Thuốc điều hòa kinh nguyệt là một trong những lựa chọn cho chị em phụ nữ mỗi khi gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
Vậy có nên uống thuốc điều hòa kinh nguyệt trong trường hợp này hay không? Bên cạnh thuốc giúp ổn định kinh nguyệt thì có cách nào để điều hòa kinh nguyệt hay không? Nếu bạn cũng đang tìm câu trả lời thì cùng HelloBacsi tìm hiểu nội dung dưới đây!
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường diễn ra sau mỗi 28 – 35 ngày. Thời gian hành kinh khoảng từ 3 – 5 ngày và lượng máu kinh của mỗi chu kỳ khoảng từ 50 – 80ml.
Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, số ngày có kinh và số lượng máu kinh so với những chu kỳ thông thường trước đó.
Dấu hiệu có thể nghi ngờ rằng bạn bị rối loạn kinh nguyệt:
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 8 ngày.
- Đã lâu không có kinh nguyệt: hơn 3 tháng hoặc 3 chu kỳ không xuất hiện kinh nguyệt.
- Các triệu chứng đi kèm: kinh nguyệt kèm theo triệu chứng đau bụng dữ dội, chuột rút, buồn nôn.
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều: thời gian của chu kỳ kinh nguyệt dưới 24 ngày hoặc trên 38 ngày.
- Lượng máu ít hoặc nhiều hơn bình thường: lượng máu trong kỳ hành kinh trong một chu kỳ nhiều hơn 80ml.
- Chảy máu hoặc bị ra máu giữa các kỳ kinh: xuất huyết tử cung bất thường ở phụ nữ đã ở độ tuổi mãn kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Thuốc điều hòa kinh nguyệt là gì?
Thuốc điều hòa kinh nguyệt là loại thuốc được bác sĩ chỉ định sử dụng trong trường hợp nữ giới gặp các vấn đề bất thường về chu kỳ kinh nguyệt như: rối loạn kinh nguyệt, hơn 3 tháng chưa có kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn hoặc quá dài hơn 8 ngày,…
Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc để điều hòa và giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định trở lại.
Thuốc điều kinh có bao nhiêu loại?
1. Thuốc điều kinh có nguồn gốc thảo dược
Những loại thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên như ích mẫu, ngải cứu, gừng, hương phụ, diếp cá, nghệ… sẽ được bào chế thành thuốc ở dạng siro hoặc viên uống.
- Ưu điểm của thuốc điều kinh có nguồn gốc thảo dược là ít tác dụng phụ và giá thành hợp lý.
- Nhược điểm của loại thuốc này là thời gian điều trị dài và người bệnh cần phải kiên trì uống bổ sung đều đặn mới đạt được hiệu quả nhất định.
Một điểm nữa cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều kinh có thành phần thảo dược là chúng chỉ phù hợp với các rối loạn nhẹ, còn những trường hợp do bệnh lý gây ra như lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm vùng chậu, suy giảm chức năng buồng trứng… thì hầu như không phát huy tác dụng.
2. Thuốc có thành phần hormone
Một số loại thuốc tránh thai chứa hormone estrogen và progesterone có thể được các bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) để giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định hơn, cũng như cải thiện các triệu chứng do hội chứng này gây ra.
- Ưu điểm: giúp cân bằng hormone trong cơ thể và cải thiện bệnh tình nhanh chóng.
- Nhược điểm: Thuốc có tác dụng phụ làm tim đập nhanh, khó ngủ, khiến tâm trạng dễ thay đổi.
Có nên uống thuốc điều hòa kinh nguyệt không?
Câu trả lời là tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng rối loạn kinh nguyệt của bạn. Bên cạnh đó, khi bị rối loạn kinh nguyệt hay kinh nguyệt không đều bạn không nhất thiết phải uống thuốc; vì có thể khắc phục bằng các phương pháp tự nhiên.
Vậy có những cách nào để điều hòa kinh nguyệt?
Cách điều hòa kinh nguyệt tự nhiên
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Bạn có thể thử thay đổi một chút thói quen ăn uống hàng ngày như ăn ít muối, giảm tiêu thụ cà phê, giảm đường, hạn chế rượu bia, thuốc lá,…
Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh: Bạn nên ngủ đủ giấc, tập thể dục và vận động nhẹ nhàng mỗi 2 – 3 buổi mỗi tuần; mỗi buổi khoảng 30 phút.
Duy trì trạng thái tinh thần cân bằng: Chị em tránh để tâm lý căng thẳng, cơ thể mệt mỏi bằng cách cân bằng giữa thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý.
Thăm khám phụ khoa định kỳ để kiểm tra sức khỏe với bác sĩ tối thiểu 12 tháng/lần.
Cách điều hòa kinh nguyệt bằng thuốc tân dược
Thuốc tân dược là thuốc uống điều kinh nguyệt phổ biến hiện nay. Loại thuốc này có thành phần tương tự như thuốc tránh thai. Thuốc chứa các thành phần nội tiết tố nữ như: thuốc chứa metformin, thuốc kết hợp giữa estrogen và progesterone,… giúp cân bằng và làm ổn định nội tiết tố trong cơ thể.
Chính vì vậy mà uống thuốc điều hòa kinh nguyệt cũng là cách để hỗ trợ chu kỳ kinh nguyệt ổn định trở lại một cách hiệu quả.
Các loại thuốc hỗ trợ làm ổn định kinh nguyệt xét theo tình trạng bệnh:
- Thuốc điều hòa nội tiết tố (Hormonal birth control): Đây có thể được xem là các loại thuốc tránh thai kết hợp estrogen và progestin để điều hòa kinh nguyệt.
- Thuốc chứa tranexamic acid: Loại thuốc này giúp điều hòa kinh nguyệt trở lại nếu bạn gặp phải tình trạng ra máu rất nhiều trong những ngày hành kinh.
- Thuốc giảm đau: Tình trạng kinh nguyệt không đều kèm theo những cơn đau âm ỉ, bác sĩ có thể chọn cho bạn những loại thuốc không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen.
- Thuốc kháng sinh: Bạn có thể uống thuốc kháng sinh để hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn nếu nguyên nhân khiến bạn bị chảy máu là do nhiễm trùng
- Thuốc gonadotropin: Đây là loại giúp giúp kiểm soát tình trạng âm đạo ra máu quá nhiều; đồng thời làm ngưng kinh nguyệt của bạn.
Lưu ý khi sử dụng thuốc uống điều kinh nguyệt
Cho dù bạn đang dùng loại thuốc nào, bạn cũng cần tuân thủ các lưu ý sau:
Lưu ý khi dùng thuốc ổn định kinh nguyệt
- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Phòng trường hợp dùng quá liều và các tương tác thuốc có thể xảy ra.
- Thuốc điều hòa kinh nguyệt có thể mang lại hiệu quả, nhưng bạn không nên lạm dụng mỗi khi thấy chu kỳ kinh nguyệt bất thường.
- Những trường hợp có bệnh nền như bệnh tim, bệnh gan, tiểu đường thai kỳ,… bạn cần chủ động thông báo với bác sĩ để được tư vấn và chọn được loại thuốc điều hòa kinh nguyệt phù hợp.
Đối tượng nào không nên uống thuốc điều hòa kinh nguyệt?
Thực tế là không phải ai cũng nên sử dụng thuốc điều hòa kinh nguyệt. Sau đây là một số trường hợp rối loạn kinh nguyệt nhưng không phải bất thường hay việc điều trị thuốc điều kinh sẽ có tác dụng:
- Đang mang thai và cho con bú.
- Không điều kinh trong giai đoạn dậy thì hoặc tiền mãn kinh.
- Gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần như lo âu hoặc stress.
- Luyện tập thể dục ở cường độ cao và đang trong giai đoạn tăng / giảm cân đột ngột.
- Ra máu âm đạo bất thường do các nguyên nhân thực thể như polyp buồng tử cung, u xơ tử cung, bệnh về máu.
Tóm lại, để phòng ngừa tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bạn không chỉ nên ăn uống và tập luyện trong thời gian ngắn mà hãy xây dựng những thói quen tốt này thành cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thực hiện khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân một cách chủ động.
[embed-health-tool-ovulation]