âm, xét nghiệm máu đo nồng độ beta-hCG.

2. Cho con bú

Trong thời gian nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, nhiều chị em có thể có kinh nguyệt ít, chu kỳ kinh không đều, thậm chí là vô kinh. Do đó, nhiều chị em tin rằng cho con bú hoàn toàn có thể giúp tránh thai sau sinh.

Thực tế là mẹ cho con bú hoàn toàn thì khả năng mang thai thấp hơn nhưng khi kinh nguyệt xuất hiện trở lại thìquá trình rụng trứng hoàn toàn có thể xảy ra, và bạn vẫn có khả năng mang thai nếu có quan hệ mà không dùng biện pháp ránh thai. Thế nên, nếu chưa muốn “vỡ kế hoạch”, các mẹ sau sinh nên sử dụng các phương pháp ngừa thai thích hợp nhé!

3. Trễ kinh do căng thẳng

Tình trạng căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến lượng hormone của phái nữ, làm thay đổi thói quen hàng ngày và thậm chí ảnh hưởng đến cách mà não bộ của bạn hoạt động trong việc điều chỉnh các chu kỳ. Theo thời gian, căng thẳng sẽ khiến hệ miễn dịch của cơ thể bạn yếu đi, tăng hoặc giảm cân đột ngột và khiến kinh nguyệt bất thường.

Nếu nghĩ rằng căng thẳng chính là nguyên nhân trễ kinh, bạn hãy thử thực hành các bài tập giúp thư giãn và thay đổi lối sống theo hướng tích cực. Bạn nên vận động nhiều hơn để giúp cơ thể trở lại bình thường.

4. Nhẹ cân cũng là nguyên nhân trễ kinh

nguyên nhân trễ kinh do nhẹ cân

Phụ nữ bị rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần và ói, có thể trải qua giai đoạn mất kinh nguyệt. Cân nặng quá thấp (cụ thể là chỉ số khối cơ thể BMI thấp) sẽ thay đổi cách cơ thể bạn hoạt động và ngừng quá trình rụng trứng. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ trở lại bình thường nếu chứng rối loạn ăn uống được điều trị và cân nặng được nâng lên. Lưu ý là những phụ nữ tham gia các hoạt động thể thao với cường độ nặng như chạy marathon cũng có thể bị chậm kinh nguyệt.

[embed-health-tool-bmi]

5. Béo phì

Giống như nhẹ cân có thể gây ra sự thay đổi hormone, tình trạng thừa cân, béo phì cũng gây ra những ảnh hưởng tương tự. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống và tập luyện. Ngoài ra, tình trạng béo phì còn ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ nữa đấy.

6. Rối loạn chức năng buồng trứng

nguyên nhân trễ kinh do buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng rối loạn chức năng buồng trứng với các biểu hiện: cơ thể sản sinh ra nhiều hormone androgen nam giới, kinh thưa hay vô kinh, rối loạn rụng trứng, hình ảnh buồng trứng đa nang. Loại rối loạn này không những ảnh hưởng đến kinh nguyệt mà còn gây rối loạn chuyển hóa, vô sinh và nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Một tình trạng ít gặp hơn là phụ nữ trễ kinh do suy buồng trứng sớm, điều này có nhiều tác động xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần lâu dài của phụ nữ. 

7. Sử dụng thuốc ngừa thai: Nguyên nhân trễ kinh thường gặp

Một số người có thể gặp phải sự thay đổi trong chu kỳ của mình khi sử dụng hoặc ngưng dùng thuốc ngừa thai. Thuốc ngừa thai có chứa các hormone (phối hợp estrogen và progestin hoặc progestin đơn thuần) làm ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn và thay đổi nội mạc tử cung nên sẽ có tác động thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Đôi khi sẽ mất đến 6 tháng để chu kỳ trở lại sau khi ngưng sử dụng thuốc. Các loại thuốc tránh thai dạng cấy ghép hoặc tiêm cũng khiến kinh nguyệt diễn ra không đều hoặc thậm chí không có kinh nguyệt.

8. Nguyên nhân trễ kinh: Do mắc bệnh mạn tính

nguyên nhân trễ kinh

Các loại bệnh mạn tính như tiểu đường và celiac cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Sự thay đổi lượng đường trong máu có liên quan đến việc các hormone thay đổi. Do đó, dù hiếm gặp nhưng nếu bệnh đái tháo đường không kiểm soát tốt sẽ làm cho chu kỳ rối loạn. Bên cạnh đó, bệnh celiac gây ra viêm nhiễm sẽ tổn thương đến ruột non, từ đó ngăn cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khiến kinh nguyệt không đều.

Ngoài ra, các bệnh lý mạn tính khác có thể gây rối loạn kinh nguyệt là hội chứng Cushing, hội chứng Asherman, tăng sản thượng thận bẩm sinh…

9. Các vấn đề về tuyến giáp

Tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc không hoạt động cũng có thể là nguyên nhân trễ kinh hoặc mất kinh. Tuyến giáp có nhiệm vụ điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Do đó, mức hormone cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Tin vui là các vấn đề về tuyến giáp thường có thể được điều trị bằng thuốc và chu kỳ sẽ trở lại bình thường sau đó.

10. Tác dụng phụ của thuốc

Việc dùng một số loại thuốc để điều trị bệnh như thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm, thuốc tuyến giáp, thuốc hóa trị liệu… có thể gây ra những tác dụng phụ, là nguyên nhân trễ kinh mà chị em đang gặp phải. Do đó, trong trường hợp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị về các tác dụng phụ mà mình đang gặp phải. Bác sĩ có thể xem xét việc giảm liều hay đề ra loại thuốc thay thế phù hợp.

11. Mãn kinh sớm

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, hầu hết phụ nữ thường bắt đầu thời kỳ mãn kinh trong độ tuổi khoảng từ 45-55. Nếu các triệu chứng mãn kinh xuất hiện trong độ tuổi 40 hoặc trước đó thì được xem là mãn kinh sớm (suy buồng trứng sớm). Điều này có thể khiến chị em chậm kinh ở vài chu kỳ và cuối cùng là kinh nguyệt ngừng hẳn.

Cần biết rằng tình trạng suy buồng trứng sớm có thể là hậu quả của việc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng nhưng cũng có nhiều nguyên nhân khác như rối loạn di truyền hoặc tình trạng tự miễn dịch. Vì thế, nếu trẻ hơn 40 tuổi và đang bị chậm kinh, bạn nên sắp xếp để có thể đi thăm khám sớm.

Trễ kinh: Khi nào chị em nên đi khám?

nguyên nhân chậm kinh

Tình trạng chậm kinh có thể xảy ra ở bất cứ nữ giới nào đã xuất hiện kinh nguyệt. Tuy nhiên, có những yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ hơn, chẳng hạn như chế độ dinh dưỡng, bệnh sử gia đình, bệnh phụ khoa, bệnh mạn tính… Chính vì thế, chị em nằm trong các nhóm nguy cơ kể trên nên thăm khám sớm, trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cách phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ bị trễ kinh.

Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn là một yếu tố thể hiện tình trạng khỏe mạnh của chức năng sinh sản. Việc xác định đúng nguyên nhân trễ kinh sẽ giúp bạn tìm được cách điều chỉnh phù hợp để điều hòa chu kỳ của bản thân. Hello Bacsi chúc bạn luôn khỏe mạnh và đừng quên gia nhập cộng đồng Sức khỏe phụ nữ để cập nhật nhiều thông tin bổ ích bạn nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

8 Reasons Why Your Period Is Late

https://health.clevelandclinic.org/why-is-my-period-late  Ngày truy cập 24/6/2024

Missed or late periods

https://www.nhs.uk/conditions/missed-or-late-periods/ Ngày truy cập 24/6/2024

Irregular Periods

https://kidshealth.org/en/teens/irregular-periods.html Ngày truy cập 24/6/2024

There are many reasons your period might be late or irregular.

https://sexualwellbeing.org.nz/adv/periods/late-and-irregular-periods/ Ngày truy cập 24/6/2024

What causes a late period with a negative pregnancy test

https://www.medicalnewstoday.com/articles/322893 Ngày truy cập 24/6/2024

 

Phiên bản hiện tại

22/07/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

7 mẹo hay cho ông chồng muốn cùng vợ chuẩn bị mang thai

5 lí do khiến bạn đột ngột mất kinh dù không mang thai


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Văn Thuận

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 22/07/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo